(Ảnh: Reuters)

(Ảnh: Reuters)

Hai năm qua, Việt Nam cũng như Lào, Campuchia và Trung Quốc đã triển khai những biện pháp quyết liệt, những thay đổi chiến lược, chủ động ứng phó để ngăn chặn Covid-19 lây lan, thích ứng và phục hồi kinh tế. Chuyên đề này điểm lại những dấu mốc quan trọng, quyết sách, bài học kinh nghiệm ban đầu và cả sự hỗ trợ lẫn nhau giữa Việt Nam và 3 quốc gia láng giềng trong cuộc chiến chống đại dịch chưa có tiền lệ.

Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã tuyên bố tái mở cửa đất nước trên mọi lĩnh vực từ tháng 11/2021. Quyết định được đưa ra khi quốc gia này cơ bản khống chế được dịch, với gần 86% dân số đã tiêm vaccine ngừa Covid-19. Thành công này có được là do Campuchia đã sớm thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Ngăn chặn, không để dịch lây lan ra cộng đồng

Ca nhiễm virus gây bệnh viêm phổi cấp đầu tiên tại Campuchia được nhà chức trách phát hiện vào ngày 27/1/2020. Bệnh nhân là một người đàn ông Trung Quốc, 60 tuổi, từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) đến tỉnh duyên hải Preah Sihanouk (tây nam Campuchia) cùng gia đình. Ngay lập tức, người bệnh được cách ly và điều trị tại bệnh viện tỉnh.

Trước khi phát hiện ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nói trên, Chính phủ Campuchia đã phổ biến trên mọi phương tiện truyền thông về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, khuyến cáo người dân giữ khoảng cách an toàn, không tổ chức sự kiện tập trung đông người, rửa tay bằng chất diệt khuẩn và đeo khẩu trang nơi công cộng.

Nhiều cơ quan, trường học đã bắt đầu lắp đặt máy đo thân nhiệt tại cổng ra vào, lên phương án bảo đảm an toàn cho nhân viên, học sinh và giáo viên khi dịch bệnh xuất hiện. Học sinh, sinh viên được nghỉ hè sớm, nhiều lễ hội lớn và hoạt động tập trung đông người cũng tạm hoãn để phòng dịch.

Ngay trong tháng 3/2020, khi số ca dương tính (được phát hiện và cách ly kịp thời) vào khoảng hơn 30 trường hợp, cơ quan chức năng đã tích cực truy vết, đề xuất một loạt biện pháp để ngăn chặn dịch Covid-19, không để lây lan ra cộng đồng.

Một đại lộ chính của Phnom Penh trong thời gian phong tỏa. (Ảnh: Sơn Xinh)

Một đại lộ chính của Phnom Penh trong thời gian phong tỏa. (Ảnh: Sơn Xinh)

Cùng lúc, Chính phủ ra quyết định tạm cấm nhập cảnh công dân từ các quốc gia nơi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang căng thẳng, khuyến cáo người dân và cán bộ không đi đến những nước đó.

Chính phủ Campuchia cũng thỏa thuận với các nước láng giềng Việt Nam, Lào và Thái Lan về việc tạm ngừng xuất nhập cảnh đối với công dân và du khách, tuy nhiên vẫn duy trì hoạt động trao đổi thương mại, vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Thời điểm này, Campuchia đã tích cực hợp tác với các nước trong khu vực và tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương chuẩn bị nhân lực, tìm kiếm, nhập khẩu hàng triệu khẩu trang cùng vật tư y tế để chủ động đối phó đại dịch.

Nhóm du khách mặc đồ bảo hộ khi tới sân bay quốc tế Phnom Penh của Campuchia, ngày 21/3/2020. (Ảnh: Reuters)

Nhóm du khách mặc đồ bảo hộ khi tới sân bay quốc tế Phnom Penh của Campuchia, ngày 21/3/2020. (Ảnh: Reuters)

Giữa tháng 5/2020, toàn bộ 122 ca mắc Covid-19, gồm các quốc tịch: Campuchia, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Pháp, Bỉ, Canada, Malaysia, Indonesia và Việt Nam, đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện. Để làm được điều đó, Bộ Y tế Campuchia đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm trên gần 15.000 người; huy động hàng chục nghìn nhân viên y tế và tình nguyện viên tham gia dập dịch.

Quãng thời gian từ tháng 3 đến tháng 10/2020, Campuchia đã thành công trong việc chặn dịch Covid-19 lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó, quốc gia 16 triệu dân cũng thực hiện chương trình trợ cấp tiền mặt cho người nghèo, người dễ bị tổn thương và người bị mất việc làm không có thu nhập do dịch Covid-19.

Kiểm soát sự lây lan Covid-19 trong cộng đồng

Tháng 11/2020, bắt đầu xuất hiện những ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Campuchia. Tuần đầu tiên, cơ quan y tế tiến hành xét nghiệm cho hơn 600 người liên quan đến hoạt động đón tiếp một đoàn ngoại giao nước ngoài có thành viên mắc Covid-19 (được phát hiện khi đang ở nước khác sau chuyến thăm Campuchia).

Đợt lây nhiễm cộng đồng lần thứ hai xảy ra vào ngày 28/11/2020, nhà chức trách cho đóng cửa một trung tâm thương mại ở thủ đô Phnom Penh, sau khi phát hiện một phụ nữ đến mua sắm tại đây nhiễm SARS-CoV-2. Việc truy vết được tiến hành, những ca F1 và F2 đều được cách ly và điều trị tại bệnh viện nhà nước.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen kêu gọi người dân bình tĩnh, thực hiện nghiêm túc những biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, tránh tập trung đông người trong trường hợp không cần thiết.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen. (Ảnh: Fresh News)

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen. (Ảnh: Fresh News)

Trong một thông điệp đặc biệt, giữa tháng 12/2020, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố, Chính phủ sẽ mua những loại vaccine được WHO công nhận để tiêm phòng cho người dân. Vào thời điểm đó, Chính phủ Campuchia đã chuẩn bị gần 540 triệu USD cùng khoảng 50 triệu USD do các tầng lớp nhân dân quyên góp để mua vaccine.

Tiêm chủng vaccine diện rộng, kiểm soát lây nhiễm dịch trong cộng đồng

Campuchia bắt đầu thực hiện chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên cơ sở tự nguyện cho người từ 18 tuổi trở lên vào ngày 10/2/2021. Đối tượng được ưu tiên tiêm phòng hàng đầu là nhân viên y tế, giáo viên, lực lượng vũ trang. Chính phủ dự kiến sẽ tiêm chủng cho khoảng 10 triệu người, tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, chậm nhất là trong quý I/2022.

Nhờ sớm tiêm chủng cho người dân, Campuchia có cơ sở để ứng phó đợt lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng lần thứ ba, xảy ra ngày 20/2/2021 tại Phnom Penh, với hàng chục ca nhiễm. Cơ quan chức năng khẩn trương tiến hành phong tỏa những địa điểm nghi có lây nhiễm trên địa bàn (phong tỏa đảo Koh Pich, Câu lạc bộ giải trí N8 cùng một số địa điểm nghi có lây nhiễm khác trong thành phố).

Clip nhân dân thủ đô Phnom Penh tiêm vaccine ngừa Covid-19 (Thực hiện: Nguyễn Hiệp)

Clip nhân dân thủ đô Phnom Penh tiêm vaccine ngừa Covid-19 (Thực hiện: Nguyễn Hiệp)

Cùng lúc, Bộ Y tế Campuchia nhanh chóng đưa vào sử dụng công nghệ QR Code (mã phản hồi nhanh) nhằm nâng cao hiệu quả và tốc độ chặn dịch trong cộng đồng. Hệ thống này được lắp đặt tại những nơi đông người, như chợ, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, chung cư, nhà máy, xí nghiệp trên toàn quốc.

Ca tử vong đầu tiên do Covid-19 tại Campuchia được ghi nhận vào ngày 11/3/2021. Nam bệnh nhân, 50 tuổi, là lái xe cho một thương nhân Trung Quốc ở tỉnh duyên hải Preah Sihanouk, có liên quan đến “sự kiện lây nhiễm cộng đồng 20/2”. Cùng thời điểm, nhiều ca lây nhiễm mới tiếp tục được phát hiện tại Phnom Penh cùng các tỉnh Kandal, Prey Veng, Preah Sihanouk, Battambang... Trước tình hình nghiêm trọng, Chính phủ thực hiện biện pháp hạn chế đi lại, giới nghiêm, phong tỏa nhiều tỉnh, thành phố.

Trong thời điểm tháng 4/2021 đầy khó khăn, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã gửi tặng Chính phủ và nhân dân Campuchia 200.000 USD trợ giúp ứng phó dịch Covid-19.


Trong thư gửi Thủ tướng Việt Nam, ngày 2/4/2021, Thủ tướng Hun Sen đánh giá cao sự giúp đỡ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam đúng vào lúc Chính phủ và nhân dân Campuchia đang nỗ lực ứng phó làn sóng tấn công thứ ba của đại dịch Covid-19, coi đây là sự thể hiện tinh thần của tình nghĩa láng giềng tốt đẹp.

Người đứng đầu Chính phủ Hoàng gia khẳng định lại quyết tâm của Campuchia hợp tác chặt chẽ với Việt Nam để vượt qua khủng hoảng mang tính toàn cầu này; tiếp tục quan tâm bảo vệ người nước ngoài và người gốc Việt Nam tại Campuchia trước sự lây lan của dịch Covid-19 như đối với công dân Khmer; trân trọng cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã luôn quan tâm đến cộng đồng người Campuchia tại Việt Nam trong giai đoạn khó khăn hiện nay.


Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trao tượng trưng cho Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth khoản hỗ trợ 200.000 USD. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Tiếp nhận hàng cứu trợ của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 gửi tặng bà con gốc Việt và các gia đình Khmer có hoàn cảnh khó khăn tại cửa khẩu Xa Mát, sáng 28/4.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trao tượng trưng cho Đại sứ Campuchia tại Việt Nam Chay Navuth khoản hỗ trợ 200.000 USD. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Tiếp nhận hàng cứu trợ của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 gửi tặng bà con gốc Việt và các gia đình Khmer có hoàn cảnh khó khăn tại cửa khẩu Xa Mát, sáng 28/4.

Trưởng đại diện WHO tại Campuchia, Tiến sĩ Li Ailan, kêu gọi Chính phủ và người dân Campuchia nêu cao tinh thần đoàn kết toàn xã hội để cùng nhau ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Bà nhấn mạnh, 3 yếu tố cần thiết để đẩy lùi dịch bệnh, đó là: các nhà lãnh đạo tiếp tục đưa ra quyết định và hành động mạnh mẽ, toàn thể xã hội phải tham gia hoạt động phòng, chống dịch và mọi công dân đều phải thực hiện đầy đủ các biện pháp y tế công cộng.

Điều đáng ghi nhận, Campuchia là một trong những quốc gia sớm thực hiện điều trị tại nhà đối với những bệnh nhân mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc ở dạng nhẹ. Ngay từ đầu tháng 4/2021, quyết định này của Bộ Y tế đã giúp tránh lây nhiễm chéo, giảm tải cho các bệnh viện nhà nước, trong bối cảnh lây nhiễm cộng đồng ở mức cao.

Cùng với việc triển khai thêm nhiều phòng xét nghiệm, Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho người dân ở khu vực lây nhiễm nặng trên địa bàn Phnom Penh, các tỉnh Kandal, Preah Sihanouk. Trong đó, chú trọng tiêm chủng cho công nhân ở những khu công nghiệp để bảo vệ sức khỏe người lao động, duy trì hoạt động sản xuất.

(Ảnh: Reuters)

(Ảnh: Reuters)

Từ tháng 2 đến tháng 5, Campuchia đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho khoảng 2,4 triệu người. Đồng thời, nước này tiếp nhận hơn 6 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, bao gồm AstraZeneca theo cơ chế COVAX, cùng 2 loại Sinovac và Sinopharm là hàng đặt mua và quà tặng của Trung Quốc.

Trong những tháng tiếp theo, với nguồn vaccine dồi dào, Chính phủ Campuchia mở rộng việc tiêm chủng ngừa Covid-19 cho thiếu niên và trẻ em. Tính đến giữa tháng 12, Campuchia đã tiếp nhận khoảng 40,5 triệu liều vaccine ngừa Covid-19.

Ngày 25/12, Campuchia xác nhận có 1 bệnh nhân tử vong do Covid-19, 5 ca nhiễm mới và thêm 8 bệnh nhân phục hồi.

Có thể nói, Chính phủ và nhân dân Campuchia đã khống chế thành công làn sóng tấn công thứ ba của đại dịch Covid-19. Điều đáng ghi nhận, dù gặp nhiều khó khăn, Campuchia vẫn dành sự giúp đỡ quý báu cho các nước láng giềng.

Với Việt Nam, trong tháng 7 và tháng 10/2021, Chính phủ Campuchia tặng  200.000 USD, 1,1 triệu khẩu trang, 100 máy tạo oxy và 200.000 liều vaccine Vero Cell. Hội Chữ thập đỏ Campuchia và Hội Hữu nghị Campuchia-Việt Nam gửi tặng 150.000 USD nhằm chia sẻ với nhân dân Việt Nam nỗ lực phòng, chống dịch bệnh.

Nhiều cơ quan đoàn thể, địa phương giáp đường biên giới chung của Campuchia và Việt Nam cũng dành cho nhau sự hỗ trợ kịp thời về vật tư y tế phòng, chống Covid-19, cũng như thường xuyên thăm hỏi, động viên nhau vững lòng vượt qua khó khăn.

Trong chuyến thăm chính thức Campuchia vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Chính phủ và nhân dân Campuchia đã dành cho nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ quý báu, hiệu quả trong phòng, chống dịch Covid-19. Nghĩa cử đó thể hiện tình cảm láng giềng gắn bó, tinh thần đùm bọc, truyền thống tương thân tương ái giữa 2 dân tộc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Campuchia Hun Sen. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Thủ tướng Campuchia Hun Sen. (Ảnh: TTXVN)

Hiện, Vương quốc Campuchia đã mở cửa trở lại mọi lĩnh vực của đất nước. Người nhập cảnh đã tiêm vaccine đầy đủ (từ 2 mũi), có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 giá trị 72 giờ, sau khi xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính tại cửa khẩu thì không cần thực hiện cách ly như trước đây. Tuy nhiên, các biện pháp phòng, chống dịch cơ bản theo quy định vẫn được duy trì trên đất nước Chùa Tháp.

Người dân quận Chbar Ampov nhận quà của Chính phủ, sáng 24/4. (Ảnh: Fresh News)

Người dân quận Chbar Ampov nhận quà của Chính phủ, sáng 24/4. (Ảnh: Fresh News)

Sinh hoạt của người dân Campuchia đã trở lại bình thường từ tháng 11/2021. (Ảnh: Nguyễn Hiệp)

Sinh hoạt của người dân Campuchia đã trở lại bình thường từ tháng 11/2021. (Ảnh: Nguyễn Hiệp)

Một khu chợ tại trung tâm thủ đô Phnom Penh mở cửa phục vụ người dân, sáng 15/4. (Ảnh: Sơn Xinh)

Một khu chợ tại trung tâm thủ đô Phnom Penh mở cửa phục vụ người dân, sáng 15/4. (Ảnh: Sơn Xinh)

Item 1 of 3

Người dân quận Chbar Ampov nhận quà của Chính phủ, sáng 24/4. (Ảnh: Fresh News)

Người dân quận Chbar Ampov nhận quà của Chính phủ, sáng 24/4. (Ảnh: Fresh News)

Sinh hoạt của người dân Campuchia đã trở lại bình thường từ tháng 11/2021. (Ảnh: Nguyễn Hiệp)

Sinh hoạt của người dân Campuchia đã trở lại bình thường từ tháng 11/2021. (Ảnh: Nguyễn Hiệp)

Một khu chợ tại trung tâm thủ đô Phnom Penh mở cửa phục vụ người dân, sáng 15/4. (Ảnh: Sơn Xinh)

Một khu chợ tại trung tâm thủ đô Phnom Penh mở cửa phục vụ người dân, sáng 15/4. (Ảnh: Sơn Xinh)

Xuất bản ngày: 26/12/2021
Chỉ đạo thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Nội dung: NGUYỄN HIỆP (Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Campuchia)
Trình bày: HOÀNG HÀ