Câu chuyện bơi vượt biển tìm cha của con gái người gác hải đăng Cửa Tùng

Người lính gác ngọn hải đăng Cửa Tùng Phan Văn Đồng năm xưa, nổi tiếng khi trở thành nguyên mẫu trong bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp (Đằng Giao), nhưng ít ai biết được câu chuyện về những người con của ông đã từng bơi vượt biển từ bờ nam ra bờ bắc tìm cha trong đêm, giữa làn mưa bom bão đạn của địch.

Vợ chồng bà Phan Thị Hoa phía trước ngôi nhà của mình.

Vợ chồng bà Phan Thị Hoa phía trước ngôi nhà của mình.

Trong căn nhà nhỏ của bà Phan Thị Hoa, hay còn gọi là o Hoa, xóm Hòa Lý (Cửa Tùng, Vĩnh Linh, Quảng Trị), tiếng trẻ học bài ê a vang lên giữa tiếng mưa rào nặng hạt. Đây là lớp học của cô con gái o, kèm thêm cho các em rành con chữ trước khi năm học mới bắt đầu. Khoảng không gian ấm áp và bình yên này đã phần nào khỏa lấp được những nỗi đau, những sóng gió xa xưa, từ những năm tháng chiến tranh mà o Hoa mãi mãi không bao giờ quên được.

O Hoa là con gái út của ông Phan Văn Đồng và bà Khổng Thị Nậy. Cặp vợ chồng này là nguyên mẫu trong ca khúc huyền thoại “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp (Đằng Giao cùng viết lời). Bài hát không đề cập đến bất kỳ hình ảnh nào về bom, đạn hay nỗi đau nhưng đầy ắp trong đó là nỗi nhớ thương da diết của những gia đình bị ly tán bởi chiến tranh.

Vợ chồng bà Hoa trong căn nhà của mình.

Vợ chồng bà Hoa trong căn nhà của mình.

Cha của o Hoa là chiến sĩ gác ngọn hải đăng biển Cửa Tùng. Năm 1954, ông Đồng ra bắc làm cách mạng, hoạt động từ năm 1954 đến năm 1960. Sau đó ông nhận nhiệm vụ canh giữ tín hiệu đèn biển trạm Cửa Tùng phía bờ bắc (Cửa Tùng, Vĩnh Linh) để cán bộ theo tín hiệu mà đi, còn gia đình, vợ con ở bờ nam (Gio Hải, Gio Linh). Hiệp định Geneva được ký kết, vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới chia cắt hai miền nam bắc, và cũng chia cắt ông Đồng với gia đình nhỏ của mình đằng đẵng trong suốt 18 năm, mặc dù chỉ cách nhau mấy nhịp chèo đò.

Năm 1956, khi đang làm nhiệm vụ gác đèn biển, ông Đồng gặp nhạc sĩ Hoàng Hiệp trong một lần nhạc sĩ đi thực tế về vĩ tuyến 17. Nhận thấy người lính gác đèn biển có nét buồn mênh mang, nhạc sĩ đã hỏi chuyện và được biết hoàn cảnh của ông. Câu chuyện về nỗi nhớ vợ con mà ông Đồng nén trong lòng mấy mươi năm đã trở thành niềm cảm hứng cho nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết nên ca khúc “Câu hò bên bờ Hiền Lương” (Hoàng Hiệp - Đằng Giao). Bài hát không nhắc đến chiến tranh, không nhắc đến sự chia ly, xa cách, nhưng đã nói hộ cho nỗi lòng của biết bao gia đình bị chia cắt hai bên giới tuyến.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp.

Sau này nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã có lần trở lại Cửa Tùng thăm ông Đồng và gia đình. Khi đó, người lính gác đèn mới biết câu chuyện của mình đã trở thành cảm hứng cho một bài ca bất hủ. “Cha tôi trước đó vẫn nghe bài hát và cảm nhận những ca từ trong đó như nói hộ nỗi lòng mình. Nhưng phải đến khi nhạc sĩ Hoàng Hiệp quay trở lại trò chuyện, ông mới biết bài hát viết về chính câu chuyện của mình” – o Hoa kể.

Kể lại những câu chuyện xưa, o Hoa bần thần, nụ cười vắng bóng trên khuôn mặt người chiến sĩ quả cảm năm xưa. Có những câu chuyện đến nay nhớ lại, vẫn mang đến những cơn bão táp trong lòng.

O Hoa kể lại, gia đình bà có ba anh em, bà sinh đúng năm 1954 khi cha phải ra bắc nhận nhiệm vụ. Mẹ o một mình nuôi dạy 3 con, vừa lo buôn bán kiếm sống, vừa làm nhiệm vụ liên lạc, nắm tình hình địch để thông tin cho phía ta.

“Mẹ tôi bị bắt liên tục, đến nỗi có tên trong sổ đen của địch. Mỗi lần thanh lọc là mẹ lại bị bắt, bị tra tấn liên tục. Còn tôi luôn trong tình trạng sẵn sàng khăn gói để đi, lúc sang hàng xóm ở nhà, lúc ở cùng bạn bè. Địch ra khảo mẹ tôi xem ai ra ai vào, ra vào bao nhiêu người, nhưng bà cương quyết không khai nên được thả về. Bà từng vào lao xá Quảng Trị 6 đợt, lao Cửa Việt 3 đợt. Có lần bà đi 2 tháng, ở nhà tôi tự mua thức ăn, có lần bà về bị đánh đen thui, thâm bầm hết cả người” – Bà Hoa kể lại.

Bản thân o Hoa cũng tham gia cách mạng từ khi mới 12, 13 tuổi, làm giao liên, giao các loại giấy tờ. “Khi đó, tui chẳng biết sợ là gì”.

Cửa Tùng hôm nay.

Cửa Tùng hôm nay.

Năm 1967, khi bà vừa tròn 13 tuổi, mẹ nhờ nhắn tin qua cán bộ là mẹ gửi ba anh em qua thăm ba. “Khi ấy, tôi chỉ mới 13 tuổi. Nghe mẹ nói, đó có thể là cơ hội cuối cùng để 3 anh em được gặp cha nên chúng tôi đòi đi mà chẳng hề sợ sệt gì”, o Phan Thị Hoa hồi tưởng về đêm vượt biển tìm cha gần 60 năm về trước.

Đêm đó trời không trăng không sao, tối đen như mực, chỉ có lập lòe đốm sáng ánh lên từ ngọn hải đăng chập chờn giữa lòng biển Cửa Tùng. Bầu trời mỗi lúc một tối. Gió giật ngày càng mạnh. Phía trên, địch bắn pháo sáng, ráo riết tìm, diệt quân ta. Dưới bờ, ào ạt từng đợt sóng vỗ. Nhúng chân xuống nước, o Hoa chợt giật mình vì mặt nước lạnh ngắt, nhưng vẫn cố lấy lại bình tĩnh cùng hai anh An và Trung quyết chí bơi ra biển để tìm cha.

Biển Cửa Tùng về đêm.

Biển Cửa Tùng về đêm.

Trên đầu là mưa bão, là bom rơi, là pháo sáng, dưới chân là sóng lớn nước dữ, thậm chí đạn bom khi đó khiến “người chết lia xia”, nhưng như o Hoa nói, cả ba anh em đều không biết sợ là chi, cứ thế hướng về phía ngọn đèn biển mà bơi cho tới khi chạm chân tới bờ. Đặt chân lên bãi cát Cửa Việt, ba anh em dắt díu nhau đi bộ tiếp 18km để ra tới ngọn đèn biển.

 “Ba nhận được tin báo từ mẹ tôi qua một người quen là anh em tôi sẽ ra gặp ba trong đêm. Ba đã ở bến đò từ 6-9 giờ tối, đợi mãi mà không thấy chúng tôi tới nên đành lên hải đăng làm việc. Đúng 9 giờ 15 phút, anh em tôi đến mới điểm hẹn, khi đó, ba đã lên nhà đèn. Chỉ 15 phút thôi mà cha con không gặp được nhau”, o Hoa nghẹn ngào nhớ lại.

Không gặp được cha, cô bé 13 tuổi ngày ấy bật khóc tức tưởi suốt chặng đường quay lại Cửa Việt. “Thời thơ ấu của tôi luôn thiếu thốn tình cảm gia đình.  Cha ra biển công tác thường xuyên. Vắng cha, mẹ vừa buôn bán, vừa hoạt động cách mạng, vừa nuôi con mọn. Nhiều lần mẹ bị giặc bắt dặn tôi ở nhà phải biết tự lo mọi thứ. Đến khi, mẹ đưa dân từ Trung Giang, Trung Hải về sơ tán thì bị giặc bắn rồi hy sinh… Kể từ đó, gia đình tôi không được đoàn tụ lần nào nữa”, mắt o Hoa đượm buồn nhìn về phía xa khi nhớ lại chuyện cũ.

O Hoa bần thần khi nhắc lại chuyện ngày xưa.

O Hoa bần thần khi nhắc lại chuyện ngày xưa.

Sau khi mẹ ra đi, cha bị mất liên lạc, 3 anh em Phan Đình An, Phan Đình Trung và Phan Thị Hoa nương tựa nhau mà sống. “Sau đó, một anh quyết định ra bắc, một anh nhập ngũ rồi mất trên chiến trường ở Thành cổ Quảng Trị, chỉ còn mình tôi ở lại nhà, sống nương tựa vào bà con lối xóm”, o Hoa kể tiếp.

Giai đoạn tàn khốc nhất của chiến tranh qua đi, năm 1972, o Phan Thị Hoa nhập ngũ ở Vĩnh Linh. “Từ xa, bỗng có dáng người quen thuộc tiến lại gần tôi. Tôi thầm nghĩ, hình như là cha, rồi lại ngờ vực vì 18 năm rồi tôi chưa biết mặt cha. Và cha cũng chưa từng biết mặt tôi”, ngập ngừng một lúc, o nói.

- Ba đây, con có phải Hoa không?
- Không phải mô (quay mặt đi).
- Con đây rồi, chắc chắn là con. Ba biết, con sinh ra lớn lên không có ba, nhưng vì đế quốc Mỹ, vì nhiệm vụ, vì cách mạng, ba phải đi nên mong con hiểu.
- Ba tìm con thì con biết ơn nhiều lắm, nhưng giờ con phải đi vào miền nam chiến đấu đã.

Ông Đồng nói nhận ra con gái ngay vì rất giống mẹ. Cha con gặp nhau cảm xúc lẫn lộn, cả hai cùng khóc vì nỗi niềm thương nhớ cách trở, vì những mất mát trong gia đình, vì mẹ, anh đã hy sinh.

Ba biết, con sinh ra lớn lên không có ba, nhưng vì đế quốc Mỹ, vì nhiệm vụ, vì cách mạng, ba phải đi nên mong con hiểu.
Ông Phan Văn Đồng

Năm 1971, ông Đồng chuyển sang làm nhân viên chạy máy nổ ở Vĩnh Linh, lập gia đình mới. Từ năm 1972, o Phan Thị Hoa vào miền nam, lên đường chiến đấu. O đã đưa được 18 gia đình từ Huế ra Gio Hải, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ cách mạng mà cả gia đình đã và đang theo đuổi. “Lòng yêu nước, thù giặc thôi thúc tôi phải đi chiến đấu. Dù nhà chẳng còn ai nữa, tôi cũng phải góp chút sức mình để bảo vệ đất nước, hoàn thành di nguyện của mẹ và anh”, o Hoa chia sẻ với giọng kiên định.

Chồng o Hoa cũng là người bạn chiến đấu cùng quê năm xưa.

Chồng o Hoa cũng là người bạn chiến đấu cùng quê năm xưa.

Sau chiến tranh, o Hoa về ở với cô ruột. Đến năm 1976, o kết hôn với người đồng đội, bạn chiến đấu cùng quê rồi sinh 5 đứa con, trong đó 4 con sau này đều trở thành giáo viên. Sau khi lập gia đình, năm 1992 o Hoa mua đất và cất căn nhà nhỏ ở Cửa Tùng, ở gần cha cho đến những ngày cuối đời ông. “Những năm đó, tôi còn giận ba vì ba đi lấy vợ. Nhưng sau này tôi hiểu và thông cảm cho ông hơn. Hai cha con sau đó cũng về ở gần với nhau, vì gia đình không còn ai. Tôi là người duy nhất được gặp tất cả các thành viên trong gia đình ở những giai đoạn khác nhau, còn gia đình tôi thì mãi mãi không được đoàn tụ” – o Hoa buồn rầu nói.

Căn nhà của gia đình bà Hoa ở ngay gần ngọn hải đăng năm xưa cha bà từng làm việc.

Căn nhà của gia đình bà Hoa ở ngay gần ngọn hải đăng năm xưa cha bà từng làm việc.

Năm 2006, ông Phan Văn Đồng qua đời lúc tròn 92 tuổi đời, 57 tuổi Đảng. Cuối cùng, ông cũng được đoàn tụ với vợ và con trai.

“Nhiều gia đình tan nát về chiến tranh. Đến mãi sau này, tôi mới lại có một gia đình hạnh phúc của riêng mình. Bây giờ ngẫm lại, mọi chuyện trôi qua, tôi vẫn thấy may mắn khi con cái mình được sống trong thời bình”, o Hoa tâm sự.

 

Tổ chức sản xuất: HỒNG MINH, HỒNG VÂN
Nội dung: LÂM QUANG HUY, TUYẾT LOAN, NGỌC KHÁNH
Ảnh: THÀNH ĐẠT, THÁI BÌNH
Trình bày: TUYẾT LOAN