Cách nhìn dân gian về "người đứng đầu" (*)
Hãy thử hình dung, nếu không phải là một người liêm chính như ông Nguyễn Phú Trọng thì Đảng này hôm nay sẽ ra sao sau hàng chục năm, qua mấy nhiệm kỳ mà bốn nguy cơ do Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng (năm 1994) nêu lên vẫn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, như tham nhũng, lãng phí, “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch...; niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, chế' độ có mặt bị giảm sút.
Ở nước ta mấy chục năm qua, người có quyền lực nhất, đó là người giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng. Dân mình thì cứ thấy người nào to nhất nước thì đó là “vua”. Vậy thôi!
Chuyện là thế này:
Nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Hùng Vỹ, nguyên giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, bạn học cùng lớp Văn khóa 18 với tôi đã có lần kể cho bạn bè cùng lớp nghe một câu chuyện khá thú vị có liên quan tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông còn giữ cương vị Vụ trưởng của Tạp chí Cộng sản hồi nào.
Khi ấy, TS Nguyễn Phú Trọng thi thoảng vào Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội giảng bài. Ông vốn là người sống rất giản dị, không hề quan cách khi được mời vào khoa, giảng ngoại khóa. Nhiều khi, ông rất thật lòng nói với Nguyễn Hùng Vỹ vì ông quá hiểu, khoa không có phương tiện đưa đón bằng xe cơ giới. Ông bảo Hùng Vỹ rằng cứ lấy xe đạp đi ra phố Nguyễn Thượng Hiền, nơi ông ở rồi đèo giúp ông vào khoa là được. Ông không bao giờ câu nệ chuyện đó.
Cách đây dăm năm, Hùng Vỹ nói với tôi rằng tướng mạo ông Phú Trọng ngày trẻ nghe nói lạ lắm. Hồi trường đi sơ tán tránh bom Mỹ ở Đại Từ, Thái Nguyên (ông Trọng học khóa 8, từ năm 1963 đến năm 1967), trong một lần đi vào rừng chặt tre về làm lán cho sinh viên, theo quy định, mỗi sinh viên phải kiếm cho được mà mang về 1 cây/tuần.
Ông Phú Trọng khi đó trắng trẻo và trông rất thư sinh. So với chúng bạn cùng lứa, người ông nhỏ thó và có phần hơi yếu, xanh xao. Lần đó, mọi người dừng chân giải lao bên vệ rừng thì cánh bạn bè lôi chàng sinh viên Phú Trọng ra đùa cợt. Sinh viên Phú Trọng thì cứ lẳng lặng ngồi, chẳng hề phản kháng chi hết.
Lần ấy, cùng ngồi nghỉ còn có ông thầy tướng vốn nổi tiếng trong thôn bản mà họ ở. Thấy sinh viên Phú Trọng bị bắt nạt dữ quá, ông bảo đám sinh viên rằng: Các cậu đừng thấy người ta gầy yếu mà chòng ghẹo cậu ta. Sau này cậu ta sẽ làm vua cho mà coi, đừng có đùa nhé!
Khi ông Phú Trọng làm Chủ tịch Quốc hội (năm 2006), Hùng Vỹ bảo tôi: Ngày xưa người ta coi tướng ông Phú Trọng đã nói ông ấy có tướng làm vua, vậy là không đúng rồi ông ạ (năm 2006, ông Phú Trọng đã quá tuổi để quy hoạch nhiệm kỳ sau). Thế rồi tình thế lại đổi khác, ông được Đại hội XI tín nhiệm cao và lựa chọn đảm trách cương vị Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Rồi, nhiều khi thời vận có thể lại đến. Người tuổi cao tưởng đương nhiên sẽ nghỉ, nhưng do chưa tìm được người trẻ thay thế xứng đáng, do người nọ không phục người kia, v.v. mà sẽ chọn nhân vật dung hoà nhất, sạch sẽ hơn cả làm minh chủ. Vì thế nên chẳng thể nói trước điều gì! Và hôm nay, hơn hai năm sau Đại hội XII, ông đã chứng minh Đảng đã tìm đúng người cần nhất khi tiếp tục nhiệm kỳ làm “vua” lần 2.
------
(*) Đầu đề do chúng tôi đặt (B.T).
Trình bày: Phi Nguyen
Ảnh: TTXVN, Báo Nhân Dân