Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi thăm mặt trận của Chiến dịch Biên giới năm 1950. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường đi thăm mặt trận của Chiến dịch Biên giới năm 1950. (Ảnh: TTXVN)

Bài viết của Thượng tá TRẦN VĂN THỨC (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam), đăng trên Báo Nhân Dân điện tử, ngày 03/12/2004.

Giữa năm 1950, Thường vụ Trung ương Ðảng quyết định mở chiến dịch trên hướng biên giới đông-bắc thuộc hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một vùng đất đai, mở đường giao lưu với các nước bè bạn, mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc.

Vào thời điểm mùa hè năm 1950, quân Pháp ở Liên khu biên giới đông-bắc có khoảng 11 tiểu đoàn, chín đại đội bộ binh, bốn đại đội cơ giới, bốn đại đội công binh, 27 khẩu pháo các loại và tám máy bay, bố trí thành hai khu (Lạng Sơn, An Châu) và hai phân khu (Cao Bằng, Thất Khê). Tại các vị trí chiếm đóng, chúng  xây dựng các cụm cứ điểm với binh lực từ hai đại đội trở lên, có hỏa lực binh chủng kỹ thuật tăng cường. Mỗi cụm cứ điểm có đồn chính và các đồn tiền tiêu. Công sự được cải tiến với hệ thống giao thông hào, lô cốt, hầm ngầm nhằm tăng cường khả năng phòng thủ. Với binh lực đông, tinh nhuệ, phần lớn là lực lượng Âu Phi, cùng hệ thống vị trí vững chắc như vậy, bộ chỉ huy quân Pháp đặt nhiều hy vọng vào khả năng phòng giữ của Liên khu biên giới đông-bắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tác chiến trong Chiến dịch Biên giới. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp bàn kế hoạch tác chiến trong Chiến dịch Biên giới. (Ảnh: TTXVN)

Thực hiện nhiệm vụ Trung ương Ðảng và Chính phủ giao cho quân đội, ngày 7/7/1950, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam  ra lệnh mở Chiến dịch Biên giới Cao-Lạng, lấy mật danh là chiến dịch Lê Hồng Phong 2. Theo quyết định của Thường vụ Trung ương Ðảng, Ðảng ủy mặt trận biên giới được thành lập do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bí thư đồng thời là Chỉ huy trưởng kiêm Chính ủy chiến dịch. Ðây là chiến dịch có tầm quan trọng rất lớn vì vậy Trung ương Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm. Người đích thân lên đường ra mặt trận cùng Bộ chỉ huy trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Sự hiện diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chiến trường càng làm tăng thêm sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta.

Với ý định ban đầu đánh Cao Bằng trước, sau đó chuyển xuống diệt địch ở Ðông Khê, Thất Khê, đầu tháng 8/1950, Bộ chỉ huy chiến dịch tổ chức trinh sát thực địa Cao Bằng. Qua đó thấy Cao Bằng tuy bị cô lập, nhưng là một thị xã lớn, có hệ thống đồn trại, pháo đài kiên cố, do hai tiểu đoàn chốt giữ. Ðó thực sự là một cụm cứ điểm mạnh nhất của địch trên đường số 4. Do vậy, nếu chọn Cao Bằng làm hướng tiến công chủ yếu, đánh trận mở đầu chiến dịch, ta khó có thể giành thắng lợi  một cách chắc chắn. Ðể bảo đảm chắc thắng, Ðảng ủy mặt trận quyết định dùng lối ''đánh điểm, diệt viện'', đánh Ðông Khê trước, đồng thời tổ chức diệt quân ứng cứu, sau đó đánh xuống Thất Khê, rồi đánh lên Cao Bằng. Trường hợp địch rút khỏi Cao Bằng sau khi Ðông Khê bị mất thì kiên quyết tập trung lực lượng tiêu diệt số quân rút khỏi Cao Bằng.

Các đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Biên giới làm lễ xuất phát, khẩn trương hành quân ra mặt trận. (Ảnh: TTXVN)

Các đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Biên giới làm lễ xuất phát, khẩn trương hành quân ra mặt trận. (Ảnh: TTXVN)

Ðến trung tuần tháng 9, mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được hoàn thành. Ðúng 5 giờ sáng 16/9/1950, quân ta nổ súng tiến công cụm cứ điểm Ðông Khê. Sau 52 giờ chiến đấu dũng cảm, bộ đội ta đã tiêu diệt hoàn toàn cụm cứ điểm Ðông Khê, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 300 tên địch, kết thúc thắng lợi vẻ vang trận mở đầu chiến dịch. Mất Ðông Khê, bộ chỉ huy quân Pháp  vội vàng  quyết định rút quân khỏi Cao Bằng. Ðồng thời tổ chức một binh đoàn do Lơ Pa-giơ (Le Page) chỉ huy, từ Thất Khê tiến lên Ðông Khê, hy vọng hợp cùng lực lượng từ Cao Bằng về sau đó cùng nhau lui trở lại Thất Khê. Phối hợp kế hoạch rút quân khỏi Cao Bằng, địch mở cuộc hành quân lớn đánh lên Thái Nguyên, nhằm thu hút, phân tán lực lượng ta.

Do phải vừa chuẩn bị, vừa thăm dò ý định của ta, cho nên hơn mười ngày sau khi mất Ðông Khê, bộ chỉ huy quân Pháp mới  bắt đầu động binh thực hiện kế hoạch trên. Chờ lâu không thấy địch lên, Bộ chỉ huy ta chủ trương, một mặt, kiên trì chờ viện, mặt khác, sẵn sàng đánh xuống Thất Khê, còn hướng Thái Nguyên ta không điều chủ lực về mà chỉ sử dụng lực lượng tại chỗ.  Ðêm 30-9, binh đoàn Lơ Pa-giơ, gồm bốn tiểu đoàn bí mật tiến quân dọc đường số 4 theo kiểu sâu đo, định bất ngờ đánh chiếm lại Ðông Khê, nhưng không thành, phải dừng lại chờ pháo binh từ Na Sầm lên phối hợp tổ chức đánh chiếm Ðông Khê. Trong khi đó, binh đoàn Sác-tông từ Cao Bằng cũng bắt đầu rút về phía Ðông Khê.

Item 1 of 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Biên giới. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ tham gia Chiến dịch Biên giới. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận, cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch Biên giới trực tiếp chỉ đạo chiến dịch này. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp viết chỉ thị ngay trước lều cỏ trên đường đi Chiến dịch Biên giới. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mặt trận, cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch Biên giới trực tiếp chỉ đạo chiến dịch này. Trong ảnh: Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp viết chỉ thị ngay trước lều cỏ trên đường đi Chiến dịch Biên giới. (Ảnh: TTXVN)

Nhận định nếu quân của Lơ Pa-giơ bị tiêu diệt, thì quân của Sác-tông sẽ dễ tan vỡ, Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương tập trung lực lượng tiêu diệt từng cánh quân, trước hết diệt binh đoàn Lơ Pa-giơ, sau đó diệt nốt binh đoàn Sác-tông. Theo vậy, chiều 2/10, ta nổ súng đánh quân Lơ Pa-giơ ở Khâu Áng, Khâu Luông, Chốt Ngà, Nà Mục,v.v. Bị ta bám đánh gắt gao nên đến ngày 3/10, binh đoàn Lơ Pa-giơ vẫn chỉ quanh quẩn ở khu vực Khâu Áng - Nà Kéo. Không những thế, lực lượng của binh đoàn này còn bị cắt làm đôi, một  nửa ở khu vực Khâu Luông - Nà Pá, một nửa cùng sở chỉ huy binh đoàn ở khu vực Xuân Hòa. Liên tục bị đánh, một phần binh đoàn Lơ Pa-giơ bị thương vong, phần khác sức lực sút kém, tinh thần hoảng loạn, nên chúng bỏ ý định lên Nậm Nàng, rút toàn bộ lực lượng về Cốc Xá, chờ hội quân với lực lượng của Sác-tông.

Nhận được tin địch rút khỏi Cao Bằng, Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương nhanh chóng tiêu diệt binh đoàn Lơ Pa-giơ trước khi quân của Sác-tông về đến nơi, đồng thời tích cực ngăn chặn lực lượng địch từ Cao Bằng về, tạo điều kiện thuận lợi để sau khi diệt quân địch ở Thất Khê lên sẽ chuyển sang tiêu diệt nốt lực lượng của Sác-tông. Theo đó, từ chiều  5 đến ngày 7/10, ta tiến công và làm chủ hoàn toàn khu vực Cốc Xá. Số quân địch sống sót chạy sang hướng điểm cao 477. Lơ Pa-giơ cùng ban tham mưu và một bộ phận thoát khỏi vòng vây, chạy xuống phía nam, nhưng đến chiều 8/10, toàn bộ số này bị bắt sống ở Nà Cao.

Bộ đội ta vận chuyển nhiều loại vũ khí vào mặt trận để tham gia Chiến dịch Biên giới. (Ảnh: TTXVN)

Bộ đội ta vận chuyển nhiều loại vũ khí vào mặt trận để tham gia Chiến dịch Biên giới. (Ảnh: TTXVN)

Trong khi binh đoàn Lơ Pa-giơ đang bị đánh tan tác, thì ba tiểu đoàn của cánh quân Sác-tông chuyển hướng vào đường Quang Liệt, đến tối 6-10, chúng về tới Lán Hai và điểm cao 477. Nhận thấy binh đoàn Lơ Pa-giơ đã căn bản bị tiêu diệt, ta quyết tâm diệt nốt binh đoàn Sác-tông  ở khu vực điểm cao 477, cách Cốc Xá 3 km về phía tây. 7 giờ sáng 7/10, ta bắt đầu nổ súng tiến công và sau 12 giờ đồng hồ chiến đấu dũng cảm,  quân ta đã loại binh đoàn Sác-tông ra khỏi vòng chiến đấu. Phần lớn quân địch bị bắt làm tù binh, trong đó có ban tham mưu và cả Sác-tông. Trong khi cả hai binh đoàn Lơ Pa-giơ và Sác-tông đang bị ta bao vây, tiêu diệt, thì chiều 7/10, bộ chỉ huy Liên khu biên giới  đông - bắc của địch tập trung bốn đại đội Âu Phi, từ Thất Khê lên Lũng Phầy, hy vọng đón lực lượng từ Cao Bằng, Thất Khê rút về, nhưng bị ta chặn đánh, buộc phải quay về Thất Khê.

Ðể kịp thời khuếch trương thắng lợi, Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương nhanh chóng chuyển lực lượng xuống phía nam, tiêu diệt địch ở Thất Khê. Trong khi các lực lượng ta đang tiến về Thất Khê, thì đêm 10/10, địch bắt đầu rút khỏi thị trấn này. Bộ đội ta chuyển sang truy kích. Ngày 14/10, địch rút chạy khỏi Na Sầm, tiếp đó là các vị trí trên đường Na Sầm - Ðồng Ðăng, v.v. Các đơn vị tiếp tục truy lùng tàn binh địch, nhưng về cơ bản, chiến dịch kết thúc vào ngày 14/10/1950.

Như vậy, sau 29 ngày chiến đấu, Chiến dịch Biên giới đã kết thúc thắng lợi rực rỡ. Ta đã làm tan vỡ toàn bộ hệ thống bố trí của địch ở Liên khu biên giới đông-bắc, loại khỏi vòng chiến đấu 10 tiểu đoàn địch với khoảng 8.300 tên, có 3.576 tên bị bắt sống (trong đó có toàn bộ ban tham mưu binh đoàn Lơ Pa-giơ, Sác-tông và đồn Ðông Khê), thu hơn 3.000 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh. Cả một dãy biên giới phía bắc dài 750km với khoảng 35 vạn dân được giải phóng.

Bộ đội ta tiến vào giải phóng thị trấn Đông Khê. (Ảnh: TTXVN)

Bộ đội ta tiến vào giải phóng thị trấn Đông Khê. (Ảnh: TTXVN)

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới mở ra bước ngoặt chuyển cuộc kháng chiến của ta từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích lên trình độ cao hơn. Mặt khác, chiến thắng này đánh dấu bước tiến nhảy vọt của quân đội ta về nghệ thuật chiến dịch.

Thắng lợi của Chiến dịch Biên giới mở ra bước ngoặt chuyển cuộc kháng chiến của ta từ hình thái chiến tranh du kích tiến lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích lên trình độ cao hơn. Mặt khác, chiến thắng này đánh dấu bước tiến nhảy vọt của quân đội ta về nghệ thuật chiến dịch. Ðây là chiến dịch tiến công quy mô lớn, đánh tập trung chính quy, sử dụng hàng vạn quân, huy động hàng vạn dân công, tiến công vào một hệ thống phòng ngự mạnh của địch trên tuyến dài hàng trăm ki-lô-mét, đánh liên tục suốt cả tháng. Trong chỉ đạo chiến dịch, ta đã đề ra phương châm chiến dịch đúng, lựa chọn chính xác hướng tiến công chủ yếu, kiên quyết và chính xác. Với những thành công xuất sắc đó, Chiến dịch Biên giới nổi lên như một điển hình mẫu mực về đánh vận động và đánh tiêu diệt trong nghệ thuật chiến dịch tiến công của quân đội ta. Thắng lợi này chứng tỏ trình độ chỉ huy và trình độ chiến thuật - kỹ thuật của bộ đội ta có bước phát triển vượt bậc. Bộ đội ta đã tác chiến tập trung ở quy mô lớn hơn trước, có sự hiệp đồng giữa bộ binh với pháo binh, tiêu diệt được tiểu đoàn ngụy trong phòng ngự vững chắc và binh đoàn địch trong đánh vận động.

Phút nghỉ ngơi của bộ đội ta giữa hai trận đánh trong Chiến dịch Biên giới. (Ảnh: TTXVN)

Phút nghỉ ngơi của bộ đội ta giữa hai trận đánh trong Chiến dịch Biên giới. (Ảnh: TTXVN)

Với ý nghĩa chiến lược lớn lao như vậy, Chiến thắng Biên giới thật sự chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược. Nó đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của kháng chiến, tạo chuyển biến mới về cục diện chiến tranh, làm cơ sở để quân và dân ta tiếp tục phấn đấu tiến lên giành nhiều thắng lợi hơn nữa.

Trình bày: HOÀNG HÀ