Đào tạo gắn với
vị trí việc làm để cân đối cung cầu

Hiện cả nước có tới 103 cơ sở đào tạo sư phạm tuy nhiên khả năng và sự kết nối giữa các cơ sở này với nhau, cũng như giữa cơ sở đào tạo sư phạm với các đơn vị liên quan như cơ quan quản lý giáo dục, các trường phổ thông thiếu chặt chẽ; chưa tạo thành chuỗi cung ứng nguồn nhân lực trong giáo dục. Mấu chốt để giải quyết tình trạng thừa-thiếu giáo viên hiện nay là gắn việc đào tạo với nhu cầu thực tế.

Chưa tạo thành chuỗi cung ứng nhân lực

Trong những năm qua, hệ thống các trường sư phạm và trường có khoa, ngành sư phạm đã đào tạo và bồi dưỡng đông đảo lực lượng nhà giáo cho ngành giáo dục nói riêng và cung cấp nguồn nhân lực trong hệ thống kinh tế quốc dân nói chung. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo hệ thống đào tạo sư phạm đối mặt nhiều thách thức. Một thực tế đáng buồn là trong nhiều năm có thực trạng thí sinh giỏi không tha thiết với các ngành đào tạo giáo viên, thể hiện qua điểm trúng tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên thấp hơn các ngành đào tạo khác (các ngành khối trường lực lượng vũ trang, nhóm ngành sức khỏe, nhóm ngành luật, nhóm ngành kinh tế…). Số lượng tuyển sinh chỉ đạt 50-60% so với chỉ tiêu.

Vấn đề thừa-thiếu cục bộ giáo viên đã diễn ra trong một thời gian dài, đến nay vẫn chưa được giải quyết một cách thấu đáo và triệt để việc quy hoạch, sáp nhập mạng lưới trường lớp, thay đổi môn học, thay đổi điều chỉnh chương trình, số tiết học mỗi môn... khiến cho các cơ sở giáo dục không thích nghi kịp dẫn đến tình trạng thừa - thiếu giáo viên ngày càng trở thành vấn đề kéo dài, dai dẳng. Nếu không có chính sách nhất quán, lâu dài… thì vấn đề này sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Theo lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới thì sẽ hoàn tất thực hiện toàn bộ từ năm 2024-2025 đối với tiểu học đến trung học phổ thông.

Hoạt động đào tạo của Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Trần Hoàn

Hoạt động đào tạo của Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Trần Hoàn

Đáng chú ý, còn một khoảng vênh giữa nội dung chương trình và phương thức đào tạo của các cơ sở đào tạo sư phạm với những yêu cầu thực tiễn của các trường phổ thông. Một số cơ sở đào tạo sư phạm chậm thay đổi so với yêu cầu đổi mới cũng như đòi hỏi thực tiễn giáo dục mầm non và phổ thông. Thực tế bài toán về năng lực đào tạo lớn, vượt quá nhiều so với nhu cầu về số lượng giáo viên cho nên nhiều sinh viên tốt nghiệp khó khăn tìm kiếm việc làm; cơ cấu giáo viên mất cân đối giữa một số môn học, bậc học vùng miền.

Ông Đặng Tự Ân, Giám đốc quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông cho rằng, khâu đào tạo sư phạm hiện nay đang đi sau giáo dục phổ thông, đi sau thực tiễn. Việc chưa có chiến lược lâu dài về đào tạo nhân lực sư phạm và những dự báo chưa chuẩn xác về nhu cầu nhân lực cũng tạo nên nghịch lý thừa - thiếu. Dân số cơ học tăng nhanh tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới tăng trường lớp, tăng số lượng giáo viên. Đối với các vùng miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, do đặc điểm đặc thù có nhiều điểm trường lẻ, sĩ số học sinh trong một lớp ít trong khi các lớp học này vẫn cần bảo đảm đủ giáo viên theo quy định.

GS, TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, ở nước ta có cả trăm cơ sở đào tạo sư phạm. Hệ thống đào tạo này đang giống như một nhà nghèo đông con, đông nhưng không mạnh. Do đó cần có sự tập trung và những chính sách tác động để có sự thay đổi. Nghị quyết 29-NQ/TW đã nhấn mạnh phát triển trường sư phạm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý; ưu tiên xây dựng một số trường sư phạm trọng điểm. Chính phủ cũng đã có quyết định về việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do đó, việc sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm cần triển khai rốt ráo hơn.

Sinh viên Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội thảo luận nhóm. Ảnh: TH

Sinh viên Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội thảo luận nhóm. Ảnh: TH

Đặt hàng đào tạo giáo viên

Một trong những giải pháp thiết thực liên quan đến đào tạo giáo viên là sự ra đời của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Trong đó, hằng năm, UBND tỉnh, thành phố rà soát tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng, đào tạo giáo viên tại địa phương của từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo và công khai trên các phương tiện thông tin, truyền thông. Căn cứ vào chỉ tiêu được thông báo của các cơ sở đào tạo giáo viên và nhu cầu đào tạo giáo viên, địa phương có thể giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên. Đây được coi là điểm nhấn có tính quyết định về cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn trong đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu thực tiễn vị trí việc làm.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau một năm triển khai theo Nghị định 116 về đào tạo giáo viên, đã có 15 địa phương đặt hàng giao nhiệm vụ, 32 cơ sở đào tạo nhận đặt hàng, nhận nhiệm vụ trên tổng số 103 cơ sở đào tạo giáo viên trên cả nước. Số chỉ tiêu đặt hàng là 5.887 trong tổng số 50.505 tổng chỉ tiêu ngành sư phạm năm 2021. Bộ tích cực triển khai, hướng dẫn chính sách, xây dựng phần mềm hỗ trợ, cung cấp thông tin hỗ trợ kết nối nhu cầu đào tạo của các địa phương và năng lực của các cơ sở đào tạo theo quy định của Nghị định số 116. Tuy nhiên, năm đầu triển khai nghị định gặp khó khăn trong đề xuất kinh phí. Một số địa phương chưa chủ động đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu với cơ sở đào tạo giáo viên; nhiều nơi còn lúng túng trong việc kết hợp, kết nối các đơn vị...

GS, TS Nguyễn Văn Minh cho rằng Nghị định số 116 thể hiện một chính sách kịp thời và tiến bộ nhưng đó mới là điều kiện cần. Điều kiện đủ phải là vị trí việc làm, là chế độ chính sách, môi trường, cách thức làm việc để giáo viên phát huy hết năng lực của họ. Điều kiện đó phải bắt đầu từ Bộ Nội vụ đến UBND các tỉnh. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn và có những dự báo khá cơ bản nhưng một trong các điểm quan trọng cần có là sự phối hợp của UBND các tỉnh và họ cần công khai thông tin tuyển dụng.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đề xuất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và địa phương để triển khai đồng bộ bảo đảm chính sách đạt hiệu quả cao. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quán triệt thực hiện Nghị định số 116 theo đúng quy định, mọi khó khăn vướng mắc về tài chính, biên chế cần có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để tháo gỡ khó khăn.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Mạnh Xuân - Thúy Quỳnh - Giang Sơn -
Thanh Sơn - Xuân Kỳ - Tùng Duy
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Trần Hải, Thúy Quỳnh, Trần Hoàn, TH, TS, Xuân Kỳ