Hãy để bác sĩ giỏi được
làm việc đúng chuyên môn
PGS, TS Hoàng Bùi Hải
Phó Giám đốc Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 (trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)
Những người làm ngành y đã trải qua thời khắc hơn 2 năm khó nhất. Chúng tôi cùng ra trận chỉ biết dùng tất cả khả năng có thể để chiến đấu với giặc Covid-19. Trong khi đó, các dịch bệnh khác vẫn diễn ra, bệnh nhân nặng cần hồi sức cấp cứu vẫn nằm đông ở các tuyến. Nhu cầu điều trị quá lớn, có lúc hệ thống y tế rơi vào khốn khó cả về trang thiết bị và nhân lực.
Sự thiếu thốn trong ngành y đã bộc lộ, trong đó nhân lực hồi sức cấp cứu có một khoảng trống rất lớn để chúng tay sẵn sàng ứng phó với đại dịch. Mảng hồi sức tích cực hay truyền nhiễm trước nay bị xem nhẹ, né tránh vì khó khăn, vất vả thì nay nhiều nhân viên y tế phải bắt tay học tập gấp rút. Họ phải làm những thứ vốn bản thân không giỏi với yêu cầu rất cao, cấp thiết và phải đối mặt với áp lực rất lớn nên thời gian qua là giai đoạn khó khăn vất vả với rất nhiều nhân viên y tế. Những người làm hồi sức cấp cứu như chúng tôi càng khó khăn, vất vả hơn nữa, vừa cáng đáng công tác đào tạo, vừa tham gia công tác phòng dịch, tiêm chủng vaccine.
Khó khăn trong nghề, áp lực tâm lý khi phải chứng kiến quá nhiều mất mát, bất lực, thiếu thốn, phải chịu những cơn sốc tâm lý, quả thật, nếu không có lòng yêu nghề thực thụ, không vượt qua được những so sánh hơn thiệt, không thể giữ vững y đức của một người bác sĩ là cứu người tới cùng.
Áp lực với xã hội bao nhiều thì áp lực với nhân viên y tế còn cao hơn nữa. Đã có người từng muốn bỏ nghề, có người đã bỏ nghề nhưng phần lớn vẫn trụ lại. Rõ ràng, tình yêu nghề, lương y của một người thầy thuốc được thể hiện mạnh mẽ nhất trong khó khăn.
Covid-19 là một giai đoạn để “thử lửa” nghề. Tôi chứng kiến nhiều người đồng nghiệp ban đầu không lựa chọn theo ngành hồi sức cấp cứu, nhưng vì yêu cầu đối phó với đại dịch khẩn cấp, họ bắt đầu bén duyên và xông pha, sẵn sàng hy sinh ở trên tuyến đầu điều trị. Nhiều đồng nghiệp gác bỏ gia đình, gác bỏ những nhu cầu riêng để ngày ngày vừa làm việc chuyên môn chăm sóc người bệnh tại bệnh viện, vừa trở thành người nhà của người bệnh qua điện thoại. Họ đã giúp cộng đồng hàng nghìn người vượt qua đại dịch. Ở họ, tôi nhìn thấy có cả sự hy sinh, lòng yêu nghề và tính chuyên nghiệp.
Một trong những điều giúp chúng tôi duy trì được tình yêu nghề, đó là sự động viên của cộng đồng xã hội, của người dân. Một trong những may mắn nhất qua đại dịch là ngành y lấy lại lòng tin của người bệnh, của cộng đồng.
Tính nghi kỵ, soi mói, hạch sách, không có lòng tin của một bộ phận người dân vào tính chuyên nghiệp của bác sĩ thật sự “bay biến”. Họ hoàn toàn tin vào nhân viên y tế, họ chờ đợi, kiên nhẫn và hợp tác.
Chính lòng tin tuyệt đối tin tưởng của người bệnh khiến chúng tôi sẵn sàng phục vụ vì sự sống còn của người bệnh.
Tôi nhìn thấy các đồng nghiệp, học trò của mình đã tiếp nối được tinh thần kiên cường, đoàn kết, trách nhiệm, tính hy sinh của thế hệ cha ông đi trước. Chúng tôi có thời điểm nói với nhau: “Nếu không đi chống dịch, mình sẽ rất hèn”. Có những người ban đầu đi chống dịch vì phân công nhưng khi bước vào cuộc chiến, họ trở nên trách nhiệm và đầy tự hào khi đã cùng đồng đội vượt qua thời khắc lịch sử. Và dần dần sau đó có rất nhiều người xung phong vào nơi khó khăn nhất trong khu điều trị. Nhiều nhân viên y tế bị nhiễm Covid-19, phải ở tại chỗ cách ly thấy tù túng, xin được đi làm để phục vụ F0 trong khu điều trị.
Ngành y tế bước qua đại dịch với nhiều tổn thất, nhưng cũng mang theo đó được nhiều bài học lớn. Hết dịch này, tương lai có thể chúng ta đối mặt với đại dịch khác. Nhìn nhận lại, đại dịch Covid-19 đã bộc lộ những lỗ hổng của ngành y tế, đó là sự đầu tư không đồng đều giữa các chuyên ngành, giữa Trung ương và địa phương, giữa các cơ sở đào tạo. Nhân viên y tế vẫn luôn cần có chính sách khuyến khích bằng lương để đủ sống bằng đồng lương của mình, có chính sách khuyến khích cho bác sĩ về vùng sâu, vùng xa.
Qua đại dịch, chuyên ngành hồi sức cấp cứu thể hiện vai trò rất lớn, là phên dậu, là vách ngăn cho cả bệnh viện, giữ được tính mạng cho người bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh viện hay bảo hiểm chỉ chi trả cho một cuộc mổ, nhưng việc cứu cả tính mạng lại không tính chi phí. Người làm hồi sức cấp cứu có trách nhiệm rất lớn để bảo đảm an toàn cho bệnh nhân trong hành trình dài nhưng lại chưa được coi trọng, chưa được tính các chi phí cơ hội. Tôi nghĩ phải có cơ chế riêng mới khuyến khích bác sĩ trẻ yêu ngành hồi sức cấp cứu.
Trong đào tạo, hiện nay Việt Nam đang chưa có có ngành đào tạo cấp cứu trước viện, chưa có bác sĩ và ngành nghề cấp cứu trước viện. Với đại dịch vừa qua tại TP Hồ Chí Minh, lỗ hổng trong cấp cứu trước viện rất rõ ràng và nếu không có lực lượng này, bệnh nhân được đưa cấp cứu tới bệnh viện có thể bị trễ. Cần chú trọng đào tạo các bác sĩ phải có kiến thức về hồi sức cấp cứu và cách xử trí để có thể tham gia vào công tác chống bất kỳ đại dịch nào.
Tôi cũng mong rằng, trong tương lai gần, ngành y tế hãy để bác sĩ chuyên môn giỏi làm việc chuyên môn còn người lãnh đạo bệnh viện có một ngạch đào tạo riêng.
Theo tôi, 80% nhân viên y tế muốn làm chuyên môn, chỉ có 20% làm quản lý. Vậy tại sao chúng ta không học nước ngoài, có trường đào tạo quản lý bệnh viện để họ thực hiện đúng vai trò quản lý, thu phục bác sĩ giỏi làm việc, tạo cơ chế để có được trang thiết bị tốt nhất làm nghề.
Ngành y tế cũng cần có cơ chế để bác sĩ yên tâm làm việc. Không một bác sĩ nào trong nghề muốn chứng kiến tai biến hay sự cố nghề nghiệp. Nhưng nếu có một sự vụ sai sót y khoa, bác sĩ bị “treo dao”, đình chỉ và phải theo kiện tụng thì sẽ không ai còn tâm trí để cống hiến. Bởi vậy, tôi nghĩ chúng ta cần sớm có bảo hiểm hành nghề cho nhân viên y tế và khi xảy ra sự cố, hãng bảo hiểm và luật sư sẽ đứng ra làm việc với gia đình bệnh nhân.
Nếu chúng ta không sớm tiếp cận vấn đề này, sẽ làm người bác sĩ mất đi ranh giới nhạy cảm, mất đi những quyết định táo bạo trong nghề mà chỉ làm theo trách nhiệm, tròn vai. Làm việc trong ngành y thật sự gian khổ, thách thức và không an toàn, nếu không yêu nghề sẽ rất khó để cống hiến tận tâm.