Năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày 30/4/1975 - một cột mốc thiêng liêng trong lịch sử dân tộc. Đó là ngày bắc-nam không còn chia cắt, ngày Tổ quốc trở lại vẹn nguyên hình hài sau những năm dài bom đạn. Nhưng cũng từ ngày ấy, đất nước bước vào một hành trình khác - hành trình xây dựng, phát triển và đặc biệt là tái định hình hệ thống chính trị từ mô hình thời chiến sang một cơ chế quản trị hiện đại, phù hợp với bối cảnh hòa bình và hội nhập.

Trước năm 1975, hệ thống chính trị Việt Nam vận hành theo một mô hình đặc thù của thời chiến: Tập trung cao độ, ra quyết định theo cơ chế mệnh lệnh, với một bộ máy hành chính mang tính huy động tối đa để phục vụ kháng chiến. Điều này giúp Việt Nam duy trì được sự lãnh đạo thống nhất, phát huy tối đa nguồn lực trong thời kỳ chiến tranh. Tuy nhiên, khi đất nước thống nhất, bộ máy hành chính này lại trở thành một rào cản lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Cuối thập niên 1970, nền kinh tế Việt Nam lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Theo thống kê, đến giữa những năm 1980, GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 200 USD, lương thực thiếu hụt, hàng hóa khan hiếm và hệ thống phân phối vẫn hoạt động theo cơ chế bao cấp. Bộ máy nhà nước khi ấy vẫn duy trì nguyên tắc tập trung, khiến cho mọi quyết định đều phải qua nhiều cấp xét duyệt, gây trì trệ trong điều hành. Một chiếc xe đạp, một mét vải hay một túi gạo đều phải có tem phiếu, còn doanh nghiệp muốn sản xuất gì cũng phải xin phép từ trên xuống dưới.

Hệ thống chính trị khi ấy cũng phình to theo quán tính của thời chiến. Một báo cáo năm 1986 cho thấy, số lượng cán bộ công chức ở Việt Nam tăng gấp nhiều lần so với thời kỳ kháng chiến, nhưng hiệu suất làm việc lại rất thấp. Sự chồng chéo chức năng giữa các cơ quan, sự rườm rà trong thủ tục hành chính đã trở thành những lực cản lớn. Đây là thời điểm Việt Nam đứng trước một lựa chọn quan trọng: Hoặc tiếp tục duy trì mô hình cũ và đối mặt với trì trệ, hoặc thay đổi để tìm ra con đường phát triển bền vững hơn.

Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đánh dấu một bước ngoặt lịch sử khi khởi xướng công cuộc Đổi mới. Đây không chỉ đơn thuần là một cuộc cải cách kinh tế mà còn là sự điều chỉnh mang tính căn bản trong tư duy quản trị quốc gia. Từ một nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, Việt Nam dần chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Những chính sách cải cách bắt đầu phát huy hiệu quả. Chỉ trong vòng vài năm, sản xuất nông nghiệp đã có sự thay đổi mạnh mẽ nhờ Khoán 10, cho phép nông dân tự chủ sản xuất thay vì phải phụ thuộc vào hợp tác xã. Kết quả là sản lượng lúa gạo tăng vọt, từ chỗ thiếu ăn triền miên, đến năm 1989 Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới.

Bộ máy nhà nước cũng bắt đầu có những điều chỉnh để phù hợp với nền kinh tế thị trường. Chính phủ không còn can thiệp sâu vào hoạt động sản xuất-kinh doanh, mà chuyển sang vai trò điều tiết, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp 1999 đã xóa bỏ nhiều rào cản về thủ tục hành chính, giúp hàng trăm nghìn doanh nghiệp tư nhân ra đời, tạo động lực mới cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, dù đã có những bước tiến quan trọng, bộ máy hành chính vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Việc thực thi chính sách còn nhiều tầng nấc trung gian, dẫn đến tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Nhiều địa phương, nhiều ngành vẫn giữ tư duy quản lý theo kiểu cũ, làm chậm quá trình cải cách.

Những năm gần đây, đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, cuộc cải cách hệ thống chính trị đã bước vào giai đoạn quyết liệt với mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả vận hành. Đây không chỉ là một sự điều chỉnh tổ chức mà còn là chuyển đổi sâu sắc về tư duy quản trị quốc gia, hướng tới một nền quản trị linh hoạt, minh bạch, hiệu quả hơn.
Cải cách lần này tập trung vào giảm đầu mối, tinh giản biên chế và sáp nhập các đơn vị trùng lặp.

Trong hệ thống Đảng, một số ban đã được sáp nhập, nhiều ban đã được tái cơ cấu mạnh mẽ. Nhiều tổ chức đảng cấp Trung ương đã sáp nhập về Đảng bộ Chính phủ và Đảng bộ Quốc hội, giúp bộ máy tinh gọn và tập trung hơn. Quốc hội giảm số ủy ban từ 9 xuống 7, chấm dứt hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp và Truyền hình Quốc hội. Chính phủ cắt giảm mạnh số bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ từ 30 xuống còn 21, đồng thời tinh giản 30-50% số đơn vị trung gian. Trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, nhiều đơn vị giảm từ 30% đến 75% số phòng, vụ.

Một chủ trương quan trọng đang được triển khai là sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, giảm khoảng 60-70% đơn vị hành chính cấp xã và bỏ chính quyền cấp huyện. Việc này không chỉ giúp giảm thiểu tình trạng phân tán nguồn lực, giảm biên chế, mà còn đơn giản hóa bộ máy hành chính, tạo điều kiện để chính quyền cấp tỉnh vận hành linh hoạt hơn, đồng thời nâng cao vai trò của cấp xã trong cung cấp dịch vụ công.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về sắp xếp bộ máy tại kỳ họp bất thường lần thứ 9. Ảnh: DUY LINH

Đại biểu Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về sắp xếp bộ máy tại kỳ họp bất thường lần thứ 9. Ảnh: DUY LINH

Nếu thực hiện thành công, đây sẽ là bước đột phá trong tổ chức bộ máy hành chính, giúp tinh giản đáng kể chi phí quản lý và nâng cao hiệu quả phục vụ người dân.Cùng với tinh giản bộ máy, việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ giúp các địa phương chủ động hơn trong phát triển. Nếu như trước đây, các quyết định quan trọng đều phải xin ý kiến Trung ương, thì nay các địa phương lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng được trao quyền tự chủ nhiều hơn.

Song song với cải cách tổ chức, chuyển đổi số và xây dựng chính phủ điện tử được đẩy mạnh, giúp tinh giản thủ tục hành chính, giảm thiểu quan liêu, chống tham nhũng và nâng cao hiệu suất quản lý. Theo Ngân hàng Thế giới, 98% doanh nghiệp tại Việt Nam đã kê khai thuế điện tử, tiết kiệm hơn 7 triệu giờ lao động mỗi năm.

Hơn 90% dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thủ tục hành chính mà không cần mất thời gian chờ đợi. Các địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Quảng Ninh đang đi đầu trong việc ứng dụng AI và dữ liệu lớn vào quản lý đô thị, giao thông và môi trường, giúp chính quyền đưa ra quyết định nhanh hơn, chính xác hơn.

Cải cách lần này không chỉ cắt giảm số lượng, mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng quản lý, giúp giảm gánh nặng ngân sách, tối ưu hóa nguồn lực và tạo động lực mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo. Một bộ máy tinh gọn, một chính quyền năng động, một nền quản trị số hóa sẽ là bệ phóng để Việt Nam bứt phá, hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Nếu như ngày 30/4/1975 là dấu mốc khẳng định độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, thì hôm nay, cải cách bộ máy chính là cuộc chiến chống quan liêu, trì trệ, mở đường cho một Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ XXI.Một chính quyền gọn nhẹ, linh hoạt, minh bạch sẽ giúp Việt Nam tận dụng tốt cơ hội phát triển và ứng phó hiệu quả với thách thức từ chuyển đổi số, biến đổi khí hậu đến cạnh tranh toàn cầu.

Giống như sau chiến thắng 1975, đất nước không dừng lại ở niềm vui thống nhất mà ngay lập tức bước vào công cuộc dựng xây, hôm nay, cải cách bộ máy chính là chiến lược đưa Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình. Kỷ nguyên ấy không chỉ đo lường bằng tốc độ tăng trưởng, mà còn bằng một nền quản trị hiện đại, chính quyền kiến tạo, xã hội vận hành hiệu quả hơn.

Tinh thần ngày 30/4 nhắc nhở rằng không có chiến thắng nào đến từ sự tự mãn. Nếu thế hệ trước đã dũng cảm tiến lên để thống nhất đất nước, thì thế hệ hôm nay phải mạnh dạn đổi mới để kiến tạo một tương lai thịnh vượng. Một bộ máy tinh gọn, một chính quyền hiệu quả, một đất nước đổi mới chính là món quà ý nghĩa nhất để tri ân những hy sinh của thế hệ đi trước, đồng thời tạo dựng nền tảng vững chắc cho thế hệ mai sau.

Nội Dung: TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Trình bày: Văn Loan, Mai Hoan
Ảnh: Nhân Dân, TTXVN