Lộ trình 3 giai đoạn phục hồi kinh tế ở Canada

Tháp Hòa bình thuộc tòa nhà Quốc hội Canada ở Ottawa, Ontario. (Ảnh: REUTERS)

Tháp Hòa bình thuộc tòa nhà Quốc hội Canada ở Ottawa, Ontario. (Ảnh: REUTERS)

Chuyên đề “Chiến lược tái mở cửa, phục hồi kinh tế trong dịch Covid-19” cung cấp góc nhìn đa chiều, bài học kinh nghiệm của những quốc gia có chỉ số phục hồi kinh tế khả quan trên thế giới, mặc dù nguy cơ dịch bệnh vẫn tiềm ẩn.

Với mục tiêu đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, Canada bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế, tập trung trước hết vào mở cửa biên giới với Mỹ, nhằm thúc đẩy phục hồi du lịch, một trong những lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng bởi đại dịch.


Lần đầu tiên sau 17 tháng đóng cửa, Canada bắt đầu cho phép công dân nước ngoài nhập cảnh vào nước này bắt đầu từ đầu tháng 8/2021, kể cả với mục đích không thiết yếu, với điều kiện họ đã được tiêm phòng đầy đủ.

Trước đó, hoạt động đi lại không cần thiết tới Canada đã bị cấm từ tháng 3/2020 nhằm làm giảm nguy cơ lây lan của dịch Covid-19. Trong bối cảnh số ca mắc mới và ca nhập viện giảm, cùng với tỷ lệ tiêm chủng cao, Canada bắt đầu triển khai kế hoạch mở cửa trở lại, trước mắt tập trung vào lĩnh vực du lịch, với việc lần đầu mở cửa lại biên giới đối với khách du lịch Mỹ vào đầu tháng 8 và sau đó là cho khách du lịch từ tất cả các quốc gia còn lại từ đầu tháng 9.

Du khách Mỹ xếp hàng dài để nhập cảnh vào Canada sau khi các hạn chế biên giới được nới lỏng tại cửa khẩu biên giới Peace Arch, Surrey, British Columbia, Canada, ngày 9/8/2021. (Ảnh: REUTERS)

Du khách Mỹ xếp hàng dài để nhập cảnh vào Canada sau khi các hạn chế biên giới được nới lỏng tại cửa khẩu biên giới Peace Arch, Surrey, British Columbia, Canada, ngày 9/8/2021. (Ảnh: REUTERS)

Lộ trình mở cửa ba giai đoạn

Trước đó vào cuối tháng 6/2021, Chính phủ Canada đã công bố chi tiết về bước đầu tiên trong lộ trình mở cửa biên giới. Theo đó, bắt đầu từ ngày 5/7, giai đoạn 1 của kế hoạch mở cửa biên giới đã chính thức được triển khai, với việc Canada chỉ cho phép công dân Canada và những người thuộc diện thường trú vĩnh viễn, cũng như một số cư dân Mỹ nhập cảnh với mục đích thiết yếu được vào Canada.

Yêu cầu là họ đã được tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ và sẽ được nhập cảnh mà không phải bắt buộc cách ly tập trung hoặc tại khách sạn được chỉ định. Các giấy tờ chứng nhận tiêm chủng cần được khai báo điện tử và cập nhật vào hệ thống ArriveCAN trước khi nhập cảnh.

Ở giai đoạn này, Canada vẫn chưa cho phép những đối tượng không thuộc diện cư trú vĩnh viễn nhập cảnh mà không với mục đích thiết yếu. Các hoạt động du lịch ở giai đoạn này vẫn bị cấm, cũng như bất kỳ mục đích nhập cảnh không thiết yếu nào đến Canada.

Đến giữa tháng 7/2021, chính quyền của Thủ tướng Justin Trudeau đã công bố bước tiếp theo trong lộ trình mở lại biên giới cho người nước ngoài đã tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa Covid-19.

Theo đó, giai đoạn 2 bắt đầu bằng việc mở lại biên giới với nước láng giềng Mỹ từ ngày 9/8. Công dân Mỹ, bao gồm người có thẻ xanh thường trú vĩnh viễn ở Mỹ, đã tiêm đủ liều vaccine ít nhất từ 14 ngày trước ngày nhập cảnh sẽ được phép vào Canada mà không bị giới hạn mục đích nhập cảnh (kể cả với mục đích không thiết yếu) và cũng không cần cách ly 14 ngày.

"Vào ngày 9/8, nhiều thay đổi quan trọng tại biên giới sẽ có hiệu lực, cho phép những công dân và người thuộc diện thường trú của Mỹ đã tiêm vaccine đầy đủ nhập cảnh Canada vì các mục đích không thiết yếu".
Bộ trưởng Y tế Patty Hadju

Du khách cần cung cấp chứng nhận tiêm vaccine đầy đủ và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi tới Canada. Họ cũng không còn phải làm xét nghiệm khi đến nước này, nhưng có thể sẽ phải kiểm tra ngẫu nhiên tại cửa khẩu.

Ở giai đoạn 3, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt, từ ngày 7/9/2021, Canada cho phép tất cả người nước ngoài đã tiêm vaccine đầy đủ nhập cảnh.

Việc mở cửa đối với khách nước ngoài được áp dụng theo nguyên tắc:

- Chỉ những người đã tiêm đủ hai liều theo danh mục vaccine được phê duyệt, gồm Pfizer, Moderna, AstraZeneca, và Janssen (Johnson & Johnson) mới được nhập cảnh vào Canada.

- Dù thuộc bất kỳ nhóm đối tượng nào, người nhập cảnh Canada đều phải có kế hoạch cách ly đầy đủ cho mình và khai báo thông tin trên ứng dụng ArriveCAN trước khi đến.

Ngoài ra, các bang của Canada cũng áp dụng từng giai đoạn mở cửa riêng biệt cùng các biện pháp cụ thể bên cạnh lộ trình chung mà chính phủ đã đưa ra.

Lộ trình trên được công bố trong bối cảnh khoảng hơn 68% dân số Canada đã tiêm phòng đủ hai mũi, trong khi tỷ lệ tiêm ít nhất một liều cũng đạt mức trên 74%.

Item 1 of 2

Thận trọng mở cửa du lịch

Khi tỷ lệ tiêm chủng tăng và số ca mắc mới giảm trên toàn quốc, các tỉnh và vùng lãnh thổ của Canada bắt đầu công bố kế hoạch mở cửa trở lại cho các hoạt động sản xuất kinh doanh, các sự kiện công cộng và cả hoạt động giải trí, trong đó có du lịch. Hầu hết các kế hoạch mở cửa đều dựa trên các số liệu cụ thể về tỷ lệ tiêm chủng, cũng như số ca mắc và số ca nhập viện giảm tại từng khu vực.

Sau khi bỏ yêu cầu cách ly với những công dân nước này đã tiêm vaccine đầy đủ khi họ từ nước ngoài trở về, Canada bắt đầu tiến hành mở cửa đối với công dân nước ngoài và đối tượng đầu tiên họ nhắm tới là công dân Mỹ, quốc gia chia sẻ đường biên giới trên bộ dài nhất thế giới với Canada.

Người dân Canada và Mỹ ở hai bên biên giới giao lưu trong ngày Canada mở cửa biên giới cho công dân Mỹ nhập cảnh, in Blaine, Washington, Mỹ, ngày 9/8/2021. (Ảnh: Reuters)
"Việc nới lỏng biên giới của Canada là tin tức đáng hoan nghênh đối với các doanh nghiệp lữ hành trên khắp đất nước, cũng như hàng nghìn người Canada làm việc trong lĩnh vực này và các cộng đồng sống dựa vào du lịch".
Melanie Joly, Bộ trưởng Phát triển kinh tế và Ngôn ngữ

Thông tin Canada mở cửa đón du khách Mỹ là tin không thể vui hơn cho các doanh nghiệp du lịch Canada. Trong khi Canada đóng cửa biên giới, người dân địa phương vẫn được phép du lịch nội địa theo lộ trình mở cửa của từng địa phương. Nhưng doanh thu mà du lịch địa phương đem lại vẫn không thể so sánh được với hàng tỷ USD mà du khách Mỹ mang lại cho Canada.

Năm 2019, ngành du lịch đóng góp 35 tỷ USD vào GDP của Canada, bằng với doanh thu từ các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, đánh bắt cá và săn bắn cộng lại. Cũng trong năm 2019, du khách Mỹ đã chi 9,09 tỷ USD cho các chuyến du lịch ở Canada. Trong khi đó, du khách từ các quốc gia khác chi tổng cộng 9,61 tỷ USD.

Khi đại dịch bùng phát, Canada đóng cửa biên giới, người Mỹ không đến, kéo theo doanh thu tỷ đô trên bốc hơi trong suốt năm 2020. Ngành du lịch vẫn là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất và nhiều hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác trong nền kinh tế Canada.

Theo Hiệp hội công nghiệp Du lịch Canada, trước đại dịch, du lịch là ngành công nghiệp lớn thứ 5 tại Canada, đóng góp tới 83,4 tỷ USD cho GDP nước này và cung cấp 1/10 việc làm của đất nước.

Cơ quan xúc tiến du lịch của Canada (Destination Canada) ước tính đại dịch đã khiến hơn nửa triệu việc làm trong ngành du lịch bị mất vào năm 2020. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 99% trong số 232 nghìn doanh nghiệp du lịch ở Canada, trong đó đa số hoạt động như các doanh nghiệp gia đình với nhân viên là các thành viên trong gia đình. Bởi vậy, khi lượng khách du lịch giảm, sinh kế của toàn bộ gia đình lập tức rơi vào rủi ro.

Chính vì thế, Canada đã chọn nhắm đến nhóm khách từ Mỹ đầu tiên trong kế hoạch mở cửa, phục hồi sau đại dịch của mình. Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Destination Canada, Marsha Walden cho biết: "Du khách Mỹ luôn quan trọng đối với Canada. Bởi thế Mỹ sẽ là thị trường quốc tế đầu tiên chúng tôi mở cửa trở lại. Triển vọng phục hồi cho thị trường này cũng khả quan, với 77% người Mỹ cho biết sẵn sàng đi du lịch ngay ở thời điểm hiện tại”.

Ngay sau khi lộ trình mở cửa được công bố, tháng 8 chứng kiến số lượng khách quốc tế đến Canada bằng đường bộ và đường hàng không tăng so với năm ngoái, tuy vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch năm 2019.

Số lượng du khách không cư trú từ nước ngoài (158.300 người, gồm 79.500 công dân Mỹ) nhập cảnh tại các sân bay Canada trong tháng 8 nhiều gấp gần sáu lần so với cùng kỳ năm ngoái (27.500), nhưng giảm 84,4% so với tháng 8 năm 2019 (1 triệu).

Trong đó, 354 nghìn du khách Mỹ đã nhập cảnh thông qua các cửa khẩu trên bộ trong tháng 8. Mặc dù con số này tăng hơn 280 nghìn lượt so với tháng 8/2020, nhưng giảm 82,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong tám ngày đầu tiên của tháng 8 khi biên giới vẫn đóng đối với hoạt động đi lại không thiết yếu tới Canada, trung bình có 3.500 du khách Mỹ nhập cảnh mỗi ngày. Sau khi biên giới được mở cửa hoàn toàn cho người Mỹ được tiêm phòng đầy đủ kể từ 9/8, con số này trung bình đã tăng lên 14.200 lượt người mỗi ngày.

Mặc dù con số này cao hơn nhiều so với 72.800 lượt vào tháng 8/2020, song vẫn thấp hơn 82,7% so với 2 triệu lượt người đến từ Mỹ nhập cảnh vào Canada trong tháng 8/2019.

Điều này cho thấy dù đã mở cửa biên giới để thúc đẩy phục hồi kinh tế, với ưu tiên trước hết là cho ngành du lịch, Canada vẫn đặt an toàn phòng dịch lên hàng đầu.

Mặc dù Canada đã mở cửa trở lại cho khách du lịch, việc đi lại qua biên giới vẫn chưa thể thoải mái như trước đại dịch, với các quy định phòng dịch hiện vẫn được áp dụng như đeo khẩu trang ở một số địa điểm theo quy định, bên cạnh lộ trình mở cửa khác nhau của từng địa phương.

Du khách Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ được chấp thuận nhập cảnh vào Canada sẽ không phải thực hiện cách ly 14 ngày. Tuy nhiên, họ sẽ phải khai báo y tế trên ứng dụng ArriveCAN hoặc giao diện web của ứng dụng này, với đầy đủ thông tin liên quan đến chứng nhận tiêm chủng và xét nghiệm âm tính 72 giờ trước khi nhập cảnh.

Mặc dù không yêu cầu xét nghiệm bắt buộc khi nhập cảnh, du khách có thể sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên để xét nghiệm PCR trong ngày đầu tiên đến Canada. Ngoài ra, khách nhập cảnh cũng được yêu cầu phải có kế hoạch cách ly, trong trường hợp họ có kết quả dương tính khi nhập cảnh.

Canada không cấm việc đi lại giữa các tỉnh, mặc dù giao thông giữa một số địa phương hiện vẫn còn một số hạn chế nhất định tùy theo quy định phòng dịch của các tỉnh. Sự gia tăng các ca nhiễm mới ở Canada vào tháng 12/2020 đã dẫn đến việc Ontario và Quebec phải áp đặt lệnh giới nghiêm cho đến đầu tháng 2/2021, và sau đó được dỡ bỏ khi các địa phương bắt đầu mở cửa trở lại theo từng giai đoạn trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát.

Với sự xuất hiện của biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh, một lần nữa các địa phương như Quebec, Ontario và British Columbia phải áp dụng các hạn chế và lệnh giới nghiêm mới vào đầu tháng 4. Tuy nhiên, khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên, các hạn chế dần được nới lỏng và Canada bắt đầu tính đến chuyện mở cửa biên giới cho người nước ngoài lần đầu tiên sau 17 tháng.

Canada đã ghi nhận hơn 1,56 triệu ca nhiễm Covid-19 và hơn 27 nghìn ca tử vong tính đến ngày 17/9. Chính quyền liên bang và các tỉnh đã thực hiện một loạt các biện pháp để giảm thiểu sự lây lan. Làn sóng lây nhiễm đầu tiên đạt đỉnh vào đầu tháng 5/2020. Trong làn sóng thứ hai của đại dịch, các ca nhiễm đạt đỉnh vào đầu tháng 1/2021. Làn sóng thứ ba bắt đầu vào đầu tháng 3 năm nay với sự xuất hiện của biến thể Delta, nhưng việc tăng cường tiêm chủng và các hạn chế về đi lại đã giúp Canada dần kiểm soát tình hình. Những hạn chế này hầu hết đã được dỡ bỏ vào đầu tháng 6, tương ứng với các ca mắc Covid-19 tại Canada có chiều hướng giảm mạnh.

Hỗ trợ nền kinh tế quốc dân

Những tín hiệu tích cực đến từ sự gia tăng lượng du khách Mỹ nhập cảnh vào Canada cho thấy những chính sách mở cửa đi kèm các hỗ trợ để thúc đẩy khôi phục nền kinh tế đã phát huy tác dụng.

Từ tháng 4/2021, Chính phủ Canada đã ban hành dự toán ngân sách cho năm 2021, đồng thời lên kế hoạch chi tiết để phục hồi kinh tế, với nhiều chính sách hỗ trợ đến người lao động, các doanh nghiệp và hiệp hội, ngành nghề đã được ban hành và đi vào cuộc sống.

Cụ thể, người lao động bị ngừng việc hoặc giảm giờ làm do ảnh hưởng của Covid-19 được nhận trợ cấp 2.000 đô la Canada (CAD) mỗi 4 tuần trong tối đa 28 tuần.

Người sử dụng lao động cũng được trợ cấp 10% quỹ tiền lương trong ba tháng để bù vào số tiền khấu trừ lương phải nộp cho Cơ quan thuế Canada. Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng nhận được tới 75% mức lương tối thiểu theo giờ cho mỗi nhân viên theo quy định của từng tỉnh hoặc vùng lãnh thổ.

Về phía doanh nghiệp, hơn 1,5 tỷ CAD đã được Chính phủ Canada giải ngân thông qua Quỹ Cứu trợ và phục hồi khu vực để hỗ trợ các doanh nghiệp và hiệp hội trong các lĩnh vực sản xuất, công nghệ, du lịch và những lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế.

Trong đó, riêng đối với ngành mũi nhọn du lịch, kể từ khi bắt đầu đại dịch, Chính phủ Canada đã hỗ trợ trực tiếp hơn 15,4 tỷ CAD cho ngành này để trả lương cho người lao động, hỗ trợ tiền thuê nhà và thế chấp, cũng như hỗ trợ thanh khoản cho các doanh nghiệp nhỏ. Ngân sách năm 2021 cam kết bổ sung thêm 1 tỷ đô la để giúp ngành du lịch hồi phục. Hồi giữa tháng 7, Bộ trưởng Phát triển kinh tế và ngôn ngữ Melanie Joly cũng đã phát động 500 triệu CAD tài trợ cho Quỹ Cứu trợ du lịch mới, nhằm hỗ trợ các đơn vị làm du lịch.

Những chính sách trong kế hoạch phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 của Canada đã đem đến những kết quả tích cực gần như ngay lập tức.

Hồi đầu tháng 7, một cuộc khảo sát của Ngân hàng Trung ương Canada cho thấy triển vọng kinh doanh ở nước này tiếp tục được cải thiện, với các công ty bị ảnh hưởng bởi đại dịch bày tỏ tự tin rằng doanh số bán hàng sẽ tăng cùng với đà tăng của chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 toàn quốc, cho thấy sự phục hồi kinh tế đang tiến triển.

Theo khảo sát, triển vọng tích cực đạt mức cao kỷ lục, thúc đẩy các doanh nghiệp mở rộng kế hoạch đầu tư và thuê thêm nhân viên, cho thấy đà phục hồi đi lên của thị trường lao động.

Và điều này càng được khẳng định trong số liệu thống kê về việc làm trong tháng 8, công bố bởi Cơ quan Thống kê Canada ngày 10/9, cho thấy tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực này với tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Theo đó, Canada đã có thêm 90.200 việc làm vào tháng trước, gần với ước tính trung bình của các nhà phân tích là 100 nghìn. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 7,1%, dưới mức ước tính 7,3%. Tỷ lệ người có việc làm hiện nằm trong phạm vi chênh lệch chỉ khoảng 1% so với mức trước đại dịch. Số liệu sáng sủa về việc làm cho thấy việc mở cửa trở lại vào mùa hè đã có tác động tích cực đến các phân khúc bị ảnh hưởng nặng nề nhất của ngành dịch vụ.

"Những kết quả này là minh chứng cho những nỗ lực của người dân Canada, cũng như hiệu quả của kế hoạch đưa người dân vượt qua đại dịch để phục hồi".
Mona Fortier, Thứ trưởng Tài chính Canada

Lo ngại trước làn sóng thứ tư

Đầu tư vào nhà ở bùng nổ trong thời kỳ đại dịch, giúp thúc đẩy nền kinh tế Canada phục hồi sau khủng hoảng. (Ảnh: REUTERS)

Đầu tư vào nhà ở bùng nổ trong thời kỳ đại dịch, giúp thúc đẩy nền kinh tế Canada phục hồi sau khủng hoảng. (Ảnh: REUTERS)

Thị trường nhà đất tại Canada đã hạ nhiệt từ mức đỉnh của tháng 3/2021. (Ảnh: REUTERS)

Thị trường nhà đất tại Canada đã hạ nhiệt từ mức đỉnh của tháng 3/2021. (Ảnh: REUTERS)

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực nhờ mở cửa và chiến lược phục hồi, các chuyên gia cũng lưu ý rằng những thách thức vẫn còn đối với nền kinh tế Canada, đặc biệt là khi làn sóng lây nhiễm thứ tư đang manh nha đe dọa các kết quả vừa đạt được trong lĩnh vực dịch vụ ở thời điểm biên giới và trường học vừa mở cửa trở lại.

Tình trạng thiếu lao động trong bối cảnh có sự chênh lệch giữa kỹ năng của người tìm việc và nhu cầu của người sử dụng lao động cũng sẽ rất nặng nề.

Thêm vào đó là sự phục hồi kinh tế vẫn chưa được như kỳ vọng, khi dữ liệu công bố đầu tháng 9 của Cơ quan Thống kê Canada cho thấy nền kinh tế nước này bất ngờ giảm tốc trong quý II và một lần nữa lại giảm trong tháng 7. Theo đó, tăng trưởng kinh tế giảm 1,1% trong quý II, đạt mức -0,3%, thấp hơn rất nhiều kỳ vọng của các nhà phân tích về mức tăng 2,5%. Tháng 7 cũng chứng kiến mức giảm 0,4%, trong khi GDP tháng 6 tăng 0,7%, phù hợp với dự báo.

Cơ quan Thống kê Canada cho biết, sự sụt giảm trong quý II chủ yếu là do doanh số bán nhà và xuất khẩu giảm. Đầu tư vào nhà ở bùng nổ trong thời kỳ đại dịch, giúp thúc đẩy nền kinh tế phục hồi sau khủng hoảng, nhưng thị trường đã hạ nhiệt từ mức đỉnh của tháng 3.

Ngay cả khi hầu hết các địa phương trên cả nước nới lỏng các hạn chế, mức giảm trong tháng 7 xuất phát từ sự giảm sút trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng và thương mại bán lẻ. Triển vọng tăng trưởng còn bị che mờ bởi sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 mới, chủ yếu là ở nhóm những người chưa được tiêm chủng.

Các quốc gia trên thế giới đang phải vật lộn với lạm phát “nóng” trong bối cảnh khó khăn liên quan đến chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động khi các hạn chế được nới lỏng rồi lại thắt chặt trước từng làn sóng lây nhiễm mới, dẫn đến nguồn cung bấp bênh và cầu thay đổi.

Canada cũng không ngoại lệ, và tỷ lệ lạm phát của Canada tăng với tốc độ mạnh nhất kể từ năm 2003, lên 4,1% vào tháng 8, được châm ngòi bởi xu hướng tăng giá trên diện rộng khi nhiều dịch vụ mở cửa trở lại vào mùa hè này.

Cụ thể, Cơ quan Thống kê Canada cho biết, trong tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,1% so với một năm trước đó, so với mức tăng 3,7% trong tháng 7/2021.

Như vậy, trong năm tháng liên tiếp, tỷ lệ lạm phát/năm đã vượt quá mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương Canada đặt ra là lạm phát dao động trong khoảng từ 1-3%.

Tại Canada, lạm phát “nóng” được thúc đẩy bởi giá xăng dầu, chi phí nhà ở và giá cả hàng hóa như đồ nội thất, thiết bị và xe cộ tăng cao, cùng với gia tăng chi phí liên quan đến đi lại khi các hạn chế được nới lỏng.

Đáng chú ý, trong tháng 8/2021, chi phí vận chuyển tăng tới 8,7%. Nếu không tính giá xăng dầu, lạm phát đã tăng 3,2% trong tháng 8/2021.

Tình trạng này thể hiện rõ nét trong lĩnh vực du lịch - lữ hành, ngành đang thu hút nhiều chi tiêu của người tiêu dùng hơn trong mùa hè này. Giá vé máy bay đã tăng 34% so với một năm trước, trong khi giá lưu trú khách sạn tăng 20%.

Như vậy, theo sau việc đẩy mạnh tiêm chủng, có thể thấy dù đạt được một số kết quả tích cực từ chiến lược mở cửa để phục hồi kinh tế, Canada vẫn cần lưu tâm đến các vấn đề khác, nhất là trong bối cảnh các chuyên gia y tế nhận định có khả năng nước này sẽ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ tư, khi biến thể Delta tiếp tục lan rộng ở thời điểm biên giới và trường học vừa mở cửa trở lại, trong khi vẫn còn một số lượng lớn dân số chưa được tiêm chủng, trong đó có hàng triệu trẻ em.

Tổ chức sản xuất: VIỆT ANH
Thực hiện: TRUNG HƯNG, HỒNG VÂN, PHAN ANH
Nguồn tin và dữ liệu: Reuters, The Canadian Press, Chính phủ Canada, Cơ quan thống kê Canada, TTXVN
Ảnh: Reuters