HỎI - ĐÁP VỀ THỰC HÀNH DINH DƯỠNG HÀNG NGÀY

Vai trò của chất béo đối với sức khỏe tim mạch

Cơ thể chúng ta cần chất béo từ thực phẩm để hoạt động. Tuy nhiên, không phải tất cả các chất béo trong thực phẩm đều giống nhau và có một số chất béo có lợi và một số không có lợi cho sức khỏẻ.

Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh tốt cho sức khỏe là chất béo không bão hòa giúp giảm cholesterol xấu, thúc đẩy sức khỏe tim mạch. Trong khi đó, hai loại chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa là chất béo không tốt, nếu ăn quá nhiều có thể làm tăng nồng độ cholesterol trong máu, đặc biệt là cholesterol xấu, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch và các vấn đề sức khỏe khác.

Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe tim mạch, cần có một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều loại trái cây và rau quả ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh, tránh sử dụng chất béo chuyển hóa.

Nên ăn thực phẩm chứa chất béo không bão hòa

Chất béo không bão hòa bao gồm chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa, là những loại chất béo lành mạnh tốt cho cơ thể và mang lại nhiều lợi ích cho hệ tim mạch.

Chất béo không bão hòa đơn có nhiều trong các loại dầu như: dầu hạt cải, dầu ô liu, bơ, lạc (đậu phộng); các loại đậu (đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu Hà Lan), các loại hạt...

Chất béo không bão hòa đa có trong dầu thực vật như dầu ngô, hướng dương; các loại hạt như vừng, hạt hướng dương, ngô, đậu nành; các loại đậu, các loại hạt và hạt giống cũng chứa nhiều chất béo tốt.

Acid béo omega - 3 có lợi cho sức khỏe tim mạch bằng cách hạn chế tình trạng viêm trong mạch máu, làm giảm nhịp tim bất thường và giảm mức độ chất béo trung tính trong máu.

Tiêu thụ chất béo này giúp làm giảm mức cholesterol toàn phần cho cơ thể.
Acid béo omega - 3 cũng có thể làm giảm nguy cơ viêm hoặc suy tim nếu có nguy cơ bị bệnh tim.

Chất béo bão hòa: hầu hết chất béo bão hòa là chất béo động vật được tìm thấy trong các loại thịt và các sản phẩm từ sữa. Nguồn chất béo bão hòa bao gồm: mỡ bò, mỡ lợn, da gà; sản phẩm từ sữa như bơ, phô mai, kem; các loại dầu dừa, dầu cọ...

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng cholesterol xấu (LDL). Mức LDL cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Ăn nhiều chất béo bão hòa thì dường như càng có nhiều LDL trong cơ thể. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng không phải tất cả LDL đều xấu.

Mỡ động vật (như mỡ lợn) nên sử dụng xen kẽ nhưng không chiếm quá 10% chất béo tiêu thụ hàng ngày.

Ăn nhiều thịt chế biến sẵn trong chế độ ăn uống làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Chất béo chuyển hóa: chất béo chuyển hóa là một loại acid béo có hại được tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm chế biến sẵn. Thường xuyên ăn loại chất béo này thì sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch bởi cấu trúc hóa học của chất béo chuyển hóa có khả năng làm tăng cholesterol xấu và làm giảm lượng cholesterol tốt.

Hầu hết chất béo chuyển hóa là nhân tạo và được tìm thấy trong thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chiên, thức ăn nhanh, các loại đồ nướng, bánh ngọt...
Chất béo chuyển hóa cũng được tìm thấy một lượng nhỏ trong các thực phẩm làm từ sữa, thịt động vật...

Tuy nhiên, chất béo chuyển hóa tự nhiên không đáng lo ngại bằng chất béo chuyển hóa nhân tạo. Chúng được tạo nên bởi mỡ và dầu qua tinh chế, xuất hiện trong thực phẩm chế biến thông qua cách sử dụng dầu thực vật được hydro hóa hoặc hydro hóa một phần (chiên ngập dầu, nướng...).

Để tránh chất béo chuyển hóa và hạn chế chất béo bão hòa thì cách tốt nhất là cần thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ưu tiên các chất béo lành mạnh, tăng cường ăn rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt... thay vì những thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh.

NGÀY XUẤT BẢN: 19/09/2024
NGUỒN: BAN BẢO VỆ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE CÁN BỘ TRUNG ƯƠNG
SÁCH: HỎI - ĐÁP DINH DƯỠNG NHỮNG ĐIỀU THIẾT YẾU VỚI SỨC KHỎE (NHÀ XUẤT BẢN Y HỌC)
TRÌNH BÀY: SONG THU