
Sau 50 năm thống nhất, Việt Nam đứng trước cơ hội khẳng định vị thế trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Trò chuyện với Báo Nhân Dân, Anh hùng Lao động Thái Hương, Nhà sáng lập -Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH, chia sẻ hành trình khởi nghiệp đầy thử thách, từ xây dựng thương hiệu sữa sạch đến khát vọng về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và sứ mệnh “Vì tầm vóc Việt”.

Chọn lối đi khác biệt
Nông nghiệp là nền tảng của một quốc gia, là ngành gắn liền với sinh kế của hàng triệu người dân. Việt Nam có lợi thế to lớn về nông nghiệp, ta phải đi trên lợi thế thực chất của mình. Việt Nam có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, có truyền thống canh tác nông nghiệp lâu đời. Nhưng đồng thời, tôi cũng thấy những hạn chế: sản xuất manh mún, công nghệ lạc hậu, thiếu tiêu chuẩn minh bạch, và đặc biệt là người nông dân chưa được tiếp cận với những mô hình bền vững, hiệu quả cao.
Vì vậy, tôi đã lựa chọn một con đường khác biệt, con đường ngắn nhất là ứng dụng khoa học công nghệ, khoa học quản trị vào nông nghiệp, đặt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế lên hàng đầu, và quan trọng nhất là tạo ra những giá trị thật, từ sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe con người, đến việc góp phần thay đổi tư duy làm nông nghiệp tại Việt Nam; như Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh phải xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại, thay thế cách làm manh mún, lạc hậu trước kia.
Một quốc gia chỉ vững mạnh khi con người được phát triển toàn diện cả thể lực và trí lực.
Bà THÁI HƯƠNG
Hành trình này không chỉ là kinh doanh, mà còn là trách nhiệm. Tôi luôn tâm niệm: “Con người là chủ thể của xã hội, là nguồn lực quyết định sự phát triển đất nước. Sự phát triển thể lực, trí lực và tâm hồn của mỗi cá nhân là rất quan trọng. Một quốc gia chỉ vững mạnh khi con người được phát triển toàn diện cả thể lực và trí lực, trong đó yếu tố tiên quyết cho sự phát triển này không những là nguồn dinh dưỡng thiết yếu như lúa, gạo, thực phẩm và các sản phẩm sữa mà cần có một chế độ chăm sóc sức khỏe bền vững. Đầu tư vào phát triển thể lực và trí lực là phát triển nòi giống của dân tộc, là đầu tư vào phát triển bền vững mang tính chiến lược quốc gia”.
Cũng như Hồ Chủ tịch đã nói: “sức khỏe là tài sản quý nhất của mỗi con người, là tiền đề cho sự phát triển của mỗi cá nhân”. Như vậy, đầu tư để làm sữa sạch, thực phẩm sạch chính là trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng với triết lý “Một đồng y tế dự phòng bằng 1 tỷ chữa bệnh”.
Chúng tôi đã kiên tâm không ngừng nghỉ để lập nên 1 dự án sữa tươi sạch, đưa những người thầy giỏi nhất về công nghệ chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, logistic theo 1 quy trình khép kín từ đồng cỏ đến bàn ăn, xây dựng 1 thương hiệu chuẩn mực về 5 giá trị cốt lõi: Vì hạnh phúc đích thực, Vì sức khỏe cộng đồng, Hoàn toàn từ thiên nhiên, Thân thiện với môi trường Tư duy vượt trội, Hài hòa lợi ích. Đưa khoa học công nghệ và khoa học quản trị đan xen vào nhau tạo ra năng suất lao động cao nhất, chi phí giá thành hợp lý và chất lượng sản phẩm quốc tế ngay trên đồng đất Việt Nam.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Anh hùng Lao động Thái Hương tại buổi gặp mặt doanh nhân tiêu biểu, tháng 10/2024.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Anh hùng Lao động Thái Hương tại buổi gặp mặt doanh nhân tiêu biểu, tháng 10/2024.
Tiếp cận nông nghiệp theo hướng đó thì người tiêu dùng Việt Nam sẽ có những sản phẩm tốt nhất, an toàn cho sức khỏe, để nông dân có đời sống tốt hơn và để nền kinh tế phát triển bền vững.
Bởi lẽ, khi đặt chữ “tâm” và chữ “tầm” vào trong kinh doanh, thì lợi nhuận và giá trị cộng đồng không phải là hai đường thẳng song song mà là hai mặt của một vấn đề.
Nếu một doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận mà không nghĩ đến giá trị mình mang lại cho xã hội, thì sớm muộn gì cũng sẽ gặp giới hạn. Nhưng nếu doanh nghiệp biết gieo trồng những giá trị tốt đẹp, biết lấy sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững làm cốt lõi, thì thành công sẽ đến một cách tự nhiên và lợi nhuận cũng là điều tất yếu. Con đường này dài nhưng bền vững, tôi rất hạnh phúc trong công việc, mỗi ngày nhân lên những giá trị to lớn mà tiền cũng không mua được.
Điều giúp tôi giữ vững ranh giới đó chính là niềm tin vào sự tử tế.
Tôi ví kinh doanh như một người làm vườn. Nếu chỉ nghĩ đến thu hoạch nhanh chóng mà bón phân hóa học quá mức, dùng giống biến đổi gen không kiểm soát, hay lạm dụng tài nguyên thì ban đầu có thể đạt năng suất cao, nhưng đất sẽ bạc màu, cây cối cằn cỗi và cuối cùng vườn cây sẽ chết. Ngược lại, nếu người làm vườn có tầm nhìn dài hạn, nuôi dưỡng đất đai, chăm chút từng gốc rễ bằng cách làm đúng, làm tử tế, thì khu vườn sẽ xanh tốt và mùa màng sẽ bội thu trong nhiều thế hệ.
Điều giúp tôi giữ vững ranh giới đó chính là niềm tin vào sự tử tế. Tôi tin rằng một nền kinh tế muốn vươn xa thì trước hết phải minh bạch, sạch sẽ và hướng đến con người.
Thời điểm TH bước chân vào ngành sữa (2008), 92% sản phẩm sữa nước trên thị trường là sữa bột pha lại. Tỷ lệ tiêu thụ sữa bình quân đầu người chỉ từ 8-12 lít/năm, sữa chủ yếu dành cho người già, trẻ nhỏ. Tới nay, tỷ lệ tiêu thụ sữa bình quân đầu người đã lên tới hơn 25 lít/năm, hơn 60% sữa nước trên thị trường là sữa tươi. Đó là sự thay đổi ngoạn mục về bản chất ngành sữa mà TH đóng vai trò quan trọng.
Người tiêu dùng giờ đã có thể lựa chọn một ly sữa tươi đúng nghĩa. Tôi đã đặt lại chuẩn mực - sữa tươi phải là sữa tươi, phải minh bạch nguyên liệu đầu vào là sữa tươi hay sữa bột pha lại để người tiêu dùng lựa chọn. Và phải sạch từ đồng cỏ đến ly sữa, từ trang trại đến bàn ăn.
Nhưng câu chuyện không dừng lại ở sữa. Khi tôi dấn thân vào nông nghiệp, tôi nhận ra một thực tế đau lòng: thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng đang hủy hoại sức khỏe người dân và tương lai của thế hệ mai sau. Chúng ta có những cánh đồng màu mỡ, những điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng tại sao thực phẩm tuân thủ những quy chuẩn sản xuất sạch lại không thể trở thành tiêu chuẩn chung của xã hội?
Từ sữa, tôi tiếp tục hành trình của mình với thực phẩm sạch, với dược liệu sạch, với mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn - nơi mà mỗi sản phẩm không chỉ đạt tiêu chuẩn sản xuất cao nhất, chất lượng tốt nhất mà còn phải thân thiện với môi trường, phải đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Vậy nên, tuyên ngôn “Trả sữa về đúng nghĩa là sữa” thực chất là lời mở đầu cho một hành trình dài hơn: trả lại sự minh bạch cho thực phẩm Việt Nam, trả lại niềm tin cho người tiêu dùng, và cao hơn nữa, trả lại cho đất nước một nền nông nghiệp sạch, hiện đại, bền vững.


Thời điểm TH bước chân vào ngành sữa (2008), 92% sản phẩm sữa nước trên thị trường là sữa bột pha lại. Tỷ lệ tiêu thụ sữa bình quân đầu người chỉ từ 8-12 lít/năm, sữa chủ yếu dành cho người già, trẻ nhỏ. Tới nay, tỷ lệ tiêu thụ sữa bình quân đầu người đã lên tới hơn 25 lít/năm, hơn 60% sữa nước trên thị trường là sữa tươi. Đó là sự thay đổi ngoạn mục về bản chất ngành sữa mà TH đóng vai trò quan trọng.
Người tiêu dùng giờ đã có thể lựa chọn một ly sữa tươi đúng nghĩa. Tôi đã đặt lại chuẩn mực - sữa tươi phải là sữa tươi, phải minh bạch nguyên liệu đầu vào là sữa tươi hay sữa bột pha lại để người tiêu dùng lựa chọn. Và phải sạch từ đồng cỏ đến ly sữa, từ trang trại đến bàn ăn.
Nhưng câu chuyện không dừng lại ở sữa. Khi tôi dấn thân vào nông nghiệp, tôi nhận ra một thực tế đau lòng: thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng đang hủy hoại sức khỏe người dân và tương lai của thế hệ mai sau. Chúng ta có những cánh đồng màu mỡ, những điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng tại sao thực phẩm tuân thủ những quy chuẩn sản xuất sạch lại không thể trở thành tiêu chuẩn chung của xã hội?
Từ sữa, tôi tiếp tục hành trình của mình với thực phẩm sạch, với dược liệu sạch, với mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn - nơi mà mỗi sản phẩm không chỉ đạt tiêu chuẩn sản xuất cao nhất, chất lượng tốt nhất mà còn phải thân thiện với môi trường, phải đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Vậy nên, tuyên ngôn “Trả sữa về đúng nghĩa là sữa” thực chất là lời mở đầu cho một hành trình dài hơn: trả lại sự minh bạch cho thực phẩm Việt Nam, trả lại niềm tin cho người tiêu dùng, và cao hơn nữa, trả lại cho đất nước một nền nông nghiệp sạch, hiện đại, bền vững.

Kinh tế xanh - cần bước đi đột phá
Trước hết, là rào cản về nhận thức. Nhiều doanh nghiệp vẫn chạy theo lợi nhuận ngắn hạn, chưa thấy hết lợi ích dài lâu của phát triển bền vững. Trong khi đó, thế giới đã chứng minh rằng kinh tế xanh không chỉ là trách nhiệm với môi trường, mà còn tạo ra lợi nhuận bền vững và vị thế cạnh tranh. Châu Âu đã áp dụng CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), nếu doanh nghiệp Việt Nam không chuyển đổi, hàng hóa sẽ bị đánh thuế cao, mất thị trường xuất khẩu. Nhưng nếu đi trước, chúng ta sẽ có lợi thế lớn.
Thứ hai, là rào cản về chính sách. Khi tôi đưa mô hình chăn nuôi bò sữa sạch về Việt Nam, tôi thấy rõ tiềm năng lớn, nhưng các chính sách hỗ trợ vẫn chưa thực sự rõ ràng như ở các nước phát triển. Ví dụ nhưLiên bang Nga, nơi nông dân và các doanh nghiệp làm nông nghiệp sạch, hữu cơ được giảm thuế, trợ giá sản phẩm, hỗ trợ vốn và ưu tiên đất đai.
Vậy làm sao để không chỉ chạy theo mà còn tạo dấu ấn riêng?
Trước hết, cần có chính sách đột phá để khuyến khích kinh tế xanh. Hãy hỗ trợ các doanh nghiệp tiên phong bằng cơ chế đặc thù, hãy tạo ra những cánh chim đầu đàn là các doanh nghiệp lớn trong từng lĩnh vực để họ kéo cả ngành đi lên, tạo ra chuỗi mắt xích sản xuất trong đó người nông dân cũng có thể tham gia.
Đã đến lúc không chỉ “đi tắt đón đầu”, mà phải hành động để Việt Nam tạo dấu ấn riêng trên bản đồ kinh tế xanh toàn cầu
Quan trọng không kém là một cuộc cách mạng về nhận thức. Nếu người tiêu dùng ưu tiên sản phẩm xanh, doanh nghiệp sẽ phải thay đổi. Nếu doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào kinh tế tuần hoàn, họ sẽ tạo ra chuỗi giá trị bền vững. Chúng ta cần truyền thông mạnh mẽ để thay đổi tư duy toàn xã hội.
Đã đến lúc không chỉ “đi tắt đón đầu”, mà phải hành động để Việt Nam tạo dấu ấn riêng trên bản đồ kinh tế xanh toàn cầu.
Khi tôi bắt tay vào làm sữa, tôi không chỉ muốn tạo ra một thương hiệu, mà muốn trả lại sữa đúng nghĩa là sữa - một ly sữa tươi sạch, không có dư lượng kháng sinh, không có hooc-môn tăng trưởng, không có chất bảo quản. Bởi vì đó là quyền được hưởng thực phẩm sạch của trẻ em Việt Nam.
Khi tôi mở rộng sang thực phẩm sạch, tôi muốn người Việt được ăn thực phẩm minh bạch về nguồn gốc xuất xứ, chuẩn mực quốc tế, để mỗi bữa ăn không còn là nỗi lo về an toàn thực phẩm.
Khi tôi làm bệnh viện, tôi cũng không muốn chỉ xây một cơ sở y tế, mà muốn định hình lại y tế dự phòng, để người dân không phải đến bệnh viện vì bệnh, mà được bảo vệ sức khỏe ngay từ đầu.
Vậy, điều gì khiến tôi kiên định với giá trị đó suốt đời?
Thứ nhất, vì tôi tin rằng một đất nước chỉ có thể vươn lên khi phẩm giá của từng con người được bảo vệ.
Thứ hai, vì tôi không chấp nhận đi theo lối mòn.
Thứ ba, vì tôi muốn để lại một di sản.
Kinh doanh không chỉ là lợi nhuận, mà là dấu ấn mà ta để lại cho thế hệ sau. Cho nên, dù tôi làm gì, dù đối mặt với bao nhiêu thử thách, tôi luôn giữ vững nguyên tắc: tạo ra giá trị thực sự, bền vững và nhân văn. Tôi không làm điều dễ, tôi làm điều đúng. Vì chỉ có những giá trị cốt lõi mới trường tồn với thời gian.
Dinh dưỡng học đường - nền móng cho Việt Nam khỏe mạnh
Hãy nhìn vào Nhật Bản - quốc gia từng phải đối mặt với bài toán thể trạng thấp bé. Từ năm 1954, họ đã có Luật Bữa ăn học đường. Sau hơn nửa thế kỷ, chiều cao trung bình của thanh niên Nhật tăng vượt trội và cụm từ “Nhật lùn” đã đi vào dĩ vãng.
Trong khi đó, tại Việt Nam, 24% trẻ dưới 5 tuổi vẫn bị suy dinh dưỡng thấp còi (theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia). Nếu không có những chính sách can thiệp quyết liệt và đồng bộ, thế hệ tương lai sẽ tiếp tục đối mặt với những hạn chế về tầm vóc, thể lực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai dân tộc.
Tại các hội thảo quốc tế về dinh dưỡng người Việt trước đây, ông Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm rằng, để thành công, ngoài chính sách, cơ chế của Nhà nước và Chính phủ, thì vai trò của các doanh nghiệp, doanh nhân trong lĩnh vực thực phẩm là rất quan trọng. Ngoài chính sách hành lang pháp lý, thì các nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải xem sứ mệnh nâng cao tầm vóc của dân tộc là của mình, cùng gánh vác trọng trách này.
Tôi cho rằng đã đến lúc dinh dưỡng học đường, bao gồm Bữa ăn học đường, Sữa học đường kết hợp với hoạt động thể chất cần trở thành một chính sách bắt buộc trên toàn quốc, như giáo dục phổ cập, thay vì chỉ dừng lại ở phong trào tự nguyện..
Khoa học đã chứng minh, khoảng 86% chiều cao tối đa của con người đạt được trong độ tuổi dưới 12. Đây chính là giai đoạn quyết định sự phát triển tối đa tầm vóc, thể lực và trí lực của con người. Nếu chúng ta không hành động quyết liệt từ hôm nay, thế hệ trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục chịu thiệt thòi so với thế giới.
Chúng ta đã có những căn cứ khoa học cho nhận định này. Tập đoàn TH đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai Mô hình điểm bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng hợp lý kết hợp tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên Việt Nam. Mô hình được triển khai tại 10 tỉnh thành trên cả nước, đại diện cho 5 vùng sinh thái của Việt Nam. Các chuyên gia đã xây dựng 400 thực đơn mẫu bữa ăn học đường đa dạng. Giáo dục thể chất được tăng cường theo đúng khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới.
Giáo dục dinh dưỡng được triển khai không chỉ đến học sinh mà cho cả cán bộ, giáo viên, nhân viên nấu ăn và phụ huynh để tạo sự thay đổi nhận thức đồng bộ. Kết quả rất khả quan, giải được bài toán gánh nặng kép về dinh dưỡng ở trẻ em là suy dinh dưỡng và thừa cân, béo phì.
Tôi tin rằng Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành “bếp ăn tử tế của thế giới”.
Hơn thế nữa, tôi tin rằng Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành “bếp ăn tử tế của thế giới”. Nhưng trước khi làm bếp ăn cho thế giới, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc làm bếp ăn tử tế cho chính người Việt - đặc biệt là trẻ em.
Tôi và Tập đoàn TH sẽ tiếp tục làm “người nội trợ tử tế”, đồng hành cùng Chính phủ và toàn xã hội kiến tạo nền tảng dinh dưỡng học đường bền vững. Chúng ta cần thúc đẩy, xây dựng và sớm ban hành Luật Dinh dưỡng học đường - như một trụ cột của chiến lược phát triển con người toàn diện. Chỉ khi thế hệ trẻ Việt Nam có thể chất khỏe mạnh, bản lĩnh vững vàng và phẩm hạnh anh hùng, thì dân tộc Việt mới thực sự bước vào kỷ nguyên hưng thịnh, như Tổng Bí thư đã gửi gắm trong thông điệp: “Thanh niên - thế hệ trẻ - là rường cột quyết định sự hưng thịnh của đất nước”.
Nhưng phải đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra, tôi mới thực sự thấm thía rằng tiền bạc không phải là điều quan trọng nhất.
Đại dịch là biến cố chưa từng có, khiến cả thế giới chững lại, mọi kế hoạch, dự định bỗng trở nên vô nghĩa trước sự mong manh của sinh mạng con người. Khi chứng kiến những mất mát, khi nhìn thấy đội ngũ y bác sĩ ngày đêm giành giật từng hơi thở cho bệnh nhân, tôi nhận ra rằng đến cuối cùng, tiền bạc cũng chỉ là phương tiện. Giá trị thực sự nằm ở những gì ta đã làm được cho cộng đồng, cho xã hội.

Với tôi, di sản lớn nhất của một doanh nhân không phải là tài sản hay một tập đoàn lớn mạnh, mà là những giá trị tốt đẹp họ đã góp phần xây dựng cho xã hội.
Trong những ngày giãn cách, tôi có dịp để ý đến một món đồ mà trước đó tôi chưa từng dành thời gian suy ngẫm - một chiếc hũ đựng tiền cổ mà bạn tôi tặng. Nhìn nó, tôi chợt nhận ra: tiền, nếu không được đưa vào lưu thông, không tạo ra giá trị, thì chỉ là những tờ giấy vô tri. Trong những năm đói kém như năm Ất Dậu 1945, nhiều gia đình có tiền nhưng vẫn chết đói, vì tiền khi ấy chẳng còn giá trị gì nếu không thể đổi lấy lương thực, không thể giúp ích cho cuộc sống.
Khi đất nước khó khăn, tôi không ngần ngại đồng hành cùng các chương trình hỗ trợ tuyến đầu, cung cấp sữa, đồ uống và thực phẩm thiết yếu cho đội ngũ y bác sĩ và người dân, vì tôi hiểu rằng đây mới chính là lúc doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm lớn nhất của mình.
Với tôi, di sản lớn nhất của một doanh nhân không phải là tài sản hay một tập đoàn lớn mạnh, mà là những giá trị tốt đẹp họ đã góp phần xây dựng cho xã hội.
Và để làm được điều đó, thế hệ trẻ chính là nhân tố quyết định.
Đừng hài lòng với những gì sẵn có. Chúng ta không sinh ra để đi sau, càng không phải để đi chậm. Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành trung tâm của nền kinh tế sạch, một cường quốc nông nghiệp công nghệ cao, một nhà sản xuất thực phẩm minh bạch và bền vững hàng đầu thế giới.
Mỗi người trẻ đều là một “cánh chim đầu đàn” trong lĩnh vực của mình. Hãy dám nghĩ lớn, làm lớn, dấn thân và sáng tạo. Thành công không chỉ đo bằng tài sản, mà bằng giá trị bạn để lại cho thế hệ sau. Làm kinh tế không chỉ để làm giàu, mà còn để giữ phẩm giá của một dân tộc anh hùng.
Ngày xuất bản: 22/4/2025
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: NVCC