Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban
Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội

Cần đẩy nhanh hoàn thiện
hệ thống cơ chế, chính sách

“Nhiều dự án luật đang được xây dựng và sẽ sớm trình Quốc hội trong những kì họp gần nhất nhằm hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và quyền sở hữu trí tuệ quốc gia” - ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ với Nhân Dân hằng tháng.

Từ Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, đến Nghị quyết 03 của Chính phủ và Nghị quyết 193 của Quốc hội, ông có nhận thấy đây sẽ là bước tạo đà cho những đột phá về khoa học công nghệ trong thời gian tới?

Có thể nói kể từ thời điểm được ban hành tới nay, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã trở thành tâm điểm, không chỉ đối với cộng đồng khoa học công nghệ Việt Nam mà còn là vấn đề thời sự của cả nước.

Đây cũng là một trong những Nghị quyết của Đảng được thể chế hóa rất kịp thời ngay sau khi ban hành. Trong vòng chưa đầy một quý (từ 22/12/2024 đến 19/2/2025), Nghị quyết 57 nhanh chóng được Quốc hội cụ thể hóa bằng Kế hoạch số 3260/KH-ĐĐQH15 về triển khai Nghị quyết 57, Chính phủ cụ thể hóa bằng Nghị quyết 03 “Ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57”. Và đặc biệt, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Việc đưa ra các chủ trương, chính sách và thiết kế hành lang pháp lý rõ ràng với nhiều cơ chế ưu đãi, vượt trội chính là động lực và nguồn động viên to lớn dành cho các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Một trong những mục tiêu Nghị quyết 57 đề ra là: “Tới năm 2030: Kinh phí chi cho R&D đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%”. Theo ông, làm thế nào để thu hút được các nguồn lực xã hội, trong đó có khối doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu phát triển?

Cho đến trước khi Nghị quyết 57 ra đời, chi đầu tư nghiên cứu và phát triển; cho khoa học, công nghệ của Việt Nam vẫn là một mảng tối màu trong bức tranh chung về khoa học và công nghệ. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho R&D và sau khi Nghị quyết 57 ra đời, chúng ta lại có thêm câu hỏi mới. Tuy vậy, điều đáng mừng là câu trả lời cho những câu hỏi này cũng đã có. Với sự hỗ trợ của Chat GPT, Deepseek, trong vòng chưa đầy 5 giây, các bạn có thể thu thập được rất nhiều thông tin liên quan đến ưu đãi tài chính, thuế, các giải pháp tạo môi trường thuận lợi, các chế định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ… để thúc đẩy việc thu hút các nguồn lực xã hội cho R&D. Những giải pháp này cũng được đề cập ở Nghị quyết 57, được thể chế hóa ở Nghị quyết 193 của Quốc hội và đang tiếp tục được thể chế hóa tại các dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo…

Cá nhân tôi tin tưởng rằng, khu vực tư nhân luôn sẵn sàng đầu tư cho R&D. Ở chiều ngược lại, Nhà nước cũng đã nhận diện và đang áp dụng các biện pháp khuyến khích, thu hút các nguồn lực xã hội, đặc biệt là nguồn lực từ khu vực tư. Vấn đề là xác định điểm gặp gỡ giữa nhu cầu của khu vực tư nhân và mục tiêu, kỳ vọng của Nhà nước. Chúng ta cũng nên phân loại rõ ràng nguồn lực từ khu vực tư nhân (tập đoàn, doanh nghiệp lớn, mang tính dẫn dắt, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí cả cá nhân chuyên gia, nhà khoa học) để thiết kế các chính sách ưu đãi, khuyến khích tương ứng. Không nên áp dụng đại trà, đồng nhất một phương thức thu hút, khuyến khích với các đối tượng khác nhau.

Theo số liệu từ các cơ quan nghiên cứu của EC (Ủy ban châu Âu), Việt Nam có một doanh nghiệp nằm trong top 2.000 doanh nghiệp trên thế giới đầu tư mạnh nhất cho R&D là Vingroup. Theo ông, cần làm thế nào để có thêm nhiều hơn nữa những doanh nghiệp như Vingroup đầu tư lớn vào hoạt động R&D?

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định khoa học - công nghệ (KH&CN) nói chung và đổi mới sáng tạo nói riêng là động lực quan trọng trong mô hình tăng trưởng mới, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh chóng. Tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ngày 13/1/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định, khoa học, công nghệ là con đường duy nhất để đất nước bứt phá, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Thời gian qua, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đã được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm để đưa các kết quả nghiên cứu thành sản phẩm, hàng hóa phục vụ trực tiếp cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu; phong trào đổi mới sáng tạo đã được lan tỏa trong xã hội và cộng đồng doanh nghiệp; tiềm lực KH&CN quốc gia được củng cố; thị trường KH&CN bước đầu gắn kết hoạt động KH&CN với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ tiếp tục hoàn thiện dần đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Sự cải thiện cũng thấy rất rõ ở những chỉ số liên quan mật thiết nhất với hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia như tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển, số lượng nhà nghiên cứu trong doanh nghiệp đều tăng đáng kể. Khu vực doanh nghiệp đang hướng tới trở thành trung tâm của đổi mới sáng tạo với sự vào cuộc của một số tập đoàn kinh tế lớn, đặc biệt như Vingroup. Để tiếp tục có nhiều doanh nghiệp đầu tư lớn cho R&D, Nhà nước cần tiếp tục nhanh chóng đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi nhất, thúc đẩy khả năng nghiên cứu ứng dụng, tiếp nhận công nghệ mới, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp… Chúng tôi hy vọng trong dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới đây (tháng 5/2025) sẽ giải quyết được vấn đề này một cách hiệu quả.

Nghị quyết 193 của Quốc hội đã đưa ra những cơ chế, chính sách được nhìn nhận là cởi mở, thông thoáng, đột phá dành cho khoa học công nghệ. Vậy trong trường hợp một số điều khoản ở một số luật liên quan còn chồng chéo, chưa thống nhất với Nghị quyết 193, tiến độ sửa luật diễn ra như thế nào? Liệu có thể bỏ các quy định liên quan đến đấu thầu trong nghiên cứu khoa học, thưa ông?

Nghị quyết 193 là Nghị quyết mang tính chất thí điểm, được xác định cụ thể về không gian, thời gian và phạm vi áp dụng. Mặt khác, tương tự như các Nghị quyết về thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù trước đó dành cho TP Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…, một số quy định tại Nghị quyết vượt lên trên các quy định của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Hay nói cách khác là chưa thống nhất với luật hiện hành. Ở thời điểm này, chưa thể đưa ra bất kỳ câu trả lời chính xác nào về tiến độ sửa các luật liên quan nếu xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo, có hay không việc bỏ quy định liên quan đến đấu thầu trong nghiên cứu khoa học. Bởi vì câu trả lời nằm ở kết quả thực hiện Nghị quyết thí điểm này. Chỉ khi các quy định tại Nghị quyết 193 được triển khai, chúng ta mới biết rằng thực tế cần gì, các ưu đãi mang tính đột phá, vượt trội đã đúng và trúng hay chưa? Dựa trên kết quả tổng kết thi hành Nghị quyết 193, Chính phủ và Quốc hội sẽ thiết kế các chính sách phù hợp mang tính đồng bộ, ổn định và dài hơi hơn cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Yếu tố quan trọng không kém để xác định thành công của R&D là phải thương mại hóa được sản phẩm. Theo ông, có cần ban hành các chính sách pháp luật cụ thể để các bộ, ngành, địa phương dùng ngân sách Nhà nước phải đặt hàng, bao tiêu sản phẩm khoa học công nghệ?

Thứ nhất, việc đặt hàng các nhiệm vụ KH&CN xuất phát từ nhiều căn cứ (thí dụ: thực hiện các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn hoặc do nhu cầu phát triển của các tổ chức...). Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu khoa học có tính rủi ro, có độ trễ nên không phải bất cứ nghiên cứu nào cũng ra được kết quả như mong muốn. Ngay cả khi đạt được kết quả nghiên cứu thì không phải sản phẩm/kết quả nào cũng được xã hội đón nhận ngay, do chưa phù hợp với thực tiễn tại thời điểm đó (độ trễ).

Thứ hai, từng loại nhiệm vụ KH&CN sẽ có những kết quả nghiên cứu tương ứng và cần có cách ứng xử khác nhau. Đối với nghiên cứu cơ bản thì kết quả nghiên cứu sẽ là các bài báo, tri thức... Kết quả của nhiệm vụ KH&CN này không thể dễ dàng thương mại hóa. Đó là tri thức cần được phổ biến, tăng cường khả năng tiếp cận cho toàn xã hội, do đó Nhà nước cần phải là bà đỡ, là người đầu tư để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu. Việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bao tiêu sản phẩm KH&CN không phải lúc nào cũng phù hợp. Với các nhiệm vụ KH&CN nghiên cứu định hướng ứng dụng, nghiên cứu ứng dụng thì khả năng tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng cao hơn nên sẽ dễ dàng thương mại hóa. Các loại kết quả nghiên cứu này cần có phương án thúc đẩy thương mại hóa, trao quyền nhiều hơn cho tổ chức chủ trì để nhanh chóng ứng dụng kết quả nghiên cứu, tạo ra giá trị.

Ông có cho rằng, trong bối cảnh quốc tế như hiện nay, một đất nước mà không làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi thì sự tự chủ cũng ít nhiều bị tác động?

Hiện nay chúng ta chưa làm chủ được công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi. Nghị quyết 57-NQ/TW đã xác định thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm. Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược. Theo đó, sẽ ban hành Chương trình phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược; Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược (ưu tiên các lĩnh vực quốc phòng, không gian, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, vật liệu tiên tiến, bán dẫn, công nghệ lượng tử, robot và tự động hóa…); có cơ chế thử nghiệm chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ chiến lược. Bố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi sự nghiệp khoa học phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược; ban hành cơ chế, chính sách hợp tác công tư để nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến lược. Phát triển hệ thống các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, tập trung cho công nghệ chiến lược. Điều đó cho thấy, Đảng và Nhà nước ta đã xác định được rất rõ tầm quan trọng của công nghệ chiến lược, công nghệ cốt lõi trong sự phát triển của đất nước.

Trân trọng cảm ơn ông.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Nam Phương-Thanh Thanh-Trần Thanh Hương-Mi Sol-Ngô Hương Sen
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Phạm Thắng, Sơn Tùng,Vietnamnet, internet.