CẦN NỖ LỰC PHI THƯỜNG
Mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2024 là thách thức lớn, đòi hỏi phải có những nỗ lực mạnh mẽ để đạt được. Nhưng mục tiêu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng như trong trung hạn là vượt bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước có thu nhập cao.
Do đó ngay tại thời điểm này, Việt Nam cần có một kịch bản tham vọng để thúc đẩy những nỗ lực phi thường, tạo áp lực cho cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa, đưa nền kinh tế quay trở lại tốc độ tăng trưởng cao.
Phóng viên Báo Nhân Dân phỏng vấn Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam về vấn đề này.
KỊCH BẢN THAM VỌNG: GDP TĂNG 7%
Phóng viên: Đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024, các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước đều thận trọng đưa ra các kịch bản tăng trưởng ở mức 5,5-6,5%, ông nhận định thế nào về những dự báo này?
Tiến sĩ Lê Duy Bình: Mới đây vào ngày 15/1/2024, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã công bố Báo cáo kinh tế thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024 với chủ đề Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng.
Báo cáo đưa ra hai kịch bản tăng trưởng với mức mức 6,13% theo kịch bản 1, và 6,48% trong kịch bản 2.
HAI KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG
Kịch bản tăng trưởng 6,13%
được dựa trên một số giả định như GDP của thế giới tăng 2,9% trong năm 2024, tỷ giá VNĐ/USD tăng 1,5%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 9%, tín dụng tăng 15%, chuyển giao của Chính phủ và khu vực tư nhân đều tăng 5% trên cán cân thanh toán, vốn thực hiện của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 3%. Giải ngân chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức 677,3 nghìn tỷ đồng.
Kịch bản tăng trưởng 6,48%
giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong Kịch bản 1, chỉ điều chỉnh GDP của thế giới tăng 3,2%; tổng phương tiện thanh toán tăng 10%; tín dụng tăng 16%; giá nhập khẩu hàng hóa giảm 5%; tỷ giá VNĐ/USD tăng 2%, và vốn thực hiện của khu vực FDI tăng 5%.
Để đạt được các giả định trên, hay nói cách khác là các điều kiện để đặt ra mục tiêu tăng trưởng của cả hai kịch bản này là đầy thách thức trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, cũng có thể dễ dàng thấy rằng đạt được các điều kiện này là hoàn toàn có thể, chỉ cần với các nỗ lực hơn mức bình thường.
Tuy nhiên, chúng ta không nên chỉ hài lòng với các kịch bản tăng trưởng tuy thách thức nhưng dường như vẫn còn chứa đựng nhiều sự thận trọng như vậy. Những kịch bản đó tuy rất khó khăn, đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhưng đó mới chỉ là những nỗ lực hơn mức bình thường chứ chưa phải là các nỗ lực phi thường.
Yêu cầu phát triển của nền kinh tế, đặc biệt với tầm nhìn và mục tiêu trong trung hạn là vượt bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao, và đưa nền kinh tế sớm quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao, đòi hỏi chúng ta cần phải có những nỗ lực phi thường ngay từ bây giờ, chứ không phải chỉ những nỗ lực trên mức bình thường.
Đó là lý do tôi nghĩ chúng ta cần có một kịch bản tăng trưởng tham vọng hơn, nhiều hoài bão hơn, dám nghĩ lớn hơn để tạo áp lực mạnh mẽ hơn để có các nỗ lực phi thường. Chúng ta cũng cần một kịch bản để truyền cảm hứng cho các hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa cho cả nền kinh tế.
Tôi nghĩ chúng ta cần có một kịch bản tăng trưởng tham vọng hơn, nhiều hoài bão hơn, dám nghĩ lớn hơn để tạo áp lực mạnh mẽ hơn để có các nỗ lực phi thường. Chúng ta cũng cần một kịch bản để truyền cảm hứng cho các hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa cho cả nền kinh tế.
Phóng viên: Sự thận trọng của các cơ quan nghiên cứu khi xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế tại thời điểm có nhiều yếu tố bất định, khó dự báo như hiện nay cũng là điều dễ hiểu. Vậy theo ông, cần để thúc đẩy những nỗ lực phi thường như ông đã đề cập?
Tiến sĩ Lê Duy Bình: Vấn đề đặt ra là liệu chúng ta có dám nghĩ đến và dám hành động quyết liệt vì một kịch bản tăng trưởng cao hơn như thế, ví dụ như tăng trưởng 7%, trong bối cảnh như hiện nay hay không? Đồng thời, phải trả lời các câu hỏi như đâu là các giới hạn hay cản lực để chúng ta đạt được tốc độ tăng trưởng có thể đánh giá là rất lãng mạn trong bối cảnh hiện nay? Tiềm năng và cơ sở cho thực hiện kịch bản tạm gọi là kịch bản mơ ước này là có hay không?
Nếu xem xét kỹ các điều kiện để đạt được tốc độ tăng trưởng 6,48% như trong kịch bản 2 của báo cáo, ngoại trừ các yếu tố mang tính ngoại cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam, các giả định để đạt được kịch bản tăng trưởng cao này đều có tính khả thi. Nền kinh tế hoàn toàn có thể đạt được các điều kiện này nếu quyết tâm ngay từ những tuần đầu, tháng đầu của năm 2024.
Vậy thì tại sao chúng ta không mạnh dạn, dám nghĩ đến một kịch bản tăng trưởng cao hơn, với các giả định cao hơn, yêu cầu, điều kiện cao hơn thế để các yếu tố nội lực có thể phát huy mạnh mẽ hơn với các nỗ lực mạnh mẽ hơn?
Đó có thể là một kịch bản mơ ước nhưng không có gì ngăn cản chúng ta hướng tới mục tiêu đó. Theo tôi nghĩ, kịch bản tăng trưởng cao nhất trong báo cáo dường như vẫn còn rất thận trọng và an toàn, chưa đủ để tạo áp lực, chưa đủ để truyền cảm hứng để chúng ta có cơ hội chứng kiến được các nỗ lực phi thường nhằm biến những tiềm năng thực tế thành cơ hội tăng trưởng như trong kịch bản mơ ước.
Tôi cũng đồng ý rằng tăng trưởng 7% trong năm 2024 là kịch bản mơ ước, và cũng có thể là lãng mạn nếu so với các khó khăn hiện nay. Nhưng cũng phải khẳng định rằng kịch bản đó không phải là không thể.
Chí ít, nó cũng tạo ra động lực và áp lực để có các nỗ lực mạnh mẽ, phi thường để tạo cơ sở, nền tảng ngay trong năm 2024 này để nền kinh tế quay trở lại tốc độ tăng trưởng 7% và cao hơn trong năm 2025 và cho suốt giai đoạn kế hoạch 2026-2030 sắp tới.
Tôi cũng đồng ý rằng tăng trưởng 7% trong năm 2024 là kịch bản mơ ước, và cũng có thể là lãng mạn nếu so với các khó khăn hiện nay. Nhưng cũng phải khẳng định rằng kịch bản đó không phải là không thể. Chí ít, nó cũng tạo ra động lực và áp lực để có các nỗ lực mạnh mẽ, phi thường để tạo cơ sở, nền tảng ngay trong năm 2024 này để nền kinh tế quay trở lại tốc độ tăng trưởng 7% và cao hơn trong năm 2025 và cho suốt giai đoạn kế hoạch 2026-2030 sắp tới.
BƯỚC CHÂN THẦN TỐC ĐẾN KHÁT VỌNG HÙNG CƯỜNG
Phóng viên: Liên hợp quốc vừa đưa ra dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,4% vào năm 2024 trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo tăng trưởng toàn cầu sẽ tiếp tục chậm lại năm thứ ba liên tiếp. Trong bối cảnh đó, dự báo kịch bản kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7% có cơ sở không, thưa ông?
Tiến sĩ Lê Duy Bình: Để đạt được tốc độ tăng trưởng cao, cần có những nỗ lực phi thường để làm tốt hơn, đạt kết quả tốt hơn những giả định đặt ra đối với các kịch bản tăng trưởng.
Nếu so với các điều kiện để đạt được kịch bản tốt nhất là kịch bản 2 như trong báo cáo, có nhiều dư địa để chúng ta làm tốt hơn, với các các nỗ lực phi thường, biến các tiềm năng thực tế thành hiện thực tăng trưởng cao mà không làm ảnh hưởng tới cân đối lớn của nền kinh tế và có tính bền vững từ góc độ tăng trưởng.
Một trong những lĩnh vực tiềm năng là gia tăng đầu tư tư nhân. Đây sẽ là một yếu tố có tính đột phá để có được một tốc độ tăng trưởng tốt hơn kịch bản 2 giúp chúng ta tiệm cận gần hơn tới kịch bản mơ ước.
Nhìn lại dữ liệu của những năm vừa qua, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 3423,5 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm trước, trong đó khu vực Nhà nước tăng 14,6%, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 5,4%. Tuy nhiên, đầu tư của khu vực tư nhân chỉ tăng 2,7%, thấp nhất trong những năm gần đây (năm 2022, đầu tư tư nhân tăng 8,7%, năm 2021 tăng 7,1% và năm 2020 tăng đến 38,6%).
Trong bối cảnh tốc độ tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ bằng phân nửa so với năm 2022, tốc độ tăng thấp của vốn đầu tư tư nhân cho thấy đầu tư của khu vực tư nhân đã không thực sự là một động lực quan trọng của tăng trưởng năm 2023.
Chúng ta cần những nỗ lực phi thường để đưa đầu tư tư nhân trong nước tăng ở mức trên 10%-15% mỗi năm, và duy trì được tốc độ tăng này trong một giai đoạn dài. Đây sẽ là yếu tố quan trọng, tạo sự khác biệt về tăng trưởng trong năm 2024 và trong nhiều năm tới.
Để hỗ trợ cho mục tiêu này, cũng cần có những nỗ lực đặc biệt để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện mang tính đột phá trên các bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh toàn cầu, về năng lực đổi mới sáng tạo, tự do kinh tế và nhiều bảng xếp hạng khác.
Chúng ta cũng cần các nỗ lực phi thường để không mãi nằm ở nửa dưới của các bảng xếp hạng, mặc dù chúng ta đã rất nỗ lực để có những tiến bộ để từng bước nhích dần trên các bảng xếp hạng trong suốt thời gian vừa qua.
Ngoài các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, những động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo nếu được phát huy mạnh mẽ sẽ là nhân tố đóng góp cho một kịch bản mơ ước này.
Ngoài các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu, những động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo nếu được phát huy mạnh mẽ sẽ là nhân tố đóng góp cho một kịch bản mơ ước này.
Những động lực tăng trưởng mới này chỉ có thể thực sự đóng góp mạnh mẽ hơn nữa khi các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, những cơ chế thúc đẩy đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp người dân sẽ thực sự được ban hành, đi vào cuộc sống chứ không còn mãi ở dạng dự thảo như hiện nay.
Quả thực chỉ cần ban hành quy định chính thức, đưa một vài cơ chế thử nghiệm có kiểm soát vào thực hiện ngay trong năm 2024 tưởng chừng như đơn giản nhưng cũng cần có những nỗ lực phi thường vì có những văn bản đã tồn tại dưới hình thức dự thảo đến hơn 3 năm mà chưa thể thực sự đi vào cuộc sống.
Phóng viên: Theo ông, vì sao cần xây dựng một kịch bản tham vọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam tại thời điểm này?
Tiến sĩ Lê Duy Bình: Đặt vấn đề xây dựng kịch bản tăng trưởng cao đối với nền kinh tế Việt Nam vào thời điểm này không phải vì duy ý chí hay vì say sưa với tốc độ tăng trưởng.
Nhưng chúng ta thực sự cần một kịch bản tăng trưởng cao hơn, với các giả định hay các yêu cầu, mục tiêu cao hơn đặc biệt là các yếu tố liên quan tới hành động và phát huy nội lực, từ đó có thể thúc đẩy các hành động mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để đẩy mạnh tốc độ, nâng cao chất lượng tăng trưởng, sớm đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao, bền vững.
Thời gian để chúng ta đạt được tầm nhìn 2030 và 2045 không còn nhiều. Bên cạnh đó, bẫy quốc gia có thu nhập trung bình vẫn là một rủi ro mà chúng ta phải vượt qua. Thời gian không cho phép chúng ta mãi trì hoãn các nỗ lực phi thường để đạt được các mục tiêu trong dài hạn theo mốc thời gian dự kiến. Hành trình vạn dặm này cần bắt đầu bằng những bước chân nhanh hơn, thần tốc hơn ngay ngày hôm nay, ngay từ bây giờ.
Cho dù có đạt được kịch bản mơ ước như vậy hay không, chúng ta rất cần những nỗ lực phi thường ngay trong năm 2024 để hướng tới mục tiêu GDP bình quân đầu người đạt mức 5.000 USD vào năm 2025, đồng thời chuẩn bị hành trang, tâm thế tốt nhất cho giai đoạn tăng trưởng cao vào bền vững trong giai đoạn 2026-2030 và những giai đoạn tiếp theo.
Một kịch bản với tốc độ tăng trưởng cao hơn có thể tạo ra những áp lực, hay cảm hứng cho những nỗ lực phi thường, cao hơn mức bình thường như hiện tại. Nó cũng thể hiện hoài bão, quyết tâm vươn lên của đất nước, của dân tộc trong khát vọng hùng cường.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thời gian để chúng ta đạt được tầm nhìn 2030 và 2045 không còn nhiều. Bên cạnh đó, bẫy quốc gia có thu nhập trung bình vẫn là một rủi ro mà chúng ta phải vượt qua. Thời gian không cho phép chúng ta mãi trì hoãn các nỗ lực phi thường để đạt được các mục tiêu trong dài hạn theo mốc thời gian dự kiến. Hành trình vạn dặm này cần bắt đầu bằng những bước chân nhanh hơn, thần tốc hơn ngay ngày hôm nay, ngay từ bây giờ.
NGÀY XUẤT BẢN: 20/1/2024
CHỈ ĐẠO: NGỌC THANH-VIỆT ANH
THỰC HIỆN: TÔ HÀ-GIANG KHÔI
TRÌNH BÀY: BẢO MINH-PHƯƠNG NAM