Ông Hoàng Dương Tùng,
nguyên Phó Tổng cục trưởng
Tổng cục Môi trường:

Cần có quy định
và chế tài cụ thể
về phân loại rác

Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực, trong đó quy định người dân thuộc hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác tại nguồn sẽ bị từ chối thu gom. Dù quy định đã có song còn không ít bất cập vẫn đang chờ được tháo gỡ dẫn đến việc phân loại rác tại nguồn (PLRTN) chưa có nhiều chuyển biến trong thực tế. TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bộ Tài nguyên và Môi trường (ảnh bên) đã trao đổi với Nhân Dân hằng tháng chung quanh vấn đề này.

Ông đánh giá thế nào về thực trạng PLRTN và thu gom rác thải hiện nay?

Hiện nay, có tới 95% số rác thải thu gom được xử lý qua chôn lấp, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm mùi trầm trọng ở nhiều nơi. Ngay tại Hà Nội, có những bãi tập kết rác mà người ta ước tính lượng ruồi... bằng đơn vị kilogram! Nhưng không còn cách nào khác, bởi lẽ, các địa phương đều đang khá lúng túng trong khâu thực hiện, tỉnh giao cho huyện, huyện giao cho xã. Mà xã thì chỉ có cách duy nhất là lấy một diện tích đất trống nào đó, như ngoài cánh đồng chẳng hạn để đào hố chôn lấp. Chúng ta đã quá quen thuộc với hình ảnh chiều chiều công nhân môi trường đẩy xe vào khu dân cư, đánh kẻng gọi các hộ dân mang rác ra đổ. Rác được gom về điểm trung chuyển - nơi công nhân thu gom hoặc lực lượng kinh doanh phế liệu phân loại lần đầu trước khi được xe chuyên dụng vận chuyển đi. Nhà chung cư thu gom kiểu khác nhưng nói chung là đều không phân loại rác ngay tại nguồn thải.

Phí thu gom rác hiện do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tự quyết định. Thí dụ như Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định mức phí thu gom 6 nghìn đồng/người/tháng, đối tượng xả nhiều hay ít cũng trả chừng ấy tiền. Số này chỉ đủ cho việc thu gom từ hộ gia đình đến điểm trung chuyển. Còn vận chuyển và xử lý rác sau đó hoàn toàn do Nhà nước chi trả. Như vậy, nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền mà Luật Bảo vệ môi trường quy định chưa được áp dụng trong xử lý rác thải hiện nay.

Cách thu gom hiện không có khâu PLRTN, các địa điểm trung chuyển không bảo đảm vệ sinh môi trường. Năm ngoái, đơn vị thu gom rác gặp một số trục trặc, họ tạm dừng hợp đồng với Hà Nội là ngay lập tức, cả thành phố ngập rác, hôi thối không chịu nổi. Thực trạng này đã kéo dài bao năm qua.

Thưa ông, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định người dân phải PLRTN, nếu không thực hiện sẽ bị từ chối thu gom. Luật có hiệu lực đã nửa năm nhưng vì sao vẫn rất ít người dân thực hiện?

Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vẫn còn quy định chung chung, chưa có chế tài xử phạt cụ thể. Luật phải quy định cụ thể chi tiết, không đa nghĩa thì người dân mới có thể thực hiện. Thí dụ, Luật quy định chất thải rắn phải phân loại để tái sử dụng, tái chế, chất thải thực phẩm nên ủ để làm phân bón... Vậy cái nào là chất thải rắn có thể tái chế, tái sử dụng, cái nào là chất thải thực phẩm? Nếu không có hướng dẫn chi tiết các loại chất thải dễ dẫn đến tranh cãi. Quy định công nhân môi trường được từ chối thu gom nếu người dân không phân loại rác tại nguồn cũng phải có hướng dẫn. Phân loại, thu gom như thế nào, nếu không hợp tác thì bị phạt ra sao? Việc này còn phải tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ, phối hợp thực hiện chứ không chỉ áp dụng mức phạt tiền là xong. Nhưng hiện nay tôi thấy công tác tuyên truyền, vận động vẫn mang tính hình thức, chung chung.

Chúng ta có rất nhiều bài học trước đó, rằng luật ban ra có vẻ rất chuẩn chỉ nhưng khó thực hiện, đi vào cuộc sống. Sau khi xuống các địa phương tìm hiểu về phân loại rác, chúng tôi nhận thấy các cơ quan quản lý hiện đang khá lúng túng, khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 không quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương phải đưa ra những đầu việc cụ thể về phân loại rác để người dân thực hiện. Và như vậy, luật không đi vào cuộc sống, không tạo nên chuyển biến trong vấn đề PLRTN.

Theo tôi chúng ta cần học tập kinh nghiệm của các nước đã làm rất tốt việc này. Đơn cử như Hàn Quốc, người dân được phát danh sách chi tiết, quy định rõ ràng từng loại rác có thể tái chế, tái sử dụng hoặc chuyển giao. Thậm chí, lon bia sau khi uống xong, phải rửa sạch trước khi cho vào túi rác vì số bia còn lại có thể gây mùi hôi thối. Luật cần có những quy định và chế tài cụ thể, do cơ quan nào chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ rằng cấp phường, cấp quận rất khó thực hiện thì cấp tỉnh nên có những văn bản hướng dẫn tỉ mỉ. Nhưng cấp tỉnh làm thế nào để thực hiện được điều đó thì Bộ Tài nguyên và Môi trường và cao hơn là Chính phủ phải tính toán về vấn đề này, tránh luật ống, luật khung.

Theo ông, luật cần một số quy định cụ thể nào để PLRTN khả thi và thuận lợi?

Tôi lấy thí dụ, muốn PLRTN cần có các loại túi rác phù hợp, mầu sắc và kích thước của túi rác cũng cần quy định cụ thể để phân loại thuận tiện. Hiện nay có một số thiết bị có thể cân được rác bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo, chỉ quẹt thẻ là máy tự động cân, hiện lên số lượng trừ tiền vào thẻ. Nhưng ở Việt Nam chưa thể áp dụng được, nên phổ biến là sử dụng các túi rác có dung tích xê dịch từ 3-5 đến 10 lít... Người dân dùng các túi ấy để phân loại rác và chuyển về nơi xử lý. Như vậy họ đã trả đầy đủ các loại phí: phí túi, phí thu gom, phí vận chuyển và phí xử lý rác. Túi phải tái chế được và nên có một số loại túi trong suốt để nhìn được bên trong. Chúng ta cần làm thử nghiệm một số địa phương sau đó phổ biến đại trà vì việc phân loại rác ở mỗi địa bàn có đặc điểm khác nhau, nông thôn khác thành thị, nhà cao tầng khác nhà mặt đất.

Luật phải bổ sung những quy định cụ thể để có thể đi vào thực tế. Ngay cả giờ thu gom rác cũng phải hợp lý, nếu cứ áp dụng khung giờ 16h30 hằng ngày để thuận tiện cho công nhân môi trường thì nhiều người dân chưa đi làm về, làm sao có thể phân loại rác. Ở nhiều nước, họ thu gom rác vào 8-9 giờ tối, khi người dân đều đã về nhà. Dĩ nhiên, họ có thể phải trả thêm một ít tiền nhưng rõ ràng sự tương tác giữa hai bên gần nhau hơn. Rồi cần thay đổi cả trong cách thực thi, như với hình thức đấu thầu thu gom rác, người dân có quyền yêu cầu công khai, minh bạch số tiền phí thu được từ họ sẽ dùng vào việc gì, cụ thể bao nhiêu?

Tôi thấy ý thức về PLRTN của dân cư đô thị như Hà Nội khá cao. Nhưng làm thế nào để người dân dễ dàng thống nhất thực hiện lại là trách nhiệm của chính quyền. Tôi từng tham khảo ý kiến từ rất nhiều gia đình, họ đều có ý thức phân loại rác, nộp phí vệ sinh nhưng luôn đòi hỏi phải kèm theo quy định rõ ràng. Nếu chính quyền có cách tổ chức tốt, người dân sẽ ủng hộ.

Hình ảnh những thùng rác sơn khác màu dành riêng cho từng loại rác thải đã dần trở nên quen thuộc với người dân.

Hình ảnh những thùng rác sơn khác màu dành riêng cho từng loại rác thải đã dần trở nên quen thuộc với người dân.

Chúng ta đã quen thuộc với câu “rác là một loại tài nguyên”, nhưng làm thế nào để đạt được cái đích đó thì không hề đơn giản?

Đúng vậy, rác là một tài nguyên nếu biết phân loại và xử lý chuẩn chỉ. Hà Nội sắp đưa vào nhà máy điện đốt rác tổng hợp, với mục đích chính không phải sản xuất điện mà để xử lý rác. Tuy nhiên để nhà máy hoạt động được hiệu quả đòi hỏi bảo đảm các điều kiện khắt khe, trong đó có việc PLRTN khoa học, thu gom rác bằng các xe chuyên dụng cho từng loại rác và có quy trình xử lý hiện đại đối với các loại rác thải nguy hại. Tóm lại là cần một hệ thống đồng bộ, đầu tư bài bản. Nhưng rất có thể sau đó, người dân sẽ lại nảy sinh suy nghĩ, đã xây dựng nhà máy đốt rác tổng hợp thì việc gì phải phân loại rác. Điều đó không đúng vì việc phân loại rác với gia đình sẽ tiết kiệm được tiền, giảm gánh nặng cho xã hội, biến rác thành tài nguyên.

Phải tuyên truyền để người dân hiểu việc xả rác là gây tốn tiền, giảm thiểu rác là trách nhiệm của từng người, từng gia đình, qua đó mới tạo động lực để phân loại rác tại nguồn, bỏ tư duy “cứ xả rác rồi khắc có người đi dọn”.

Hiện nay phân loại rác không phải ở ngay tại hộ gia đình mà ở nơi trung chuyển. Chúng ta không nhìn thấy chai nhựa dùng một lần trên đường phố vì đội quân ve chai nhặt hết rồi đưa về các làng nghề tái chế - cũng chính là địa điểm xử lý gây ô nhiễm. Muốn biến rác thành tài nguyên, không thể chỉ dừng ở việc hô hào mà phải có hệ thống đồng bộ phân loại rác từ nguồn, sau đó vận chuyển đến nơi xử lý. Phải có cơ chế thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng những nhà máy tái chế, nếu không rác lại đổ về hết các làng nghề, lại gây ô nhiễm. Chúng ta thiếu những chính sách và hướng dẫn cụ thể, nên hiện mỗi nơi đang làm một kiểu.
PLRTN là biểu hiện của nền kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn sẽ tiến tới “không rác thải”. Chúng ta có thể xử lý, tái chế được tất cả các loại rác. Nhưng muốn thế phải có công nghệ, phải PLRTN. Nếu phân loại rác tốt sẽ hạn chế chôn lấp, đốt rác gây ra nhiều hệ lụy môi trường.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Huyền Nga-Quang Ánh-Bảo Nguyên
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
GreenHub, Live&Learn, nguồn internet