Nghề y
không có chỗ cho
tư lợi và ích kỷ

BS, TS Nguyễn Ngọc Hòa

Giám đốc Trung tâm Đột quỵ
Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An


Nghề y vẫn luôn luôn là một nghề cao quý trong những nghề cao quý. Đó là một nghề đặc biệt, ở đó không có chỗ dành cho sự tư lợi và ích kỷ mà chỉ có sự cống hiến, hy sinh và đồng cảm với nỗi đau của đồng loại. Khi bạn bị người khác nguyền rủa cũng đừng vội nóng nảy và tức giận, cũng chẳng cần phải thanh minh mạnh mẽ quá vì bổn phận của bạn là phục vụ và giúp đỡ người khác. Bạn nên tuân lệnh, không phải tuân lệnh người khác mà tuân lệnh chính trái tim mình.

Nếu bạn muốn giàu có thì tôi khuyên bạn đừng trở thành bác sĩ bởi trong nghề y, khi bạn có tiền cũng không có nghĩa là bạn sẽ thực sự hạnh phúc.

Khi một người bệnh của bạn mắc một căn bệnh hiểm nghèo, bạn đã chiến thắng nó sau một thời gian khó khăn, bạn sẽ cảm thấy thực sự hạnh phúc. Bạn chắn chắn sẽ vui vẻ khi nhìn thấy bệnh nhân khoẻ hơn từng ngày.

Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm trên Google câu chuyện về bác sĩ trẻ người Singapore, Richard Teo Keng Siang. Câu chuyện của anh ấy không chỉ đầy cảm động và ý nghĩa, ở khía cạnh nào đó nó có thể làm thay đổi cuộc sống của chúng ta. Nhiều người biết đến anh ấy, đặc biệt là giới sinh viên Y khoa Singapore và những người có đức tin, khi anh chia sẻ cuộc hành trình của chính cuộc đời mình trong những ngày tháng cuối đời chống chọi với căn bệnh ung thư phổi hiểm nghèo. Người ta biết đến anh, nhớ về anh không phải vì anh đã thành công trong sự nghiệp mà là câu chuyện cảm động của anh và những bài học anh đã rút ra từ bi kịch cuộc đời mà anh trải qua. Anh ấy đã nghĩ rằng tiền bạc sẽ mang lại hạnh phúc, và rồi đã kịp nhận ra không phải nghèo là bất hạnh. Anh ấy kết luận: “Hạnh phúc thực sự không có được khi chỉ sống cho riêng mình!”

Thời gian qua, biết bao đồng nghiệp của tôi đã vất vả ngày đêm, trường kỳ chiến đấu trên khắp các mặt trận chống lại virus SARS-CoV-2: từ lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, tham gia các trung tâm hồi sức điều trị Covid-19, các bệnh viện dã chiến đến tiêm vaccine cho người dân... Những công việc chẳng quản ngày hay đêm, ngày nắng hay ngày mưa, mùa hè nóng nực hay mùa đông giá rét. Những bộ đồ phòng hộ xanh hay trắng len lỏi khắp mọi nẻo đường đã trở thành hình tượng có lẽ không bao giờ quên với nhiều người. Bao nhiêu đồng đội của tôi đã hy sinh? Bao nhiêu người đã nhiễm Covid-19? Bao nhiêu người đã phải xa gia đình, bạn bè, đồng nghiệp để đi khắp nơi hỗ trợ chống dịch? Nếu không vì y đức và lửa nghề, liệu chúng tôi có thể đứng vững trong trận chiến khắc nghiệt và trường kỳ này không?

Chúng tôi không hề run sợ khi chiến đấu với thần chết đang đến từng giây với người bệnh, không sợ virus corona nguy hiểm vô hình đang rình rập khắp nơi. Chúng tôi luôn nghĩ đến những gì sẽ phải làm cho bệnh nhân của mình, cho cộng đồng mình chứ không có thời gian để nghe những lời khen hay chê từ người khác.

Chúng tôi hiểu rằng một bác sĩ có thể được vinh danh sau cả một đời cống hiến vất vả, nhưng anh ấy cũng có thể bị dìm xuống hố chỉ sau một sơ suất nhỏ. Cuộc sống là vậy. Bạn buộc phải lựa chọn cách sống cho riêng mình. Cách sống cho riêng bạn không phải là sự lựa chọn đúng đắn, mà còn phải sống cho cả người khác nữa. Chỉ khi đó bạn mới cảm thấy thoải mái và hạnh phúc với nghề bác sĩ cao quý.

Y đức không chỉ là đạo đức đơn thuần mà nó còn bao gồm tri thức y khoa. Khi bạn được đánh giá có y đức, có nghĩa rằng bạn không thể là một bác sĩ kém chuyên môn.

Chính y đức thôi thúc bạn, dẫn dắt bạn trau dồi và học hỏi để ngày càng giỏi hơn về mặt y thuật. Trong y đức, có hai thứ quan trọng mà các bác sĩ cần có để hành nghề, đó là thuốc (chính là kiến thức, tay nghề) và tình thương.

Người bệnh đến với bạn cần hai thứ đó, thứ mà nhiều người đang cần trong thế giới hiện đại ngày nay. Mẹ Teresa (1914-1997), người phụ nữ sinh ra ở Albania nhưng được vinh danh công dân danh dự cao nhất ở Ấn Độ, được mệnh danh là “Vị Thánh của người cùng khổ”, một trong những khuôn mặt nổi bậc nhất của thế kỷ 20 và đã từng đoạt giải Nobel về Hoà bình năm 1979, đã nói rằng: “Chúng ta có thể điều trị bệnh thể chất bằng thuốc nhưng chỉ có thể điều trị sự cô đơn, trống trải và tuyệt vọng bằng tình thương.”

Có lẽ sẽ không có nhiều người phủ nhận sự vất vả của nghề y, đặc biệt trong hơn 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 hoành hành, sự hy sinh thầm lặng của họ mới được nhiều người nhìn thấy rõ hơn. Còn những người trong nghề đều hiểu rằng ngay cả khi chưa có dịch, áp lực công việc của họ là không hề nhỏ. Nhưng thực tế, thu nhập của ngành y so với mặt bằng chung của xã hội và so với sự cống hiến của họ vẫn còn chưa tương xứng. Mặc dù Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Y tế đã hết sức quan tâm đến chính sách của nhân viên y tế, nhưng thu nhập của họ vẫn chưa đủ để trang trải cuộc sống nên buộc họ phải làm thêm ngoài giờ.

Mới đây nhất, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương nâng phụ cấp ưu đãi nghề y lên 100%. Đây có lẽ là tin rất vui trước ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2 không những cho toàn thể nhân viên y tế mà cho cả những người luôn theo dõi và ủng hộ họ trong suốt thời gian qua.

Những bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa vào đại học, nếu các bạn muốn trở thành bác sĩ, tôi khuyên các bạn hãy suy nghĩ thật nghiêm túc rằng: Đừng nghĩ làm bác sĩ để làm giàu. Nghề y là một nghề rất vất vả, một nghề có bổn phận là phục vụ.

Ngoài tri thức y học phải được cập nhật thường xuyên, bạn phải có tấm lòng nhân ái, bao dung và sự đồng cảm với người khác, như một câu nói của Plato, nhà hiền triết Hy Lạp cổ đại: “Hãy có lòng nhân ái, bởi vì bất kì ai bạn gặp đều đang phải chiến đấu gian khổ hơn bạn”.

Khi bạn có trong tay Y ĐỨCLỬA NGHỀ, tôi tin bạn đã chọn đúng nghề cao quý nhất: NGHỀ Y.

Đến hôm nay, sau 24 năm ra trường, tôi vẫn luôn tự hào khi khoác trên mình chiếc áo choàng trắng - tượng trưng cho nghề nghiệp cao quý mà tôi đã lựa chọn suốt đời.