Hướng dẫn trải nghiệm sa bàn ảo:
Bước 1: Rê, giữ, cuộn chuột để tương tác với sa bàn 3D
Bước 2: Kích vào các điểm "VR" để tham gia trải nghiệm công nghệ thực tế ảo kết hợp triển lãm ảnh 360 độ.
Bước 3: Lưu lại bình luận, hình ảnh của bạn trên thanh công cụ "Checkin".

Thực hiện kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam, sau hơn một tháng tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy, quân và dân ta đã giành thắng lợi lớn thông qua các đòn tiến công chiến lược với các Chiến dịch Tây Nguyên (4/3-3/4/1975), Chiến dịch Trị Thiên - Huế (5-26/3/1975), Chiến dịch Đà Nẵng (26-29/3/1975), giải phóng hơn một phần hai đất đai và một phần hai số dân toàn miền Nam, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ hệ thống chính quyền và quân đội ngụy Sài Gòn ở hai quân khu - quân đoàn 1 và 2; thu giữ khối lượng lớn vật chất, trang bị, phương tiện chiến tranh của địch... Những thắng lợi to lớn mang ý nghĩa chiến lược này đã tạo nên bước phát triển nhảy vọt, làm thay đổi cục diện chiến tranh với thế trận và so sánh lực lượng trên chiến trường có lợi cho ta. Thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến. 

So sánh thế và lực giữa ta và địch, Hội nghị Bộ Chính trị ngày 31/3/1975 nhận định: “Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu”. Bộ Chính trị quyết định: “Nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất”. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, cả nước bước vào trận đánh cuối cùng hừng hực khí thế chiến thắng với tinh thần “Một ngày bằng hai mươi năm”.

Đầu tháng 4, trên tất cả các ngả đường của đất nước, hàng trăm ngàn ô tô, hàng trăm đoàn thuyền nan, thuyền gỗ, hàng chục tàu biển và đoàn tàu hỏa, hàng trăm lần chiếc máy bay vận tải chở đầy hàng và bộ đội ngày đêm hối hả nối đuôi nhau vượt cung, tăng chuyến ra tiến tuyến với khẩu hiệu “Thần tốc, tạo bạo, bất ngờ, chắc thắng”. Các binh đoàn chiến lược binh chủng hợp thành của quân đội ta vừa đánh địch, mở đường, vừa hành quân thần tốc, táo bạo vào mặt trận Sài Gòn trên cả 5 hướng (bắc, tây bắc, đông, đông nam, tây nam). 

Ngày 7 tháng 4 năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh cho các đơn vị:

Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng

Các đơn vị nhận được mệnh lệnh đã tăng tốc hành quân, vừa đi vừa đánh địch, mở đường đến vị trí tập kết chiến dịch đúng quy định. Ngày 8 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Tiếp đó, ngày 14 tháng 4 năm 1975, Bộ Chính trị phê chuẩn đề nghị của Bộ Tư lệnh Chiến dịch đặt tên cho Chiến dịch tiến công giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ngày 22 tháng 4 năm 1975, trước những diễn biến nhanh chóng của tình hình, nhất là quân địch có biểu hiện tan rã, báo hiệu sự sụp đổ của chế độ ngụy Sài Gòn, Bộ Chính trị gửi điện cho Bộ Tư lệnh chiến dịch chỉ rõ: “Thời cơ để mở cuộc tiến công về quân sự và chính trị vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày để kịp thời phát động tiến công. Hành động trong lúc này là đảm bảo chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn. Nếu để chậm sẽ không có lợi cả về quân sự và chính trị”. Chiến dịch diễn ra 2 đợt.

Bộ Chính trị họp quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh (Nguồn: Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 174)

Bộ Chính trị họp quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh (Nguồn: Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 174)

Đợt 1 từ ngày 26 đến 28/4/1975:

Theo kế hoạch, đúng 17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ súng. Từ 5 hướng, các binh đoàn thọc sâu có xe tăng dẫn đầu đánh vào khu vực phòng thủ vòng ngoài của địch.

Từ ngày 26 đến ngày 28/4/1975, các cánh quân của ta liên tục đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài, đánh chiếm nhiều mục tiêu quan trọng của địch ở Long Thành, Biên Hòa, Đức Thạnh, thị xã Bà Rịa huyện Long Điền, Đất Đỏ…; đặc công đã chiếm một số cầu, thực hiện tốt ngăn chặn chủ lực của địch ở vòng ngoài, không cho chúng co cụm, triệt để bao vây cô lập Sài Gòn. Tuy quân địch đối phó quyết liệt, nhưng trước áp lực của ta, chiều ngày 28/4, Sở Chỉ huy quân đoàn 3 ngụy phải rút chạy về Gò Vấp, tinh thần binh lính hoang mang cao độ, tướng tá ngụy tranh nhau di tản.

Chiều ngày 28/4, Tổng thống Trần Văn Hương buộc phải từ chức; Dương Văn Minh lên thay. 16 giờ 25 phút ngày 28/4/1975, Phi đội Quyết Thắng sử dụng 5 chiếc máy bay chiến đấu A-37, cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang) ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, phá huỷ nhiều máy bay. Trận đánh diễn ra bất ngờ, làm tê liệt cầu hàng không di tản của Mỹ, khiến cho tình hình ở Sài Gòn càng thêm rối loạn, tinh thần binh lính suy sụp, đẩy nhanh quá trình tan rã của chế độ ngụy Sài Gòn.

Tối ngày 28/4, Bộ Tư lệnh Chiến dịch kịp thời thông báo tình hình chung và lệnh cho các hướng tiếp tục tiến công để đảm bảo đến sáng ngày 29/4, toàn mặt trận tổng tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch đã định.

Sư đoàn 341 tiến công yếu khu quân sự Trảng Bom - Hố Nai (28/4/1975)

Sư đoàn 341 tiến công yếu khu quân sự Trảng Bom - Hố Nai (28/4/1975)

Đợt 2 từ ngày 29 đến 30/4 /975:

5 giờ sáng 29/4, các cánh quân của ta được lệnh tổng công kích đồng loạt trên toàn mặt trận, tiếp tục ngăn chặn và tiêu diệt các lực lượng chủ lực chủ yếu của địch ở vòng ngoài, đồng thời phát triển thọc sâu, phối hợp với lực lượng tại chỗ đánh chiếm những địa bàn quan trọng ở vùng ven, chuẩn bị tiến công vào nội đô Sài Gòn. 

Nắm chắc tình hình quân địch đang hoảng loạn và tan rã, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định chớp thời cơ, tiếp tục phát triển tiến công vào nội đô theo đúng kế hoạch, tập trung lực lượng đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền và quân đội ngụy Sài Gòn.

Đội hình Quân đoàn phát triển tiến công giải phóng thành phố Biên Hoà (chiều 29/4/1975)

Đội hình Quân đoàn phát triển tiến công giải phóng thành phố Biên Hoà (chiều 29/4/1975)

Sáng ngày 30/4 /1975, toàn bộ các cánh quân lớn của ta từ 4 hướng đồng loạt tổng công kích vào nội đô Sài Gòn. Trước sức tiến công mạnh mẽ của ta, vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 30/4, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố trên Đài phát thanh Sài Gòn kêu gọi đơn phương ngừng bắn để bàn giao chính quyền. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, các cánh quân của ta tiếp tục tiến công theo kế hoạch, nhằm giải tán chính quyền và đập tan triệt để mọi sự chống cự của địch. 10 giờ 45 phút ngày 30/4, đại đội xe tăng thuộc lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy dẫn đầu đội hình đánh chiếm dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền ngụy Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Tổng thống ngụy Sài Gòn Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng (Nguồn: Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 178)

Tổng thống ngụy Sài Gòn Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng (Nguồn: Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr. 178)

11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ Quân giải phóng được cắm trên nóc dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Với thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ bộ máy chiến tranh to lớn hiện đại của chính quyền tay sai Mỹ ở miền Nam và quét sạch bộ máy ngụy quyền mà đế quốc Mỹ đã ra sức xây dựng hơn 20 năm, giải phóng toàn bộ miền Nam, thống nhất đất nước; đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên toàn quốc.

Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã toàn thắng.... Nó kết thúc vẻ vang quá trình 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc bắt đầu từ Cách mạng tháng Tám, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn một nửa thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, làm cho Tổ quốc ta vĩnh viễn độc lập, thống nhất và đưa cả nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi ấy làm thất bại cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới quy mô lớn nhất và dài ngày nhất từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu của tên đế quốc sừng sỏ, đẩy Mỹ vào tình thế khó khăn chưa từng thấy.
(Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004 tr. 980).
Ngày toàn thắng 30 tháng 4 năm 1975 đi vào lịch sử như một sự kết thúc chiến lược vô song. Trải qua cuộc trường chinh 30 năm với ba mốc son chói lọi: Tổng khởi nghĩa tháng Tám, Điện Biên Phủ và mùa Xuân 1975 toàn thắng, dân tộc ta đã hoàn thành vẻ vang sự nghiệp cứu nước. Ách thống trị của chủ nghĩa thực dân cũ và mới kéo dài hơn một thế kỷ trên đất nước ta đã vĩnh viễn chấm dứt. Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập, thống nhất. Cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
30 tháng 4 năm 1975 là một ngày đau đớn đối với chúng ta. Nhưng không có gì đáng ngạc nhiên bởi vì tôi đã từng trải qua những ngày đau khổ khi thấy Nam Việt Nam dần dần tan rã. Nhưng phải nói rằng quá trình sụp đổ đó đã diễn ra nhanh hơn thực tế tình hình mà tôi nghĩ. Thật là một điều đáng buồn, nhưng ở đó là một điều không thể nào tránh khỏi.

Chiến dịch Hồ Chí Minh thể hiện sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đó là điển hình về tác chiến hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, các binh chủng, quân chủng; là sự kết hợp quy mô lớn giữa hoạt động tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng; là đòn tiến công quyết chiến chiến lược táo bạo, kịp thời, chính xác, góp phần quyết định kết thúc chiến tranh. Đồng thời, để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý về nghệ thuật nắm thời cơ chiến lược, hạ quyết tâm chiến dịch chính xác, kịp thời, huy động và tạo sức mạnh ưu thế áp đảo bằng sức mạnh tổng hợp của cả lực lượng và thế trận; phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp đòn tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, kết hợp lực lượng vũ trang ba thứ quân, lấy tác chiến hiệp đồng quân binh chủng là chủ yếu.

50 năm đã trôi qua, nhưng những bài học quý của Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị cho dân tộc Việt Nam và lực lượng vũ trang ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày xuất bản: 19/3/2025
Tổ chức sản xuất: Bùi Nam Đông
Thực hiện: Thi Uyên
Nội dung: Trung tá, ThS Lê Văn Thành
Trình bày: Tạ Lư
Mô hình sa bàn: YooLife