
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại Đắk Lắk, buôn Ea M’droh (huyện Cư M’gar) được mệnh danh là “buôn cháy”. Bởi đây là vùng căn cứ kiên trung, nơi đồng bào Ê Đê trong hàng chục năm đã âm thầm góp gạo nuôi bộ đội. Đến độ, kẻ thù đã phải phóng hỏa thiêu rụi cả bản làng hòng cắt đứt vùng hậu cứ cách mạng.
50 năm sau ngày Giải phóng, những ký ức và vết tích của bản anh hùng nuôi quân năm xưa vẫn còn hiển hiện trong tâm trí những người trong cuộc.
Già làng H’Răng Niê, năm nay đã gần 80 tuổi, ngồi lặng im trước sân nhà. Phía trước, cây phượng cằn cỗi đang đỏ rực màu hoa tháng 4. Dẫu hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng bà vẫn nhớ như in những ngày cả buôn Ê Đê đồng lòng hướng về cách mạng.
Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk ghi lại: Sau Hiệp định Genava, Đắk Lắk trực thuộc Quân khu V. Tới năm 1960, để tăng cường sự chỉ đạo đẩy mạnh phong trào cách mạng ở các địa bàn phía nam tỉnh, Liên Khu ủy V đã quyết định chia Đắk Lắk ra làm 4 đơn vị: B3, B4, B5 và B6. Trong đó, B6 bao gồm 3 huyện nông thôn ven thị xã Buôn Ma Thuột; 3 huyện bắc, nam và tây thị xã với mật danh K61, K62, K63.
Ea M’Droh chính là một địa điểm thuộc khu vực trung tâm K61. Chỉ vài tháng sau, lực lượng vũ trang và mặt trận K61 tiếp tục ra đời. Buôn Ê Đê của già làng H’Răng cũng trở thành căn cứ địa quan trọng nuôi giấu, tiếp sức cho cách mạng.
Già làng H’Răng Niê nhớ lại những ngày cả Buôn che chở cho bộ đội.
Già làng H’Răng Niê nhớ lại những ngày cả Buôn che chở cho bộ đội.
“Để giặc không nghi ngờ, bà con dùng tre nứa quây thành những ‘kho thóc’ giấu kín giữa đại ngàn. Thanh niên trai tráng, ngày đi làm rẫy, khuya về lại gùi gạo chất vào. Bộ đội ta sẽ được hướng dẫn tới lấy về làm lương thực”, bà H’răng nhớ lại.
Rồi lại chuyện, có lần địch vào buôn khám nhà, người dân cho cán bộ trốn lên gác bếp. Phía dưới vẫn phải đốt lửa để ngụy trang. Khói lan lên, chiến sĩ vẫn phải nằm im để không bị lộ.
Ngồi bên cạnh, ông Y Rang Niê K’đăm tiếp lời: Giai đoạn ấy, ông mới 6 tuổi nhưng vẫn nhớ cảnh đêm đêm, cán bộ cách mạng bí mật vào buôn tuyên truyền. Thanh niên, trai tráng, nghe theo tiếng gọi Tổ quốc cũng bỏ nhà vào rừng sâu hoạt động. Buôn chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ.
Biết bà con Ea M’Droh nuôi giấu cách mạng, địch điên cuồng tổ chức nhiều đợt càn vào buôn. Đỉnh điểm nhất là giai đoạn đầu năm 1962, chúng tràn tới, nổi lửa đốt sạch bản làng. Khi ấy, ông Y Rang Niê K’đăm tròn 5 tuổi. Ông kể, quãng 3-4 giờ chiều, lính Ngụy bắt đầu tới.
Ông Y Rang Niê K’đăm trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân.
Ông Y Rang Niê K’đăm trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân.
“Chúng đốt phá nhà, cướp bóc. Voi nuôi hoảng sợ vùng chạy bỏ vào rừng sâu. Mẹ tôi có hơn chục con trâu cũng mất sạch. Trong buôn, có một cụ già không kịp chạy nên chết cháy”, ông Y Rang kể, mắt đỏ ngầu.
Sau đó, địch dồn người dân vào ấp chiến lược. Không chịu cảnh tù túng, bà con Ea M’droh trốn chạy vào rừng trú ẩn, tiếp tục sản xuất phục vụ kháng chiến. Cũng từ đây, buôn mang tên Buôn cháy – như một dấu tích vừa nhức nhối, vừa đầy tự hào cho tấm lòng thủy chung, sắc son với cách mạng.
“Mất trâu bò, ruộng vườn, bà con đào củ dáy làm lương thực, đốt cỏ tranh làm muối. Người giỏi săn bắn đi bắn thú rừng để cải thiện thêm. Vất vả và khó khăn vô cùng, nhưng không ai theo giặc”, ông Y Rang kể tiếp.
Ở giữa đại ngàn khoảng 2 năm, mọi người được bố trí tái định cư tại Buôn Đôn. Trẻ con như ông Y Rang được đến trường. Lòng dân buôn Ea M’Droh xưa thì vẫn cứ kiên trung hướng về cách mạng.

Sau ngày giải phóng, 36 hộ dân Ê Đê trở về làng, bắt đầu một hành trình tái thiết mới. Mọi người cùng nhau dựng nhà, xin hạt giống về trồng cấy lại. Cũng giai đoạn này, bà H’Răng Niê, sau nhiều năm thoát ly theo cách mạng cũng trở về mảnh đất xưa để gây dựng lại cuộc sống. Tuy lam lũ, nhưng bản cách mạng vẫn cứ nặng nghĩa tình.
Chiều muộn một ngày đầu tháng 4, già làng Y Rang cưỡi chiếc xe máy cũ kỹ dẫn chúng tôi đi thăm lại Buôn cháy. Dọc con đường nhựa thênh thang, những lá cờ đỏ bay phấp phới trong gió đại ngàn. Cổng chào được trang hoàng dịp Kỷ niệm 50 năm Giải phóng Đắk Lắk còn thơm mùi sơn mới. Từ phía các triền rừng, người Ê Đê lùa những đàn bò trắng sừng dài về, lộc cộc, xôn xao cả một khoảnh trời.
Trưởng buôn Y Yong Niê Kđăm, em trai của già làng Y Rang, ngồi bên hiên nhà sàn nhìn ra phía ngoài, cười nói: So với trước đây, cuộc sống của người dân Ea M’Droh đã thực sự thay da đổi thịt. Nhà nước đưa điện, nước sạch về làng. Đường giao thông kéo dài tới các khu dân cư. Trường lớp được đầu tư khang trang, ngăn nắp. Đến nay, toàn buôn chỉ còn 35 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo. Có nhiều hộ đã vươn lên để có cuộc sống khá giả, ấm no.
Nhà trưởng buôn Y Yong vừa được dựng hồi đầu năm. Căn nhà sàn vẫn còn thơm mùi gỗ tếch là thành quả “có thể nhìn thấy được” của mấy vụ mùa cà-phê bội thu.
Trưởng buôn Y Yong Niê Kđăm hồi hởi thông tin về những đổi thay trên Buôn Cháy hôm nay.
Trưởng buôn Y Yong Niê Kđăm hồi hởi thông tin về những đổi thay trên Buôn Cháy hôm nay.
Gỗ dựng nhà là gỗ tếch, được tôi trồng trong rẫy 20 năm nay. Tiền dựng nhà từ tiền bán cà-phê trên diện tích 7.000m2. Năm rồi, trừ hết chi phí giống, phân bón, gia đình tôi cũng lãi vài chục triệu...
Điều đáng mừng hơn, những trường hợp như ông Y Yong không hề hiếm. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả ra đời. Số học sinh học đại học, cao đẳng, trung cấp không ngừng tăng theo thời gian. Người dân cũng đã bỏ đi nhiều hủ tục lạc hậu, hình thành nếp sống văn hóa mới.
Đặc biệt, di sản của tình quân dân năm nào, cả về vật chất lẫn tinh thần vẫn còn hiện hữu ở Ea M’droh như một thứ “của quý” mà người Ê Đê nơi đây vẫn giữ gìn. Hằng năm, tỷ lệ thanh niên tự nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ đều rất cao.
Chỉ tay vào một căn nhà dài nằm ngay bên trục lộ chính, ông Y Rang kể: Gần 20 năm sau ngày Giải phóng, bộ đội lại trở về vùng căn cứ xưa, cùng chính quyền địa phương hỗ trợ bà con dựng 66 ngôi nhà mới, đào thêm 33 giếng nước ngọt tặng bà con. Những công trình được làm theo phong cách truyền thống của đồng bào, thay thế cho chính những nếp nhà “cháy” khi xưa trong chiến tranh.
Một ngôi nhà dài tại Buôn Cháy - Di sản minh chứng cho tình quân dân khắng khít ngày nào...
Một ngôi nhà dài tại Buôn Cháy - Di sản minh chứng cho tình quân dân khắng khít ngày nào...
Trải qua năm tháng, những ngôi nhà, dù đã có phần xuống cấp, nhưng vẫn hiển hiện dọc con đường cái quan, như một biểu tượng của hòa bình, của nghĩa tình thủy chung son sắt. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương cũng đã phối hợp với Ban tự quản, Chi bộ buôn tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức trong việc giữ gìn những ngôi nhà dài truyền thống. Bên cạnh đó, địa phương cũng có kế hoạch để xây dựng Ea M’droh trở thành buôn du lịch văn hóa cộng đồng trong tương lai.
Chia tay những già làng của buôn “cháy”, chúng tôi chợt nghĩ: Trên khắp Tây Nguyên, có rất nhiều buôn làng giống như Ea M’Droh – những bản làng chứng minh cho sức mạnh thế trận lòng dân, cho đường lối chiến tranh nhân dân. Và đây, có lẽ cũng là một trong những yếu tố quyết định, góp phần làm nên mùa xuân đại thắng 50 năm về trước.
Một góc bình yên tại Buôn Cháy hôm nay...
Một góc bình yên tại Buôn Cháy hôm nay...