
Thu Đông năm 1952, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, giải phóng nhân dân, phá âm mưu chiếm giữ Tây Bắc để khống chế Việt Bắc, chia cắt chiến trường trong cả nước với chiến trường Lào. Sau gần hai tháng (14/10-10/12/1952), với ba đợt chiến dịch, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng to lớn, tạo nên dấu mốc quan trọng, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tiến lên giành thắng lợi quyết định.
Tây Bắc là địa bàn chiến lược quan trọng của Bắc Bộ nước ta, bao gồm bốn tỉnh Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái. Phía Tây là biên giới giáp hai tỉnh Phong Xa Lỳ và Hủa Phăn của Lào. Phía Bắc là biên giới giáp tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Phía Đông là căn cứ địa Việt Bắc. Phía Nam là tỉnh Hòa Bình, nối liền với các tỉnh thuộc Liên khu 3 và Liên khu 4. Phần lớn đất đai là núi cao, rừng rậm, núi xen kẽ cao nguyên và thung lũng. Đường vào Tây Bắc vừa ít lại phải qua nhiều sông suối. Hai trục đường lớn đi vào Tây Bắc là đường 41 từ Hòa Binh đi Mộc Châu (Sơn La) và đường 13 từ Yên Bái vào Nghĩa Lộ. Lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, dân cư thưa thớt, kinh tế chậm phát triển, cơ sở chính trị và chính quyền cách mạng còn non yếu, ngay từ tháng 8/1945, thực dân Pháp đưa quân từ Trung Quốc xuống thiết lập các căn cứ chiếm đóng, lập ra “Xứ Thái tự trị”. Sau khi chiếm Tây Bắc, chúng tổ chức thành khu tự trị Tây Bắc (gọi tắt là ZANO), xây dựng gồm 4 phân khu (Nghĩa Lộ, Sông Đà, Sơn La, Lai Châu) và 3 tiểu khu độc lập (Tuần Giáo, Thuận Châu, Phù Yên) nhằm biến Tây Bắc thành hậu phương chiến tranh của chúng để thực hiện âm mưu “lấy chiến tranh, nuôi chiến tranh”.
Các đơn vị tham gia chiến dịch trèo đèo lội suối vượt sông tiến vào Tây Bắc. (Ảnh: TTXVN)
Các đơn vị tham gia chiến dịch trèo đèo lội suối vượt sông tiến vào Tây Bắc. (Ảnh: TTXVN)
Năm 1952, quân Pháp không ngừng tăng cường lực lượng và mở rộng phạm vi chiếm đóng ở Tây Bắc nhằm tạo bàn đạp khống chế, uy hiếp và cắt đứt liên lạc giữa căn cứ địa Việt Bắc với Liên khu 3, đồng thời che chở cho vùng Thượng Lào. Lực lượng Pháp chiếm đóng ở đây gồm 8 tiểu đoàn và 43 đại đội, 11 khẩu pháo bố trí phân tán trên 144 cứ điểm, chủ yếu là quân ngụy. So với đồng bằng Bắc Bộ, đây là nơi địch yếu hơn, lực lượng lính Âu - Phi không nhiều, địa hình rừng núi khiến hoạt động của máy bay và pháo binh bị hạn chế, việc tiếp tế bằng đường không cũng không dễ dàng do thiếu sân bay lớn, sương mù nhiều; trong khi đó, việc tiếp tế bằng đường bộ cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Nhận thấy chiến trường rừng núi là địa bàn có lợi cho hướng tiến công chiến lược; trong đó, Tây Bắc là “chiến trường rừng núi duy nhất còn lại ở Bắc Bộ, có nhiều điều kiện thuận lợi cho ta”[1] cũng là nơi “địch yếu hơn hết ở Bắc Bộ, thành phần ngụy binh nhiều, bố trí tương đối phân tán, địa hình có phần thuận lợi cho ta”[2]. Trên cơ sở so sánh chiến trường, tháng 4/1952, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị xúc tiến công tác chuẩn bị chiến dịch, với quyết tâm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng Tây Bắc. Để đánh lạc hướng, làm phân tán sự đối phó của địch, Bộ Tổng Tham mưu xây dựng kế hoạch nghi binh gửi các đơn vị tiến hành nghi binh trên các hướng.
Các đơn vị tham gia chiến dịch nghiên cứu các vị trí đánh địch trên sa bàn trước khi vào chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)
Các đơn vị tham gia chiến dịch nghiên cứu các vị trí đánh địch trên sa bàn trước khi vào chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)
Tháng 9/1952, căn cứ vào đề nghị của Bộ Tổng Tư lệnh, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc nhằm “tiêu diệt sinh lực địch, tranh thủ nhân dân, giải phóng một bộ phận đất đai có tính chất quan trọng về chiến lược”[3].
Bộ Chỉ huy Chiến dịch gồm: Đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh làm Chỉ huy trưởng; đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng; đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Chủ nhiệm Chính trị; đồng chí Trần Đăng Ninh làm Chủ nhiệm Cung cấp. Lực lượng tham gia chiến dịch gồm các đại đoàn chủ lực 308, 312, 316 (thiếu), Tiểu đoàn 910 (Trung đoàn 148), 6 đại đội sơn pháo 75mm, 3 đại đội súng cối 120mm, 1 trung đoàn công binh và 11 đại đội bộ đội địa phương cùng lực lượng dân quân, du kích phối hợp.
Để kịp thời động viên lực lượng tham gia chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đến cán bộ, chiến sĩ. Người căn dặn: “Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy đã cân nhắc chỗ dễ và chỗ khó của chiến trường sắp đến và quyết tâm là chiến dịch này phải đánh cho thắng lợi. Quyết tâm của Trung ương chưa đủ, mà phải làm cho quyết tâm đó xuống đến mọi người chiến sĩ... Quyết tâm đó phải thành một khối thống nhất từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên”[4].
Quyết tâm của Trung ương chưa đủ, mà phải làm cho quyết tâm đó xuống đến mọi người chiến sĩ... Quyết tâm đó phải thành một khối thống nhất từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh


Ngày 19/9/1952, Tổng cục Chính trị ra chỉ thị “Về công tác chính trị trong chiến dịch Thu Đông năm 1952”, nêu rõ 7 nhiệm vụ công tác chính trị trong chiến dịch. Kịp thời động viên cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần quyết tâm, tích cực hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời, giữ mối quan hệ đúng mực với quần chúng nhân dân, giữ nghiêm kỷ luật quần chúng, kiên quyết thi hành Tám điều mệnh lệnh của Chính phủ. Hoàn thành tốt mọi công tác ngụy vận và tù hàng binh nhằm tranh thủ nhân dân. Tăng cường công tác chính sách đối với dân công. Nâng cao tinh thần đồng đội, thương yêu nhau khi ra trận, chăm sóc chu đáo thương bệnh binh…
Sau một thời gian khẩn trương làm công tác chuẩn bị, với chủ trương đúng đắn, hình thành phương án chặt chẽ về hướng, mục tiêu tiến công chủ yếu, trận đánh then chốt; chuẩn bị về lực lượng, trang bị vũ khí, đảm bảo hậu cần chu đáo... ngày 14/10/1952, bộ đội ta nổ súng mở màn Chiến dịch Tây Bắc.
Các đơn vị tham gia kháng chiến chuẩn bị xuất phát. (Ảnh: TTXVN)
Các đơn vị tham gia kháng chiến chuẩn bị xuất phát. (Ảnh: TTXVN)
CHIẾN DỊCH DIỄN RA QUA 3 ĐỢT
- Từ ngày 14 đến 23/10/1952
- Từ ngày 7 đến 22/11/1952
- Từ ngày 30/11 đến 10/12/1952
Chiến dịch diễn ra qua 3 đợt. Đợt 1 từ ngày 14 đến 23/10/1952: Trên hướng chủ yếu, Trung đoàn 174 Đại đoàn 316 tiến công Ca Vịnh, Trung đoàn 141 Đại đoàn 312 tiến công Sài Lương. Trước áp lực tiến công của ta, quân Pháp ở Thượng Bằng La, Ba Khe và nhiều vị trí khác bỏ đồn rút chạy. Trung đoàn 102 Đại đoàn 308 tiến công Pú Chạng; Trung đoàn 88 Đại đoàn 308 tiến công Nghĩa Lộ, Trung đoàn 36 Đại đoàn 308 bao vây và diệt đồn Cửa Nhì. Kết quả đợt 1, ta đập vỡ khu vực phòng ngự Nghĩa Lộ, Phù Yên, giải phóng vùng tả ngạn sông Đà.
Đợt 1, quân ta tiến công tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ, đập tan tuyến phòng thủ vành đai ngoài Tây Bắc của địch. (Ảnh: TTXVN)
Đợt 1, quân ta tiến công tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ, đập tan tuyến phòng thủ vành đai ngoài Tây Bắc của địch. (Ảnh: TTXVN)
Đợt 2 từ ngày 7 đến 22/11/1952. Để đối phó với cuộc tiến công của ta, quân Pháp tăng cường lực lượng cho Tây Bắc thêm 8 tiểu đoàn, nâng tổng số lên 16 tiểu đoàn; đồng thời, mở cuộc hành binh Lorraine đánh vào Phú Thọ nhằm phá hậu phương kháng chiến và thu hút chủ lực ta. Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định đưa Trung đoàn 36 Đại đoàn 308 về Phú Thọ phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương ngăn chặn cuộc hành binh Lorraine; đồng thời, tổ chức thêm hướng vu hồi, sử dụng Trung đoàn 165 Đại đoàn 312 đánh vào đông nam Lai Châu, làm cho địch lầm tưởng đó là hướng tiến công chủ yếu, vội tăng cường lực lượng cho Lai Châu và Nà Sản. Trung đoàn 174 và Trung đoàn 98 Đại đoàn 316 tiến công cứ điểm Mộc Châu. Kết quả đợt 2, ta giải phóng Thuận Châu, Tuần Giáo, Điện Biên Phủ, buộc địch ở thị xã Sơn La rút chạy về Nà Sản.
Một trong những vị trí của địch bị quân ta tiến công tiêu diệt trong Chiến dịch Tây Bắc. (Ảnh: TTXVN)
Một trong những vị trí của địch bị quân ta tiến công tiêu diệt trong Chiến dịch Tây Bắc. (Ảnh: TTXVN)
Đợt 3 từ ngày 30/11 đến ngày 10/12/1952: Địch dồn lực lượng về Nà Sản, xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm với tổng số binh lực lên tới 10.000 quân, hình thành 2 vành đai phòng ngự, gồm 17 cứ điểm, xây dựng hệ thống hầm ngầm, lô cốt nối với hào giao thông, bao quanh là hàng rào thép gai. Trên cơ sở nhận định: “Địch bị động tập trung về Nà Sản, lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan, quyết tâm không dứt khoát, rút thì thất bại rất lớn ở Tây Bắc mà có thể bị ta tiêu diệt, giữ thì ở trong tình thế bị cô lập và cũng có thể bị ta tiêu diệt”[5], Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định tập trung lực lượng lên đến 12 tiểu đoàn (gồm các đơn vị của 3 đại đoàn chủ lực 308, 312, 316) mở đợt tiến công đánh vào Nà Sản. Các đơn vị liên tục tiến công địch ở Pú Hồng, Bản Vây, Bản Hời, Nà Si… nhưng không thành công. Bộ Chỉ huy Chiến dịch nhận thấy, tiếp tục tiến công Nà Sản không có lợi, nên đã quyết định kết thúc Chiến dịch Tây Bắc ngày 10/12/1952.

Kết quả, ta loại khỏi vòng chiến đấu hơn 6 nghìn quân địch, giải phóng một vùng rộng lớn trên địa bàn chiến lược quan trọng với khoảng 30 nghìn km2 và 250 nghìn dân[6], góp phần bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng nối liền Tây Bắc với Việt Bắc và Thượng Lào, làm thất bại âm mưu mở rộng chiếm đóng và lập “Xứ Thái tự trị” của thực dân Pháp. Về nghệ thuật chiến dịch, ta đã xác định chính xác hướng tiến công chủ yếu và thứ yếu, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các lực lượng trên các hướng, tạo thành sức mạnh đánh địch cả phái trước, phái sau, sử dụng nhiều cách đánh hiểm (vu hồi, luôn sâu, chia cắt, nghi binh). Đặc biệt, bộ đội ta đã thực hiện tốt phương châm “đánh điểm diệt viện” trên chiến trường rừng núi.
Súng các loại của quân địch bị quân ta thu giữ trong Chiến dịch Tây Bắc. (Ảnh: TTXVN)
Súng các loại của quân địch bị quân ta thu giữ trong Chiến dịch Tây Bắc. (Ảnh: TTXVN)
Chiến thắng Chiến dịch Tây Bắc là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Trong khi lực lượng cách mạng giữ vững và từng bước mở rộng quyền chủ động về chiến lược; các lực lượng vũ trang nhân dân có thêm kinh nghiệm tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, cao hơn trên chiến trường rừng núi, xa hậu phương… thì đối với thực dân Pháp “thất bại ở Tây Bắc, báo hiệu một mùa đông đáng lo ngại nữa cho Pháp, mùa đông thứ 8 của cuộc chiến tranh ngày càng gợi ra những hình ảnh lo âu thất vọng”[7].
Chiến thắng Tây Bắc khẳng định tầm nhìn chiến lược đúng đắn, nhạy bén của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy trong chỉ đạo chiến tranh; đồng thời, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của lực lượng vũ trang ta so với các chiến dịch trước đó.
Bộ đội tiến vào giải phóng Điện Biên trong sự đón chào của nhân dân. (Ảnh: TTXVN)
Bộ đội tiến vào giải phóng Điện Biên trong sự đón chào của nhân dân. (Ảnh: TTXVN)
Chiến thắng Tây Bắc khẳng định tầm nhìn chiến lược đúng đắn, nhạy bén của Trung ương Đảng và Tổng Quân ủy trong chỉ đạo chiến tranh; đồng thời, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của lực lượng vũ trang ta so với các chiến dịch trước đó. Với chiến thắng này, cục diện chiến trường thay đổi có lợi cho ta, bất lợi cho thực dân Pháp, góp phần tạo tiền đề thuận lợi để quân và dân ta giành thắng lợi quyết định trong chiến cuộc Đông Xuân năm 1953-1954, đánh bại hoàn toàn ý chí xâm lược của kẻ thù, kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).
Ngày xuất bản: 12/2024
Nội dung: Trung tá, Thạc sĩ Lê Văn Thành - Viện Lịch sử Quân sự
Trình bày: Hoàng Hà