Trải qua muôn vàn khó khăn, thách thức do khối lượng công việc và ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lực lượng Công an nhân dân đã hoàn thành xuất sắc hai dự án có ý nghĩa “nền tảng” để xây dựng Chính phủ điện tử là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân gắn chíp điện tử. Đến nay, những “trái ngọt” từ cuộc “cách mạng số” của ngành Công an đã hiện hữu, mang lại những hiệu quả thiết thực cho xã hội và người dân chính là đối tượng thụ hưởng lớn nhất.
RA ĐỜI HAI HỆ THỐNG
DỮ LIỆU TRỌNG YẾU
CỦA QUỐC GIA
_____________________
Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về dân cư, thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) được công bố thành lập ngày 17/8/2020 trên cơ sở sáp nhập 3 Phòng, 2 Trung tâm. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư đã chủ động tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an xây dựng, triển khai thành công 2 dự án: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân. Đây là dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay, phạm vi triển khai rộng với hơn 15 nghìn điểm triển khai từ Trung ương đến cấp xã.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 2 dự án (ngày 11/3/2020 đối với dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và ngày 3/9/2020 đối với dự án Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân), Bộ Công an đã thành lập Ban Chỉ đạo do Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an trực tiếp là Trưởng ban, 3 đồng chí Thứ trưởng Công an là Phó Trưởng ban và các Cục nghiệp vụ liên quan tham gia để chỉ đạo thực hiện quyết liệt, trong đó xác định việc thực hiện 2 dự án là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, là chiến dịch của toàn lực lượng trong năm 2020 và năm 2021; đồng thời đã xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể kèm theo các mốc thời gian tính theo từng ngày, với tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, vượt lên chính mình để hoàn thành 2 dự án vào ngày 1/7/2021.
Từ nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của 2 dự án, đồng thời quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng: “Đây vừa là trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm chính trị, vừa là mệnh lệnh công tác và cũng là danh dự của lực lượng công an nhân dân (CAND). Công an các đơn vị, địa phương phải quyết liệt hơn nữa, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành dự án bảo đảm tiến độ theo đúng quy định; tinh thần là rất khẩn trương “vừa chạy, vừa xếp hàng” nhưng bước đi phải vững chắc, không được chủ quan, nóng vội làm ảnh hưởng đến chất lượng của dự án”.
Lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã quyết liệt trong tổ chức thực hiện, những kết quả đạt được tạo tiền đề cho việc hoàn thành 2 dự án theo tiến độ đã đề ra.
Nhớ lại thời điểm ấy, Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết:
Cũng theo đồng chí Tô Anh Dũng, thời gian qua, để thu thập được toàn bộ thông tin công dân trên toàn quốc, lực lượng Công an các cấp, đặc biệt là Cảnh sát khu vực và Công an xã đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và nỗ lực trong công tác, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng trường hợp để cập nhật bổ sung từng thông tin, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” trước khi đưa vào vận hành khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đằng sau việc Công an địa phương trực tiếp thu thập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đó là hàng loạt công việc cần thiết triển khai đồng thời để bảo đảm tính pháp lý và triển khai tổng thể các hệ thống máy chủ, lưu trữ, xử lý dữ liệu an toàn, bảo mật thông tin công dân, bao gồm:
Thứ nhất, rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Xây dựng các quy chế, quy trình và các văn bản hướng dẫn việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa và kiểm tra, phúc tra thông tin. Qua đó, tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thứ hai, bố trí đủ nguồn nhân lực tại bốn cấp Công an, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin bảo đảm việc thu thập, cập nhật thông tin và quản trị vận hành hệ thống
Thứ ba, thiết kế, triển khai trang thiết bị đồng bộ của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm bảo mật, hiện đại; sẵn sàng tích hợp, kết nối chia sẻ khai thác thông tin với các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các hệ thống thông tin khác.
Thứ tư, tổ chức trích xuất, chuyển đổi, xử lý các nguồn dữ liệu hiện có của các đơn vị đã xây dựng (Bộ Tư pháp và Công an: Hải Phòng, Tây Ninh, Cần Thơ) để làm sạch dữ liệu, cấp số định danh cá nhân cho công dân toàn quốc.
Thứ năm, xây dựng các quy chế, quy trình vận hành khai thác; tổ chức phân công các cán bộ theo các nhóm công việc chuyên trách, trực hệ thống 24/7, bảo đảm ổn định, hiệu quả.
Ngày 25/2/2021, Bộ Công an đã tổ chức lễ khai trương hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân (CCCD); ngày 22/6/2021, tổ chức Hội nghị tổng kết xây dựng, triển khai Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD và Lễ công bố vận hành chính thức hệ thống từ ngày 1/7/2021. Phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành để bảo đảm sự đồng bộ, tránh lãng phí, qua đó giảm được mức dự toán so với ban đầu gần 1.300 tỷ đồng...
Hoàn thành xây dựng kỹ thuật của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD với thiết kế bảo đảm an toàn thông tin cấp độ 4 đối với thông tin quan trọng quốc gia. Xây dựng hệ thống Bản đồ số là “bộ não” của Trung tâm dữ liệu nhằm đưa ra các giải pháp phân tích, tổng hợp, dự báo tình hình dân cư phục vụ việc hoạch định các chính sách kinh tế-xã hội, quốc phòng và an ninh theo từng giai đoạn, từng khu vực, địa bàn. Ngoài ra đã hoàn thành thu thập, bổ sung thông tin dân cư trên cả nước, tiến hành "làm sạch" dữ liệu, đồng bộ vào hệ thống và cấp mã số định danh cho công dân trong toàn quốc.
Đặc biệt, để đạt được kết quả nêu trên là do có sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương; sự đồng thuận, ủng hộ của quần chúng nhân dân; sự quyết liệt, sâu sát và xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an…; nỗ lực, cố gắng của các nhà thầu, các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã tham gia vào các dự án, góp phần xây dựng thành công Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Việt Nam…
Kết quả, hai dự án sẽ tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dịch vụ công trực tuyến, đồng thời góp phần đổi mới công tác quản lý con người, quản lý nhà nước về an ninh trật tự theo hướng hiện đại, hỗ trợ đắc lực cho nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, vì sự bình yên, an toàn, an dân.
PHÁT HUY HIỆU QUẢ TRONG
PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
_______________________________
Trong lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đặc biệt là lần bùng phát dịch tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, hiệu quả từ hệ thống cơ sở dữ liệu dân cư và hệ thống dữ liệu căn cước công dân đã cho thấy được vai trò quan trọng khi giúp giảm tải áp lực công việc cho cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch tại các điểm chốt và giúp bảo đảm công tác an sinh xã hội.
Với thông tin của gần 100 triệu công dân được quản lý tập trung, thống nhất; và trên 50 triệu thẻ CCCD đã sản xuất, cấp cho người dân. Bộ Công an đã chủ động nghiên cứu, xây dựng các ứng dụng phần mềm, tiện ích tích hợp trên thẻ CCCD gắn chíp điện tử kết nối, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gồm: Ứng dụng quản lý công dân vùng dịch (VNIED) (khai báo y tế, di chuyển nội địa); ứng dụng quản lý công dân diện chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP; ứng dụng cập nhật thông tin F0, F1, F0 khỏi bệnh và tiêm chủng (tiêm 1 mũi tích hợp thẻ vàng, tiêm 2 mũi tích hợp thẻ xanh).
Đến nay toàn quốc đã có trên 2,5 triệu người dùng ứng dụng quản lý công dân vùng dịch (VNEID); 7.155 chốt kiểm soát; trên 22,5 nghìn tài khoản kiểm soát tại các trạm chốt; quản lý 77.472 shipper; cập nhật được có 624.900 công dân đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 1; có trên 221.379 công dân đã tiêm mũi 2 và có trên 74 công dân đã tiêm mũi 3; số lượng địa điểm tạo mã QR Checkpoint trên 746 điểm. Ứng dụng quản lý công dân diện chính sách đã cập nhật thông tin cho trên 1.300.000 trường hợp (1.195.610 thường trú; 32.085 tạm trú; 77.849 nơi khác); thực hiện giải quyết chế độ cho 1.195.079 trường hợp (1.095.003 thường trú; 28.695 tạm trú; 71.381 nơi khác). Tổng số tiền đã hỗ trợ là gần 1.900 tỷ đồng.
Tại các điểm chốt kiểm soát trong lúc thực hiện giãn cách, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đã cho vận hành hệ thống Camera tự động quét mã QR, người dân khi đi qua chốt kiểm soát chỉ cần đưa mã QR, thông tin sẽ được hiển thị trên hệ thống, từ đó cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ tại chốt hạn chế được việc tiếp xúc, tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh. Đồng thời, việc quét mã QR qua hệ thống camera cũng rút ngắn được thời gian đi lại cho người dân. Cũng từ hệ thống quét mã QR này, nhiều trường hợp F0 đang di chuyển trên đường đã bị phát hiện để có các biện pháp xử lý kịp thời, tránh gây lây lan dịch bệnh cho người khác.
Đối với người dân, thông qua các ứng dụng của Bộ Công an, công dân có thể dễ dàng đăng ký điểm "checkpoint" cho nơi ở hoặc dán trên các trụ sở, cơ quan, doanh nghiệp, siêu thị hoặc nơi công cộng. Chức năng quản lý điểm "checkpoint" giúp doanh nghiệp, tổ chức theo dõi, quản lý về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 của cán bộ, nhân viên và khách ra, vào trụ sở cơ quan; từ đó chủ động đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, kịp thời.
CĂN CƯỚC CÔNG DÂN
TRỞ THÀNH
"CHIẾC THẺ QUYỀN LỰC"
CỦA MỖI NGƯỜI
_______________________________
Thẻ CCCD gắn chip điện tử do Bộ Công an phát hành được coi là một trong những chiếc thẻ CCCD tiên tiến, hiện đại bậc nhất trên thế giới với nhiều tính năng, tác dụng và thẩm mỹ đẹp. Bên cạnh các thông tin được in trên bền mặt trước, sau của thẻ CCCD thì mã QR ở mặt trước của thẻ CCCD với 7 trường thông tin cơ bản của công dân được khai thác nhanh chóng, tiện ích, rất phù hợp với yêu cầu đọc thông tin nhanh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tại mặt sau của thẻ CCCD có chữa mã MRZ (Machine – readable zone) - Mã hàng không dân dụng quốc tế theo tiêu chuẩn ICAO. Chip điện tử được tích hợp các trường thông tin cơ bản của công dân, có chứa thông tin sinh trắc học ảnh chân dung và vân tay theo tiêu chuẩn ICAO. Tất cả các thông tin được lưu trữ đều được bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin bởi Ban Cơ yếu Chính phủ.
Hiện nay, Bộ Công an đang triển khai các ứng dụng, tiện ích trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thẻ CCCD gắn chip lan tỏa các mặt của đời sống xã hội phục vụ nhân dân thực hiện các thủ tục, giao dịch được thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, công sức. Đặc biệt với tình hình phòng, chống dịch cấp bách như hiện nay, công dân sử dụng duy nhất thẻ CCCD gắn chip đã được tích hợp những tiện ích như: thông tin thẻ xanh, tiêm chủng, giấy đi đường, thông tin xét nghiệm, giấy phép lái xe, thông tin về hưởng Chính sách theo NQ68/NQ-CP và nhiều tiện ích khác; Tích hợp người phụ thuộc đi cùng với người có CCCD gắn chip (con chưa đủ 14 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự,…).
Mới đây nhất, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đã chủ trì phối hợp Công an thành phố Hà Nội, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Ban Quản lý sân vận động quốc gia Mỹ Đình triển khai thực hiện ứng dụng sử dụng thẻ CCCD gắn chip để kiểm soát khán giả vào sân vận động trong trận bóng đá giữa đội tuyển Việt Nam - Nhật Bản diễn ra ngày 11/11/2021 và tiếp đó là trận đấu giữa Việt Nam - Saudi Arabia vào ngày 16/11.
Đây là lần đầu tiên, sau một thời gian dài, khán giả được vào sân để xem trực tiếp. Người hâm mộ đến sân chỉ cần thẻ CCCD gắn chip điện tử đã được tích hợp các thông tin về tiêm chủng, xét nghiệm là có thể đáp ứng được điều kiện của VFF khi vào sân (bỏ qua việc mang theo giấy tiêm chủng, giấy xét nghiệm). Đây là một bước tiến đột phá trong trạng thái “bình thường mới” để người dân có thể tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao nhưng vẫn bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thông tin tiêm chủng của người dân được tích hợp vào Căn cước công dân gắn chíp.
Thông tin tiêm chủng của người dân được tích hợp vào Căn cước công dân gắn chíp.
Hệ thống Camera quét mã QR từ xã giúp các chiến sĩ Công an làm việc tại chốt hạn chế được việc tiếp xúc, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Hệ thống Camera quét mã QR từ xã giúp các chiến sĩ Công an làm việc tại chốt hạn chế được việc tiếp xúc, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Tập huấn kiểm soát khán giả vào sân vận động Mỹ Đình thông qua căn cước công dân gắn chíp.
Tập huấn kiểm soát khán giả vào sân vận động Mỹ Đình thông qua căn cước công dân gắn chíp.
Tiến tới, Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội sẽ tích hợp nhiều tiện ích khác lên mã QR của thẻ CCCD gắn chip điện tử kể cả vé xem bóng đá (khi đó công dân chỉ cần cầm duy nhất thẻ CCCD gắn chip điện tử là có thể thay thế cho tất cả các giấy tờ, ứng dụng khác) vẫn bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch và yêu cầu của ban tổ chức. Đây thực sự là chuyển đổi số trên mọi mặt đời sống, xã hội và người dân là đối tượng được hưởng nhiều tiện ích nhất.
Lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an cũng cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục tích hợp thêm các trường thông tin vào CCCD như: thẻ ngân hàng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… để biến CCCD thành chiếc “thẻ xanh” hiệu quả nhất của mỗi người dân.