Cân bằng tâm lý
cho trẻ vượt qua đại dịch

Học sinh Việt Nam là một phần trong số 1,6 tỷ trẻ em trên toàn cầu phải gánh chịu những thiệt thòi về giáo dục do tác động của dịch bệnh Covid-19. Ngừng đến trường để phòng, chống dịch, nhưng không ngừng học đồng nghĩa với việc học sinh các cấp tại nhiều địa phương nước ta phải học online. Không được tiếp xúc với bạn bè, thầy cô, không được chạy nhảy, nô đùa, vui chơi tập thể trong không gian công cộng là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi trong cảm xúc, hành vi của các em.
Đêm đã muộn, không thể đưa được mình vào giấc ngủ, cậu bé hơn 10 tuổi vùng dậy vớ quả bóng, đá bình bịch vào tường. Sở thích đá bóng phải tạm ngừng trong thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, ngay cả khi chính quyền thành phố cho phép người dân tập thể dục ngoài trời trở lại, cậu cũng chưa dám ra khỏi nhà. Trẻ em sợ Covid-19 là nỗi ám ảnh có thật, lây lan từ người lớn đã khiến không ít đứa trẻ ngại giao tiếp, lười di chuyển, từ chối tham gia hoạt động tập thể.
Thời gian đầu giãn các xã hội, nhiều em khát khao được đến trường, nhưng dần dần không ít em đã nghiện chơi game qua điện thoại, máy tính bảng. Các bác sĩ tâm lý, tâm thần chia sẻ, đợt dịch Covid-19 thường xuyên nghe được những than phiền của phụ huynh về tình trạng con tác phong chậm chạp, mắt lờ đờ, ngủ ít, ăn uống thất thường, dễ la hét cáu kỉnh... Đặc biệt, nhiều trẻ em ở TP Hồ Chí Minh có biểu hiện stress sau sang chấn do bất ngờ đối mặt với biến cố lớn trong đời, như có cha, mẹ, ông bà, người thân mất vì Covid-19.
GS, TS Cao Tiến Đức, Bệnh viện 103, Học viện Quân y cho biết, không khó để nhận ra một trẻ đang gặp rối loạn tâm lý, như hay cáu kỉnh, la hét, chán ăn, hay gặp ác mộng, sợ bóng tối, sợ ở một mình, có quá trình học kém tập trung, dễ tăng xung động…Với những trẻ thường xuyên chơi game có thể sống lại các biến cố qua trò chơi, hoặc trong các giấc mơ thảm họa tái xuất hiện. Rối nhiễu kéo dài không được phát hiện có thể đẩy đứa trẻ từ tình trạng dễ giật mình, trầm cảm và cuối cùng tìm đến giải pháp tự tử... Theo các chuyên gia tâm lý, các biểu hiện trầm cảm do Covid-19 xuất hiện hằng ngày, trong thời gian ít nhất là hai tuần liên tiếp.
GS, TS Cao Tiến Đức cho biết, nhiều trẻ em có thể bị trầm cảm, hoặc rối loạn sự thích ứng hoặc stress sau sang chấn, vì vậy nếu phụ huynh đã cố gắng bằng mọi cách mà không giải quyết được vấn đề thì cần hỏi ý kiến bác sĩ ngay. Ngoài ra, ở gia đình, bố mẹ cần gần gũi, động viên, cùng vui chơi, cùng học với các con, giúp các con có tinh thần thoải mái, ăn uống đủ chất...

Được tham gia vận động ngoài trời giúp trẻ em giảm bớt căng thẳng tâm lý
Được tham gia vận động ngoài trời giúp trẻ em giảm bớt căng thẳng tâm lý
Nhiều lo ngại về một thế hệ chịu các sang chấn tâm thần lâu dài nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục cản trở trẻ em trở lại trường học. UNICEF đánh giá trẻ em và phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất do dịch bệnh. Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore cho biết: “18 tháng qua là khoảng thời gian dài đằng đẵng đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là trẻ em. Những đợt phong tỏa toàn quốc và việc hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch đã khiến các em phải trải qua những năm tháng cuộc đời khó quên khi phải rời xa gia đình, bạn bè, trường lớp, việc vui chơi - những yếu tố then chốt của tuổi thơ. Đại dịch đã gây ra những tác động đáng kể, song đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Từ trước khi đại dịch bùng phát, đã có quá nhiều trẻ em phải gánh chịu những vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được giải quyết. Đầu tư của các chính phủ vào việc đáp ứng những nhu cầu cấp thiết này còn hạn chế. Mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và kết quả cuộc sống trong tương lai chưa được quan tâm đúng mức”...
Các chuyên gia cho rằng, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, tiêm vaccine cho trẻ em trong độ tuổi theo khuyến cáo của WHO và Bộ Y tế và sớm mở cửa lại trường học tùy theo thực tế dịch bệnh là giải pháp tối ưu nhằm đẩy lùi mối lo rối loạn trầm cảm - âu lo ở lứa tuổi học trò trong bối cảnh dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.
Cung cấp thông tin thích hợp, thay vì tránh nói về Covid-19. Hạn chế thời gian để nghe tin tức về Covid-19, chẳng hạn như xem ti-vi, đọc báo chí và phương tiện truyền thông xã hội. Trẻ có thể hiểu sai hoặc không nhận thức được điều gì đang xảy ra, từ đó làm cho trẻ hoảng sợ. Nói cho trẻ biết cảm giác căng thẳng hoặc bồn chồn trong tình huống như vậy là điều tự nhiên. Khuyến khích trẻ chú ý đến những sự kiện tích cực dù là nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn như có một bữa ăn ngon hoặc mặc quần áo yêu thích của trẻ.
(Cẩm nang chăm sóc sức khỏe tâm thần trong đại dịch Covid-19 của Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng)
Gia tăng các rối loạn tâm thần trong đại dịch Covid-19 trên thế giới: Rối loạn trầm cảm (tăng 31,4%); Rối loạn lo âu (tăng 31,9%); Rối loạn giấc ngủ (tăng 41,4%)... trong đó số ca mắc rối loạn trầm cảm nghiêm trọng tăng 28%, từ 193 triệu trước đại dịch thành 246 triệu ca khi đại dịch xuất hiện.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Khánh Lam - Hà Văn Đạo - Thanh Huyền - Hà Linh - Thái Hoàng
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Hà Văn Đạo, Đăng Khoa, Trần Hải, internet