Châu Âu

và những bước đi táo bạo trong làn sóng Omicron

Người dân xếp hàng chờ tiêm liều vaccine tăng cường ở London, Anh. (Ảnh: Reuters)

Người dân xếp hàng chờ tiêm liều vaccine tăng cường ở London, Anh. (Ảnh: Reuters)

Từ cuối năm 2021 đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã liên tục điều chỉnh chính sách phòng, chống Covid-19 để thích ứng với những diễn biến mới do biến thể Omicron tạo ra. Chuyên đề Chủ động ứng phó biến thể Omicron và thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh trong giai đoạn mới phân tích trọng tâm của chiến lược đẩy lui làn sóng Omicron tại một số quốc gia trên thế giới, từ đó khái quát xu hướng chủ đạo trong công tác phòng, chống Covid-19 trong bối cảnh thế giới đã hiểu rõ hơn về các biến thể của virus SARS-CoV-2 và độ bao phủ vaccine ngày càng cao.

Tại Anh, Đan Mạch, Pháp, Tây Ban Nha và nhiều quốc gia khác trên khắp châu Âu, các chính phủ và chuyên gia y tế công cộng đang thúc đẩy 1 cách tiếp cận mới đầy táo bạo đối với đại dịch Covid-19, đó là đưa căn bệnh này trở thành 1 phần của cuộc sống bình thường hằng ngày.

Bất chấp số ca mắc mới vẫn tăng mạnh trong làn sóng lây nhiễm “như thủy triều” do biến thể Omicron gây ra, nhiều nước châu Âu đã quyết định chuyển hướng chính sách từ cơ chế ứng phó khẩn cấp sang sống chung với dịch bệnh, với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt sớm được dỡ bỏ gần như hoàn toàn chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi Omicron xuất hiện.

Những bước thay đổi này được thể hiện rõ trong mô hình ứng phó điển hình mà Chính phủ Anh và Đan Mạch đã áp dụng thông qua các thay đổi chính sách thích ứng kể từ đầu năm nay, một sự khác biệt rõ ràng so với các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đã áp dụng cuối năm ngoái.

Chuyển hướng chính sách mạnh mẽ ở Anh

Mùa Giáng sinh ảm đạm

Trước khi Omicron xuất hiện, Anh đã dỡ bỏ dần những hạn chế phòng dịch trong làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta trước đây, bao gồm cả quy định bắt buộc đeo khẩu trang, dù tỷ lệ ca nhiễm trong khung thời gian 7 ngày ở Anh tăng đều đặn trong suốt tháng 10/2021, với trung bình từ 40 nghìn đến 50 nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Thủ tướng Anh Boris Johnson khi ấy cũng khẳng định chưa sẵn sàng tái áp đặt các biện pháp hạn chế theo “Kế hoạch B” của chính phủ, tức siết chặt các biện pháp phòng dịch.

Nhưng khi Omicron xuất hiện cuối tháng 11 năm ngoái, Anh là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phản ứng mạnh mẽ nhất trước biến thể mới của virus SARS-CoV-2, khi ngay lập tức áp đặt hạn chế đi lại hoặc cấm nhập cảnh du khách đến từ một số nước ở miền nam châu Phi, nhằm ngăn chặn biến thể Omicron lây lan. Song đến ngày 27/11, Anh chính thức ghi nhận ca nhiễm Omicron đầu tiên tại nước này. Sau đó chỉ 3 ngày, Chính phủ Anh công bố các biện pháp mục tiêu để ngăn đà lây lan của biến thể mới, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 30/11. Trong đó, đeo khẩu trang trở thành yêu cầu bắt buộc tại các cửa hàng và phương tiện giao thông công cộng. Tất cả hành khách từ nước ngoài đều phải làm xét nghiệm PCR vào ngày thứ hai kể từ ngày nhập cảnh, và tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm âm tính. Ngoài ra, những người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ nhiễm Omicron phải tự cách ly, bất kể tuổi tác hoặc tình trạng tiêm chủng.

Đây được xem là những biện pháp khá mạnh tay trong bối cảnh Anh đã dần dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch từ làn sóng Delta trước đây. Song bất chấp việc siết chặt quy định phòng, chống dịch, chỉ 2 tuần sau, Omicron nhanh chóng lấn át hoàn toàn biến thể chiếm ưu thế cũ là Delta từ giữa tháng 12, với số ca bệnh mới tăng gấp đôi trong vòng từ 2 đến 3 ngày ở hầu hết các khu vực khắp cả nước.

Biến thể Omicron nhanh chóng trở thành chủng “thống trị” ở Anh kể từ cuối năm 2021. Dữ liệu cập nhật đến ngày 5/3/2022. (Nguồn: The Guardian, covid19.sanger.ac.uk)

Biến thể Omicron nhanh chóng trở thành chủng “thống trị” ở Anh kể từ cuối năm 2021. Dữ liệu cập nhật đến ngày 5/3/2022. (Nguồn: The Guardian, covid19.sanger.ac.uk)

Ngày 14/12/2021, Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh phải lên tiếng cảnh báo, Omicron là “mối đe dọa đáng kể nhất” đối với sức khỏe cộng đồng ở nước này. Thủ tướng Johnson trước đó cũng cảnh báo về 1 làn sóng lây nhiễm “như thủy triều” do biến chủng Omicron gây nên càn quét nước Anh. Trước đà lây lan nhanh của biến thể mới, Quốc hội Anh cùng ngày 14/12 nâng thêm 1 bậc các quy định phòng dịch, với việc áp dụng những quy định mới nghiêm ngặt hơn nhằm chặn đà Omicron lây lan, bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang và xuất trình thẻ chứng nhận đã tiêm vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh khi đến các địa điểm công cộng.

Nhưng ngay cả khi thắt chặt thêm các biện pháp phòng dịch, chỉ sau đó 10 ngày, nước Anh ghi nhận 1 ngày kỷ lục khác với số ca mắc mới tăng lên 122.186 ca trong ngày 24/12/2021, đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp số ca bệnh mới vượt mốc 100 nghìn. Sự lây lan nhanh chóng của Omicron đã khiến số ca bệnh tăng vọt trong tuần nghỉ lễ Giáng sinh, đặc biệt là ở thủ đô London. Theo ước tính của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, tính đến ngày 16/12/2021, cứ mỗi 20 người London thì có 1 người mắc Covid-19, nhưng con số này đã tăng nhanh lên 1 ca/10 người chỉ sau 10 ngày tính đến 26/12/2021. Trong khi trên phạm vi toàn quốc, chỉ trong vòng 6 ngày tính đến ngày 19/12/2021, tỷ lệ mắc Covid-19 ở Anh là 1 ca/35 người, tương đương tới 1,54 triệu ca bệnh.

Số lượng ca bệnh tăng đột biến khiến nhiều ngành công nghiệp và dịch vụ phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân viên trầm trọng do người lao động nhiễm bệnh hay phải cách ly, trong khi các bệnh viện ở Anh cũng rơi vào quá tải, nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn điều trị của bệnh nhân. Nước Anh đối mặt với 1 kỳ nghỉ Giáng sinh và đón năm mới ảm đạm trước lo ngại phải áp dụng lệnh phong tỏa để phòng dịch.

Tái khởi động “Kế hoạch B”

Trước tình hình dịch bệnh xấu đi nhanh chóng, ngay từ những ngày đầu của làn sóng lây nhiễm mới, Chính phủ Anh đã xác định vaccine chính là vũ khí quan trọng để đương đầu với biến thể mới, đặc biệt là chiến dịch tiêm liều vaccine tăng cường mà nước này đang thực hiện từ giữa tháng 9/2021, thời điểm trước cả khi Omicron xuất hiện. Nhưng trước diễn biến mới của dịch bệnh, Ủy ban Hỗn hợp về tiêm chủng, cơ quan tư vấn về vaccine của Chính phủ Anh đã khuyến cáo mở rộng chương trình tiêm mũi vaccine thứ ba (liều tăng cường) cho người dân từ 18-39 tuổi, đồng thời rút ngắn khoảng cách giữa liều thứ hai và liều tăng cường xuống còn 3 tháng. Trẻ em từ 12 đến 15 tuổi cũng được khuyến cáo nên tiêm liều thứ hai sau liều đầu tiên 12 tuần. Những người bị ức chế miễn dịch nghiêm trọng đã tiêm 3 liều chính được khuyến nghị tiêm thêm 1 liều tăng cường.

Công bố siết chặt các biện pháp phòng dịch để ứng phó Omicron hồi cuối tháng 11/2021, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh, vaccine và liều tiêm tăng cường vẫn là “tuyến phòng thủ tốt nhất” trước virus, bởi vậy điều quan trọng là người dân nên đi tiêm khi đủ điều kiện. Ông nhấn mạnh, các bước điều chỉnh này không chỉ làm chậm sự lây lan của biến thể mới mà còn giúp bảo vệ cộng đồng và hướng đến mục tiêu sớm trở lại trạng thái bình thường như trong giai đoạn cuối của làn sóng Delta.

Thủ tướng Anh Boris Johnson theo dõi nhân viên y tế tiêm liều tăng cường vaccine phòng Covid-19 cho Esther, 19 tuổi, tại Sân vận động Stoke Mandeville ở Aylesbury, Buckinghamshire, Anh, ngày 3/1/2022. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Anh Boris Johnson theo dõi nhân viên y tế tiêm liều tăng cường vaccine phòng Covid-19 cho Esther, 19 tuổi, tại Sân vận động Stoke Mandeville ở Aylesbury, Buckinghamshire, Anh, ngày 3/1/2022. (Ảnh: Reuters)

Đến ngày 8/12, Thủ tướng Anh thông báo chính thức chuyển sang “Kế hoạch B” trong làn sóng lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron. Các biện pháp nghiêm ngặt được đưa ra nhằm giúp kiểm soát sự lây lan và cung cấp thêm thời gian để các chuyên gia đánh giá tác động của biến thể mới, đồng thời cho phép ngành y tế đẩy nhanh chương trình tiêm mũi tăng cường để nâng cao khả năng bảo vệ cho người dân trước Omicron.

Nhờ những biện pháp mạnh tay khi kích hoạt trở lại “Kế hoạch B”, đặc biệt là đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine tăng cường, dù số ca mắc mới ở Anh vẫn tăng mạnh, tỷ lệ bệnh trở nặng phải nhập viện và tỷ lệ tử vong vẫn ở mức thấp.

Kết quả nghiên cứu đánh giá tác dụng bảo vệ của liều tăng cường được ​​Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh công bố đầu tháng 1/2022 cho thấy, liều tiêm tăng cường tiếp tục giúp duy trì tác dụng bảo vệ cao của vaccine trước tình trạng bệnh trở nặng do biến thể Omicron ở người cao tuổi. Theo các số liệu được công bố, khoảng 3 tháng sau khi tiêm mũi thứ ba, khả năng bảo vệ khỏi nhập viện ở những người từ 65 tuổi trở lên vẫn ở mức khoảng 90%. Trong khi ở những người đã tiêm đủ 2 liều cơ bản, khả năng bảo vệ khỏi bệnh nặng giảm xuống 70% sau 3 tháng và xuống còn khoảng 50% sau 6 tháng.

Thêm vào đó, 1 nghiên cứu khác cũng do Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh công bố cuối tháng 12/2021 cho thấy, những ca nhiễm biến thể Omicron có nguy cơ nhập viện thấp hơn từ 50% đến 70% so với các ca mang biến chủng Delta, đồng thời cũng có nguy cơ bệnh trở nặng thấp hơn từ 31% đến 45%.

Đầu năm 2021, cứ 100 ca mắc Covid-19 ở Anh thì có gần 5 ca phải nhập viện. Con số này đã giảm xuống còn dưới 0,5 ca vào đầu năm 2022.

Đầu năm 2021, cứ 100 ca mắc Covid-19 ở Anh thì có gần 5 ca phải nhập viện. Con số này đã giảm xuống còn dưới 0,5 ca vào đầu năm 2022.

Vaccine-tấm lá chắn hữu hiệu trước Omicron

Trước những thành công của chương trình tiêm liều vaccine tăng cường, với hơn 30,5 triệu liều đã được tiêm kể từ đầu chiến dịch (tại vùng England), tình hình tiếp tục được cải thiện ngay trong nửa đầu tháng 1/2022. Chính phủ Anh đã đạt được mục tiêu tiêm 1 mũi nhắc lại cho người trưởng thành đủ điều kiện vào dịp Giáng sinh: cứ 5 người thì có 4 người đã được tiêm liều tăng cường, đạt tỷ lệ 81% (tại vùng England). Trong khi đó, hơn 90% người từ 12 tuổi trở lên đã tiêm liều đầu tiên và trên 83% hoàn thành tiêm chủng 2 liều cơ bản. Ngoài ra, số ca nhập viện cũng được duy trì ở mức ổn định, cùng với số ca nhiễm Omicron giảm và số bệnh nhân Covid-19 cần chăm sóc đặc biệt cũng tiếp tục giảm.

Nhờ kết quả đó, chưa đầy 2 tháng kể từ khi những ca nhiễm Omicron đầu tiên được xác nhận ở Anh, Chính phủ Anh ngày 19/1 thông báo, nước này chính thức trở lại hoàn toàn với “Kế hoạch A” tức sống chung với virus kể từ ngày 27/1. “Trong khi tiêm vaccine vẫn được ưu tiên, sự thành công của chương trình tiêm chủng cho đến nay cho phép Anh có thể thận trọng quay trở lại “Kế hoạch A”, thông báo chính thức của Chính phủ Anh cho biết. Điều này có nghĩa là kể từ ngày 19/1, chính phủ không còn yêu cầu người dân làm việc tại nhà. Bắt đầu từ ngày 20/1, đeo khẩu trang sẽ không còn là yêu cầu bắt buộc trong lớp học cho cả giáo viên và học sinh. Trước đó, từ ngày 17/1, Anh đã cho phép rút ngắn thời gian tự cách ly đối với những người mắc Covid-19 xuống còn 5 ngày.

Tiếp đó, ngày 24/1, Chính phủ Anh tiếp tục công bố bước tiếp theo trong “Kế hoạch A”: dỡ bỏ các yêu cầu về xét nghiệm và cách ly đối với hành khách nhập cảnh từ nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ, bắt đầu từ ngày 11/2. Theo Bộ Trưởng Giao Thông Anh, Grant Shapps, với hơn 137 triệu liều vaccine phòng Covid-19 đã được tiêm, trong đó có trên 37 triệu mũi tiêm tăng cường (trên toàn quốc), Anh là một trong những nước có tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa Covid-19 cao nhất thế giới, và Omicron “đang phải thoái lui”.

Tình hình tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Anh tính đến ngày 16/2/2022. (Nguồn: gov.uk)

Tình hình tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Anh tính đến ngày 16/2/2022. (Nguồn: gov.uk)

Đến ngày 27/1, Anh chính thức kết thúc các biện pháp hạn chế trong “Kế hoạch B”. Theo đó, người dân không cần phải xuất trình thẻ chứng nhận đã tiêm vaccine khi đến các địa điểm và sự kiện công cộng, đồng thời yêu cầu đeo khẩu trang cũng được dỡ bỏ hoàn toàn đối với mọi điều kiện môi trường.

Cùng với đó, 1 chiến lược dài hạn để sống chung với virus SARS-CoV-2 đã được vạch ra, với các biện pháp phòng, chống và điều trị Covid-19 như 1 bệnh "lưu hành". Để bảo vệ trẻ em khỏi các làn sóng dịch trong tương lai, Chính phủ Anh ngày 16/2 công bố, trẻ em từ 5-11 tuổi ở vùng England sẽ được tiêm 1 mũi vaccine ngừa Covid-19 liều thấp của Pfizer, sau khi Ủy ban Hỗn hợp về tiêm chủng đưa ra khuyến nghị trên vào ngày 15/2.

Đến ngày 21/2, Thủ tướng Anh chính thức công bố “Chiến lược sống chung với Covid-19”, trong đó nhấn mạnh vaccine sẽ vẫn là tuyến phòng thủ đầu tiên trước virus, cùng việc đẩy mạnh hơn nữa chương trình tiêm mũi tăng cường vào mùa xuân này cho những người dễ bị tổn thương nhất. Tất cả các quy định phòng dịch còn lại trong nước kết thúc vào ngày 24/2, gồm yêu cầu tự cách ly đối với người mắc Covid-19 và những người tiếp xúc gần. Từ ngày này, chính phủ cũng chấm dứt việc truy vết tiếp xúc thông thường và ngừng cung cấp miễn phí bộ xét nghiệm Covid-19 nhanh và xét nghiệm PCR đại trà. Chính quyền địa phương sẽ áp dụng cơ chế ứng phó các đợt bùng phát Covid-19 mới như đối với các bệnh truyền nhiễm thông thường khác.

Để đạt được mục tiêu sống chung với Covid-19, Chính phủ Anh đưa ra 4 nguyên tắc chính định hướng cho các hoạt động thích ứng trong tương lai:
1. Sống chung với Covid-19: dỡ bỏ các hạn chế trong nước, đồng thời khuyến khích các hành vi an toàn thông qua tư vấn sức khỏe cộng đồng, như vẫn đang được áp dụng đối với hầu hết các bệnh hô hấp thông thường khác.
2. Bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất: tăng cường tiêm chủng theo hướng dẫn của Ủy ban Hỗn hợp về tiêm chủng, triển khai xét nghiệm cho đối tượng mục tiêu.
3. Duy trì khả năng phục hồi: áp dụng cơ chế giám sát liên tục, lập kế hoạch dự phòng cho khả năng tái áp dụng trở lại các biện pháp chính như tiêm chủng diện rộng và xét nghiệm trong trường hợp khẩn cấp.
4. Thúc đẩy đổi mới và nắm bắt cơ hội từ cách ứng phó với Covid-19, bao gồm đẩy mạnh đầu tư vào ứng dụng khoa học trong cuộc sống hằng ngày.

Trong thông cáo công bố chiến lược mới ngày 21/2 vừa qua, Thủ tướng Johnson cho biết, trong khi đại dịch vẫn chưa kết thúc, Anh hiện đã vượt qua đỉnh của làn sóng Omicron, với số ca mắc giảm, số ca nhập viện trong nước hiện chưa đến 10 nghìn người và vẫn đang tiếp tục giảm… Người dân được bảo vệ nhờ chương trình tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Cùng với thuốc kháng virus, phương pháp điều trị và hiểu biết khoa học về virus SARS-CoV-2, nước Anh có khả năng ứng phó nhanh chóng với bất kỳ đợt tái bùng phát hoặc biến thể mới nào, ông Johnson khẳng định.

Covid-19 không còn là bệnh "nghiêm trọng" tại Đan Mạch

Có những bước đi tương tự như ở Anh, nhưng Đan Mạch thậm chí còn chính thức dỡ bỏ tất cả các hạn chế phòng dịch sớm hơn, bất chấp số ca nhiễm vẫn ở mức cao trong làn sóng Omicron.

Ngày 26/1, giữa lúc Omicron còn đang hoành hành khắp châu Âu, giới chức Đan Mạch đã đưa ra 1 quyết định táo bạo, khi tuyên bố dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch, và tiến tới chính thức xóa bỏ nốt các biện pháp còn lại vào ngày 1/2, thời điểm Covid-19 không còn được xem là 1 bệnh “nghiêm trọng về mặt xã hội” tại Đan Mạch.

Phát biểu tại họp báo công bố chiến lược mới, Thủ tướng Mette Frederiksen nhấn mạnh, Đan Mạch giờ đây có thể dỡ bỏ các biện pháp phòng, chống Covid-19 cuối cùng, theo sau các khuyến nghị từ Hội đồng cố vấn y khoa và với sự ủng hộ của tất cả các đảng chính trị chính. Quyết định trên được đưa ra khi tỷ lệ nhập viện và tử vong do biến thể Omicron tại Đan Mạch vẫn ổn định trong tầm kiểm soát cùng tỷ lệ tiêm chủng cao.

Đan Mạch đã chứng kiến các​​ ca nhiễm hằng ngày tăng vọt vào giữa tháng 12 năm ngoái, khiến nước này phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới. Tuy nhiên, ngay cả khi tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở gần mức kỷ lục với trung bình trên 20 nghìn ca/ngày, số người phải nhập viện và số ca tử vong vì Covid-19 cũng ổn định ở mức thấp hơn so với cùng thời điểm của 1 năm trước. Ngày 26/1/2022, thời điểm Đan Mạch công bố dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng dịch, nước này ghi nhận trên 46 nghìn ca mắc mới, không xa so với mốc cao kỷ lục từ đầu dịch là 47.831 ca bệnh ghi nhận 5 ngày trước đó. Số ca nhập viện liên quan đến Covid-19 đã tăng lên 894 ca, cao nhất trong 1 năm. Nhưng cơ quan y tế Đan Mạch cho biết, ước tính khoảng 30% đến 40% những ca xét nghiệm dương tính phải nhập viện là vì những lý do khác ngoài Covid-19. Kể từ mức cao nhất là 82 ca vào ngày 6/1/2022, số lượng bệnh nhân Covid-19 cần chăm sóc đặc biệt ở nước này đã giảm đều đặn xuống 43 ca vào đầu tuần công bố dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế (tính đến ngày 13/3/2022, chỉ còn 28 ca cần chăm sóc tích cực). Ông Søren Brostrøm, Giám đốc Cơ quan Y tế Đan Mạch cho biết, số ca nhiễm Covid-19 ở nước này rất cao, nhưng cùng lúc với tình trạng lây nhiễm tăng vọt, số bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt lại giảm xuống.

Chúng tôi đang ở hoàn cảnh tốt hơn nhiều so với những gì đã dự đoán và lo ngại trước đây. Bây giờ, có thể nói chắc chắn hơn đáng kể rằng, biến thể mới Omicron ít gây ra bệnh nghiêm trọng hơn so với các chủng cũ.
Ông Søren Brostrøm, Giám đốc Cơ quan Y tế Đan Mạch

Quyết định táo bạo

Tương tự như ở Anh, đẩy mạnh tiêm phòng và tiêm liều vaccine tăng cường trên diện rộng là chìa khóa giúp Đan Mạch mở cửa trở lại. Theo Cơ quan Y tế Đan Mạch, khoảng 81% dân số ở đất nước 5,8 triệu dân này đã được tiêm đầy đủ 2 liều vaccine phòng Covid-19, trong đó 61,3% được tiêm mũi tăng cường, trong khi tỷ lệ tiêm 3 liều trung bình của Liên minh châu Âu (EU) chỉ là 45%. Dữ liệu từ cơ quan về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Đan Mạch, Viện Statens Serum, cũng cho thấy, những người chưa tiêm phòng có nguy cơ nhập viện sau khi nhiễm virus cao gấp 5 đến 6 lần so với những người đã được tiêm ngừa Covid-19.

Đây được xem là cách tiếp cận khá bất ngờ và táo bạo, bởi chỉ 2 tuần trước thời điểm công bố dỡ bỏ các hạn chế nói trên, Đan Mạch vẫn đang trong đợt phong tỏa kéo dài cả tháng. Các hạn chế mới chỉ dần được nới lỏng từ giữa tháng 1 vừa qua, cho phép các rạp chiếu phim và địa điểm tổ chức các sự kiện âm nhạc được mở cửa trở lại, nhưng một số quy định hạn chế vẫn tiếp tục được duy trì, bao gồm giới hạn giờ mở cửa đối với các nhà hàng và yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc.

Trước đó, năm 2020, Đan Mạch là 1 trong những quốc gia châu Âu đầu tiên đóng cửa trường học vì đại dịch và yêu cầu người lao động không thuộc ngành nghề thiết yếu làm việc từ xa. Đến thời điểm tháng 7/2021, nước này vẫn còn áp dụng các hạn chế khá nghiêm ngặt. Nhưng sau đó, nhờ chiến dịch tiêm chủng thành công, Đan Mạch lần đầu tiên dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế phòng Covid-19 vào tháng 9/2021. Tuy vậy, sự xuất hiện của biến chủng Omicron khiến lây nhiễm tăng vọt đã buộc chính phủ nước này phải tái áp dụng trở lại các biện pháp phòng dịch để ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ ba.

Với việc công bố dỡ bỏ toàn bộ các hạn chế mới nhất, điều này có nghĩa là yêu cầu đeo khẩu trang trong không gian kín, xuất trình thẻ chứng nhận đã tiêm vaccine khi đến các quán bar, nhà hàng và các địa điểm trong nhà khác, cũng như yêu cầu phải tự cách ly nếu có kết quả xét nghiệm dương tính đều kết thúc. Biện pháp phòng, chống Covid-19 cuối cùng mà Đan Mạch còn áp dụng là xét nghiệm Covid-19 đối với người từ nước ngoài nhập cảnh vào nước này, và yêu cầu này cũng được dỡ bỏ nốt từ ngày 1/2, chính thức đưa Đan Mạch trở thành quốc gia thành viên EU đầu tiên dỡ bỏ tất cả các hạn chế phòng dịch.

Người dân Đan Mạch tận hưởng khoảnh khắc các hạn chế Covid-19 được dỡ bỏ ở trung tâm thủ đô Copenhagen. (Ảnh: New York Times)

Người dân Đan Mạch tận hưởng khoảnh khắc các hạn chế Covid-19 được dỡ bỏ ở trung tâm thủ đô Copenhagen. (Ảnh: New York Times)

Với sự gia tăng các ca nhiễm như hiện nay, việc dỡ bỏ các hạn chế có vẻ đi ngược lại với tình hình thực tế. Nữ Thủ tướng Frederiksen cũng chỉ ra sự “nghịch lý kỳ lạ” này.

Sự thay đổi nhanh chóng này dựa trên khuyến nghị từ hội đồng các chuyên gia y tế nhất trí bỏ phân loại Covid-19 là 1 căn bệnh “nghiêm trọng về mặt xã hội”, vốn là điều kiện để kích hoạt các biện pháp hạn chế để phòng dịch. Theo đó, Bộ trưởng Y tế Magnus Heunicke thông tin, Covid-19 sẽ không còn được xem là bệnh “nghiêm trọng về mặt xã hội” từ ngày 1/2. Ông Heunicke giải thích thêm: “Ở Đan Mạch, có sự tách biệt rõ ràng giữa xu hướng gia tăng số ca nhiễm mới và số bệnh nhân nhập viện cần chăm sóc đặc biệt, thêm vào đó là tỷ lệ lớn người dân đã tiêm liều vaccine tăng cường. Đó là lý do tại sao chúng tôi đánh giá việc dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch là an toàn cho cộng đồng và là điều cần làm ngay bây giờ”.

Ca phẫu thuật cho 1 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Herlev, Đan Mạch. (Ảnh: Getty Images)

Ca phẫu thuật cho 1 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Herlev, Đan Mạch. (Ảnh: Getty Images)

Diễn biến dịch Covid-19 tại Đan Mạch.

Diễn biến dịch Covid-19 tại Đan Mạch.

Diễn biến dịch Covid-19 tại Đan Mạch.

Diễn biến dịch Covid-19 tại Đan Mạch.

Em Sarah Bülow Carlsen, 11 tuổi, chuẩn bị tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Amager, Đan Mạch, ngày 28/11/2021. (Ảnh: Getty Images)

Em Sarah Bülow Carlsen, 11 tuổi, chuẩn bị tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Amager, Đan Mạch, ngày 28/11/2021. (Ảnh: Getty Images)

Item 1 of 4

Ca phẫu thuật cho 1 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Herlev, Đan Mạch. (Ảnh: Getty Images)

Ca phẫu thuật cho 1 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Herlev, Đan Mạch. (Ảnh: Getty Images)

Diễn biến dịch Covid-19 tại Đan Mạch.

Diễn biến dịch Covid-19 tại Đan Mạch.

Diễn biến dịch Covid-19 tại Đan Mạch.

Diễn biến dịch Covid-19 tại Đan Mạch.

Em Sarah Bülow Carlsen, 11 tuổi, chuẩn bị tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Amager, Đan Mạch, ngày 28/11/2021. (Ảnh: Getty Images)

Em Sarah Bülow Carlsen, 11 tuổi, chuẩn bị tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Amager, Đan Mạch, ngày 28/11/2021. (Ảnh: Getty Images)

Quá nhanh, quá sớm?

Xếp hàng chờ tiêm phòng Covid-19 ở Copenhagen, Đan Mạch, ngày 11/9/2021. (Ảnh: Reuters)

Tất cả các hạn chế phòng dịch tại Đan Mạch, bao gồm quy định bắt buộc đeo khẩu trang và kiểm tra thẻ vaccine đã được dỡ bỏ từ ngày 1/2. (Ảnh: New York Times)

Người dân Đan Mạch xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19. (Ảnh: Bloomberg)

Xếp hàng chờ tiêm phòng Covid-19 ở Copenhagen, Đan Mạch, ngày 11/9/2021. (Ảnh: Reuters)

Tất cả các hạn chế phòng dịch tại Đan Mạch, bao gồm quy định bắt buộc đeo khẩu trang và kiểm tra thẻ vaccine đã được dỡ bỏ từ ngày 1/2. (Ảnh: New York Times)

Người dân Đan Mạch xếp hàng chờ xét nghiệm Covid-19. (Ảnh: Bloomberg)

Chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi Omicron xuất hiện, nhiều nước châu Âu đã dỡ bỏ các “hàng rào” của mình như tại Anh và Đan Mạch. Những thay đổi chóng vánh trong thời gian ngắn đang gây ra phản ứng trái chiều từ các nhà khoa học. Các chuyên gia vẫn đang tranh cãi việc trở lại cuộc sống bình thường như vậy có quá nhanh và quá sớm hay không?

Sự thay đổi này diễn ra ngay cả khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, việc ứng phó và điều trị Covid-19 theo hướng như bệnh cúm mùa vẫn còn quá sớm và còn nhiều điều chưa rõ về căn bệnh này, cùng với sự gia tăng các ca mắc mới mang biến thể Omicron vẫn đang nóng từng ngày trên khắp "cựu lục địa". Trong khi đó, phần lớn dân số thế giới, đặc biệt ở châu Phi vẫn rất dễ bị tổn thương do tiêm vaccine ngừa Covid-19 chưa được triển khai rộng rãi, dẫn đến nhiều biến thể mới vẫn có khả năng xuất hiện.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng mọi thứ diễn ra quá nhanh. Ở Thụy Sĩ, cũng tương tự như tại Anh, hầu hết các hạn chế đã được dỡ bỏ. Đặc biệt, người dân Thụy Sĩ không còn cần phải đeo khẩu trang ở hầu hết các nơi công cộng, dù những người có kết quả xét nghiệm dương tính vẫn phải cách ly trong 5 ngày. Bà Isabella Eckerle, Giám đốc Trung tâm Geneva về các bệnh do virus mới nổi ở Thụy Sĩ cho biết, quyết định dỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang được đưa ra quá sớm, trong bối cảnh các xét nghiệm PCR vẫn cho tỷ lệ dương tính trên 35%, trong khi cứ 10 người ở Thụy Sĩ thì mới có 7 người đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19 (tỷ lệ tương đương người trưởng thành ở Anh đã tiêm 3 liều).

Bà Deepti Gurdasani, nhà dịch tễ học tại Đại học Queen Mary, London, cho biết, một số quốc gia đã dỡ bỏ các hạn chế sau đó lại chứng kiến ​​sự gia tăng không chỉ về ca bệnh mới, mà còn về số ca nhập viện và tử vong.

Mặc dù một số ca tử vong sau khi xét nghiệm dương tính là ngẫu nhiên, nhưng có 1 tỷ lệ lớn là tử vong do Covid-19. Đây là 1 tình trạng rất đáng lo ngại, thậm chí còn chưa xét đến tác động của hội chứng "Covid kéo dài".
Bà Deepti Gurdasani, nhà dịch tễ học tại Đại học Queen Mary, London

Bà Gurdasani khuyến cáo nên thực hiện các biện pháp có thể giúp giảm thiểu tác động của việc nới lỏng các hạn chế đối với số ca mắc mới và tử vong. Thí dụ, nếu việc đeo khẩu trang không còn là yêu cầu bắt buộc, thì nên tập trung nhiều hơn vào việc thông gió cho các tòa nhà.

Trong khi đó, một số chuyên gia khác lại cho rằng, ở nhiều quốc gia, tỷ lệ kháng thể cao có được nhờ phục hồi sau nhiễm bệnh và sau khi tiêm vaccine đồng nghĩa với việc tiếp tục áp dụng các biện pháp can thiệp nhằm chặn đà lây lan của Covid-19 đã không còn phù hợp nữa. Bà Müge Çevik, chuyên gia nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm và virus tại Đại học St Andrews, Vương quốc Anh cho biết: “Hiện tại, chúng ta đang ở 1 tình thế khác. Rõ ràng là bây giờ chúng ta không thể ngăn ngừa lây nhiễm hoàn toàn, vì vậy cần phải tập trung vào việc ngăn các ca bệnh diễn tiến nặng”. Bà cũng lạc quan cho rằng, ngay cả khi các quy định đeo khẩu trang và giãn cách xã hội được nới lỏng, người dân cũng sẽ không ngay lập tức "thả lỏng" quá mức. Thay vào đó, sẽ có những sự thay đổi và thích ứng dần dần để trở lại bình thường.

Ông Joël Mossong, nhà dịch tễ học chuyên nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Cơ quan Y tế Luxembourg bày tỏ ủng hộ việc dỡ bỏ các hạn chế ở nước này. Ông nói: “Chúng tôi đã chứng kiến ​​nhiều trường hợp tử vong vì Covid-19, nhưng tình hình hiện tại không giống như những gì chúng tôi đã từng trải qua ​​vào mùa đông năm ngoái, thậm chí cả thời điểm trước đó vào mùa xuân năm 2021. Tranh luận về việc duy trì các hạn chế đã khép lại, và tôi cho rằng chúng ta hiện đang ở trong giai đoạn mà chiến lược dỡ bỏ các hạn chế là bước đi đúng đắn cần thực hiện”.

Tại Vương quốc Anh, tất cả các hạn chế theo quy định liên quan đến phòng Covid-19 đã được dỡ bỏ, cùng với cắt giảm xét nghiệm. (Ảnh: Getty Images)

Tại Vương quốc Anh, tất cả các hạn chế theo quy định liên quan đến phòng Covid-19 đã được dỡ bỏ, cùng với cắt giảm xét nghiệm. (Ảnh: Getty Images)

Cùng với việc dỡ bỏ các hạn chế, một số quốc gia đang cắt giảm đáng kể tần suất xét nghiệm Covid-19. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là 1 bước đi “quá xa” trong giai đoạn này của đại dịch. Bà Eckerle nhấn mạnh, việc giảm tần suất xét nghiệm định kỳ sẽ gây khó khăn hơn cho việc xác định khả năng lây nhiễm trong các đợt bùng phát mới, cũng như phát hiện các biến thể mới. Bà cũng cảnh báo, các hạn chế được dỡ bỏ cùng sự giao lưu nhiều hơn trong cộng đồng vốn trước đây bị giới hạn bởi các quy định phòng dịch có thể khiến virus SARS-CoV-2 đột biến. Bởi vậy, xét nghiệm có thể đóng vai trò như 1 hệ thống cảnh báo sớm nếu 1 biến thể đáng lo ngại xuất hiện.

Nhưng không phải chuyên gia nào cũng nhất trí về sự cần thiết của việc tiếp tục duy trì xét nghiệm quy mô lớn. Bà Çevik cho rằng, lợi ích của xét nghiệm tổng quát đối với những người không có triệu chứng không tương xứng với chi phí thiệt hại gây ra bởi các biện pháp hạn chế đối với cộng đồng. Từ đó, chuyên gia này khuyến cáo, các hệ thống y tế nên hướng đến xét nghiệm mục tiêu. Đồng thời, việc xét nghiệm thường xuyên nên được duy trì ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, như bệnh viện, các cơ sở chăm sóc y tế và trại giam.

Trong khi đó, WHO khuyến nghị các quốc gia nên áp dụng phương pháp tiếp cận khoa học dựa trên đánh giá rủi ro, chia sẻ dữ liệu minh bạch, tăng cường giám sát và giải trình tự gene các ca nhiễm để hiểu rõ hơn về các biến thể đang lưu hành. Cơ quan y tế của Liên hợp quốc cũng kêu gọi các quốc gia đẩy mạnh chiến lược tiêm chủng, chủ yếu cho các nhóm ưu tiên cao, nhằm giảm nguy cơ bệnh trở nặng hay biến chứng, đồng thời giảm khả năng lây truyền và đột biến của virus.

Bà Saffron Cordery, Phó Giám đốc điều hành Dịch vụ Y tế quốc gia Anh cho rằng, nước này cần áp dụng “cách tiếp cận có cân nhắc” đối với đại dịch, trong khi định hình về cuộc sống bình thường mới trong thời gian tới. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng, với nhiều bất định còn ở phía trước, sẽ thật sai lầm nếu coi thời điểm này như một bước ngoặt để thay đổi hoàn toàn chiến lược.

Thay vì là 1 cuộc chạy nước rút 100 m thẳng tới vạch đích để kết thúc đại dịch, chiến lược sống chung với virus nên là 1 cuộc chạy dài hơi qua mọi loại địa hình khác nhau trước khi đến đích.
Bà Saffron Cordery, Phó Giám đốc điều hành Dịch vụ Y tế quốc gia Anh

Định hình bệnh “lưu hành” Covid-19

Đối với Đan Mạch, kể từ khi trở thành quốc gia EU đầu tiên dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch vào đầu tháng 2/2022, nước này đã ghi nhận tỷ lệ nhiễm Covid-19 trên đầu người cao hơn hầu hết các quốc gia khác trên thế giới. Hiện Đan Mạch đã ghi nhận trên 2,9 triệu ca mắc trong tổng dân số 5,8 triệu người, với tỷ lệ lây nhiễm vào khoảng 482 nghìn ca/1 triệu dân.

Tình hình dịch bệnh ở Đan Mạch mang đến cái nhìn sơ bộ về tương lai khi coi Covid-19 là 1 bệnh “lưu hành” sẽ như thế nào. Vào cuối tháng 1/2022, làn sóng lây nhiễm tại Đan Mạch đã có dấu hiệu đạt đỉnh. Nhưng với sự xuất hiện của biến thể phụ mới BA.2 của Omicron, hay còn gọi là Omicron “tàng hình”, các ca nhiễm bắt đầu tăng trở lại ngay sau khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ, đạt mức cao kỷ lục mới là trung bình 7.970 ca nhiễm trên 1 triệu dân vào ngày 13/2/2022, gấp 13 lần so với mức kỷ lục cũ được ghi nhận vào tháng 12/2020. Trong khi Mỹ và Anh cũng đều nằm trong tốp đầu thế giới, nhưng tỷ lệ này cũng chỉ khoảng 2.500 ca/1 triệu dân ở giai đoạn đỉnh điểm của làn sóng Omicron gần đây.

Đồng thời, tỷ lệ nhập viện vì Covid-19 ở Đan Mạch cũng bắt đầu tăng, gấp khoảng 1,5 lần so thời điểm vẫn áp dụng các hạn chế, và đã vượt qua tỷ lệ của Vương quốc Anh vào ngày 6/2/2022 và của Mỹ 1 tuần sau đó. Số ca tử vong vì Covid-19 cũng theo chiều hướng tăng tương tự.

Giám đốc Viện nghiên cứu Scripps (Mỹ), ông Eric Topol nhận định, tỷ lệ tử vong ở Đan Mạch hiện đã bằng 67% so với thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng Omicron, khi số liệu cho thấy sự gia tăng mạnh về cả số ca mắc, số người nhập viện và số ca tử vong từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 2 vừa qua.

Giới chuyên gia lo ngại, 1 kịch bản tái áp dụng các hạn chế sẽ lặp lại ở Đan Mạch, tương tự như thời điểm tháng 9/2021, khi nước này dỡ bỏ gần như tất cả các biện pháp phòng dịch, rồi lại phải tái siết chặt trở lại do các ca nhiễm tăng vọt trong làn sóng Omicron.

Biểu đồ thống kê theo ngày ở trên cho thấy, số ca tử vong vì Covid-19 tại Đan Mạch vẫn tăng mạnh kể từ khi nước này dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch hồi đầu tháng 2/2022.

Biểu đồ thống kê theo ngày ở trên cho thấy, số ca tử vong vì Covid-19 tại Đan Mạch vẫn tăng mạnh kể từ khi nước này dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng dịch hồi đầu tháng 2/2022.

Trên lý thuyết, những con số trên cho thấy tình hình dịch bệnh có phần ảm đạm. Nhưng các chuyên gia y tế Đan Mạch cho rằng, thực tế này có thể chấp nhận được. Phân tích số liệu của giới chức y tế Đan Mạch chỉ ra, áp lực từ số ca mắc Covid-19 phải nhập viện lên hệ thống y tế ở nước này vẫn còn thấp so với mức tăng trước đây. Đan Mạch cũng tiến hành xét nghiệm nhiều hơn, gấp đôi so với Anh và gấp 6 lần Mỹ, tức đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều ca mắc Covid-19 được phát hiện hơn. Ngoài ra, tỷ lệ tiêm phòng cao cũng giúp người dân Đan Mạch ít bị bệnh trở nặng hơn nếu nhiễm Covid-19.

Theo ông Søren Neermark, quan chức từ Cơ quan Y tế Đan Mạch, ngược lại với mùa đông năm ngoái, khi Đan Mạch chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể tỷ lệ tử vong do các nguyên nhân liên quan Covid-19, tỷ lệ tử vong do Omicron về tổng thể ở tất cả các nhóm tuổi hiện đã rơi vào phổ bình thường, trong bối cảnh biến thể này đã chiếm ưu thế hoàn toàn.

Bên cạnh đó, ông Neermark cũng cho rằng, Đan Mạch không nhất thiết được “đóng khung” trở thành hình mẫu chung cho các quốc gia khác học tập liên quan việc dỡ bỏ hay duy trì các hạn chế, bởi năng lực của hệ thống chăm sóc sức khỏe ở mỗi quốc gia có sự khác biệt nhất định.

Ông Kristian Andersen, tiến sĩ dịch tễ học người Đan Mạch hiện đang làm việc tại Viện nghiên cứu Scripps cho biết, trên thực tế, các quốc gia sẽ cần phải quyết định chiến lược phòng dịch dựa trên các yếu tố của riêng mỗi nước, và các hạn chế có thể sẽ được áp dụng hay dỡ bỏ tùy từng giai đoạn để đáp ứng với các điều kiện thay đổi.

Chúng ta phải thực tế. Việc có áp dụng các biện pháp hạn chế hay không còn tùy thuộc vào cách chúng ta thực hiện các chiến lược như tiêm vaccine liều tăng cường hay đáp ứng yêu cầu đeo khẩu trang như thế nào.
Tiến sĩ Kristian Andersen, Viện nghiên cứu Scripps (Mỹ)

Để bắt kịp với tốc độ biến đổi của virus, ông Andersen khuyến nghị các quốc gia cần ưu tiên đổi mới, cụ thể là cải thiện hiệu quả công tác xét nghiệm tại nhà, sản xuất các loại khẩu trang tốt hơn, cùng với phát triển vaccine và thuốc kháng virus có chất lượng cao hơn. “Nhưng điều đó cũng khiến chúng ta nhận ra rằng Covid-19 sẽ là 1 vấn đề mà chúng ta có thể phải tiếp tục đương đầu trong 5 đến 10 năm tới”, ông nói./.

Ngày xuất bản: 18/3/2022
Tổ chức sản xuất: TRƯỜNG SƠN - VIỆT ANH
Thực hiện: TRUNG HƯNG
Trình bày và đồ họa: TRUNG HƯNG
Nguồn tin và dữ liệu: Liên hợp quốc, WHO, gov.uk, Cơ quan Y tế Đan Mạch, New York Times, The Guardian, Reuters, Financial Times, Nature, AP, CNBC, Politico, CNN, WebMD
Ảnh: Reuters, New York Times, Bloomberg, Getty Images