Thành phố Hồ Chí Minh xác định đẩy mạnh cải cách hành chính là khâu đột phá để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó, tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững kinh tế-xã hội.
Từ chủ trương này, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn thành phố đã chủ động sáng tạo, đổi mới phương thức làm việc, áp dụng những mô hình, sáng kiến hay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy công quyền, cải thiện chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo
Bà Nguyễn Thị Tuyết Vân, phường Cầu Kho, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh thường đến Ủy ban nhân dân phường Cầu Kho để giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến bản thân cũng như những người trong gia đình. Điều làm bà Tuyết Vân hài lòng nhất là thái độ làm việc của cán bộ, công chức ở đây rất nhiệt tình, dễ gần; đồng thời, hướng dẫn chi tiết cho người dân khi đến đây làm việc, mặc dù công việc của từng cán bộ, công chức ở đây rất bận rộn.
"Việc giải quyết các thủ tục hành chính hiện nay tại Ủy ban nhân dân phường Cầu Kho nhanh chóng hơn rất nhiều so với thời gian trước đây. Thí dụ, tôi lên phường Cầu Kho trích lục khai sinh là có ngay, mặc dù khai sinh của tôi đăng ký ở quận 3. Giờ đây, giấy tờ tùy thân của người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh dường như đã được liên thông với nhau giữa các đơn vị, tổ chức, tôi chỉ cần lên phường Cầu Kho tra cứu vào hệ thống là có hết, rất hay", bà Tuyết Vân cho hay.
Hiện, Ủy ban nhân dân phường Cầu Kho áp dụng mô hình tiếp nhận thủ tục hành chính không giấy ở các lĩnh vực đối với thủ tục trích lục khai sinh, trích lục khai tử và trích lục kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân, thủ tục thông báo đăng ký khởi công…
Đồng thời, xây dựng Kiosk tra cứu thông tin quy hoạch tích hợp nhiều tiện ích đặt tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Thông qua màn hình Kiosk, người dân có thể tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ, thực hiện các thủ tục hành chính có áp dụng dịch vụ công, thăm dò, đánh giá sự hài lòng của người dân, đóng góp ý kiến hoặc gửi phản ánh, tra cứu số điện thoại lãnh đạo và cán bộ chuyên môn khi cần liên hệ.
Màn hình Kiosk cũng có liên thông với trang giải quyết thủ tục hành chính của quận 1 và khu dữ liệu về thủ tục hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh, người dân có thể tra cứu thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, tra cứu thông tin quy hoạch, tham khảo thông tin chính thống.
Trong năm 2023, Ủy ban nhân dân phường Cầu Kho tiếp nhận 1.328/1.331 ý kiến khảo sát hài lòng đạt 99.77%; 3/1.331 ý kiến không hài lòng chiếm 0.23%. Cũng trong năm nay, qua hệ thống khảo sát người dân bằng mã QR ghi nhận 756/756 lượt đánh giá hài lòng đạt 100% về thái độ phục vụ cán bộ, công chức phường Cầu Kho.
Đặc biệt, nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính, và mong muốn gia tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân phường Cầu Kho triển khai hệ thống khảo sát mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cán bộ, công chức, người lao động thông qua mã QR-Code.
Khi đến liên hệ giải quyết hồ sơ, người dân, doanh nghiệp có thêm phương tiện để đánh giá mức độ hài lòng đối với cán bộ, công chức, người lao động phường Cầu Kho.
Trong năm 2023, Ủy ban nhân dân phường Cầu Kho tiếp nhận 1.328/1.331 ý kiến khảo sát hài lòng đạt 99.77%; 3/1.331 ý kiến không hài lòng chiếm 0.23%. Cũng trong năm nay, qua hệ thống khảo sát người dân bằng mã QR ghi nhận 756/756 lượt đánh giá hài lòng đạt 100% về thái độ phục vụ cán bộ, công chức phường Cầu Kho.
Bà Nguyễn Thị Kim Huế, phường Cầu Kho, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định: “Việc giải quyết thủ tục hành chính ở phường Cầu Kho như trích lục khai sinh, sao y các giấy tờ… rất nhanh gọn. Các nhân viên ở phường làm rất tận tâm, hướng dẫn cho người dân làm các thủ tục hành chính rất tận tình. So với trước đây, các khâu trong giải quyết thủ tục hành chính bây giờ tốt hơn nhiều lắm, giảm bớt thời gian đi lại, tiết kiệm được thời gian cho người dân, nhất là thái độ phục vụ của cán bộ, viên chức ở đây được cải thiện rất nhiều, vui vẻ, chuyên nghiệp”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Cầu Kho Trương Thị Ngọc Thuận cho biết: “Trước đây Ủy ban nhân dân quận 1 thực hiện khảo sát ý kiến người dân về việc đánh giá thái độ cán bộ, công chức. Đây là một trong những tiêu chí đánh giá lãnh đạo của phường, cũng như cán bộ, công chức trong việc thực thi công vụ của mình.
Trước đây, phường triển khai việc đánh giá này trên iPad (máy tính bảng) dễ hư và khó đánh giá cho người dân. Năm 2023, phường Cầu Kho thực hiện sáng kiến đánh giá qua quét mã QR. Việc quét mã này dựa trên việc đánh giá họ tên từng cán bộ, công chức, cũng như dựa vào việc đánh giá thái độ việc tiếp dân, việc nộp và tiếp nhận, trả hộ sơ có trễ hạn hay không. Việc đánh giá này giúp lãnh đạo phường nắm được tình hình thái độ tiếp dân của các bộ, công chức, cũng như quá trình giải quyết hồ sơ của người dân”.
Những sáng kiến, mô hình mang tính thực tiễn cao
Tháng 3/2023, Phòng Kinh tế quận 1 chính thức được đưa vào sử dụng giải pháp “Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (Webgis) quản lý hộ kinh doanh theo thời gian thực tại quận 1”. Mô hình này được xem là giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước một cách khoa học; đồng thời, tạo thuận lợi cho người dân khi đăng ký thành lập hộ kinh doanh.
Bởi, quận 1 là một trong những quận trung tâm của Thành phố Hồ Chí Minh, hiện có khoảng 10.000 hộ kinh doanh. Theo quy định các hộ kinh doanh khi thành lập phải thực hiện các thủ tục hành chính như: giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, mã số thuế, các loại giấy phép đủ điều kiện kinh doanh... cần khối lượng hồ sơ rất lớn.
Ứng dụng Webgis đáp ứng hai yêu cầu: Đối với người dân, có thể tra cứu những thông tin cơ bản về thuộc tính (tên hộ kinh doanh, số lượng hộ kinh doanh, địa điểm hộ kinh doanh) và không gian (thống kê tổng quan số liệu hộ kinh doanh thể hiện trên bản đồ số). Đối với công tác quản lý nhà nước, Webgis là bước quan trọng trong việc thực hiện chuyển đổi số, phục vụ tốt trong công tác quản lý và hỗ trợ hộ kinh doanh cho người dân.
Theo ông Huỳnh Đăng Khoa, chuyên viên Phòng Kinh tế quận 1, hiện nay, công tác quản lý và giải quyết thủ tục hành chính cho hộ kinh doanh trên địa bàn quận được thực hiện qua môi trường số bằng các phần mềm nội nghiệp do các đơn vị chuyên môn quản lý, cơ bản là dữ liệu hộ kinh doanh đã được số hóa và cập nhật hằng ngày theo thời gian thực trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Nhưng bất cập là các phần mềm nội nghiệp này được quản lý riêng rẻ, không chia sẻ, không liên thông do đây là phần mềm chuyên ngành, mang tính bảo mật. Mỗi khi các đơn vị xin thông tin hộ kinh doanh để phục vụ nhu cầu quản lý của ngành mình, phải trao đổi với nhau bằng văn bản để xử lý, rất mất thời gian.
Webgis được đấu nối vào tất cả các phần mềm nội nghiệp, các đơn vị đều có tài khoản để theo dõi. Khi phần mềm nội nghiệp của tất cả các đơn vị giải quyết các thủ tục hành chính, trả kết quả các loại giấy tờ như: giấy phép kinh doanh; mã số thuế; các loại giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm… cho người dân thì đồng thời Webgis sẽ tự động lấy dữ liệu đó vào hệ thống của mình và thể hiện thông tin cho tất cả các đơn vị khác thấy dữ liệu hộ kinh doanh đó.
“Webgis đáp ứng nhu cầu cơ bản cho người dân khi quyết định việc đầu tư trên địa bàn quận 1, phục vụ người dân tốt hơn. Đồng thời, Webgis giải quyết được bài toán quản lý liên thông, chia sẻ, xây dựng kho dử liệu dùng chung giữa các cơ quan. Thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số để phục vụ người dân tốt hơn trong thời gian tới, Webgis vẫn có tính năng mở rộng, nâng cấp theo từng nhu cầu quản lý và yêu cầu của lãnh đạo cho phù hợp thực tế”, ông Huỳnh Đăng Khoa chia sẻ.
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân quận 1 đã thí điểm, nhân rộng và triển khai có hiệu quả những mô hình, sáng kiến mới trong cải cách hành chính. Cụ thể, địa phương này tiếp tục thực hiện mô hình “Tiếp nhận đăng ký giải quyết thủ tục hành chính không giấy trên tất cả các thủ tục thực hiện trực tuyến liên thông quận-phường.
Trong năm 2023, Ủy ban nhân dân quận 1 và 10 phường tiếp nhận tổng số hồ sơ đăng ký trực tuyến 47.836/54.448 hồ sơ, đạt tỷ lệ 87,79%; giải quyết sớm hạn trên Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính Thành phố Hồ Chí Minh 8.167/8.191 hồ sơ, đạt tỷ lệ 9971%.
Ngoài ra, tiếp tục đầy mạnh việc thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, quận 1 xây dựng đề án “Thí điểm thực hiện cấp giấy phép điện tử tại Ủy ban nhân dân quận 1”. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai Giải pháp Ứng dụng Chữ ký số cá nhân, Chứng thư số cơ quan và gắn QR-Code để hợp thức hóa giấy tờ điện tử được cung cấp trên môi trường điện tử theo quy định hiện hành trong lĩnh vực lao động, kinh tế-tài chính và quản lý đô thị. Triển khai Dịch vụ định danh khách hàng điện tử nhằm cung cấp cho người dân thêm tiện ích, giúp người dân thuận lợi khi đăng ký thủ tục hành chính trực tuyến.
Trong năm 2023, Ủy ban nhân dân quận 1 và 10 phường tiếp nhận tổng số hồ sơ đăng ký trực tuyến 47.836/54.448 hồ sơ, đạt tỷ lệ 87,79%; giải quyết sớm hạn trên Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính Thành phố Hồ Chí Minh 8.167/8.191 hồ sơ, đạt tỷ lệ 9971%.
Bà Nguyễn Trung Châu Tuyên, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngoài Chương trình số 05-CTr/QU của Ban Chấp hành Đảng bộ quận 1 về “Nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp gắn với xây dựng môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp”, hằng năm, Quận ủy quận 1 đều có nghị quyết trọng tâm triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội của địa phương; trong đó, có nội dung chỉ đạo đối với công tác cải cách hành chính.
Hiện nay, không chỉ dừng lại cải cách hành chính trong khối chính quyền, quận 1 cũng chú trọng đến cải cách hành chính trong Đảng, trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các hệ thống chính trị-xã hội. Cải cách hành chính trong Đảng tập trung vào số hóa các hồ sơ để thuận tiện hơn trong việc tuy cập, theo dõi.
Trong khi đó, tại quận 7, để nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, tháng 4/2023, địa phương này ra mắt Trung tâm Điều hành đô thị thông minh. Trung tâm Điều hành đô thị thông minh được tích hợp, nâng cấp dựa trên 4 ứng dụng: Ứng dụng di động “Công chức trực tuyến” phục vụ cho cán bộ công chức trao đổi công việc qua môi trường mạng; Ứng dụng di động “Quận 7 trực tuyến” cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp; Mở rộng hệ thống camera giám sát hình ảnh; Xây dựng dữ liệu trên các lĩnh vực kinh tế, đô thị, tài nguyên, y tế, văn hóa, xã hội phục vụ cho công tác chuyển đổi số.
Cụ thể, đối với Ứng dụng di động “Công chức trực tuyến”, tất cả lãnh đạo chủ chốt của quận 7 đều được trang bị máy tính bảng cài đặt ứng dụng “Công chức trực tuyến” để theo dõi tình hình xử lý công việc của đơn vị, tình hình giải quyết thủ tục hành chính, ứng dụng phòng họp không giấy, lịch làm việc và các tài liệu đều được lưu trữ trên hệ thống; theo dõi các chỉ đạo điều hành, thống kê đánh giá kết quả giải quyết công việc của các phòng, ban chuyên môn đúng hạn hay trễ hạn...
Ứng dụng di động “Quận 7 trực tuyến” giúp việc công khai về thủ tục hành chính được minh bạch hơn. Hệ thống này cũng cung cấp dịch vụ công trực tuyến kết hợp dịch vụ bưu chính công ích và thanh toán trực tuyến tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại; gửi thông tin kết quả xử lý thủ tục hành chính qua tổng đài SMS, Email; đánh giá mức độ hài lòng, phản ánh kiến nghị về quá trình giải quyết thủ tục hành chính nhằm cung cấp thông tin để quận nâng cao chất lượng dịch vụ. Cung cấp thông tin đến người dân và tổ chức để giám sát về tình hình phòng, chống dịch bệnh, các địa điểm hỗ trợ y tế; thông tin quy hoạch sử dụng đất, thông tin giao thông, đô thị…
Tạo đột phá từ cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số
Năm 2023, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chính sách quan trọng cho hoạt động chuyển đổi số, cải cách hành chính như chọn chủ đề năm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội”, tổ chức lại hệ thống các nền tảng, cơ sở dữ liệu dùng chung thành phố… Nổi bật là đã triển khai Chiến lược dữ liệu Thành phố Hồ Chí Minh, Hệ thống quản trị thực thi thành phố trên nền tảng số, bước đầu góp phần thay đổi phương thức chỉ đạo điều hành từ truyền thống sang hiện đại của chính quyền thành phố.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai các nền tảng dùng chung quan trọng như Hệ thống tương tác giữa chính quyền và người dân thông qua Cổng thông tin 1022, đây là hệ thống giúp lãnh đạo các đơn vị theo dõi xử lý thông tin theo thời gian thực.
Hiệu quả của hệ thống này đã góp phần quan trọng việc xử lý hồ sơ xử lý trễ hạn của các đơn vị quận, huyện giảm từ 3,1% (cuối năm 2022) xuống còn 0,93% (cuối tháng 11/2023). Triển khai tích hợp Đường dây nóng của thành phố vào Cổng thông tin 1022 nhằm triển khai đồng bộ đến tất cả các sở, ngành, quận, huyện.
Thành phố cũng tổ chức nghiên cứu, thu thập số liệu và đánh giá đóng góp của kinh tế số trong GRDP trên địa bàn thành phố; từ đó, định hình những chính sách cơ bản để phát triển kinh tế số. Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP của thành phố ngày càng cao: năm 2021 là 15,38% (chưa bao gồm thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ), năm 2022 đạt 18,66% (theo số liệu công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông).
Cũng trong năm 2023, Thành phố Hồ Chí Minh ban hành hơn 43 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính. Trong đó, chuẩn hóa khoảng 90 thủ tục hành chính mới, bãi bỏ 83 thủ tục hành chính (có 27 thủ tục hành chính bãi bỏ do bị thay thế).
Đồng thời, địa phương này đã tái cấu trúc 694 quy trình nội bộ, đơn giản hóa các bước giải quyết thủ tục hành chính. Nhờ đó, thành phố cắt giảm được gần 3.500 giờ làm việc, giảm từ 1-2 bước trong quy trình. Thành phố cũng phê duyệt, cung cấp 635/740 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần để cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; khai thác 20 trường dữ liệu được chia sẻ trong cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư để tra cứu, điền tự động vào các biểu mẫu có thông tin liên quan.
Ngoài ra, thành phố đã đưa vào vận hành chính thức Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung thành phố (HCM LGSP) trên địa bàn thành phố và liên thông Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), giúp tạo luồng thông tin tự động giữa các hệ thống các cơ quan Nhà nước; tổ chức triển khai và đưa vào vận hành Cổng thông tin Chuyển đổi số, chuyên mục “Diễn đàn số”.
Thành phố tiếp tục xây dựng, triển khai Kho dữ liệu dùng chung và Hệ sinh thái dữ liệu mở, thực hiện tích hợp các cơ sở dữ liệu hiện có về Kho dữ liệu dùng chung của thành phố. Cụ thể, tích hợp cơ sở dữ liệu hộ tịch, cơ sở dữ liệu dân cư, dữ liệu ngành giáo dục, dữ liệu lao động thương binh-xã hội, dữ liệu y tế, dữ liệu văn hóa, dữ liệu cán bộ, công chức; cơ sở dữ liệu quản lý đô thị và bản đồ…
Năm 2023, với những nỗ lực trong công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy công quyền, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị duy nhất trong cả nước được Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á-châu Đại Dương (ASOCIO) trao giải thưởng ASOCIO 2023 cho hạng mục Chính quyền số xuất sắc năm 2023 được tổ chức tại Hàn Quốc.
Đồng thời, kết quả đánh giá Chuyển đổi số (DTI) của Thành phố Hồ Chí Minh (Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện) liên tục nằm trong top 5 tỉnh, thành phố ở thứ hạng cao: năm 2020 đạt thứ hạng 5, năm 2021 đạt thứ hạng 3 và năm 2022 đạt thứ hạng 2.
Chỉ đạo thực hiện: NGUYỄN NGỌC THANH, LÊ NAM TƯ
Tổ chức thực hiện: TẤN VŨ, HỒNG VÂN
Nội dung: CAO TÂN
Trình bày: NGÔ HƯƠNG
Ảnh: THẾ ANH; TTXVN