Thúc đẩy cam kết tài chính ứng phó biến đổi khí hậu
Trước thềm Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Anh từ 31/10 đến 12/11, chuyên đề “Những bước dịch chuyển của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu” đưa ra cái nhìn toàn cảnh về những nỗ lực của thế giới kiềm chế khí hậu nóng lên, vì sức khỏe của bà mẹ Trái đất, vì tương lai của sự sống trên toàn hành tinh.
Cam kết tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực để ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhưng câu chuyện từ châu Phi cho thấy, vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết để biến cam kết thành hành động.
Các quốc gia nghèo nhất trên thế giới đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hiểm họa khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu gây ra. Và các nước châu Phi nằm trong nhóm những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi những tác động đó đối với an ninh lương thực, kinh tế, sức khỏe và hệ sinh thái.
Xét trên những đóng góp còn khiêm tốn của châu Phi vào việc giảm phát thải khí nhà kính gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu, nếu không có hỗ trợ tài chính, biến đổi khí hậu được dự báo sẽ đẩy thêm hàng chục triệu người châu Phi vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2030.
Cam kết tài chính
không theo kịp nhu cầu
Quay trở lại thời điểm năm 2009, các quốc gia giàu có trên thế giới đã cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2020 để giúp các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu. Nguồn kinh phí này được cấp cho các hoạt động thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và ngăn chặn phát thải.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí khoa học Chính sách Khí hậu, phân tích dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) liên quan nguồn tài trợ thích ứng biến đổi khí hậu cho các quốc gia châu Phi từ năm 2014 đến năm 2018 cho thấy, trung bình mỗi người dân châu Phi chỉ nhận được khoảng 5 USD mỗi năm cho các hoạt động thích ứng, với tổng số tài trợ từ chính phủ các nước giàu có và các ngân hàng phát triển chưa đến 5,5 tỷ USD mỗi năm.
Cam kết tài chính liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu tại các khu vực châu Phi qua các năm (đơn vị: triệu USD). Nguồn: Ủy ban Hỗ trợ phát triển OECD 2020
Cam kết tài chính liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu tại các khu vực châu Phi qua các năm (đơn vị: triệu USD). Nguồn: Ủy ban Hỗ trợ phát triển OECD 2020
Chính phủ các nước châu Phi ước tính rằng họ cần ít nhất 7,4 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2020. Khoản tài chính này thậm chí dự kiến sẽ cần phải tăng nhiều hơn nữa, ước tính lên đến hàng chục tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2050, trong bối cảnh tình trạng nóng lên toàn cầu vẫn gia tăng.
Rõ ràng là các quốc gia nghèo nhất trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các hiểm họa khí hậu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Niger, Somalia, Chad, Sudan và Liberia nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. Tuy nhiên, họ chỉ nhận được dưới mức 5 USD/người/năm cho các hoạt động thích ứng với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Các cam kết tài chính cho thích ứng biến đổi khí hậu đối với mỗi quốc gia châu Phi, tính theo đầu người mỗi năm trong giai đoạn 2014-2018 (đơn vị: USD/người). Nguồn: Ủy ban Hỗ trợ phát triển OECD 2020
Các cam kết tài chính cho thích ứng biến đổi khí hậu đối với mỗi quốc gia châu Phi, tính theo đầu người mỗi năm trong giai đoạn 2014-2018 (đơn vị: USD/người). Nguồn: Ủy ban Hỗ trợ phát triển OECD 2020
Ngân hàng Thế giới ước tính rằng các nước châu Phi cận Sahara sẽ phải cần mức chi phí thích ứng tính trên một đơn vị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cao nhất. Nguyên nhân là do GDP thấp hơn mặt bằng chung, trong khi chi phí thích ứng liên quan đến tài nguyên nước cao hơn, do sự thay đổi của các mô hình lượng mưa.
Dữ liệu cũng cho thấy, khoản kinh phí cho mục tiêu thích ứng biến đổi khí hậu (16,5 tỷ USD) cho giai đoạn 2014-2018 ở châu Phi chỉ bằng khoảng một nửa kinh phí dành cho mục tiêu giảm phát thải (30,6 tỷ USD). Trong khi nguồn tài chính tập trung cho giảm phát thải là quan trọng để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của biến đổi khí hậu, thì đối với các nước châu Phi vốn đã phải đối mặt với các tác động khí hậu nghiêm trọng, việc tăng cường tài trợ cho thích ứng lại là vấn đề cấp thiết.
Tổng tài chính (cam kết) liên quan đến thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải của châu Phi trong giai đoạn 2014-2018 (đơn vị: triệu USD). Nguồn: Ủy ban Hỗ trợ phát triển OECD 2020
Tổng tài chính (cam kết) liên quan đến thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải của châu Phi trong giai đoạn 2014-2018 (đơn vị: triệu USD). Nguồn: Ủy ban Hỗ trợ phát triển OECD 2020
Mục tiêu 100 tỷ USD bị bỏ lỡ
Vào năm 2009, lần đầu tiên con số 100 tỷ USD đã được nhắc đến khi các nước giàu có cam kết đóng góp khoản tài trợ này mỗi năm để giúp các nước nghèo thích ứng biến đổi khí hậu và đặt mục tiêu thực hiện đến năm 2020. Tuy nhiên, mục tiêu này đã bị bỏ lỡ với việc Chủ tịch COP26 Alok Sharma thừa nhận, mục tiêu này khó có thể thực hiện trước năm 2023.
Bản kế hoạch 12 trang do Canada và Đức soạn thảo dự kiến trình Hội nghị COP26 về cách thức thực hiện các cam kết trên cho thấy, mục tiêu này sẽ không thể đạt được cho đến năm 2023, nguyên nhân là do khu vực tư nhân đã không thể cung cấp các khoản tài trợ như đã cam kết.
Tài chính khí hậu là một vấn đề quan trọng đối với Hội nghị COP26, nhằm hướng tới những cam kết tham vọng để hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Việc không đạt được mục tiêu đề ra, hay nói cách khác những lời hứa trước đây đã không được thực hiện sẽ khiến mục tiêu đàm phán tăng cường viện trợ khí hậu trở nên khó đạt được hơn.
Có thể hiểu được, đây là một thông tin gây thất vọng sâu sắc cho các nước đang phát triển. Mục đích của kế hoạch này là để xây dựng lại lòng tin. Các quốc gia sẽ cần phải thực hiện điều này.
Bà Teresa Anderson, điều phối viên về chính sách khí hậu của Tổ chức ActionAid cho rằng, việc đáp ứng mục tiêu 100 tỷ USD/năm "là điều cần thiết tối thiểu để xây dựng lòng tin" trong các cuộc đàm phán về khí hậu.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Môi trường Canada Jonathan Wilkinson, một trong những đồng tác giả soạn thảo kế hoạch trên cho biết, sẽ phải cần đến hàng nghìn tỷ USD để giải quyết thách thức liên quan đến cả giảm thiểu phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Wilkinson cho rằng khu vực tư nhân cần phải đóng vai trò nhiều hơn nữa, bởi vì nhiều dự án trong khu vực này, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo đang mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn cho khối tư nhân.
Cần nhiều hơn con số 100 tỷ USD
Các quan chức châu Phi cho rằng, nguồn tài chính để giúp các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu cần phải tăng gấp hơn 10 lần con số 100 tỷ USD, lên 1,3 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2030. Theo ông Zaheer Fakir, điều phối viên chính về tài chính của nhóm đàm phán các nước châu Phi tham dự Hội nghị COP26, mục tiêu trên đã được các bộ trưởng môi trường châu Phi chính thức thông qua vào tháng 9 mới đây và sẽ được các quốc gia châu Phi đề xuất tại COP26.
Ông Fakir cũng nhấn mạnh, cam kết 100 tỷ USD lần đầu tiên được đưa ra vào năm 2009 đã không dựa trên nhu cầu của các nước đang phát triển. Bởi vậy, chính sách tài chính khí hậu sau năm 2025 cần được sớm đưa vào thảo luận.
Ông nói: “Quan điểm của chúng tôi là chúng ta cần một con số đầy tham vọng, dựa trên khoa học và nhu cầu thực tế, và cũng nên cân đối giữa nguồn vốn cho cả việc giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Các quốc gia đang phát triển là một phần thiết yếu của nỗ lực toàn cầu nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0, trong đó gồm 9 trong số 20 quốc gia phát thải carbon lớn nhất thế giới. Những quốc gia này cũng nằm trong nhóm dễ bị tổn thương nhất do tác động của biến đổi khí hậu, chẳng hạn như lũ lụt và sóng nhiệt.
Nếu không có hỗ trợ tài chính như đã cam kết, nhiều quốc gia nghèo hơn cho rằng họ không thể hành động tích cực hơn để cắt giảm lượng khí thải làm trái đất nóng lên hoặc thích ứng với hiện tượng đó, trong khi các quốc gia giàu có đang chịu áp lực phải tăng khoản đóng góp cho nỗ lực toàn cầu này.
100 tỷ USD có thể là con số lớn ở năm 2009 nhưng sau một thập kỷ, mục tiêu này vẫn còn rất xa khi tháng 9 vừa qua, OECD ước tính rằng, vào năm 2019, chính phủ các nước giàu có mới chỉ cung cấp khoản tài chính khí hậu trị giá gần 80 tỷ USD cho các nước dễ bị tổn thương, bao gồm cả các khoản đầu tư tư nhân đã huy động được. Trong khi đó, con số này tính đến cuối năm 2018 chỉ là 78,3 tỷ USD. Điều này có nghĩa là cần phải có thêm một khoản tài chính khổng lồ tương đương 20 tỷ USD vào năm ngoái để các nước phát triển đạt được mục tiêu đóng góp 100 tỷ USD cho các nước nghèo hơn.
Mặc dù dữ liệu chính xác cho năm 2020 vẫn chưa có cho đến đầu năm sau, nhưng rõ ràng là các khoản tài chính cho biến đổi khí hậu vẫn còn thiếu so với mục tiêu như đã cam kết.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát khiến chính phủ các nước trên thế giới chuyển hướng tài trợ để tập trung vực dậy nền kinh tế quốc gia, mối lo ngại càng trở nên lớn hơn khi nhiều khả năng các khoản đóng góp tài trợ khí hậu trong năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng đã lên tiếng cảnh báo, các cuộc đàm phán ở COP26 có nguy cơ thất bại bởi chính những căng thẳng chung quanh cam kết tài chính khí hậu chưa được thực hiện và sự thiếu tin tưởng giữa các nước giàu và nghèo.
Ông Guterres nói, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có đủ cam kết của các nước phát triển trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển, cũng như những đóng góp ý nghĩa cho các nhu cầu thích ứng biến đổi khí hậu.
Chúng ta cần các nước phát triển làm nhiều hơn nữa, cụ thể là hỗ trợ các nước đang phát triển. Và chúng ta cũng cần một số nền kinh tế mới nổi tiến thêm một bước nữa và tham vọng hơn nữa trong việc giảm lượng khí thải.
Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết tăng cường hỗ trợ tài chính để giúp các nước nghèo hơn ứng phó biến đổi khí hậu và thích ứng với các tác động, đồng thời cũng kêu gọi Mỹ đẩy mạnh tài trợ khí hậu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, EU sẽ tài trợ thêm 4 tỷ euro cho tài chính khí hậu trong giai đoạn 2021-2027, bên cạnh khoản đóng góp 25 tỷ USD hàng năm.
Trong khi đó, Nhà Trắng cũng cho biết, Mỹ sẽ tăng cường tài trợ để giúp các nước nghèo giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu, với mức tăng gấp đôi tài trợ vào năm 2024 so với mức trung bình từ thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Ông Leonardo Martinez-Diaz, trợ lý của Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Biến đổi khí hậu cho biết, tổng tài trợ khí hậu của Mỹ trung bình đạt khoảng 2,8 tỷ USD/năm trong năm tài khóa từ 2013-2017, với khoảng 500 triệu USD dành cho việc thích ứng.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã công bố kế hoạch tài chính khí hậu song song với mục tiêu mới là cắt giảm từ 50-52% lượng khí thải so với năm 2005. Tuy nhiên, đại diện một số tổ chức phi chính phủ cho rằng, với tư cách là một trong những quốc gia phát thải hàng đầu thế giới, Mỹ sẽ cần phải đóng góp 800 tỷ USD tài trợ khí hậu quốc tế cho đến năm 2030 nhằm đạt được "sự chia sẻ công bằng".
Các quan chức Ấn Độ-quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ tư thế giới sau Trung Quốc, Mỹ và EU cũng cho biết, bất kỳ cam kết nào để giảm lượng khí thải carbon của Ấn Độ sẽ phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ các nước giàu.
Phát triển thị trường carbon-giải pháp hữu hiệu?
Trước thềm COP26, tài chính khí hậu vẫn còn là một vấn đề nhức nhối. Đây có lẽ sẽ là chìa khóa hoặc cũng có thể là trở ngại lớn nhất cho thành công tại Hội nghị COP26.
Trong khi các khoản tài trợ và cam kết vẫn còn đang được tiếp tục bàn thảo, một trong những công cụ tỏ ra hữu hiệu trong việc cắt giảm khí thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu đã được áp dụng, đó là phát triển thị trường carbon, vốn cũng là một kênh để huy động các khoản tài chính cho các chính sách khí hậu.
Đây là một cơ chế thị trường nhằm giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu. Mặc dù xuất hiện từ năm 1989 nhưng kinh doanh carbon mới chỉ phát triển thành thị trường đúng nghĩa sau khi Nghị định thư Kyoto được ký kết vào tháng 12/1997 tại Kyoto, Nhật Bản. Nghị định thư kêu gọi 38 nước công nghiệp phát triển giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong giai đoạn 2008-2012 xuống mức thấp hơn 5,2% so với năm 1990.
Nghị định thư Kyoto là cơ chế đầu tiên cho phép hoạt động mua bán quyền phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Theo đó, một thị trường sẽ được thiết lập để tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua hoặc bán hạn ngạch khí thải. Trong loại hình mua bán này, những quốc gia nào có lượng khí thải xả ra nằm dưới mức cho phép sẽ có quyền bán “sức chứa” khí thải còn dư của mình cho những quốc gia phát thải vượt quá giới hạn cho phép.
Cho đến nay, thị trường mua bán giấy phép phát thải của Liên minh châu Âu (EU-ETS) được đánh giá là thị trường carbon lớn nhất, hoạt động hiệu quả và toàn diện nhất. Là hệ thống giao dịch khí thải quốc tế đầu tiên trên thế giới, EU-ETS được khởi xướng từ năm 2005 để giúp các quốc gia thành viên EU tuân thủ các mục tiêu Nghị định thư Kyoto.
Sau 16 năm hoạt động, EU-ETS đã trở thành hình mẫu cho các nước khác học theo và áp dụng. Hệ thống này đã giúp giảm lượng khí thải khoảng 35% trong giai đoạn 2005-2019. Với một số điều chỉnh vào năm 2019, với việc định giá carbon cao hơn, mục tiêu giảm 9% tổng lượng phát thải hàng năm vào năm 2019 đã được bảo đảm, với mức giảm 14,9% trong sản xuất điện và phát nhiệt và 1,9% trong công nghiệp.
Tiếp đó, vào tháng 9/2020, “thỏa thuận xanh châu Âu” được công bố, đặt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính ròng của EU lên ít nhất 55% vào năm 2030. Đây là một gói chính sách gồm nhiều đề xuất sâu rộng để giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu, trong đó định giá carbon được xem là cơ sở xuyên suốt trong kế hoạch của EU.
Có thể thấy, EU-ETS đã trở thành hình mẫu cho các nước khác học theo và áp dụng. Theo báo cáo công bố năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, tính đến nay, trên phạm vi toàn cầu có khoảng 31 thị trường carbon đã được thiết lập hoặc đang được lên kế hoạch. Trong đó, đáng chú ý, Nam Phi trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Phi định giá carbon, trong khi châu Mỹ Latinh cũng đã có kế hoạch kinh doanh khí thải đầu tiên thông qua chương trình thí điểm 3 năm của Mexico.
Cũng theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới công bố hồi tháng 5 vừa qua, cơ chế tính phí các công ty phát thải đã giúp các nước trên thế giới huy động được khoảng 53 tỷ USD trong năm ngoái, tăng gần 18% so với năm 2019, trong bối cảnh mức thuế phát thải mới và giá carbon được điều chỉnh tăng lên.
Báo cáo cho biết, hiện có 64 công cụ định giá carbon toàn cầu đang hoạt động cho đến năm 2021, so với 58 vào năm 2020, bao phủ hơn 21% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, tăng so với mức 15,1% của năm ngoái.
Theo đó, sự gia tăng này phần lớn là do việc Trung Quốc-thị trường carbon lớn nhất thế giới đã chính thức khởi động cơ chế ETS của mình trong năm nay. Ước tính ETS của Trung Quốc bao phủ khoảng 30% lượng khí thải của nước này, tương đương khoảng 4 tỷ tấn CO2.
Sự gia tăng doanh thu từ định giá carbon trong năm ngoái chủ yếu là do chi phí cho các giấy phép phát thải ở EU-ETS tăng cao, với mức tăng hơn 30%. Tuy nhiên, Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, giá carbon ở hầu hết các khu vực trên thế giới vẫn ở mức thấp hơn mức cần thiết để thúc đẩy các thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, phần lớn giá carbon vẫn thấp hơn nhiều so với mức 40-80 USD/tCO2e (tấn CO2 tương đương) cần thiết vào năm 2020, nhằm đáp ứng mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên của trái đất ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngay ở cả châu Âu, 1 tấn CO2 chỉ được định giá khoảng 60 euro (69 USD) trên hệ thống mua bán khí thải của EU.
Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, chỉ có khoảng 22% lượng khí thải toàn cầu được kiểm soát bởi các cơ chế định giá trong năm ngoái. Trong khi đó, giá carbon cũng rất khác nhau ở một số nước, với chỉ khoảng 5-10 USD/tấn ở các nền kinh tế Đông Nam Á, so với hơn 130 USD/tấn ở Thụy Điển. Quỹ Tiền tệ quốc tế đưa ra thống kê mức giá carbon trung bình toàn cầu chỉ ở mức 3 USD/tấn CO2.
Theo nhiều chuyên gia, sự chênh lệch này đặt ra yêu cầu cần phải tiêu chuẩn hóa giá carbon trong các cuộc đàm phán sắp tới đây tại COP26, dẫn đến việc cấp thiết lập một cơ chế định giá carbon toàn cầu.
OECD ước tính rằng, cho đến năm 2030, mức giá carbon 147 USD/tấn phát thải mới là đủ để tạo ra động lực kinh tế cần thiết để các nhà sản xuất và người tiêu dùng sử dụng nhiên liệu hóa thạch xúc tiến mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Giá carbon càng cao được coi là điều cần thiết để tài trợ cho quá trình chuyển đổi sang không phát thải vào năm 2050, ước tính trị giá khoảng 44 nghìn tỷ USD, tương đương 2-3% GDP trên toàn cầu hàng năm.
Nhiều quốc gia đã cam kết đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 để ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. Nhưng nếu không định giá carbon, các chính phủ khó có thể buộc những đối tượng gây ô nhiễm cắt giảm lượng khí thải cần thiết để hiện thực hóa mục tiêu này.
Chênh lệch giữa các nền kinh tế đặt ra một thách thức lớn để tất cả các quốc gia đồng ý với một mức giá carbon toàn cầu cao đồng đều. Với việc hầu hết các quốc gia mới nổi và một số nước phát triển tiếp tục phụ thuộc vào các nguồn năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch, giá carbon cao sẽ khó có thể chấp nhận.
COP26 được tổ chức nhằm bảo đảm các cam kết hành động mạnh mẽ hơn nữa từ gần 200 quốc gia đã ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 2 độ C, và giá carbon toàn cầu là một trong những cơ chế được kỳ vọng sẽ giúp đạt được mục tiêu đó.
Mặc dù đây được coi là yếu tố quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chỉ với định giá phát thải carbon vẫn là không đủ. Vấn đề quan trọng vẫn là sự hỗ trợ về chính sách tài chính và quy định, bên cạnh việc định giá phát thải carbon để bảo đảm rằng các nền kinh tế có thể giảm lượng khí thải ở tốc độ cần thiết và hợp lý.
Nhưng tài chính khí hậu không chỉ đơn giản là một con số tổng hợp. Nó cần phải phù hợp với nhu cầu, số lượng và mục đích của nơi tiếp nhận tài trợ, và phải bao phủ tất cả các lĩnh vực cần thiết để giúp đối phó tốt hơn với các tác động của biến đổi khí hậu./.
Ngày xuất bản: 31/10/2021
Chỉ đạo và tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Thực hiện: TRUNG HƯNG
Nguồn tin và dữ liệu: Reuters, un.org, ec.europa.eu, Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ, Climate Policy, The Conversation, HEC Paris
Ảnh: Reuters, un.org, Unsplash, Climate Central, Shutterstock, Getty Images