CẶP ĐÔI HUY CHƯƠNG VÀNG BÓNG BÀN SEA GAMES 32:

CHÚNG EM HIỂU NHAU NHƯ ANH EM

Cặp đôi Đinh Anh Hoàng (21 tuổi) và Trần Mai Ngọc (19 tuổi) đã giúp bóng bàn Việt Nam (nội dung đôi nam nữ) có được tấm huy chương vàng SEA Games lịch sử sau 26 năm chờ đợi, sau một hành trình thi đấu xuất sắc. Và trong nhiều thời điểm quan trọng, đáng ra gặp vấn đề về tâm lý thì sự vô tư đã giúp hai vận động viên gạt bỏ áp lực và giành được vinh quang về cho đất nước.

Một người sôi nổi, một người kiệm lời, hai vận động viên trẻ đã có buổi trò chuyện cùng với Báo Nhân Dân.

Cặp đôi Đinh Anh Hoàng (21 tuổi) và Trần Mai Ngọc (19 tuổi).

Cặp đôi Đinh Anh Hoàng (21 tuổi) và Trần Mai Ngọc (19 tuổi).

Phóng viên: Hành trình hai em đánh đôi với nhau bắt đầu như thế nào? Mà tại sao lại là hai em ghép với nhau chứ không phải với người khác?

Trần Mai Ngọc: Lần đầu chúng em ghép đôi, đánh cặp với nhau là từ năm 2019.

Đinh Anh Hoàng: Cũng là vì 2 vận động viên trẻ, có tiềm năng của Câu lạc bộ T&T nên thầy hướng cho hai đứa em ghép cặp với nhau, cũng để hướng đến những mục tiêu xa hơn.

Cặp đôi Đinh Anh Hoàng (21 tuổi) và Trần Mai Ngọc (19 tuổi) đã giúp bóng bàn Việt Nam (nội dung đôi nam nữ) có được tấm huy chương vàng SEA Games lịch sử sau 26 năm chờ đợi

Cặp đôi Đinh Anh Hoàng (21 tuổi) và Trần Mai Ngọc (19 tuổi) đã giúp bóng bàn Việt Nam (nội dung đôi nam nữ) có được tấm huy chương vàng SEA Games lịch sử sau 26 năm chờ đợi

Phóng viên: Hai vận động viên trẻ, tài năng của cá nhân là một chuyện, nhưng ghép cặp với nhau thì lại là câu chuyện khác. Vậy quá trình hợp tác của hai em có vấn đề hay trắc trở gì không?

Đinh Anh Hoàng: Có chứ anh (cười). Vì bọn em cũng trẻ, mà mới ghép cặp với nhau thì chuyên môn cũng chưa đủ nên thành ra nhiều khi là đánh bằng tinh thần và sức trẻ nhiều hơn anh ạ.

Hai đứa thi đấu chung thì cũng hợp nhưng mà mới đánh với nhau nên nhiều cái còn không hiểu nhau hết được. Còn kỳ SEA Games này thì là lần đầu tiên bọn em kết hợp để đánh ở nước ngoài, hiện giờ thì bọn em cũng có thời gian đánh cùng nhau đáng kể rồi nên cũng hiểu nhau nhiều hơn, ở nhiều góc độ hơn.

Mà để nói về khó khăn thì cũng có, về vấn đề tâm lý. Cũng có lúc hai đứa có vấn đề hay có chuyện gia đình thì lúc thi đấu cũng không được tốt. Bọn em cũng có nói chuyện rồi động viên nhau. Với em, Ngọc như em, còn với Ngọc, em là một người anh trong đội để cố gắng thêm.

Về chuyên môn không có vấn đề gì, nhưng về sinh hoạt, Ngọc là nữ nên vất vả hơn, trong khi đó, ban huấn luyện đều là nam. Nhiều lúc các thầy không hiểu được tâm sinh lý của các cháu, hoặc có những lúc ốm đau… Dịp Tết, Ngọc về thăm gia đình, khi đó Ngọc 10 tuổi, nhưng kết thúc kỳ nghỉ phải quay trở lại Hà Nội tập luyện, Ngọc đã khóc rất nhiều vì nhớ nhà, nhiều đến mức ra sân bay đón các cháu về câu lạc bộ, các cháu vẫn khóc, có khi khóc hằng tuần trời.
- HLV Vũ Mạnh Cường -

Phóng viên: Nhắc lại một chút về thời điểm đầu bén duyên với bóng bàn, liệu có phải là sự yêu thích từ ngày bé của hai em?

Trần Mai Ngọc: Em tham gia vào câu lạc bộ từ năm 2013. Hồi bé thực ra thì em cũng… không đam mê về bóng bàn đâu. Lúc đó mẹ cho em thử đi chơi bóng bàn xem có thích không. Rồi em cũng vào tập thử xong cũng thấy hơi thích thích, mãi về sau có dịp được huấn luyện viên gọi vào câu lạc bộ.  

Đinh Anh Hoàng: Em thì tham gia vào câu lạc bộ sớm hơn Ngọc một chút, cũng được khoảng 13 năm. Trước đây thì em được bố em dạy chơi bóng bàn từ nhỏ và em cũng đã tập luyện ở tỉnh nhà. Sau đó em được thầy nhận vào Câu lạc bộ T&T để tập luyện cơ bản. 

Phóng viên: Phải xa gia đình từ nhỏ, rồi luyện tập và sinh hoạt ở câu lạc bộ thì cảm giác của hai vận động viên còn rất trẻ như thế nào? 

Trần Mai Ngọc: Mới đầu em lên đây thì cũng hơi chút nhớ nhà, sau này thì cũng đỡ hơn, có những ngày Tết thì được về thăm gia đình. 

Đinh Anh Hoàng: Ban đầu thì bọn em lên đây và sống ở tập thể có cái nhớ nhà, nhớ bố nhớ mẹ, mọi thứ phải tự lập, sinh hoạt. Những được cái là bọn em sống với nhau lâu thì cảm thấy rất vui vẻ như một gia đình. Song, qua nhiều năm, mọi thứ cũng thay đổi nhiều, nhất là về cơ sở vật chất. Lúc bọn em mới tham gia câu lạc bộ còn khá ít thành viên, rồi cơ sở vật chất cũng không thể được như bây giờ, cũng thiếu nhiều thứ. Bây giờ thì có các em, đội trẻ cũng rất nhiều, có cả các cô chú lớn tuổi nên điều kiện được tốt hơn ngày trước rất nhiều. 

Vận động viên Trần Mai Ngọc.

Vận động viên Trần Mai Ngọc.

Item 1 of 3

Vận động viên Trần Mai Ngọc.

Vận động viên Trần Mai Ngọc.

Phóng viên: Cường độ tập luyện ở câu lạc bộ, đặc biệt là trước những giải đấu thì căng là điều dễ hiểu. Nhưng là học trò của thầy Cường (vận động viên Vũ Mạnh Cường, người mang về cho bóng bàn VN tấm huy chương vàng đầu tiên của nội dung đôi nam nữ ở đấu trường SEA Games 26 năm trước) thì có gì khác không? 

Đinh Anh Hoàng: Cũng rất là gắt gao tại vì thầy Cường, huấn luyện viên trưởng của bọn em rất là nghiêm khắc trong vấn đề tập luyện. Với mọi người thì thầy thoải mái, nhiệt tình còn thầy chỉ “khó tính” với chúng em thôi. Khi tập nhiều khi chúng em cũng căng thẳng vì thầy quát nữa.

Phóng viên: Thế thầy khó tính thế có giận thầy không?

Trần Mai Ngọc: Không, bọn em không giận gì đâu.

Đinh Anh Hoàng: Có chứ ạ. Hồi bé mà có người quát mắng mình thì giận quá ấy chứ. Nếu bảo không giận là không đúng đâu. Nhưng mà về lâu về dài thì chúng em hiểu thầy và mong muốn của thầy với tập thể. Đây cũng là điều để tạo nên bọn em như bây giờ. 

Tôi rất kỷ luật và coi trọng tính kỷ luật. Ngoài giờ tập luyện thì tất cả các thầy trò đều hòa đồng, vui buồn chia sẻ nhưng khi đã vào phòng tập luyện, bản thân tôi rất nghiêm khắc. Đặc biệt đối với những vận động viên như Đinh Anh Hoàng và Trần Mai Ngọc, nếu có vấn đề chuyên môn mà không đáp ứng được mặc dù đã tập luyện rất nhiều thì chúng tôi hay nhắc nhở, thậm chí nhiều lúc cũng phải to tiếng. Vì nếu tôi không nghiêm khắc, không kỷ luật thì chắc hai vận động viên sẽ không có ngày hôm nay.

(Huấn luyện viên Vũ Mạnh Cường)

Phóng viên: Thế hai người thấy tính cách của nhau thế nào? Lúc thi đấu và ngoài đời có khác nhau nhiều không?

Đinh Anh Hoàng: Em thấy Ngọc mạnh mẽ, lạnh lùng và hơi… hâm hâm anh ạ (cười). Mà Ngọc có một cái mà em thấy đặc biệt đó là sự vô tư, không nghĩ nhiều, thành ra có những quả quyết định mà mọi người cảm thấy áp lực thì em ấy xử lý rất là tốt, không bị ảnh hưởng nhiều. Kiểu như đôi khi có những tình huống suy nghĩ nhiều thì thành áp lực, còn Ngọc thì rất là thoải mái.

Phóng viên: Nếu dùng một từ để mô tả mối quan hệ của hai em trong thi đấu thì sẽ là gì?

Đinh Anh Hoàng: Huynh đệ à? (cười). Em thấy là kiểu kiểu thế. Em thấy là như anh em trong đội, cùng một phái. Em hiểu kỹ thuật của Ngọc mà Ngọc cũng hiểu kỹ thuật của em nên lúc thi đấu hai đứa cũng nhịp nhàng. Có khi nhìn tình huống còn biết có đánh hỏng hay không.

Phóng viên: Một câu hỏi có một chút riêng tư, hai em có mong muốn hay mục tiêu đặc biệt nào ngoài bóng bàn mà muốn thực hiện không? Đặc biệt là với sự hỗ trợ của những phần thưởng dành cho các vận động viên đạt huy chương trong thời gian vừa qua?

Trần Mai Ngọc: Giải thưởng lần này thì em chỉ để vào sổ tiết kiệm thôi. Em sẽ cố gắng thi đấu để giành được nhiều giải thưởng hơn xong là cho vào sổ. Lỡ sau này mà em có muốn làm gì thì cũng có thể mở cái sổ tiết kiệm đấy ra để sử dụng.  

Đinh Anh Hoàng: Hiện tại, e cũng chưa cần dùng đến kinh tế nhiều mà chỉ tập trung về chuyên môn, nên em cũng để tiết kiệm thôi ạ. Còn mục tiêu thì được người hâm mộ yêu thích thì bọn em sẽ cố gắng làm tốt hơn, hoàn thiện hơn để cho mọi người có thể vui và hạnh phúc khi đến với bóng bàn Việt Nam. 

Phóng viên: Cảm ơn hai em đã tham gia buổi trò chuyện. Chúc hai em có thật nhiều sức khỏe và vững tin để tiếp tục đam mê của mình. 

Chỉ đạo thực hiện: Ngô Việt Anh
Nội dung: Trung Hiếu
Trình bày: Dương Dương
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Ngày sản xuất: 26/5/2023