
Bài viết của Ðại tá, Ths TRẦN TIẾN HOẠT (Viện Lịch sử quân sự Việt Nam), đăng trên Báo Nhân Dân điện tử, ngày 09/12/2004.
Chiến dịch phản công Ðường 9 - Nam Lào diễn ra trên một địa bàn rộng, với chiều dài 140 km theo hướng đông - tây, từ Cửa Việt, Ðông Hà (Việt Nam) tới Mường Phìn, Pha Lan (Lào); chiều rộng (theo hướng bắc - nam) từ Mường Trương tới Mường Noọng khoảng 60 km. Trên địa bàn gồm khu vực đồng bằng ven biển, đồi núi trung du xen kẽ làng mạc và núi cao rừng rậm từ Cửa Việt tới Lao Bảo dài 80 km có trục đường 9 phía đông chạy qua, địch đã tập kết hàng chục trung đoàn, hàng chục kho tàng, bến bãi, hàng chục trận địa pháo, sân bay dã chiến các loại ở Ðông Hà, Khe Sanh, Cam Lộ, Lao Bảo, sẵn sàng cho cuộc tiến công nhằm vào các mục tiêu chiến lược chủ yếu của ta ở Ðường 9 - Nam Lào. Ðoạn cửa khẩu từ Lao Bảo tới Mường Phìn dài 60 km thuộc địa giới tỉnh Xa Van-na-khẹt (Lào) là khu vực rừng núi. Ở hai phía bắc - nam đường 9 kéo dài từ Bản Ðông tới Sê Pôn, hầu hết là những dãy núi kế tiếp nhau cao từ 500 đến 800 m, đôi chỗ thoải dần xuống trục đường 9, tạo ra những chiều, ngả giao thông chạy song song với dòng sông Sê Pôn. Ðồng thời, các cao điểm này cũng tạo ra các bức bình phong án ngữ, bảo vệ trục đường chiến lược số 9. Nhìn chung, địa thế khu vực Bản Ðông, Sê Pôn, Mường Phìn khá thuận lợi cho việc mở đường bảo đảm triển khai binh khí kỹ thuật trong tác chiến hiệp đồng binh chủng của cả hai phía ta và địch.
Các chiến sĩ tham gia Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. (Ảnh: TTXVN)
Các chiến sĩ tham gia Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. (Ảnh: TTXVN)
Ðể chuẩn bị đối phó với âm mưu thủ đoạn và hành động ngông cuồng của địch, từ những ngày đầu tháng 2/1971, chấp hành Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, quân và dân ta trên các hướng của chiến dịch đã tích cực, chủ động tiến công địch ngay từ khi chúng đặt chân ra chiến trường Ðường 9 - Quảng Trị. Trên hướng phối hợp đông đường 9 gồm các huyện Do Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa do Mặt trận đường 9 - bắc Quảng Trị chỉ huy, từ ngày 1 đến 5/2/1971, Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 27), Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 84 pháo binh) tiến công chế áp địch ở khu vực Tân Lâm, Sa Mưu; Tiểu đoàn 3 độc lập tập kích địch ở tây Ðầu Mầu, Tiểu đoàn 15 đánh cắt giao thông từ Bồng Kho đi Rào Quán. Trong hai ngày 6 và 7/2/1971, Tiểu đoàn 3 (Trung đoàn 84 pháo binh) bắn 200 viên đạn pháo các loại vào căn cứ Ðông Hà và Sở chỉ huy tiền phương Sư đoàn 1 Sài Gòn ở điểm cao 241... Trên hướng tây đường 9 bao gồm các khu vực Ðồng Hến, Pha Lan, Mường Phìn (Lào), Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320 bộ binh) phối hợp với Quân Giải phóng nhân dân Lào, trong hai ngày (25 và 26/1/1971) đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn đặc nhiệm (thuộc Binh đoàn GM 33) ở Pha Lan. Cuối tháng 1 đầu tháng 2/1971, quân giải phóng hai nước Việt - Lào liên tục tiến công tuyến bàn đạp Sê Săng Soi, bước đầu làm thất bại ý đồ đánh chiếm Mường Phìn của quân ngụy Lào - nơi hội tụ từ hai hướng đông - tây của cuộc hành quân Lam Sơn 719 của Mỹ và quân ngụy.
Lực lượng thông tin bảo đang liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. (Ảnh: TTXVN)
Lực lượng thông tin bảo đang liên lạc thông suốt trong mọi tình huống, góp phần làm nên thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 8/2/1971, khi Bộ chỉ huy quân Mỹ và quân ngụy ở vùng 1 chiến thuật do tên tướng hai sao Sơ-thơ-clen và tên tướng hai sao Hoàng Xuân Lãm chỉ huy phát lệnh tiến công khu vực Ðường 9 - Nam Lào, cho hàng chục trận địa pháo với hàng trăm khẩu từ 105 mm tới 175 mm bố trí dọc biên giới Việt - Lào trên một chính diện 30 km và hàng chục tốp máy bay phản lực các loại đánh phá dữ dội các mục tiêu dọc hai bên Ðường 9 - Nam Lào, mở màn cho cuộc hành quân Lam Sơn - 719. Các lực lượng đảm nhiệm hướng chủ yếu của chiến dịch từ Bản Ðông tới Sê Pôn của Binh đoàn 70, được sự phối hợp chặt chẽ của quân và dân hướng đông và tây Ðường 9 đã chặn đánh quyết liệt nhiều mũi tiến công của quân địch trên biên giới Việt Lào. Trong hai ngày 8 và 9/2/1971, bộ đội pháo cao xạ, bộ binh, công binh, vận tải Ðoàn 559 và các đơn vị chủ lực cơ động đã chặn đánh quyết liệt nhiều mũi tiến công của quân địch, bắn rơi 50 máy bay lên thẳng. Sáng 9/2, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304) tăng cường cho Sư đoàn 308 liên tiếp đánh bại 5 đợt tiến công của chiến đoàn đặc nhiệm dù tại chốt 351 cầu Cha Kỵ diệt gần hai đại đội địch. Cùng ngày, tại đường 16, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 88 (Sư đoàn 308) đánh thiệt hại nặng Ðại đội 2 (Tiểu đoàn 21 biệt động quân) bảo vệ an toàn trận địa pháo Làng Sen. Chiều 10/2, khi mũi tiến công chủ yếu của địch đặt chân lên Bản Ðông, quân ta lập tức vây hãm từ nhiều phía, quyết không cho chúng theo đường 9 tiến lên Sê Pôn. Ðêm 11-2, Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 88) và Tiểu đoàn 7 (Trung đoàn 64) tập kích Tiểu đoàn 2 dù ở bắc Sê Num... Từ ngày 11 đến 13/2, Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) liên tiếp đánh thắng hai trận ở khu vực điểm cao 456 và đồi Không tên, tiêu diệt 3 đại đội của Tiểu đoàn 3 và Tiểu đoàn 6 (Lữ đoàn dù 3) chốt giữ căn cứ 31 (điểm cao 543) bắc Bản Ðông 7 km. Cùng thời gian này, trên hướng nam và tây Bản Ðông, các mũi tiến công của địch đều bị chặn đánh quyết liệt, hàng nghìn tên bị loại khỏi vòng chiến đấu, hàng chục máy bay lên thẳng bị bắn rơi.
Bộ đội Trường Sơn mở đường trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. (Ảnh: TTXVN)
Bộ đội Trường Sơn mở đường trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. (Ảnh: TTXVN)
Trung tuần tháng 2/1971, sau khi tạo lập được thế trận mới, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Mặt trận Ðường 9 - Nam Lào chỉ thị cho các đơn vị trong Binh đoàn 70 trên hướng chủ yếu của chiến dịch chuyển sang tiến công địch. Tại hướng bắc Ðường 9 - Nam Lào, Sư đoàn 308 sử dụng Trung đoàn 102 do Trung đoàn trưởng Hoàng Ngọc Tý và Chính ủy Nguyễn Hữu Ích chỉ huy cùng các lực lượng tăng cường tiến công điểm cao 500 - một trong hai vị trí then chốt bảo vệ phía bắc cuộc hành quân Lam Sơn - 719 do Tiểu đoàn 39 (Liên đoàn 21 biệt động quân) chiếm giữ. Sau bốn ngày chiến đấu (từ 16 đến 20/2) bộ đội Trung đoàn 102 bất chấp các đợt đánh phá mang tính hủy diệt của máy bay (chủ yếu là máy bay chiến lược B52), pháo binh và các đợt phản kích của bộ binh địch, tiến công liên tục tiêu diệt gọn Tiểu đoàn 39 biệt động quân, bắn rơi 10 máy bay (có 6 máy bay lên thẳng).
Phát huy thắng lợi đã giành được, ngày 21/2, Bộ chỉ huy chiến dịch tiếp tục chỉ đạo Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) bao vây tiến công căn cứ 31 (điểm cao 543) - vị trí then chốt 2 ở phía bắc của địch. Bằng chiến thuật vây lấn, từ ngày 21 đến 24/2, các đơn vị của Trung đoàn 64 do Trung đoàn trưởng Khuất Duy Tiến và Chính ủy Ðặng Văn Trượng chỉ huy đã lần lượt tiêu diệt các trận địa hỏa lực và trận địa phòng ngự vòng ngoài, cắt đường bộ từ Bản Ðông lên căn cứ 31. Trưa 25/2, bằng trận tiến công hiệp đồng binh chủng, Trung đoàn 64 đã làm chủ căn cứ 31, tiêu diệt Tiểu đoàn 3 dù, bắt sống đại tá Lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thọ và toàn bộ Ban tham mưu lữ đoàn địch.
Một điểm tập kết dã chiến xe vận tải và xe bọc thép của lính Sài Gòn trên Đường 9 bị quân ta đánh tan. (Ảnh: TTXVN)
Một điểm tập kết dã chiến xe vận tải và xe bọc thép của lính Sài Gòn trên Đường 9 bị quân ta đánh tan. (Ảnh: TTXVN)
Phối hợp với Sư đoàn 308, Sư đoàn 320 hoạt động ở hướng bắc, các Sư đoàn 304, 324, 2 ở hướng nam và tây nam đường 9, từ ngày 26 đến 28/2, được sự hỗ trợ đắc lực của các đơn vị tại chỗ Ðoàn 559, chuyển từ chốt chặt sang tiến công đánh thiệt hại nặng 3 trung đoàn của Sư đoàn 1 và Sư đoàn lính thủy đánh bộ ngụy, phá tan các đợt quân ngụy "nhảy cóc" lùng sục đánh phá kho tàng của ta.
Chiến thắng vang dội phá tung cánh cung hướng bắc và chiến thắng giòn giã ở hướng nam đường 9 tạo điều kiện rất thuận lợi cho bộ đội triển khai lực lượng tiến công đội hình cơ bản của địch từ Lao Bảo đến Bản Ðông.
Cuối tháng 2, đầu tháng 3/1971, mặc dù đã sa vào thế bị động lúng túng, nhưng Bộ chỉ huy địch vẫn quyết định đưa thê đội 2 gồm Lữ đoàn dù 2, Trung đoàn 147 và 258 lính thủy đánh bộ tham chiến nhằm đánh chiếm Sê Pôn, "mục tiêu cuối cùng của cuộc hành quân". Nhưng mọi cố gắng của địch đều thất bại ở cửa ngõ Sê Pôn. Sau ba ngày liều mạng nhảy vào "chảo lửa", hàng trăm tên địch tiếp tục bị loại khỏi vòng chiến đấu, hàng chục máy bay lên thẳng bị bắn rơi.
Xác máy bay Mỹ bị quân giải phóng bắn rơi trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. (Ảnh: TTXVN)
Xác máy bay Mỹ bị quân giải phóng bắn rơi trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. (Ảnh: TTXVN)
Ðể cứu vãn tình thế hoàn toàn thất bại của cuộc hành quân, Tổng thống Mỹ Ních-xơn đã cử A.Hây-giơ, Cố vấn Nhà trắng đến thị sát cuộc hành quân. Sau khi xem xét diễn biến ở chiến trường Ðường 9 - Nam Lào, A.Hây-giơ phàn nàn về sự kém hiệu quả của quân ngụy Sài Gòn về "Cuộc hành quân không nhận được cách chỉ huy và quản lý theo kiểu của Mỹ, mà lẽ ra cuộc hành quân này phải có". Và điều quan trọng hơn, A.Hây-giơ kết luận rằng "Việt Nam hóa sẽ không bao giờ thành công nếu không có một số lớn quân Mỹ". Nhưng làn sóng phản đối chiến tranh ngày càng mạnh mẽ trong lòng nước Mỹ làm cho Nhà trắng không thể thỏa mãn yêu cầu của giới quân sự hiếu chiến.
Trước thời cơ hết sức thuận lợi, ngày 2/3/1971, Quân ủy Trung ương đã chỉ thị cho Ðảng ủy và Bộ Tư lệnh Chiến dịch "Tập trung tiêu diệt địch trong khu vực Bản Ðông" với thời gian càng nhanh càng tốt. Thực hiện Chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định tập trung Sư đoàn 308 và các Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320), Trung đoàn 66 (Sư đoàn 304) bao vây tiến công tập đoàn cứ điểm Bản Ðông. Sư đoàn 2 (Quân khu 5) hoạt động ở hướng nam bao vây kìm chân hai trung đoàn của Sư đoàn 1 bộ binh ngụy, không cho chúng chi viện cho Bản Ðông. Trung đoàn 24 (Sư đoàn 304) và một số tiểu đoàn của Mặt trận chốt chặn đường 9 giữa Bản Ðông và Lao Bảo, kiên quyết không cho địch chạy thoát.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Miền và Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên bàn kế hoạch tác chiến trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. (Ảnh: TTXVN)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh Miền và Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên bàn kế hoạch tác chiến trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. (Ảnh: TTXVN)
Ðược sự phối hợp đắc lực của lực lượng vũ trang Mặt trận Ðường 9 - bắc Quảng Trị ở hướng đông, từ ngày 5 đến 10/3, bộ đội trên hướng chủ yếu liên tục đánh địch giải tỏa cho Bản Ðông, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 1 (Sư đoàn 1 ngụy), chia cắt đội hình địch ở Ðường 9 - Bản Ðông và các đơn vị bảo vệ hướng nam. Thừa thắng xốc tới, từ ngày 12 đến 17/3, các Trung đoàn 36 (Sư đoàn 308), 64 (Sư đoàn 320), 66 (Sư đoàn 304) và các đơn vị hỏa lực xe tăng, pháo binh, pháo cao xạ phối thuộc đã tiến công dồn dập tập đoàn cứ điểm Bản Ðông do 1 lữ đoàn dù, 2 thiết đoàn đóng giữ.
Trước nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 18/3, quân địch phải bỏ Bản Ðông tháo chạy. Nắm bắt thời cơ, bộ đội ta nhanh chóng chuyển sang truy quét địch. Những giờ phút bi thảm nhất của đạo quân ngụy chủ lực tinh nhuệ, thực hiện cuộc hành quân Lam Sơn - 719 đã diễn ra. Trên Ðường 9 - Nam Lào, đoạn từ Bản Ðông về Lao Bảo, hơn 100 xe tăng, xe thiết giáp bị quân ta chặn đánh. Hàng trăm binh sĩ ngụy vứt bỏ súng đạn, chạy cắt rừng hòng thoát thân đã bị quân ta bắt. Ngày 20/3, khu vực Bản Ðông - nơi được chọn làm khu vực đánh trận then chốt, đã hoàn toàn giải phóng. Ngày 23/3/1971, Chiến dịch Ðường 9 - Nam Lào kết thúc thắng lợi.
Trải qua gần 50 ngày đêm chiến đấu (từ ngày 8/2 đến 23/3) liên tục phản công, tiến công địch, quân, dân Mặt trận Ðường 9 - Nam Lào đã đánh cho quân đội ngụy lực lượng nòng cốt thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh một đòn chí mạng, hơn hai vạn tên gồm 6 trung đoàn, lữ đoàn, 13 tiểu đoàn bộ binh, pháo binh bị loại khỏi vòng chiến đấu; ba sư đoàn dự bị chiến lược gồm Sư đoàn dù, Sư đoàn lính thủy đánh bộ, Sư đoàn 1 bị đánh thiệt hại nặng. Lực lượng không quân, lực lượng tăng thiết giáp Mỹ và quân ngụy Sài Gòn cũng bị tổn thất lớn. Một số lượng đáng kể vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng, của chúng bị phá hủy hoặc lọt vào tay đối phương.
Xe tăng của Mỹ bị quân giải phóng chiếm và sử dụng để đánh địch trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. (Ảnh: TTXVN)
Xe tăng của Mỹ bị quân giải phóng chiếm và sử dụng để đánh địch trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. (Ảnh: TTXVN)
Thắng lợi trên Mặt trận Đường 9 - Nam Lào đã đánh bại quân chủ lực ngụy có sự yểm trợ của chủ lực Mỹ, đánh bại cố gắng cao nhất của đế quốc Mỹ trong thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, đánh dấu bước thất bại nghiêm trọng của chiến lược này.
Thắng lợi của quân và dân ta trên Mặt trận Ðường 9 - Nam Lào có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng cả về quân sự và chính trị. Thắng lợi này đã đánh bại quân chủ lực ngụy có sự yểm trợ của chủ lực Mỹ, đánh bại cố gắng cao nhất của đế quốc Mỹ trong thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, đánh dấu bước thất bại nghiêm trọng của chiến lược này. Chiến thắng Ðường 9 - Nam Lào của ta đã chấm dứt quá trình tiến công - phản kích đánh ra vòng ngoài bằng các cuộc hành quân lớn của Mỹ - ngụy, mở ra những triển vọng vô cùng tốt đẹp đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến toàn thắng.
Trình bày: HOÀNG HÀ