Cân bằng chiến lược
và tầm nhìn Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên dương lực lượng hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả động đất ngày 9/4. Ảnh: TRẦN HẢI

Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên dương lực lượng hỗ trợ Myanmar khắc phục hậu quả động đất ngày 9/4. Ảnh: TRẦN HẢI

Bắt đầu được nhắc đến rộng rãi từ hơn 10 năm trước, những ý niệm về sự tái định hình một trật tự thế giới mới giờ đây đã không còn xa lạ. Đặc biệt, kể từ năm 2020, với sự xuất hiện của những biến thiên dữ dội trên thế giới, trong xu hướng đa phương hóa và toàn cầu hóa, trật tự đơn cực tồn tại kể từ sau Chiến tranh Lạnh dường như đã đi đến điểm kết.

Ảnh: Báo Nhân Dân

Ảnh: Báo Nhân Dân

Song, với quy luật bất biến: Sự thay đổi nào cũng sẽ mở ra cả những cơ hội, lẫn tạo nên những thách thức cực kỳ to lớn, việc “Làm thế nào để các nước đang phát triển, như Việt Nam, không bị cuốn vào và phải nhận những tổn thương từ các vòng xoáy cạnh tranh quyền lực?” sẽ luôn là câu hỏi cần được liên tục cập nhật những đáp án bổ sung.

Ít nhất, trong bốn năm tới, thế giới sẽ vận hành như thế nào? Về điều này, chúng ta không thể bỏ qua chính sách đối ngoại chủ đạo của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ - hiện vẫn đang là cường quốc số 1 thế giới, với tầm ảnh hưởng đến các vận động đa tầng (chính trị, kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ…) ở mọi châu lục và khu vực.

Không hề úp mở, lập trường ấy của đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như đảng Cộng hòa (nắm quyền kiểm soát cả lưỡng viện Quốc hội Mỹ) đã được Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Marco Rubio làm rõ, trong một buổi trả lời phỏng vấn ngày 30/1/2025, trên kênh truyền hình The Megyn Kelly Show: “Cách thế giới vẫn luôn vận hành là người Trung Quốc sẽ làm những gì vì lợi ích tốt nhất cho Trung Quốc, người Nga sẽ làm những gì vì lợi ích tốt nhất cho Nga, người Chile sẽ làm những gì vì lợi ích tốt nhất cho Chile, và người Mỹ cần phải làm những gì vì lợi ích tốt nhất cho Mỹ”.

Ông nhấn mạnh thêm, trong bài nói chuyện thấm đẫm màu sắc thực dụng ấy: “Không bình thường khi thế giới chỉ đơn giản có một cường quốc đơn cực. Điều đó không ổn - đó là một sự bất thường. Đó là sản phẩm của hậu Chiến tranh Lạnh, bởi rồi cuối cùng chúng ta cũng sẽ quay trở lại điểm thế giới đa cực, với nhiều cường quốc ở các khu vực khác nhau trên hành tinh. Chúng ta hiện phải đối mặt với điều đó với Trung Quốc và ở một mức độ nào đó là Nga”.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Hơn một tháng sau, ngày 12/3, trả lời phỏng vấn một số blogger chính trị quốc tế người Mỹ (Mario Nawfal, Larry C.Johnson và Andrew Napolitano) tại Moscow, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov rọi thêm những luồng sáng vào bức tranh toàn cảnh, về cách mà Điện Kremlin (vốn đã luôn nhấn mạnh về mục tiêu thay đổi trật tự thế giới đơn cực cũ, trong những năm qua) hình dung về cách thế giới mới sẽ vận hành: “Theo quan điểm của tôi, xu thế đa cực sẽ phát triển trong một thời gian khá dài. Có lẽ đó là một kỷ nguyên lịch sử, và theo cách nhìn của tôi, nó có thể bao gồm các siêu cường theo quy mô, theo sức mạnh kinh tế, theo sức mạnh quân sự... Chắc chắn Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga phù hợp với tiêu chuẩn này. Những nước khác có thể tham gia vào thế giới đa cực thông qua các cấu trúc tiểu vùng của họ, thí dụ như ASEAN, GCC (Hội đồng hợp tác vùng Vịnh), Liên đoàn các quốc gia Arab... Nhân tiện, Liên minh châu Phi (AU) đã nhận được tư cách thành viên chính thức của G20 vào năm ngoái”.

Điện Kremlin tại thủ đô Moskva.

Điện Kremlin tại thủ đô Moskva.

Nói một cách ngắn gọn, theo nhà ngoại giao lão luyện người Nga, hướng đi đúng đắn dành cho các nước nhỏ, các nước đang phát triển, nhằm tập hợp nguồn lực, nâng cao vị thế, tự bảo vệ sự phồn vinh của chính mình, từ đó vững vàng gia nhập quỹ đạo mới của thế giới, là thông qua các cấu trúc khu vực. Sau những thí dụ điển hình như Liên minh châu Âu (EU) hay Liên minh châu Phi (AU), tầm quan trọng của những cấu trúc đa phương ấy đang ngày càng được nâng cao. Nhờ đó, thực tế là trong vòng ba năm qua, tiếng nói của cộng đồng các quốc gia đang phát triển ở Nam bán cầu ngày càng được coi trọng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, khi đã không còn chỉ là những âm thanh đơn lẻ nữa.

 Khuôn viên Điện Kremlin tại thủ đô Moskva. (Ảnh: XUÂN HƯNG)

 Khuôn viên Điện Kremlin tại thủ đô Moskva. (Ảnh: XUÂN HƯNG)

Điện Kremlin tại thủ đô Moskva.

Điện Kremlin tại thủ đô Moskva.

Từ góc nhìn của Sergei Lavrov đến chủ nghĩa thực dụng được phác họa bởi Marco Rubio, chúng ta có thể nhận ra chính mình, Việt Nam, trong vai trò là một hạt nhân tích cực, năng động và giàu trách nhiệm của Cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN. Đây cũng là tổ chức đa phương được Bộ trưởng Ngoại giao Nga đánh giá rất cao, trong lần trả lời phỏng vấn ngày 21/3: “Các cuộc họp thường niên với các quốc gia ASEAN vẫn tiếp diễn, nhưng không có quan hệ đối tác nào khác có cấu trúc sâu sắc như vậy” - một đoạn hồi tưởng về tình hình thế giới từ khoảng năm 2019.

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn. Ảnh: TTXVN

Còn mới đây, chiều 18/3, trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC) đánh giá: Chính phủ Việt Nam hết sức thiện chí, coi trọng thúc đẩy thực chất quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước. Bốn ngày sau, tại Tokyo, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản - Trung Quốc - Hàn Quốc lần thứ 11 đã ra thông cáo báo chí chung khẳng định tầm quan trọng của hợp tác ba bên và hợp tác với ASEAN. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeshi Iwaya nhấn mạnh: Việc tăng cường hơn nữa hợp tác giữa ASEAN, vốn là trung tâm của khuôn khổ khu vực Đông Bắc Á, có ý nghĩa rất quan trọng theo quan điểm mở rộng kết quả hợp tác ba bên ra toàn bộ khu vực.

Tuy nhiên, trên thực tế, cần phải nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước đã sớm phân tích, nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình thế giới, để nắm lấy chiếc chìa khóa thành công cho dân tộc, và những gì đã và đang diễn ra là minh chứng.

Kế thừa, bổ sung và phát huy các thành tựu đã đạt được, từ năm 2021, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã chỉ ra: “Thế giới đang trải qua những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo, cả thách thức và cơ hội đều đan xen, trong đó thách thức lớn hơn. Những chuyển biến của cục diện thế giới và khu vực tác động nhiều mặt tới Việt Nam do chúng ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới và khu vực. Nhiệm vụ đối ngoại do đó cũng càng trở nên quan trọng và nặng nề, vừa nhằm thích ứng và ứng phó với bối cảnh thế giới và khu vực biến động mạnh, vừa phục vụ những mục tiêu phát triển chiến lược của đất nước giai đoạn tới”. Và từ đó, với tám điểm nổi bật trong phương hướng đối ngoại, Văn kiện Đại hội XIII trở thành nền tảng lý luận, tiếp tục đóng vai trò tạo sức đột phá trong thực tiễn.

Sức đột phá ấy, phong cách ngoại giao “cây tre Việt Nam” đặc sắc ấy, kết tụ trong liên tiếp những chuyến công du thăm Việt Nam của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới, cũng như trong cả hiện thực là đà phát triển mạnh mẽ của toàn khối ASEAN - minh chứng của nghệ thuật duy trì cân bằng chiến lược.


Tác giả:
VÕ HOÀNG
Trình bày: Vũ Anh Tuấn
Ảnh: Báo Nhân Dân và TTXVN