Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, cuối tháng 3 năm 1975, Quân đoàn 2 và Quân khu 5 đã mở Chiến dịch Đà Nẵng, tiến công tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Quảng Đà và Thành phố Đà Nẵng, không cho chúng có điều kiện củng cố lực lượng và bố trí thế chiến lược mới, tiếp tục phát triển cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Hướng dẫn trải nghiệm sa bàn ảo:
Bước 1: Rê, giữ, cuộn chuột để tương tác với sa bàn 3D
Bước 2: Kích vào các điểm "VR" để tham gia trải nghiệm công nghệ thực tế ảo kết hợp triển lãm ảnh 360 độ.
Bước 3: Lưu lại bình luận, hình ảnh của bạn trên thanh công cụ "Checkin".

Sau khi ta tiến công giải phóng các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Ngãi và phần lớn tỉnh Quảng Nam, hầu hết lực lượng còn lại của Quân khu 1 - Quân đoàn 1 quân ngụy Sài Gòn rút về tập trung tại Quảng Đà và Thành phố Đà Nẵng. Đà Nẵng trở thành trung tâm quân sự liên hợp lớn nhất của địch ở Trung Bộ với lực lượng khoảng 75.000 quân, bao gồm: Sở Chỉ huy Quân đoàn 1 - Quân khu 1, Sư đoàn 3 Bộ binh, Sư đoàn thủy quân lục chiến (có tàn quân của Lữ đoàn 147), tàn quân của các sư đoàn bộ binh 1 và 2, Sư đoàn 1 Không quân (279 máy bay, trong đó có 96 máy bay chiến đấu), Liên đoàn 17 Biệt động quân, Thiết đoàn 11 và tàn quân của Thiết đoàn 20, 12 tiểu đoàn pháo binh, 15 tiểu đoàn bảo an cùng một lực lượng lớn hải quân, cảnh sát, dân vệ và bộ máy hành chính ngụy quyền. Chúng tổ chức lực lượng thành hai tuyến phòng thủ chính (tuyến ngoại vi và truyến trong), thực hiện quyết tâm “tử thủ” bảo vệ Đà Nẵng theo lời kêu gọi của Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu.

Về phía ta, trước diễn biến hết sức mau lẹ ở chiến trường, đặc biệt là thắng lợi ở Trị - Thiên, Nam - Ngãi, ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Đà Nẵng (Mặt trận Quảng Đà), nhằm tiêu diệt quân địch co cụm ở Quảng Đà, Thành phố Đà Nẵng, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Đà. Bộ Tư lệnh và Đảng ủy Mặt trận Quảng Đà (lấy mật danh Mặt trận 475) được thành lập, do đồng chí Lê Trọng Tấn - Tổng Tham mưu phó làm Tư lệnh; Chu Huy Mân - Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Lực lượng ta tham gia chiến dịch gồm: Quân đoàn 2 có Sư đoàn 325, Sư đoàn 304 (đang phòng ngự tại Thượng Đức); Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 203 (2 tiểu đoàn và 1 đại đội); Lữ đoàn Pháo binh 164 (thiếu 1 tiểu đoàn); 3 trung đoàn pháo phòng không 243, 245, 284; Lữ đoàn Công binh 219; Quân khu 5 có Sư đoàn Bộ binh 2 được tăng cường Trung đoàn 36, Trung đoàn Bộ binh 3 độc lập, Lữ đoàn Bộ binh 52, Trung đoàn Xe tăng 574; Trung đoàn Pháo binh 572, 1 trung đoàn và 1 tiểu đoàn pháo phòng không, 1 trung đoàn và 1 tiểu đoàn công binh; 3 tiểu đoàn và các đại đội địa phương, đặc công, biệt động, du kích của 2 tỉnh Quảng Đà và Quảng Nam.

Là chiến dịch binh chủng hợp thành tiến công địch trong hành tiến, được hình thành trên cơ sở của thế chiến lược được tạo ra trong quá trình tiến công địch ở miền Trung mùa Xuân 1975, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về công tác bảo đảm, nhất là về hậu cần và cơ động bố trí lực lượng, nhưng các đơn vị tham gia chiến dịch đã cố gắng khắc phục, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Với phương châm “nhanh chóng nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất nhưng chắc thắng”, Bộ Tư lệnh Mặt trận xác định các hướng tiến công vào Đà Nẵng: Quân đoàn 2 tiến công từ hướng bắc và tây bắc; Sư đoàn 304 (thiếu) tiến công từ hướng tây nam; Quân khu 5 (chủ yếu là Sư đoàn 2) tiến công từ hướng nam và đông nam.

Đến ngày 28/3, trên cả 4 hướng, ta đã cơ bản đánh chiếm xong các vị trí vòng ngoài, triển khai lực lượng tại các cửa ngõ tiến vào Đà Nẵng; pháo binh đã triển khai trận địa khống chế sân bay, bến cảng và các mục tiêu quan trọng trong thành phố... Trung tướng ngụy Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh Quân khu 1 ngụy đã bí mật trốn ra Hạm đội 7 của Mỹ đậu ngoài biển, bất chấp lời kêu gọi “tử thủ” Đả Nẵng của Tổng thống ngụy Nguyễn Văn Thiệu. Thậm chí, trước đó ngày 26/3, Mỹ đã lập cầu hàng không di tản cơ quan lãnh sự Mỹ ở Đà Nẵng về Sài Gòn, khiến binh lính địch càng hoang mang, rối loạn.

Từ ngày 28/3, binh lính ngụy Sài Gòn đã tập trung dọc bãi biển Đã Nẵng và tìm cách bơi ra các tàu thuyền trước khi Quân giải phóng tiến vào Thành phố

Từ ngày 28/3, binh lính ngụy Sài Gòn đã tập trung dọc bãi biển Đã Nẵng và tìm cách bơi ra các tàu thuyền trước khi Quân giải phóng tiến vào Thành phố

Rạng sáng ngày 29/3, ta sử dụng 30 pháo lớn của Quân đoàn 2 và Quân khu 5 bắn dồn dập vào Sở Chỉ huy Quân đoàn 1 của địch, các sân bay Đà Nẵng, Nước Mặn, quân cảng ở Sơn Trà, cảng Mỹ Khê, sau đó bắn chuyển làn ra mép nước, ngăn chặn không cho tàu địch vào chở tàn quân rút chạy; kịp thời chi viện cho các mũi bộ binh, xe tăng tiến công vào Đà Nẵng từ nhiều hướng.

Xe tăng Lữ đoàn 203 Sư đoàn 304 Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975). Ảnh tư liệu/TTXVN.

Xe tăng Lữ đoàn 203 Sư đoàn 304 Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975). Ảnh tư liệu/TTXVN.

Hướng nam và đông nam, trong khi Trung đoàn 38 đánh chiếm căn cứ Vĩnh Điện và phát triển về Non Nước, sân bay Nước Mặn, rồi tiến ra hướng Sơn Trà; thì Trung đoàn 1 tiến thẳng theo Quốc lộ 1A vào Đà Nẵng, đánh tan cụm quân địch ở bến đò Xu, sau đó phối hợp lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Đà đánh vào các mục tiêu trong thành phố. Đến 12 giờ ngày 29/3, Trung đoàn 1 chiếm Sở Chỉ huy Quân khu 1 - Quân đoàn 1 và sân bay Đà Nẵng... Cùng thời gian trên, bên phải đội hình tiến công của Sư đoàn 2, Trung đoàn 97 Quảng Đà đánh chiếm Hội An, sau đó đánh địch ở An Đông, Mỹ Khê và phát triển về Sơn Trà.

Quân Giải phóng làm chủ các cơ quan ngụy quyền trong Thành phố Đà Nẵng. Ảnh tư liệu/TTXVN

Quân Giải phóng làm chủ các cơ quan ngụy quyền trong Thành phố Đà Nẵng. Ảnh tư liệu/TTXVN

Hướng bắc, sau khi tiêu diệt cụm quân địch ở Điểm cao 168 và một số vị trí của chúng trên đèo Hải Vân, Sư đoàn 325 tiến công trong hành tiến vào Đà Nẵng. Trung đoàn 18 Sư đoàn 325 lần lượt chiếm khu kho Liên Chiểu, đánh vào trung tâm thành phố, sau đó vượt cầu Trịnh Minh Thế phát triển đánh chiếm quân cảng địch ở Sơn Trà. Đến 13 giờ 30 phút, ta làm chủ bán đảo Sơn Trà. 

Hướng tây bắc (Đường 14), sáng 29/3, Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 và các lực lượng tăng cường tiến đến phía bắc núi Phước Tường và nhanh chóng triển khai tiến công các vị trí địch theo kế hoạch. Vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 29/3, ta làm chủ Sở Chỉ huy Sư đoàn 3 ngụy và làm chủ khu vực Phước Tường - Hòa Khánh. Sau đó, Trung đoàn 9 tiếp tục phối hợp với các đơn vị bạn đánh chiếm Tòa thị chính Đà Nẵng và tiến ra chốt giữ bán đảo Sơn Trà.

Hướng tây nam, Trung đoàn 66 và Trung đoàn 24 Sư đoàn 304 sau khi đánh tàn quân địch chống cự ở Phú Hưng, Đồng Lâm, Ái Nghĩa, phát triển vào Đà Nẵng và đánh chiếm trung tâm huấn luyện Hòa Cầm, tiến vào sân bay Đà Nẵng hội quân với lực lượng của Sư đoàn 2 ở hướng nam đánh lên.

Quân Giải phóng làm chủ các cơ quan của ngụy quyền trong Thành phố Đà Nẵng. Ảnh tư liệu/TTXVN.

Quân Giải phóng làm chủ các cơ quan của ngụy quyền trong Thành phố Đà Nẵng. Ảnh tư liệu/TTXVN.

Phối hợp với các mũi tiến công của bộ đội chủ lực, các lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân nổi dậy giành chính quyền ở phường, quận, huyện... Đến 12 giờ ngày 29/3, các hướng tiến công của ta đã chiếm được các mục tiêu chủ yếu trong thành phố và đến 15 giờ cùng ngày, ta làm chủ toàn bộ căn cứ quân sự liên hợp Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà, giải phóng hoàn toàn Thành phố Đà Nẵng và toàn bộ tỉnh Quảng Đà. Chiến dịch Đà Nẵng kết thúc thắng lợi.

Quân Giải phóng tiến vào Đà Nẵng trong sự hân hoan chào đón của các tầng lớp nhân dân. Ảnh tư liệu/TTXVN.

Quân Giải phóng tiến vào Đà Nẵng trong sự hân hoan chào đón của các tầng lớp nhân dân. Ảnh tư liệu/TTXVN.

Việc Đà Nẵng thất thủ, kể từ đây sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn chỉ tính bằng ngày và giờ.
Mất Đà Nẵng, chính quyền Sài Gòn mất đi “chiến địa cuối cùng”, mất đi bãi đổ bộ mà “Thiệu vẫn mơ tưởng đến hình ảnh những hạm đội Mỹ đáp xuống để cứu nguy.
Binh lính rã ngũ nổi loạn, cố sức thoát ra hoặc vơ vét cái gì có thể kiếm được trong khoái lạc bắn giết và cướp bóc. Các tướng, tá thì đang hoạch định các chuyến bay để bí mật trốn thoát... Suốt đêm, sự hủy hoại, vơ vét, trộm cướp và hãm hiếp tiếp diễn. Tòa nhà lãnh sự Mỹ, con voi trắng bị lột chỉ còn trơ cái vỏ.

Chiến dịch Đà Nẵng đại thắng có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng. Cùng với thắng lợi của các chiến dịch: Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế và Nam Ngãi, Chiến dịch Đà Nẵng đã góp phần làm thay đổi so sánh thế và lực trên chiến trường, tạo ra sự nhảy vọt về cục diện chiến tranh hoàn toàn có lợi cho ta, trực tiếp đập tan ý đồ co cụm chiến lược của địch. Ta đã gây cho địch tổn thất lớn về vật chất, kỹ thuật, tan rã lớn về tổ chức, bế tắc về chiến thuật, chiến lược và quan trọng nhất là suy sụp lớn về tinh thần, đẩy quân ngụy đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn không gì có thể cứu vãn nổi, mở ra cho ta thời cơ, điều kiện mới giải phóng Sài Gòn - Gia Định và giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đòn tiến công Đà Nẵng thực sự đã đẩy quân ngụy Sài Gòn vào tình thế tuyệt vọng, tạo điều kiện cho ta đẩy nhanh tốc độ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Sau thắng lợi của Chiến dịch Đà Nẵng, một vùng lãnh thổ rộng lớn bao gồm 5 tỉnh đồng bằng ven biển tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, nối liền với vùng mới giải phóng ở Tây Nguyên đã tạo nên một hậu phương chiến lược hoàn chỉnh hơn. Thế và lực của ta ngày càng vững chắc và mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện và thời cơ thuận lợi cho ta tập trung bảo đảm hậu cần, kỹ thuật; phát triển và cơ động lực lượng quy mô lớn trong thời gian ngắn, tạo thế áp đảo cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng biển, đảo thiêng liêng và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày xuất bản: 11/4/2025
Tổ chức sản xuất: Bùi Nam Đông
Thực hiện: Thi Uyên
Nội dung: Nguyễn Văn Tùng
Trình bày: Tạ Lư
Mô hình sa bàn: YooLife, Hồng Quân - Lê Chí