
Trị Thiên - Huế là vùng đất dài và hẹp từ sông Bến Hải đến đèo Hải Vân, phía tây là vùng rừng núi cao, phía đông là biển. Quốc lộ 1 là đường giao thông huyết mạch đi về phía nam, qua đèo Hải Vân hiểm trở, dễ bị chia cắt. Với vị trí tiếp giáp với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Trị - Thiên trở thành một chiến trường có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, quân sự đối với cả ta và địch.
Hướng dẫn trải nghiệm sa bàn ảo:
Bước 1: Rê, giữ, cuộn chuột để tương tác với sa bàn 3D
Bước 2: Kích vào các điểm "VR" để tham gia trải nghiệm công nghệ thực tế ảo kết hợp triển lãm ảnh 360 độ.
Bước 3: Lưu lại bình luận, hình ảnh của bạn trên thanh công cụ "Checkin".
Địch tổ chức Trị - Thiên thuộc Quân khu 1 - một trong những trung tâm quân sự mạnh nhất của chúng ở miền Nam Việt Nam. Đến đầu tháng 3/1975, trên địa bàn Trị Thiên - Huế, lực lượng địch có khoảng 56.000 quân (trong đó có 28.500 quân chủ lực), gồm: Sư đoàn 1 bộ binh, Lữ đoàn 2 dù, Liên đoàn 15 biệt động quân, 3 lữ đoàn thủy quân lục chiến (147, 258 và 369), 2 liên đoàn và 21 đại đội bảo an, 3 thiết đoàn (7, 17 và 20), 8 tiểu đoàn pháo binh, 319 trung đội dân vệ và 36.000 phòng vệ dân sự... Địch tổ chức phòng ngự thành 7 khu vực, tạo thành một hệ thống phòng ngự liên hoàn khá chặt chẽ, lấy trung đoàn, lữ đoàn chủ lực làm nòng cốt. Các căn cứ này vừa là điểm then chốt của hệ thống phòng ngự, vừa là bàn đạp để triển khai lực lượng phản kích; tập trung vào ba trọng điểm: Quảng Trị, tây bắc Huế và tây Quốc lộ 1 từ nam Huế đến đèo Hải Vân.
Về ta, thực hiện kế hoạch tác chiến chiến lược năm 1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh xác định: “Chiến trường Trị - Thiên - Huế là chiến trường có nhiều thuận lợi hơn các chiến trường khác vì gần Trung ương, có điều kiện chuẩn bị, bổ sung cơ sở vật chất kịp thời. Nếu ta tiến công mạnh, làm chủ chiến trường Trị - Thiên - Huế..., phá vỡ hệ thống phòng ngự ở Quân khu 1, giam chân lực lượng cơ động chiến lược của địch, sẽ tạo nên sự chuyển biến mới về so sánh lực lượng và thế chiến lược xuống phía Nam, giải phóng các tỉnh Nam Bộ”. Từ phân tích, đánh giá trên, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định chọn Trị Thiên - Huế làm hướng tiến công phối hợp quan trọng.
Trên cơ sở nhận định trên, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cụ thể cho chiến trường Trị - Thiên trong năm 1975 là: “Đánh bại về cơ bản bình định của địch, tạo ra ở Trị - Thiên - Huế một tình thế mới có ý nghĩa quyết định để chuẩn bị cho giành thắng lợi trong năm 1976, giải phóng hoàn toàn Trị - Thiên - Huế”. Quân ủy Trung ương còn nhấn mạnh: “Trị - Thiên - Huế phải tiến hành các chiến dịch tổng hợp cả quân sự và chính trị, bằng lực lượng cả chủ lực của Bộ, của địa phương quân khu, phối họp chặt chẽ ba thứ quân, ba mũi giáp công...”.
“Đánh bại về cơ bản bình định của địch, tạo ra ở Trị - Thiên - Huế một tình thế mới có ý nghĩa quyết định để chuẩn bị cho giành thắng lợi trong năm 1976”
Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho chiến trường Trị - Thiên trong năm 1975.
Ngày 10/2/1975, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh giao nhiệm vụ cho Quân đoàn 2 và Quân khu Trị - Thiên phối hợp mở chiến dịch tiến công tổng hợp ở vùng đồng bằng và giáp ranh Trị - Thiên nhằm tiêu diệt, làm tan rã một bộ phận quan trọng sinh lực, đánh bại về cơ bản kế hoạch bình định của địch, giải phóng 50% số dân đồng bằng, thực hiện chia cắt chiến lược đối với địch; khi thời cơ thuận lợi, phát triển tiến công giải phóng Trị Thiên - Huế.
Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Quân đoàn 2 có Sư đoàn 324 (thiếu) và Sư đoàn 325 (thiếu), Sư đoàn Phòng không 673, Lữ đoàn Pháo binh 164, Lữ đoàn Xe tăng 203, Lữ đoàn Công binh 219; Quân khu Trị - Thiên có 3 trung đoàn bộ binh (4, 6 và 271), 1 trung đoàn pháo binh, 1 trung đoàn pháo phòng không, 1 trung đoàn công binh, 1 tiểu đoàn đặc công, 1 tiểu đoàn bộ binh đánh giao thông và 1 tiểu đoàn vận tải cơ giới, cùng các tiểu đoàn bộ đội địa phương tỉnh, đại đội, trung đội địa phương huyện, dân quân, du kích xã.
Để thống nhất lãnh đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng địa phương trên chiến trường Trị Thiên - Huế, được sự ủy quyền của Bộ Chính trị, Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận Thị - Thiên do đồng chí Lê Tự Đồng - Bí thư Khu ủy Khu Trị - Thiên làm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Tổng Tham mưu trực tiếp chỉ đạo Quân đoàn 2 và Quân khu Trị - Thiên trong quá trình thực hiện chiến dịch.
Ngày 21/2/1975, Đảng ủy Mặt trận Trị - Thiên thông qua toàn bộ kế hoạch chiến dịch và bàn kế hoạch hiệp đồng giữa các lực lượng. Đến trước giờ nổ súng, các lực lượng của Quân khu Trị - Thiên và Quân đoàn 2 đã triển khai đúng vị trí, mọi công tác bảo đảm cho chiến dịch về cơ bản đã hoàn thành.







Phối hợp với chiến trường chính Tây Nguyên, quân và dân ta tiến công tiêu diệt địch ở vùng đồng bằng và giáp ranh Trị - Thiên. Theo đó, từ ngày 5 đến ngày 7/3, các lực lượng ta tiến hành nghi binh ở bắc Quảng Trị, đồng thời sử dụng lực lượng địa phương đánh nhỏ trên các trục giao thông, bao vây uy hiếp địch ở tuyến giáp ranh, kết hợp hoạt động vũ trang tuyên truyền.
Cán bộ, nhân dân và lực lượng giao thông Trị - Thiên mở đường mới phục vụ chiến dịch. Ảnh: Đỗ Tráng/TTXVN.
Cán bộ, nhân dân và lực lượng giao thông Trị - Thiên mở đường mới phục vụ chiến dịch. Ảnh: Đỗ Tráng/TTXVN.
Từ ngày 8/3, các đơn vị chủ lực đồng loạt tiến công, đánh chiếm các căn cứ, vị trí phòng ngự của địch ở vùng giáp ranh và đồng bằng (chủ yếu hướng đường số 12 và đường số 14 với các điểm cao 75, 76, 224, 273, 300, 303, cứ điểm Chúc Mao...), đập tan mọi cố gắng phản kích của địch, tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang địa phương và nhân dân nổi dậy giành thắng lợi ở nhiều nơi.
Đại đội 7 Tiểu đoàn 7 Quân Giải phóng Trị - Thiên luyện tập đánh địch trong trận địa kiên cố. Ảnh tư liệu/TTXVN.
Đại đội 7 Tiểu đoàn 7 Quân Giải phóng Trị - Thiên luyện tập đánh địch trong trận địa kiên cố. Ảnh tư liệu/TTXVN.
Đặc biệt, đêm 18 rạng 19/3, lực lượng vũ trang Quảng Trị bất ngờ tiến công vào toàn tuyến phòng thủ của địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị, buộc địch rút chạy về lập tuyến phòng ngự mới ở nam sông Mỹ Chánh.
5 giờ 40 phút ngày 21/3, đợt tiến công giải phóng thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên chính thức bắt đầu. Ta tiến công tiêu diệt địch ở Núi Bông, đánh chiếm các điểm cao 294, 520, 560 và núi Kim Sắc; cắt đứt đường số 1 đoạn Huế - Đà Nẵng, áp sát sân bay Phú Bài và thành phố Huế. Trước sức ép của ta, địch tháo chạy khỏi Huế ra cửa Thuận An, Tư Hiền để theo đường biển về Đà Nẵng.
Ngày và đêm 23/3, Quân đoàn 2 nhanh chóng tổ chức lực lượng đánh thẳng về phía đông Huế, kết hợp chiếm cửa Thuận An, Lương Điềm, Phú Bài, quận lỵ Phú Lộc, cửa Tư Hiền..., triệt đường rút chạy cuối cùng của địch về Đà Nẵng.
Quân Giải phóng tiến vào cửa Ngọ Môn, phía trước thành nội Huế. Ảnh: Ngọc Đản/TTXVN.
Quân Giải phóng tiến vào cửa Ngọ Môn, phía trước thành nội Huế. Ảnh: Ngọc Đản/TTXVN.
Từ ngày 22 đến 24/3, ta tiếp tục đánh địch trên các hướng bắc, tây Huế. Pháo binh ta áp chế sân bay Phú Bài, Sở chỉ huy Sư đoàn 1 ngụy ở Mang Cá, bắn chặn địch ở ngã ba Sình và cửa Thuận An.
Đến ngày 24/3, các lực lượng của Quân đoàn 2 và Quân khu Trị - Thiên đã vây chặt toàn bộ quân địch trong Thành phố Huế.
Rạng sáng 25/3, các cánh quân bắt đầu tiến vào Huế, đồng thời tiến công tiêu diệt các cánh quân địch dồn về khu cảng Tân Mỹ - Thuận An. Phối hợp tự vệ thành chiến đấu và quần chúng nổi dậy, trưa 25/3, ta giải phóng Thành phố Huế.
Đến trưa 26/3, ta giải phóng toàn bộ tỉnh Thừa Thiên, đồng thời kết thúc thắng lợi Chiến dịch Trị Thiên - Huế.
Xe tăng địch ở thành phố Huế bị Quân Giải phóng và tự vệ đánh chiếm. Ảnh: Nguyễn Đán/TTXVN.
Xe tăng địch ở thành phố Huế bị Quân Giải phóng và tự vệ đánh chiếm. Ảnh: Nguyễn Đán/TTXVN.
Kết quả chiến dịch, ta tiêu diệt, làm tan rã toàn bộ quân địch ở Trị Thiên - Huế gồm: Sư đoàn 1 bộ binh, Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến, 2 liên đoàn biệt động quân 14, 15; Lữ đoàn 1 kỵ binh thiết giáp, 8 tiểu đoàn pháo binh; 15 tiểu đoàn và 21 đại đội bảo an, 319 trung đội dân vệ, 7.000 cảnh sát, cùng hệ thống ngụy quyền các cấp; thu toàn bộ vũ khí, trang bị gồm 140 xe tăng - thiết giáp, 800 xe tải, 10.000 tấn đạn... Các sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 1, Sư đoàn 1 và khoảng 16.000 quân địch phải rút chạy vào Đà Nẵng.
Xe thiết giáp cùng nhiều khí tài chiến đấu của địch bỏ lại bữa bãi ở Huế trong lúc tháo chạy. Ảnh tư liệu TTXVN.
Xe thiết giáp cùng nhiều khí tài chiến đấu của địch bỏ lại bữa bãi ở Huế trong lúc tháo chạy. Ảnh tư liệu TTXVN.
Vì eo hẹp phương tiện và không quân, hải quân nên chỉ cho phép yểm trợ một vùng đất bị bao vây, có thể đẩy tuyến phòng thủ về Hải Vân nếu điều kiện cho phép
Tôi tin chắc rằng, toàn bộ Nam Việt Nam sẽ sụp đổ và sự rút lui của Mỹ ở Đông Dương là sự rút lui lớn nhất mà thế giới được chứng kiến, kể từ khi Napoléon rút khỏi Matxcơva
Chiến tranh Việt Nam đã hoàn toàn đảo ngược trong mấy tuần lễ. Một thảm họa quân sự là chắc chắn
Thắng lợi của Chiến dịch Trị Thiên - Huế là một trong những thắng lợi to lớn nhất, triệt để nhất của quân và dân ta ở Trị Thiên - Huế, có ý nghĩa chiến lược và ý nghĩa chính trị rất quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Từ một chiến dịch ở một hướng phối hợp, khi thời cơ đến, chỉ trong một thời gian ngắn, quân và dân Trị Thiên - Huế cùng Quân đoàn 2 đã tiến công, kết hợp với nổi dậy của nhân dân, kiên quyết, táo bạo, tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch, giải phóng hoàn toàn Quảng Trị, Thừa Thiên và Thành phố Huế.
Thắng lợi của Chiến dịch Trị Thiên - Huế là một đòn phủ đầu giáng vào kế hoạch phòng thủ co cụm chiến lược mới của địch ở vùng đồng bằng ven biển miền Trung, hòng che chở bảo vệ cho trung tâm phòng ngự Quảng Nam - Đà Nẵng. Thắng lợi này đã đập tan “lá chắn” mạnh nhất của địch, mở toang cánh cửa án ngữ dày đặc của địch ở phía Bắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng của ta phát triển tiến công vào phía Nam, giải phóng Thành phố Đà Nẵng và một loạt các căn cứ, thành phố, thị xã khác của quân địch.
Thắng lợi của Chiến dịch Trị Thiên - Huế đã góp phần gây ra phản ứng dây chuyền, đẩy quân ngụy Sài Gòn nhanh chóng suy sụp về tinh thần và hỗn loạn về tổ chức; làm thay đổi hẳn so sánh lực lượng giữa ta và địch trên hướng tiến công chiến lược phía bắc; cổ vũ mạnh mẽ quân và dân ta đẩy mạnh tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày xuất bản: 11/4/2025
Tổ chức sản xuất: Bùi Nam Đông
Thực hiện: Thi Uyên
Nội dung: Nguyễn Văn Tùng
Trình bày: Uyển Hương - Tạ Lư
Mô hình sa bàn: YooLife, Hồng Quân - Lê Chí