Trang trí nhà cửa, chuẩn bị bữa ăn ngon, trở về bên gia đình, thăm hỏi người thân và bạn bè,… là những điều mà mọi người ở bất cứ quốc gia nào, văn hóa nào cũng thực hiện trong dịp tiễn năm cũ, chào đón năm mới. Dù theo thời điểm khác nhau, phong tục, nghi thức chào đón năm mới khác nhau, nhưng tất cả đều chung một mục đích là xua tan muộn phiền của năm cũ, cầu mong một năm mới bình an và hạnh phúc.  

Ở xứ sở Bạch Dương, truyền thống đón năm mới vào ngày 1/1 như hiện nay chỉ mới được duy trì từ năm 1699 theo quyết định của Pyotr Đại đế. Người Nga thường chuẩn bị cho lễ đón năm mới từ giữa tháng 12 như dọn dẹp nhà cửa, mua cây thông và trang trí khắp nơi đón Giáng sinh và năm mới.

Tú Anh, sinh viên năm thứ hai ngành Quản Lý tại Đại học Tổng hợp Liên bang Kazan, chia sẻ một phong tục thú vị: Người Nga đến năm mới có truyền thống tự làm pelmenhi (môt loại bánh có nhân thịt lớp vỏ làm bằng bột mì rất quen thuộc với người dân Nga) rồi giấu tiền xu bên trong. Ai ăn phải miếng penmenhi đầu tiên có đồng xu thì chắc chắn sang năm sẽ tiền xủng xẻng đầy túi.

Đối với nhiều người Nga, năm mới là ngày lễ của gia đình. Năm 2018, Trung tâm Nghiên cứu dư luận Toàn Nga (VTsIOM) khảo sát cho thấy, có tới 78% trong số 1,8 nghìn người Nga từ 18 tuổi trở lên được khảo sát nói rằng có kế hoạch tổ chức kỳ nghỉ lễ ở nhà cùng gia đình. Sau bữa tiệc năm mới, người Nga thường đổ ra đường, đến các địa điểm ngoài trời, chờ đón những màn pháo hoa rực rỡ lung linh nhất, mừng một năm mới và những niềm vui, niềm hy vọng mới bắt đầu.

Bên kia bán cầu, quốc đảo Cuba đón Giáng sinh và đón năm mới vào đêm giao thừa 31/12 dương lịch hằng năm. Là nơi tiếp thu và hòa nhập của nhiều nền văn hóa trên thế giới, lễ đón năm mới ở đất nước Cuba anh em có nhiều nét khác biệt, mang đặc trưng riêng của văn hóa Mỹ Latinh đa dạng, nhiều màu sắc.

Sự đa dạng đó cũng mang đến rất nhiều phong tục độc đáo trong dịp năm mới. Vào đêm giao thừa, người Cuba mong ước điều may mắn bằng việc đốt hình nộm “năm cũ”, ăn 12 quả nho hay cất tiền vào túi, ví hoặc nhét đồng xu dưới lót giày cầu mong một năm mới sung túc. Một số người cũng thực hiện nghi thức xách vali đi dạo khắp khu phố với hy vọng có điều kiện để đi du lịch đó đây.

May mắn được trải nghiệm không khí năm mới ở hai quốc gia cách nhau nửa vòng trái đất, Yohan cảm nhận được sự khác biệt trong cách đón năm mới của người Việt Nam và người Cuba: người Cuba thường chỉ ở nhà bên gia đình trong dịp năm mới, còn các bạn Việt Nam thường dành thời gian đi thăm bạn bè, họ hàng, tặng lì xì cho trẻ em hay đi đền chùa dịp Tết để cầu may. Đó cũng là những hoạt động thú vị và rất đáng nhớ mà những người bạn Việt Nam đã giúp Yohan sớm trải nghiệm khi đặt chân đến Việt Nam.

Ước nguyện của Yohan giờ đây chỉ đơn giản là mong cuộc sống sớm bình thường trở lại, để anh thực hiện được ước mơ vẫn ấp ủ lâu nay là đưa gia đình từ Cuba sang Việt Nam trải nghiệm những điều thú vị như lần đầu tiên Yohan đặt chân đến mảnh đất hiếu khách nơi đây.

Lễ rước Đại lịch (Maha Sangkran). (Ảnh: TTXVN)

Lễ rước Đại lịch (Maha Sangkran). (Ảnh: TTXVN)

Người Khmer lên chùa hành lễ trong lễ hội Chôl Chnăm Thmây. (Ảnh: TTXVN)

Người Khmer lên chùa hành lễ trong lễ hội Chôl Chnăm Thmây. (Ảnh: TTXVN)

Campuchia, quốc gia láng giềng của Việt Nam, người dân nơi đây đón mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer với lễ hội Chôl Chnăm Thmây vào tháng 4 hằng năm. Chôl Chnăm Thmây là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân Campuchia và của hơn 1,3 triệu đồng bào dân tộc Khmer Việt Nam. Lễ hội có nhiều nét tương đồng với Tết Bunpimay của Lào, Tết Songkran của Thái Lan, hay Tết Thingyan của Myanmar.

Việc tổ chức Tết Chôl Chnăm Thmây xuất phát từ mục đích cầu xin mùa khô qua mau để có thể bắt đầu mùa vụ mới.

Do mang ý nghĩa chào đón mùa mưa và mùa màng mới và là lễ hội lớn nhất trong năm nên ngày xưa Tết Chôl Chnăm Thmây kéo dài từ 10-15 ngày. Những thập niên gần đây, trong xu thế đơn giản hóa lễ hội nói chung, lễ hội này chỉ còn 3 ngày (chưa kể công việc chuẩn bị trong nhiều ngày trước đó). Vào dịp năm mới, người Khmer chuẩn bị cho mình những bộ trang phục đẹp đẽ, sạch sẽ nhất, trẻ em được may sắm những bộ quần áo mới. Nhà cửa được sửa sang, quét dọn, trang trí lại. Đồ ăn, thức uống được chuẩn bị đầy đủ cho những ngày Tết.

Trong ba ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, ngoài các nghi thức Phật giáo, đồng bào Khmer Việt Nam và người dân Campuchia cũng hân hoan tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật và các trò chơi dân gian.

Đón Tết theo lịch âm như một số quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore,… Tết Việt không chỉ là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt Nam, mà đó còn là dịp những người con xa quê trở về quê hương, sum vầy cùng người thân, để sẻ chia và trao gửi yêu thương, để thắp nén nhang tỏ lòng thành kính với ông bà tổ tiên, để truyền lại cho thế hệ mai sau những giá trị bất diệt của gia đình, tình thân.

Trong mắt bạn bè quốc tế, Tết Việt đặc sắc và ấn tượng. Julien Bazil (quốc tịch Pháp) được trải nghiệm không khí Tết Nguyên đán khi qua Việt Nam học chương trình Thạc sĩ năm 2017. Lần đầu tiên trải nghiệm một cái Tết âm lịch của người Phương Đông, có rất nhiều phong tục, quan niệm của ngày Tết khiến anh thấy bất ngờ và thú vị.

Nang Vongbouasy (quốc tịch Lào), cũng được trải nghiệm Tết Nguyên đán khi sang Việt Nam học thạc sĩ năm 2017, song với cô, điều đặc biệt ấn tượng lại chính là không khí sôi động và ngập tràn sắc xuân của đường phố Hà Nội những ngày Tết, một không khí rất xuân, sắc đỏ tràn ngập khắp nơi. Dường như nó làm cho lòng người thêm ấm áp.

Từng đến Việt Nam đúng độ Tết đến Xuân về, Sovannkiry Khoeun (cán bộ Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia) có cơ hội được lang thang phố phường những ngày giáp Tết và sau Tết, được đắm mình trong không khí đất trời Việt Nam ngày xuân. Và anh cũng đặc biệt ấn tượng với hình ảnh vắng vẻ của đường phố Hà Nội ngày Tết-một khung cảnh khác hoàn toàn thường nhật.

Thế giới muôn sắc muôn màu, mỗi dân tộc mỗi truyền thống, phong tục nhưng những giá trị tinh thần cõi lõi, những ước mong về cuộc sống hạnh phúc, bình an chắc chắn luôn luôn là mục tiêu hướng tới của bất cứ ai. Và dù cuộc sống ngày càng phát triển hiện đại hơn, những giá trị truyền thống vẫn luôn được trân trọng và trao truyền mà Tết chính là lúc để mỗi người thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng ấy.  

Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Thực hiện: DIỆU THU, MINH THU, THU TRANG, BIỆN DIỆU, PHƯƠNG NAM, NGÔ HƯƠNG, NGỌC BÍCH