
Ngày 18/4, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) - Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển". Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu bài tham luận "Cái giá của chiến thắng và số phận con người - một nét mới trong văn học Việt Nam về chiến tranh sau chiến tranh" của Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Xuân Dũng tại Hội thảo lần này.

1.Một kỷ niệm nhỏ với nhà văn Nguyễn Minh Châu
Sau một thời gian ở đơn vị, tháng 8 năm 1975 tôi được điều về Tổng cục Chính trị, làm Trợ lý văn học của Phòng Văn nghệ, Cục Tuyên huấn, bắt đầu được quen biết, gặp gỡ với các nhà văn quân đội, lúc đó hay tụ tập về số 4 Lý Nam Đế. Năm 1976, trong một lần đi uống bia ở Câu lạc bộ Quân đội, anh Nguyễn Minh Châu có đưa cho tôi bản thảo truyện ngắn "Cái mặt" và hỏi: "Ông đọc đi và nghĩ đã đăng được chưa?". Đọc bản thảo viết tay bằng bút mực tím trên giấy xấu, song tôi cảm nhận về một cách tư duy sáng tạo mới và "lạ" qua hai nhân vật họa sĩ và người lính. Lúc đó, năm 1976, cả nước đang vô cùng sung sướng, tự hào với niềm vui đất nước thống nhất và đầy niềm tin rằng, những người đã đi qua chiến tranh, đã được tôi luyện sẽ bước vào xây dựng nhanh chóng đất nước phát triển. Chính thời điểm đó, Nguyễn Minh Châu đã cảnh báo qua sự thất hứa, lãng quên có phần bội bạc của người họa sĩ sau chiến tranh. Trong hoàn cảnh lúc đó, mà sau này, từ năm 1986, Đảng đã nhận định là thời kỳ "duy ý chí", tôi có đề nghị anh Châu để chậm lại một thời gian truyện ngắn của anh.
Mấy năm sau, vận dụng lý thuyết văn học so sánh, tôi có viết luận văn ở Cộng hòa dân chủ Đức về văn học Đức, văn học Xô viết và văn học Việt Nam về chiền tranh sau chiến tranh. Năm 1981, truyện ngắn của anh Châu đăng trên Báo Văn nghệ, đổi tên thành "Bức tranh". Vợ tôi gửi cho tôi truyện ngắn này, song luận văn đã viết xong. Hôm bảo vệ, một giáo sư có hỏi tôi, chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc được năm, sáu năm, vậy văn học Việt Nam về chiến tranh viết sau chiến tranh có gì mới và khác? Tôi phải kể vắn tắt truyện "Bức tranh" đã trình bày rằng, theo quy luật của tư duy sáng tạo, văn học Việt Nam sau chiến tranh đang biến đổi, như văn học Xô viết. Một giáo sư nói rằng, các nhà văn viết về chiến tranh sau chiến tranh, như Ximônốp, Bưcốp, Aitinatốp, Bônđarép, Anna Sêgớt... không chỉ kế tả lại biến cố chiến tranh, mà chủ yếu là triết lý về chiến tranh và số phận con người (loài người) trong chiến tranh, qua chiến tranh. Tôi thật sự vui khi nghĩ rằng, truyện ngắn "Bức tranh" của anh Châu là dấu hiệu mở đầu cho một giai đoạn mới của văn học Việt Nam về chiến tranh viết sau chiến tranh. Kể lại buổi bảo vệ đó với anh Châu, anh nói vui với tôi rằng: "Cậu cho tớ mượn câu trên của giáo sư làm tựa đề cho một truyện mới". Thời gian sau, truyện "Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành" ra đời.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ do lãnh đạo Cục (lúc đó là Cục Văn hóa) giao: "Sơ bộ tổng kết 30 năm văn học về chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang (1945 - 1975)", tôi tiếp tục dành nhiều thời gian cho vấn đề: Viết về chiến tranh sau chiến tranh, lúc đó vào những năm 80, 90 thế kỷ trước, những tên tuổi các nhà văn đi theo hướng sáng tạo trên đã nổi lên với các sáng tác mới được dư luận đánh giá cao: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Xuân Thiều, Hữu Mai, Thu Bồn, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường.... Một số bài nghiên cứu của tôi đã được đăng tải, song, vì cả khách quan và chủ quan vấn đề chưa đạt tới một hệ thống mà phải dừng lại để chuyển sang lĩnh vực mới khi được giao nhiệm vụ. Tuy nhiên, suy nghĩ và đề cương của vấn đề vẫn trở về trong tôi. Nhân dịp Hội thảo này, tôi xin tóm lược một số ý tưởng chính, ở dạng đề cương vấn đề: Triết lý về chiến tranh, cái GIÁ của chiến thắng và Số phận con người trong văn học Việt Nam về chiến tranh viết sau chiến tranh. Đã qua 50 năm sau chiến thắng vĩ đại ngày 30 tháng 4 năm 1975, chắc rằng, đã có đủ thực tiễn để nghĩ suy về một đặc điểm mang tính quy luật trong tư duy sáng tạo của nhà văn về đề tài trên.

2. Không phải tất cả các nhà văn Việt Nam viết về chiến tranh sau chiến tranh đều có chung một hướng viết mới. Thực tiễn 50 năm qua cho chúng ta nhận biết, cho đến nay vẫn đang tồn tại đồng thời ba xu hướng xen kẽ và tác động lẫn nhau, đôi khi không "đồng điệu", không "chịu" nhau về việc phản ánh chiến tranh sau chiến tranh.
Một số tác giả, nhất là một số nhà văn đã quen và nhiều năm viết về chiến tranh ngay trong chiến tranh, vẫn giữ lại "tạng" của mình, ít có đổi mới, thường chỉ có khả năng kể lại, miêu tả lại các diễn biến của các sự kiện, biến cố, quá trình chiến tranh, ca ngợi thật lòng nhưng ít có phát hiện mới về con người trong chiến đấu. Thời gian qua, một số hồi ký, tự truyện, hồi ức thể hiện theo hướng đó. Dung lượng hiện thực có thể được mở rộng, nhưng chất lượng của sự khám phá không cao, vì thế, dù cần mẫn, dày công nhưng hiệu quả nghệ thuật trong đời sống xã hội đương đại ít nhiều mờ nhạt. Rất tiếc rằng, có cả những tiểu thuyết dài, tự truyện, hồi ký công phu nhưng rơi vào sự lãng quên hay đọc chủ yếu chỉ để biết thêm một số sự kiện, biến cố chiến tranh. Một số tác phẩm chưa vượt qua được tư duy truyền thống khi viết về chiến tranh, đúng mà không mới, kể tả mà ít khám phá.
Khuynh hướng chính của sự phát triển trong 50 năm qua, mặc dù trải qua không ít khó khăn, nhiều nhà văn trong số những người nhiều năm viết về chiến tranh trong chiến tranh, đã bứt lên, đổi mới mình, đáp ứng nhu cầu mới đương đại và đặc biệt các nhà văn hình thành vào cuối thời kỳ chồng Mỹ, đã cho ra đời những tác phẩm thực sự đổi mới và minh chứng cho một quy luật không thể né tránh của mảng văn học về chiến tranh viết sau chiến tranh. Đó là sự đào sâu mới, là năng lực phân tích, bình giá và mổ xẻ hiện thực đa chiều phức tạp, đan xen nhau của chiến tranh là sự phân tích (tất nhiên bằng tư duy sáng tạo nghệ thuật), mối quan hệ cực kỳ phức tạp giữa số phận từng con người với biến cố chiến tranh, đó là năng lực khám phá và đặt ra những vấn đề nóng bỏng nhất trong chiến tranh và sau chiến tranh do tác động dai dẳng của chiến tranh trong đời sống của từng cá nhân và của toàn xã hội. Không chỉ các nhà văn đã sáng tạo trong chiến tranh hay trực tiếp là người "trong cuộc” chiến tranh, mà một số cây bút tìm hiểu gián tiếp chiến tranh cũng nỗ lực viết theo xu hướng này (Vì tham luận này chỉ ở dạng đề cương, nên người viết không có ý định dẫn chứng tắc giả, tác phẩm trong 50 năm qua. Nội dung đó phải dành cho nhiều bài viết. Chỉ ngẫu nhiên, trong trí nhớ "bập bõm" của mình, xin nêu một vài tác phẩm mà tôi đã đọc trong 5, 6 năm qua, không có ý định sắp xếp hay chọn lọc, như "Nhật ký đời lính", "Chuyện lính Tây Nam", "Chuyện năm 1968", "Sống và kể lại", "Chúng tôi thời hậu chiến", "Gió bụi đầy trời", "Đi qua cuộc chiến", "Suối cọp", "Nỗi đau sau chiến tranh", "Thượng Đức", "Người đàn bà đi qua chiến tranh", "Bất chợt mai vàng", "Lặng yên sau cơn mưa", "Khắc tinh với thần chết", "Gãy cánh điệp viên”, v.v..).
Nếu nhìn xu hướng này như một nhu cầu xã hội - thẩm mỹ khách quan, một quy luật nội tại của bản thân sự sáng tạo, thì nó sẽ phát triển và là nguồn mạch chủ yếu tạo ra những tác phẩm có giá trị lớn về các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta những năm qua. Và như vậy, đề tài này sẽ không bị đứt gãy vì các thế hệ nhà văn kế tiếp sẽ nhìn lại cuộc chiến tranh từ góc nhìn đương đại của mình để thấu hiểu và "đồng hóa" hiện thực chiến tranh trong quá khứ, phục vụ cho nhu cầu mới, bảo vệ và xây đất nước trước một thực tiền mới trong thời đại họ sống. Mấy năm gần đây đã xuất hiện những cây bút trẻ như vậy. Chiến tranh trong quá khứ, dù nó đã lùi xa, dù hiện tại và tương lai có thể đã và đang nhiều biến động phức tạp mới, vẫn không thể bị lãng quên, vẫn là một đề tài lớn và hấp dẫn, bởi vì xét cho cùng, mục tiêu sáng tạo không phải kể tả lại chiến quả để chiêm ngưỡng, ngắm nhìn, mà tìm ra những vấn đề sâu xa, căn cốt, bài học lịch sử của đời sống con người trong một quan hệ phức tạp nhất, không bình thường, của bản thân đời sống đó - quan hệ biến cố chiến tranh và số phận con người, số phận dân tộc.
Xu hướng thứ ba, do chịu sự tác động hết sức phức tạp của điều kiện chính trị - xã hội, tư tưởng của giai đoạn lịch sử đầy biển động 50 năm qua, do chưa có được sự thấu hiểu đầy đủ tính đặc thù của cuộc chiến tranh ở nước ta và ít nhiều do bản lĩnh sáng tạo, đã ra đời một vài tác phẩm viết về chiến tranh theo khuynh hướng nhìn méo mó hiện thực, chỉ tập trung đi tìm những cái mất mát, đau thương, bi thảm, éo le, ác độc, lố bịch.... xảy ra trong chiến tranh, từ đó coi là toàn bộ hiện thực chiến tranh. Một vài cây bút phê bình, ảnh hưởng luận điểm được "nhập khẩu" vào nước ta, đã vội gọi cuộc chiến đấu đầy hy sinh và vĩ đại của dân tộc là "chiến tranh ủy nhiệm", là "nội chiến", nồi da nấu thịt. Song, những cách nghĩ sai lệch đó không có vị trí đủ tác động tiêu cực đến đời sống văn học.


3. Chúng ta đã chiến thắng các cuộc chiến tranh giải phóng: chống Pháp, chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc. Đó là sự thật lịch sử hiển nhiên. Giờ đây, sau nhiều năm, viết về các cuộc chiến đó, có lẽ, không phải để tụng ca chiền thắng mà phải tìm ra và giải đáp các câu hỏi mới: Cội nguồn dẫn tới chiến thắng, Cái giá của chiến thắng, Số phận con người trong chiến tranh và bài học lịch sử cho hôm nay và mai sau. Văn học về chiến tranh viết sau chiến tranh đã đi từ hiện thực "lộ thiên" của biến cố chiến tranh để đào sâu tìm đến những vấn để trên.
Như vậy, miêu tả và lý giải, tái hiện và khám phá là phép tư duy biện chứng trong sáng tạo văn học về chiến tranh viết sau chiến tranh. Và ngay trong miêu tả và tái hiện hiện thực chiến tranh cũng đòi hỏi tư duy "đào sâu" để cho hiện thực chiến tranh hiện ra trong tất cả cung bậc và âm hưởng của nó: Anh hùng và hèn nhát, vững vàng và gục ngã, hùng tráng và bi kịch, chiến công và những hy sinh, mất mát, niềm vui và nỗi đau, chiến thắng và thất bại, trung kiên và phản bội, đầu hàng, sự giằng xé của thế giới nội tâm trước những thử thách khắc nghiệt của chiến tranh, tình yêu cao đẹp và cả bi kịch....
Thực ra, trong chiến tranh, những vấn đề trên là hiện thực, có thật. Song, tự nguyện làm người chiến sĩ - nghệ sĩ đồng hành với đồng đội đang chiến đấu, lúc đó, nhà văn đã lựa chọn cái đẹp, cái cao thượng, cái hy sinh - âm hưởng chủ đạo của cuộc chiến - để tạo nên sức cổ vũ, động viên, vẫy gọi đồng đội, nhân dân vượt qua những đau thương, mất mát để giành chiến thắng. Giờ đây, chiến thắng đã là sự thật, văn học sau chiến tranh có khát vọng lý giải nó, làm rõ cho những người đương đại thấu hiểu cái giá, dù là đau đớn và to lớn, để đi tới chiến thắng. Diện mạo, số phận con người, chiều sâu, tính "đa chiều phức tạp" của chiến tranh được khám phá từ khát vọng đó của các nhà văn viết về chiến tranh sau chiến tranh.
Đối với các nhà văn những năm qua và nhiều năm sau, các cuộc kháng chiến đã là quá khứ, song tác động, sức ám ảnh của nó đối với cuộc sống và con người đương đại vẫn còn lâu dài, cả những giá trị tốt đẹp và cả những hậu quả dai dẳng... Từ đó, quá khứ chiến tranh và cuộc sống hiện tại, số phận con người trở thành một "cặp phạm trù" đan kết nhau, tác động lẫn nhau trong rất nhiều tác phẩm viết về chiến tranh sau chiến tranh. "Sự gặp gỡ với hiện tại" như là một đặc điểm, trở thành một cảm hứng lớn trong các tác phẩm đó. Tôi đã đọc nhiều tác phẩm viết theo xu hướng này, từ Nguyễn Minh Châu trong "Bức tranh" cách hôm nay gần 50 năm đến tập truyện tôi mới đọc gần đây nhất của Nguyễn Trí Huân "Bất chợt mai vàng" (xuất bản 2024). Ở khuynh hướng này, số phận con người đã đi qua chiến tranh hoặc đã sống trong chiến tranh và sau chiến tranh được khắc họa và khám phá. Những người lính trở về đời thường cả vinh quang và mất mát, được ca ngợi hoặc bị lãng quên, thẩm lặng chịu đựng để vượt qua và trụ vững trước những thách thức mà họ không hình dung được. Những người lính thủy chung đi tìm đồng đội. Đặc biệt, những người mẹ, người vợ, người yêu, nữ thanh niên xung phong... với sức chịu đựng ghê gớm để sống, để đứng vững trước những mất mát lớn lao và thử thách khắc nghiệt trong và sau chiến tranh.
Dù có sự biến đổi mạnh và sâu trong tư duy sáng tạo của nhiều nhà văn, cả già và trẻ, khi viết về chiến tranh sau chiến tranh, song với bản lĩnh và sự trung thực khi nhìn nhận các cuộc kháng chiến của dân tộc ta, chúng ta đang có một dòng văn học về chiến tranh giàu tính nhân văn, đậm chất dân tộc và từng bước hòa nhập vào dòng chảy chung của văn học thế giới đương đại. Tôi nghĩ, mong và tin như vậy.
Nội dung: GS, TS Đinh Xuân Dũng
Trình bày: Dương Thịnh
Ảnh: www.hinhanhlichsu.org, Internet