Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam - TTND, PGS, TS Trần Quý Tường:

“Cần ngay cơ chế tài chính cho ứng dụng CNTT trong y tế”

Từng đảm nhận trọng trách Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), hiện là Chủ tịch Hội Tin học y tế, Thầy thuốc Nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quý Tường (ảnh bên) am hiểu thấu đáo về quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Ông cũng được coi như một trong những nhân tố góp phần thúc đẩy triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (EMR) ở Việt Nam. TTND, PGS, TS Trần Quý Tường đã có cuộc trò chuyện cùng Nhân Dân hằng tháng:

Là người sâu sát với công cuộc chuyển đổi số trong ngành y tế cũng như có nhiều đóng góp thực tiễn, ông có thể đánh giá kết quả khái quát về quá trình thực hiện Bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử thời gian qua?

Phải nói kết quả trước hết chính là cả phía Chính phủ và Bộ Y tế đã đẩy mạnh kiến tạo thể chế, từng bước xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về việc ứng dụng công nghệ thông tin y tế (CNTTYT) nói chung và triển khai EMR, đơn thuốc điện tử... Từ đó, đã tác động tới việc nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số y tế nói chung và hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng trong đội ngũ nhân lực ngành y. Hằng năm, Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị của Bộ cũng có nhiều hoạt động thiết thực, vừa động viên vừa truyền cảm hứng tới cán bộ nhân viên y tế và lan tỏa trong xã hội về chuyển đổi số...

Thí dụ cụ thể như tháng 8 vừa qua, Hội Tin học y tế, Cục Khám chữa bệnh của Bộ Y tế, Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế - Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Sở Y tế tỉnh Phú Thọ… đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy và thanh toán không dùng tiền mặt ở các cơ sở khám, chữa bệnh. Vượt xa dự tính của ban tổ chức, Hội thảo đã thu hút được rất, rất đông các đại biểu tham dự. Nhiều đại biểu đến từ các lĩnh vực ngoài ngành y tế: ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán; các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng; các chuyên gia, các nhà khoa học về CNTT và y tế… Điều đó chứng tỏ chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, triển khai EMR, đơn thuốc điện tử… không còn là câu chuyện của riêng ngành y tế, mà đã liên quan mật thiết tới nhiều mặt của đời sống xã hội, chính vì thế đã có được những thành tựu nhất định.

Đến nay 100% các cơ sở KCB trên toàn quốc, cả viện công lập và bệnh viện tư nhân đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), có phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS). Có 62,16% các cơ sở KCB có bộ phận chuyên trách CNTT riêng, trong đó có 95% các bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt đã thành lập phòng CNTT, các đơn vị khác cũng đã có cán bộ chuyên trách riêng. Trung bình trên cả nước, mỗi cơ sở KCB có 3,15 nhân viên chuyên trách, 46,5% bệnh viện triển khai đặt lịch khám trực tuyến, 61,1% bệnh viện triển khai lấy số xếp hàng. Các bệnh viện đã kết nối phần mềm quản lý thông tin của bệnh viện (HIS) với cơ quan bảo hiểm xã hội Việt Nam đạt 99,5% để thực hiện việc giám định bảo hiểm y tế điện tử. Trên toàn quốc đã có 108 cơ sở khám, chữa bệnh công bố đã triển khai EMR, không sử dụng bệnh án giấy, trong đó nhiều bệnh viện đã duy trì EMR hơn 5 năm.

Nhưng thực tế, việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử lại chưa đáp ứng đúng lộ trình đã đề ra, thưa ông?

Theo tôi có nhiều nguyên nhân. Trước hết, dù đã có những thay đổi căn bản, nhưng nói chung, nền tảng và hạ tầng số của ngành y tế Việt Nam hiện vẫn còn sơ khai, mà hạ tầng CNTT là điều kiện cần và rất quan trọng để áp dụng EMR. Từ đó gây nên những khó khăn cho các cơ sở vì phải đầu tư ban đầu, dẫn tới tổng chi phí để triển khai áp dụng EMR là rất lớn. Các cơ sở y tế cần phải huy động từ nhiều nguồn lực mới có khả năng cân đối chi phí này.

Về mặt khách quan, hiện tại vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính cho ứng dụng CNTT y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng, cụ thể là chưa có mục chi cho CNTT; trong giá thành dịch vụ y tế chưa có thành phần CNTT; các bệnh viện chủ yếu sử dụng quỹ đầu tư phát triển của đơn vị để ứng dụng CNTT khiến cho các hoạt động khác cũng chịu ảnh hưởng. Thêm những nguyên nhân thuộc về chủ quan nữa là một số lãnh đạo bệnh viện vẫn thiếu sâu sát, thiếu quan tâm, không nhìn nhận được hiệu quả, đóng góp thiết thực của việc triển khai EMR, vì thế chưa tích cực chủ động triển khai EMR tại cơ sở của mình. Triển khai EMR khiến quy trình, nề nếp làm việc của toàn bộ bệnh viện phải đồng bộ, khoa học hơn, bắt buộc các thói quen của người lao động cần thích ứng theo.

Cung cách làm việc truyền thống phải chuyển sang quy trình có tính khoa học chặt chẽ trên môi trường mạng. Những đòi hỏi này không hẳn lúc nào cũng nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận từ cả lãnh đạo và nhân viên trong cơ sở y tế. Hơn nữa, trình độ CNTT của một bộ phận kể cả các lãnh đạo, cán bộ lẫn các nhân viên y tế trong một số đơn vị còn thiếu và yếu, lại không đồng đều giữa các đơn vị với nhau...

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu kiểm tra xe cấp cứu cơ động.

PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu kiểm tra xe cấp cứu cơ động.

Vậy làm cách nào để vượt qua những thách thức như ông vừa nêu?

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT là xu thế, có tính bắt buộc, ngành y tế không thể đứng ngoài cuộc. Triển khai EMR đã thành xu hướng tất yếu của ngành y tế. Triển khai EMR cũng được coi như bước đột phá quan trọng để thực hiện chuyển đổi số của bệnh viện. Trên nền tảng đó đặt ra các yêu cầu để đáp ứng: “Tính sẵn sàng”, bao gồm: chính sách; hạ tầng CNTT; con người và tài chính. Đặc thù ở nước ta chủ yếu là y tế công lập nên Bộ Y tế phải có quy định về cơ chế tài chính. Về tài chính, trước hết theo tôi, phải ban hành ngay quy định về chi trả kinh phí khi ứng dụng phần mềm lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) thay cho in phim. Vì chưa có quy định về kinh phí, chưa được bảo hiểm y tế thanh toán nên một ứng dụng tích cực như PACS lại chưa được nhân rộng ra ở các BV là điều hết sức đáng tiếc. Đây cũng chính là điểm nghẽn trong triển khai EMR. Các quy định về giá dịch vụ KCB theo quy định tại Điều 110 Luật Khám bệnh, chữa bệnh, (trong đó điểm d, khoản 2 có quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm chi phí CNTT) phải sớm được ban hành cụ thể, giúp các cơ sở KCB có kinh phí thực hiện chuyển đổi số và EMR. Việc nghiên cứu, xem xét xây dựng khung dữ liệu cho EMR, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật của phần mềm EMR như: cấu trúc bệnh án điện tử theo tiêu chuẩn HL7, xác lập mã định danh y tế (ID) cũng cần hoàn thiện sớm, để triển khai bệnh án điện tử thống nhất trên toàn quốc…

TTND, PGS, TS Trần Quý Tường kiểm tra Kios thông tin thông minh của BVDK huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

TTND, PGS, TS Trần Quý Tường kiểm tra Kios thông tin thông minh của BVDK huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Theo ông đến năm 2028 và chậm nhất là năm 2030, EMR có được triển khai trên toàn bộ hệ thống các cơ sở y tế cả nước, như lộ trình đề ra tại Thông tư 46/2018/TT-BYT?

Dù triển khai EMR là lĩnh vực hoàn toàn mới, cả hệ thống của chúng ta chưa có kinh nghiệm, vừa học, vừa làm vừa tích lũy nhưng bước đầu rõ ràng đã rất khả quan. Trong những năm qua, không chỉ ngành y tế mà cả xã hội đã cùng được hưởng lợi ích thấy rõ của việc ứng dụng CNTT, triển khai EMR, đơn thuốc điện tử. Ví như hiện nay, thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tiến được bước dài so với 5 năm trước đây. Hiện có 71% cơ sở y tế áp dụng thanh toán điện tử. Ứng dụng CNTT trong y tế cũng góp phần hình thành mạng lưới với nhiều doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, triển khai và có sản phẩm tốt về chuyển đổi số y tế và EMR, đủ năng lực cung cấp các sản phẩm về EMR có chất lượng. Bởi vậy tôi tin ngành y tế sẽ đạt được mục tiêu đã vạch ra. Muốn thế thì Bộ Y tế cần có chế tài đối với các đơn vị, địa phương không thực hiện triển khai EMR theo lộ trình. Cũng đã đến lúc cần rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung thay thế Thông tư 46/2018/TT-BYT và Thông tư 54/2017/TT-BYT cho phù hợp với diễn tiến thực tế và đòi hỏi thực tế; song song đó cũng đẩy nhanh hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống văn bản pháp luật liên quan, bổ sung nguồn tài liệu chuyên môn hướng dẫn về chuyển đổi số y tế nói chung và các triển khai cụ thể về EMR, đơn thuốc điện tử...

Trân trọng cảm ơn ông!

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Dạ Miên-Thanh Hằng-Mi Sol-Ngô Hương Sen
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Phóng viên, nguồn internet