Chìa khóa quản trị nguồn nước

châu thổ Cửu Long

“Sức khỏe” của dòng sông phản ánh “sức khỏe” của đồng bằng.. Ảnh: NSNA HUỲNH LÂM

“Sức khỏe” của dòng sông phản ánh “sức khỏe” của đồng bằng.. Ảnh: NSNA HUỲNH LÂM

Hai mươi năm trước, khi nói về nước ở đồng bằng sông Cửu Long người ta thường nghe về lũ lụt. Trong những năm gần đây thì lại nghe hàng loạt chuyện về thiếu nước, nước mặn lấn sâu, ô nhiễm sông ngòi, suy giảm nước ngầm, sụt lún nhanh. Câu hỏi đặt ra là quản lý nước cho vùng đồng bằng này như thế nào trong bối cảnh phức tạp như vậy?

Mặt trái của những nỗ lực canh tác lúa

Vào những năm 80 của thế kỷ trước cả nước bị thiếu đói, do đó đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất màu mỡ nhất đóng vai trò an ninh lương thực cho cả nước. Tất cả mọi nguồn lực đã được huy động để thực hiện nhiệm vụ này. Trong giai đoạn đầu là việc đào kênh, xổ phèn, khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích sản xuất lúa. Đến năm 1989, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu gạo. Đồng bằng sông Cửu Long đã giúp cả nước thoát đói, biến Việt Nam từ một nước thiếu lương thực sang một nước xuất khẩu lương thực và có thu nhập ngoại tệ từ xuất khẩu lương thực.

Theo đó, việc tăng sản lượng lúa để tăng xuất khẩu thu ngoại tệ được tiếp tục. Đến khi hết diện tích để mở rộng canh tác thì chuyển sang thâm canh, tăng vụ từ một vụ lên hai vụ và lên ba vụ, kể cả những vùng trũng ngập lũ sâu ở đầu nguồn đồng bằng ở Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười. Việc tăng sản lượng lúa này đã biến Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất nhì thế giới.

Cánh đồng lúa tôm ở ấp Ninh Chài, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: QUANG ĐỊNH.

Cánh đồng lúa tôm ở ấp Ninh Chài, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: QUANG ĐỊNH.

Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề là các đê bao khép kín ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười đã chiếm không gian hấp thu nước lũ tự nhiên của hai vùng này. Nước lũ không vào trong đồng được nên tìm không gian nơi khác, gây ngập cho vùng cây trái và các đô thị ở vùng giữa đồng bằng (Cao Lãnh, Vĩnh Long, Mỹ Tho ở phía sông Tiền, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Sóc Trăng ở phía sông Hậu). Nói cách khác, nước lũ đã bị dịch chuyển từ Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười xuống vùng giữa đồng bằng.

Kích hoạt cuộc đua đê bao khép kín

Sự dịch chuyển lượng nước lũ từ các vùng ngập lũ sâu đầu nguồn, Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, xuống vùng giữa đồng bằng đã kích hoạt cuộc đua làm đê bao khép kín để bảo vệ vườn cây ăn trái của vùng này. Lúc đầu một vài nơi trũng bị ngập đã làm đê bao khép kín để bảo vệ. Những nơi chưa có đê bao khép kín lại càng bị gia tăng ngập. Theo đó, tất cả đã vào cuộc đua đê bao khép kín, theo hiệu ứng domino.

Đến nay, hầu như toàn bộ diện tích vùng giữa đã có đê bao khép kín, ngoại trừ các đô thị. Không gian hấp thu lũ càng ngày càng bị thu hẹp. Tất cả các kênh rạch, sông ngòi vùng giữa đều có đê cao hai bên sông. Nước lũ không được hấp thu vào ruộng, vườn, chỉ chảy được trong sông nên đã chảy tuột ra biển trong mùa lũ. Đến mùa khô, khi dòng Mê Công yếu đi thì hệ thống sông ngòi, đất đai các cánh đồng không có nước bổ sung cho dòng chính để cân bằng mặn ngọt ven biển. Theo đó, biển lấn sâu hơn vào đất liền, gia tăng xâm nhập mặn.

Hệ thống đê bao bê-tông vững chắc chống xâm thực vào đất liền bao quanh Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Ảnh: TRỌNG ĐẠT

Hệ thống đê bao bê-tông vững chắc chống xâm thực vào đất liền bao quanh Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Ảnh: TRỌNG ĐẠT

Như vậy, trong bối cảnh nước biển dâng và sự biến động lượng nước từ thượng nguồn Mê Công xuống, khả năng tự cân bằng mặn ngọt tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long cũng đã bị suy yếu.

Đồng bằng trước những năm 90 của thế kỷ trước là một đồng bằng mở, có không gian cho nước lũ lan tỏa, có không gian cho thủy triều lan tỏa, liên thông thông thoáng với sông Cửu Long và với biển. Song, từ thời điểm đó đến nay, đồng bằng sông Cửu Long đã biến thành hệ khép kín, không còn không gian cho nước lũ, không còn không gian cho thủy triều, không còn liên thông một cách thông thoáng với dòng chính sông Cửu Long, và không còn liên thông một cách thông thoáng với biển.

Ô nhiễm sông ngòi và sụt lún đồng bằng

Để phục vụ cho mục tiêu tối đa hóa sản lượng lúa, hệ thống công trình ngăn mặn khổng lồ đã được xây dựng gần như khép kín toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long, trừ những cửa sông lớn. Ở những cửa sông lớn không có đập chắn ngang thì có đê ven sông và hệ thống cống để ngăn mặn. Vào mùa khô, phần lớn các cống ngăn mặn được đóng kín trong nhiều tháng từ khoảng tháng 1 đến tháng 5 hằng năm.

Do đó, trong mùa khô, đối với phần lớn vùng nội địa đồng bằng, ảnh hưởng của thủy triều bị suy yếu. Sông rạch nội địa chảy yếu hoặc ngừng chảy, trở nên tù đọng, ô nhiễm nặng nề. Có những nơi sông rạch biến thành những vùng sông đen hoặc phủ kín lục bình trong mùa khô, không còn sử dụng cho sinh hoạt được, nhất là trong mùa khô khi các công trình đóng kín. Do đó, người dân phụ thuộc vào việc sử dụng nước ngầm cho sinh hoạt. Các hệ thống cấp nước nông thôn ở cấp xã phần lớn cũng lấy từ nguồn nước ngầm.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé tỉnh Kiên Giang giúp kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái. Ảnh: DUYÊN PHAN

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé tỉnh Kiên Giang giúp kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái. Ảnh: DUYÊN PHAN

Ở vùng ven biển, vào mùa khô thiếu nguồn nước ngọt nên người dân chỉ còn cách sử dụng nước ngầm. Cho đến nay, các công trình cống đập ngăn mặn đều có chức năng ngăn mặn-trữ ngọt cho sản xuất và cho sinh hoạt, nhưng trên thực tế nước ngọt trong các công trình này không dùng cho sinh hoạt được vì tù đọng, ô nhiễm. Việc khai thác nước ngầm quá mức là nguyên nhân chính dẫn đến sụt lún đồng bằng nhanh gấp ba, bốn lần tốc độ nước biển dâng, có nơi gấp 10 lần.

Cần làm rõ mục đích quản lý nước

Trước khi bàn về quản lý nước như thế nào thì cần đặt lại câu hỏi quản lý nước nhằm mục đích gì?

Nếu chỉ quản lý nước với mục tiêu duy nhất là phục vụ sản xuất với hệ thống canh tác nước ngọt thì cách quản lý nước sẽ rất khác, đơn giản hơn nhiều so với quản lý nước để duy trì sự vận hành lành mạnh của hệ thống tự nhiên để duy trì sức khỏe của đồng bằng. Sức khỏe của đồng bằng bao gồm sức khỏe của đất đai, sông ngòi, và biển, trong đó về loại nước thì có nước ngọt, nước mặn, nước lợ và về nguồn nước thì có nước từ thượng nguồn Mê Công chảy về, nước mưa, nước ngầm, nước biển trong một hệ thống tổng thể vận hành hài hòa.

Công tác quản lý nước cần đáp ứng được mục tiêu đầu tiên là bảo đảm sức khỏe hệ thống, đất đai, sông ngòi. Ảnh: HỮU TÙNG

Công tác quản lý nước cần đáp ứng được mục tiêu đầu tiên là bảo đảm sức khỏe hệ thống, đất đai, sông ngòi. Ảnh: HỮU TÙNG

Vậy, công tác quản lý nước cần đáp ứng được mục tiêu đầu tiên là bảo đảm sức khỏe hệ thống, đất đai, sông ngòi, và biển; thứ hai là giảm được rủi ro thiệt hại sản xuất; và thứ ba là đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt. Việc quản lý nước nên là một "liên hoàn kế" chứ không nên riêng lẻ theo kiểu "kê toa theo triệu chứng", giải quyết triệu chứng được nhanh nhưng về lâu dài ảnh hưởng "lục phủ ngũ tạng" của đồng bằng.

Quản lý nước cần như thế nào?

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, chìa khóa của việc quản lý nước ở đồng bằng sông Cửu Long nằm ở nông nghiệp. Cải cách nền nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, theo hướng giảm thâm canh, chú trọng chất lượng sẽ giảm được phân bón thuốc trừ sâu, giảm được những công trình can thiệp thô bạo vào quy luật tự nhiên.

Cụ thể, đối với vùng ngập lũ đầu nguồn, Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười cần giảm bớt một vụ lúa mùa lũ để xả lũ vào, phục hồi không gian hấp thu lũ. Vùng giữa đồng bằng cần cải thiện lưu thông nước giữa sông ngòi và ruộng vườn. Với vùng ven biển cần chuyển đổi hệ thống canh tác ở vùng này sang thuận với mùa mặn ngọt tự nhiên. Việc kiểm soát mặn nên lùi vào vùng biên giữa của vùng lõi ngọt của đồng bằng, với những công trình cỡ nhỏ và chỉ kiểm soát vào thời gian giao mùa mặn-ngọt và những năm cực đoan. Vùng mặn-ngọt luân phiên theo mùa rất cần những công trình quản lý nước để phục vụ cho hệ thống luân canh mặn- ngọt.

Sông-biển được liên thông thì “sức khỏe” sông và biển được phục hồi, thủy sản sông, thủy sản biển sinh sôi trở lại. Ảnh: QD

Sông-biển được liên thông thì “sức khỏe” sông và biển được phục hồi, thủy sản sông, thủy sản biển sinh sôi trở lại. Ảnh: QD

Thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 120 của Chính phủ và Quy hoạch tích hợp đồng bằng sông Cửu Long sẽ giải quyết được các vấn đề nội tại về quản lý nước, từ đó châu thổ Cửu Long sẽ có sức chống chịu tốt hơn với ảnh hưởng từ thượng nguồn và từ biển vào. Sông ngòi được phục hồi sẽ giảm được sử dụng nước ngầm. Sông-biển được liên thông thì sức khỏe sông và biển được phục hồi, thủy sản sông, thủy sản biển sinh sôi trở lại. Sông rạch được lưu thông thì ghe xuồng sẽ đi lại được như xưa, nét đẹp văn hóa sông nước sẽ được giữ gìn.

Chuyển sang canh tác chất lượng cao, gia tăng chế biến, chuỗi giá trị, nền nông nghiệp sẽ thoát cảnh vất vả oằn mình chống chọi thiên nhiên. Nông sản Việt Nam sẽ có mặt ở các thị trường cao cấp trên thế giới và nông nghiệp sẽ mang lại sự thịnh vượng, diện mạo mới cho đồng bằng.

Ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia, trong đó có châu thổ Cửu Long, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo đảm an ninh nguồn nước trong quá trình rà soát, xây dựng Luật Tài nguyên nước sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội năm 2023), trong đó, bổ sung những điểm mới sau: Bổ sung các quy định nhằm phân định rõ trách nhiệm quản lý nguồn nước và trách nhiệm quản lý công trình khai thác nước.

Hướng tới quản lý tài nguyên nước trên nền tảng công nghệ số, thống nhất về cơ sở dữ liệu, xây dựng bộ công cụ hỗ trợ ra quyết định theo thời gian thực, giảm nhân lực quản lý, vận hành, chi phí đầu tư của nhà nước; bổ sung các quy định nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia; bổ sung các quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa theo hướng những việc gì doanh nghiệp có thể làm được thì giao cho doanh nghiệp thực hiện, giảm nguồn lực đầu tư của nhà nước, hướng tới nhà nước quản lý, doanh nghiệp thực hiện và dần dịch chuyển theo hướng nhà nước chỉ ban hành chính sách và hậu kiểm; chuyển dần từ quản lý bằng công cụ hành chính sang quản lý bằng công cụ kinh tế; bổ sung, cập nhật quy định theo hướng kiểm soát toàn diện các hoạt động có ảnh hưởng hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn nước, đến ổn định lòng, bờ, bãi sông, hồ chứa, ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái ven sông…

Mở rộng vùng chuyên canh hữu cơ

Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có hơn 220.000ha luân canh lúa-tôm, khoảng một phần tư diện tích lúa-tôm trong số ấy nằm ở Cà Mau. Tám địa phương là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Long An và Tiền Giang áp dụng hệ thống canh tác lúa-tôm trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp hằng năm. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mô hình canh tác trên thích hợp tại các vùng đất nhiễm phèn và dễ bị xâm nhập mặn.

Nông dân xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) thu hoạch tôm càng xanh trên đồng lúa-tôm. Ảnh: HỮU TÙNG

Được mùa. Ảnh: QUỐC DŨNG

Một góc thành phố Cần Thơ nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Nông dân xã Biển Bạch Đông (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) thu hoạch tôm càng xanh trên đồng lúa-tôm. Ảnh: HỮU TÙNG

Được mùa. Ảnh: QUỐC DŨNG

Một góc thành phố Cần Thơ nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả canh tác lúa-tôm, chính quyền và ngành chức năng đang xúc tiến đồng bộ nhiều giải pháp giúp nhà nông, như: Hỗ trợ chuyển đổi giống; liên kết bốn nhà; xây dựng và mở rộng vùng chuyên canh lúa-tôm chất lượng cao theo lối canh tác hữu cơ… nhằm tạo ra sản phẩm đặc thù, chất lượng tốt.

Tại Thới Bình-thủ phủ vùng lúa-tôm của Cà Mau, cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành nghị quyết và chương trình hành động chuyên về sản xuất lúa-tôm sạch, lúa-tôm hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Mục tiêu phấn đấu của địa phương này là đến năm 2025 có từ 95%-100% tổng diện tích nuôi tôm, trồng lúa của huyện sản xuất lúa theo quy trình lúa sạch và quy trình nuôi tôm sinh thái. Trong đó, có hơn 10.000ha canh tác theo quy trình lúa-tôm hữu cơ.

Ông Lý Minh Vững chia sẻ, mục tiêu dài hơi hơn của chúng tôi là nhằm tạo nên chuyển biến giúp nông dân địa phương thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp, tạo ra sản phẩm giá trị mang thương hiệu đặc thù. Khi đó, địa phương sẽ hình thành những vùng chuyên canh sản xuất hữu cơ, thu hút khách thập phương đến tham quan, lưu trú, trải nghiệm du lịch nông nghiệp hữu cơ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển về nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó biến đổi khí hậu và hướng tới sự phát triển bền vững được Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia tài trợ, thực hiện tại ba tỉnh sản xuất lúa trọng điểm ở khu vực là An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp từ năm 2022-2027.

Mục tiêu chính của dự án là thông qua việc đưa các gói công nghệ tiến bộ vào các vùng nguyên liệu của doanh nghiệp giúp tăng thu nhập của nông hộ nhỏ, cải thiện được chuỗi liên kết của chuỗi giá trị lúa gạo. Sẽ có 5-10 doanh nghiệp lớn trong chuỗi ngành hàng lúa gạo tham gia dự án với khoảng 200.000-500.000ha diện tích trồng lúa. Từ đó, có 300.000 nông hộ được hỗ trợ sinh kế. Dự án cũng sẽ giúp tăng năng suất lúa khoảng 5%, trong khi chi phí giảm từ 10-15%, từ đó, lợi nhuận của nông dân thu được tăng khoảng 10-15%.

Đặc biệt, giảm phát thải khoảng 200.000 tấn khí CO2, giảm 20-30% chất thải hóa học, tiết kiệm khoảng 15% chi phí đầu vào. Thực hiện được mục tiêu này, dự án sẽ mời gọi các doanh nghiệp kinh doanh trong chuỗi giá trị lúa gạo tham gia, triển khai phương pháp canh tác lúa cải tiến, giảm lượng khí thải.

Tìm giải pháp đột phá và lâu dài

Phía cơ quan nhà nước, ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, số lượng và chất lượng lại ngày càng suy giảm là một thử thách lớn cho an ninh nguồn nước của vùng đất này. Để ứng phó tình hình đó, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022 đã nêu ra phương hướng khai thác và bảo vệ tài nguyên nước, lưu vực sông trên lãnh thổ vùng, trong đó, chỉ rõ việc cần phải chuyển từ phương thức đáp ứng nhu cầu sang chủ động quản lý nhu cầu, phân bổ dựa trên khả năng của nguồn nước.

Trường hợp bình thường sẽ chủ động về nguồn nước hiện có cho các mục đích sử dụng nước, có xét đến tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn.

Một góc Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Ảnh: DUY KHƯƠNG

Một góc Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Ảnh: DUY KHƯƠNG

Trong trường hợp hạn hán, thiếu nước sẽ thực hiện việc điều hòa phân phối nước bảo đảm an ninh về nước cho các vùng/lưu vực sông đặc biệt khan hiếm nước trong đó phân bổ nguồn nước đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt; các đối tượng sử dụng nước khác sẽ phân bổ theo nhu cầu sử dụng nước tối thiểu thông qua việc xây dựng phương án cắt giảm nhu cầu sử dụng nước của từng đối tượng sử dụng nước theo tỷ lệ phù hợp, bảo đảm thứ tự ưu tiên theo nhu cầu tối thiểu của từng đối tượng sử dụng nước.

Biến đổi khí hậu, sự ô nhiễm nguồn nước do công nghiệp hóa và khai thác quá mức các dòng sông để phát triển thủy điện…, đang khiến cho an ninh nguồn nước trở thành vấn đề nóng trên toàn cầu. Đang có nhiều nỗ lực, sáng kiến được thực thi để vừa bảo vệ tài nguyên nước vừa phát triển kinh tế.

Tháng 9/2021, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi, nhấn mạnh: "Ai Cập cần tập trung tối ưu nguồn tài nguyên nước. Các dự án xử lý nước thải và khử mặn của quốc gia sẽ giúp tiết kiệm hàng tỷ m3 nước, phục vụ công tác cải tạo đất và tưới tiêu trong thời gian tới".

Đặc biệt, giảm phát thải khoảng 200.000 tấn khí CO2, giảm 20-30% chất thải hóa học, tiết kiệm khoảng 15% chi phí đầu vào. Thực hiện được mục tiêu này, dự án sẽ mời gọi các doanh nghiệp kinh doanh trong chuỗi giá trị lúa gạo tham gia, triển khai phương pháp canh tác lúa cải tiến, giảm lượng khí thải.

Là một phần của Dự án Quốc gia nhằm phát triển khu vực bán đảo Sinai, tăng cường hệ thống tối ưu sử dụng nguồn tài nguyên nước, đồng thời thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững và tìm cách cải thiện các dịch vụ cung cấp cho người dân, Nhà máy xử lý nước thải Bahr El-Baqar ở phía nam tỉnh Port Said, được Tổ chức Guinness Thế giới chứng nhận là nhà máy xử lý nước thải có quy mô lớn nhất thế giới.

Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Ai Cập - Bassam Rady cho biết, nhà máy này có kinh phí đầu tư 20 tỷ bảng Ai Cập (1,28 tỷ USD), công suất xử lý nước thải lên đến 5,6 triệu m3/ngày. Được trang bị hệ thống vận hành hiện đại để xử lý nguồn nước thải theo quy trình bơm nước, ngưng tụ, gạn lọc và khử trùng.

Nguồn nước sau khi được xử lý sẽ được đưa tới khu vực bắc Sinai thông qua hệ thống đường ống dẫn nước để góp phần phục vụ hoạt động tưới tiêu, khai hoang và canh tác đất nông nghiệp, cải tạo hơn 1.600 km2 đất đai.

Nhà máy xử lý nước thải tại Ai Cập.

Nhà máy xử lý nước thải tại Ai Cập.

Theo ông Châu Trần Vĩnh, quy hoạch đã định hướng sẽ triển khai xây dựng mạng lưới các điểm nguồn nước ngọt dự trữ chiến lược trên toàn vùng; tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp tại các địa phương trong vùng như: lượng nước dự phòng được cấp cho mục đích sinh hoạt chủ yếu từ nguồn nước dưới đất trong khoảng thời gian xác định (tối đa 90 ngày); trữ nước trong mùa lũ trên ô đồng ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, các vườn quốc gia, tận dụng diện tích rừng ngập nước làm nơi trữ nước; xây dựng các hồ trữ nước quy mô phù hợp; trữ nước trên hệ thống kênh rạch, nhánh sông lớn, ao hồ nhỏ đi kèm với các giải pháp vận hành đóng mở các công trình điều tiết nước phù hợp; trữ nước mưa phục vụ sinh hoạt, trữ nước ở các bể ngầm; tăng cường các biện pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất, lập các nguồn nước dự phòng và quản lý việc sử dụng.

Dự kiến, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối năm 2022, trong đó sẽ quy hoạch mạng lưới các điểm nguồn nước ngọt dự trữ chiến lược trên toàn vùng về vị trí, quy mô, phương thức khai thác phù hợp các địa phương trong vùng nhằm bảo đảm phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay. Đồng thời cân bằng các nguồn nước, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách hợp lý theo không gian, thời gian đặc biệt là quy định các phương án phân bổ nguồn nước trong trường hợp hạn hán, thiếu nước.

Đất mũi Cà Mau. Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Đất mũi Cà Mau. Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Item 1 of 1

Đất mũi Cà Mau. Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Đất mũi Cà Mau. Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Ngày xuất bản: 19/9/2022
Tổ chức xuất bản: VŨ MAI HOÀNG
Nội dung: NGÔ PHƯƠNG THẢO, LƯU HƯƠNG GIANG, HOÀNG NGHĨA NAM, NGUYỄN HỮU THIỆN, HỮU TÙNG, NAM NAM, NGUYỄN MẠNH TRƯỜNG
Trình bày: PHAN ANH, DUY LONG