Không đủ
kiên trì và đam mê,
việc rời bỏ nghề
là tất nhiên

TS, BS Trương Anh Thư

Trưởng khoa Kiểm soát Nhiễm khuẩn
Bệnh viện Bạch Mai


Nhiều năm trong ngành kiểm soát nhiễm khuẩn, tôi vẫn mơ hồ một nỗi buồn khi công tác kiểm soát nhiễm khuẩn vẫn chưa được thật sự chú trọng. Bởi vậy, có rất nhiều người bệnh, vào viện vì một bệnh lý khác, nhưng lại tuột khỏi tay chúng tôi vì nhiễm khuẩn bệnh viện.

Dịch Covid-19 xảy ra bất ngờ trong bối cảnh kiểm soát nhiễm khuẩn còn khoảng trống lớn. Tôi đã đi qua nhiều trận địa nóng bỏng của đại dịch, tới đâu tôi cũng thấy, đôi khi chỉ những thực hành chống nhiễm khuẩn cơ bản, có thể đẩy lùi được nhiều phần nguy cơ lây nhiễm bệnh tật nhưng lại dễ bị xuề xòa, bỏ qua. Trong những cuộc chiến ở nhiều mặt trận điều trị Covid-19, nhiệm vụ đặt ra tối cấp thiết với chúng tôi là phải bảo vệ các nhân viên y tế không bị lây nhiễm chéo, người bệnh không tử vong vì nhiễm khuẩn bệnh viện. Chúng tôi xây dựng mọi thứ từ con số 0 về trang thiết bị. Nhưng khó khăn nhất chính là thuyết phục mọi người làm theo và tuân thủ kiểm soát nhiễm khuẩn.

Rồi từng bước, những gì chúng tôi mong muốn cũng được thành hình hài.

Khi thấy mình giúp được đồng đội, công việc có hiệu quả, chúng tôi tìm thấy động lực để bước tiếp. Khi xác định lựa chọn công việc để làm, tôi và đồng nghiệp của mình luôn nói với nhau phải làm hết trách nhiệm.

Với tôi, xác định phụng sự sức khỏe cho người dân là trách nhiệm thì sẽ thực hiện nhiệm vụ đến cùng.

Nhìn lại một hành trình gian khó nhất trong cuộc đời làm nhân viên y tế của bất kỳ ai, tôi thấy, nếu ai bị áp lực kinh tế trong khi bối cảnh dịch dã đòi hỏi sự dấn thân và hy sinh trước khối lượng công việc khổng lồ sẽ khó có thể theo được bền vững với nghề. Ở làn sóng dịch thứ tư, có nhiều nhân viên y tế nghỉ việc vì thu nhập, áp lực công việc quá lớn. Nhưng cũng có nhiều người trụ lại vì tình yêu công việc. Nếu không đủ lòng kiên trì, không đủ đam mê trong bối cảnh khó khăn thì việc rời bỏ là tất nhiên.

Bởi vậy, tôi nghĩ rằng, trong bối cảnh đại dịch, nhà nước cần động viên cán bộ y tế nhiều hơn về chế độ chính sách đãi ngộ ngay lập tức để họ vực dậy, duy trì công việc.

Đại dịch vẫn còn tiếp diễn, ngành y tế vẫn đang phải đối mặt với nhiều thử thách mới và nhiều lĩnh vực vẫn chưa được quan tâm, đầu tư. Tại nhiều cơ sở y tế, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn vẫn hạn chế, trang thiết bị tối thiểu triển khai công việc như xử lý dụng cụ, trang thiết bị cho vệ sinh, kiểm soát nhiễm khuẩn chưa được quan tâm, ảnh hưởng tới chất lượng công việc. Đó là điều cần phải thay đổi.

Nhiều bạn sinh viên y khoa đến bệnh viện chưa biết khái niệm kiểm soát nhiễm khuẩn nhưng vẫn bắt tay vào công việc chăm sóc người bệnh. Trong khi đó, kiểm soát nhiễm bệnh là nhiệm vụ của tất cả mọi người khi bước chân vào môi trường bệnh viện, từ việc nhỏ nhất như rửa tay, sát khuẩn đúng cách. Bởi vậy, tôi cho rằng, trong đào tạo sinh viên hiện nay, các cơ sở đào tạo y khoa cần trang bị cho các em có kiến thức kỹ năng cơ bản về kiểm soát nhiễm khuẩn để các em chủ động, áp dụng kiến thức kỹ năng, có thế mới hướng tới sự an toàn trong chăm người bệnh. Kiểm soát nhiễm khuẩn cần phải được coi là một bộ môn trong cơ sở đào tạo y khoa. Để khi đó, ai chọn theo ngành nghề này, sẽ có những khóa đào tạo cao hơn để phấn đấu trong sự nghiệp của mình.

Cho dù có dịch Covid-19 hay không, việc thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn phải trở thành thường quy. Ngoài virus SARS-CoV-2, trên thế giới còn còn hàng tỷ tác nhân nguy hiểm khác mà chúng ta đã, đang và sẽ phải đối mặt. Để bảo đảm cho bệnh viện an toàn, phải chú trọng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, tạo môi trường khám, chữa bệnh an toàn cho bệnh nhân và nhân viên y tế. Chúng ta không chờ dịch tới để làm điều đó, mà cần phải tạo thói quen tuân thủ tốt vì sức khỏe của mình. Chủ động phòng ngừa, có nền tảng tốt về công tác kiểm soát nhiễm khuẩn sẽ giảm thiểu tối đa hậu quả do đại dịch gây ra.