CHIẾN DỊCH VIỆT BẮC THU ĐÔNG NĂM 1947

CHIẾN DỊCH ĐẦU TIÊN CỦA QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP

Thu-Đông năm 1947, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã tiến hành chiến dịch phản công, đánh bại hoàn toàn cuộc tiến công quy mô lớn, đầy tham vọng của thực dân Pháp lên căn cứ Việt Bắc, làm phá sản kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”, để sớm kết thúc chiến tranh của chúng. Đây là chiến dịch đầu tiên của Quân đội ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp, có ý nghĩa mang tầm chiến lược, đưa cuộc kháng chiến của dân tộc bước sang giai đoạn mới.

Sơ đồ chiến dịch Việt Bắc.

Sơ đồ chiến dịch Việt Bắc.

Âm mưu của thực dân Pháp đánh lên Việt Bắc

Đầu năm 1947, sau khi “Giải pháp chính trị” lập chính phủ bù nhìn bế tắc, thực dân Pháp quyết định “đòn quân sự” để giải quyết chiến tranh Việt Nam. Nhận rõ vị trí chiến lược của Việt Bắc, Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương tướng Valluy đã giao cho tướng Salan - Tư lệnh quân Pháp ở Bắc Đông Dương soạn thảo kế hoạch tiến công lên Việt Bắc.

Tháng 6 năm 1947, kế hoạch tiến công lên Việt Bắc được Chính phủ Pháp thông qua với 2 bước như sau: Bước 1 mang tên Léa, dùng 2 gọng kìm bao vây toàn bộ khu căn cứ Việt Bắc, trọng tâm là khu tam giác Bắc Kạn - Chợ Đồn - Chợ Mới. Theo đó, ngày 7/10/1947, quân dù thiện chiến sẽ đổ bộ chiếm Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Đồn; đồng thời, cánh quân hướng đông từ Lạng Sơn tiến lên Cao Bằng, vòng xuống Bắc Kạn phối hợp với quân dù hình thành gọng kìm thứ nhất; cánh quân hướng tây theo đường thuỷ, từ sông Hồng ngược sông Lô, sông Gâm lên Tuyên Quang, Chiêm Hoá là gọng kìm thứ hai. Bộ chỉ huy Pháp dự tính, đến ngày 13/10/1947, hai gọng kìm sẽ khép lại ở Đài Thị (đông bắc Chiêm Hoá 12km). Bước 2, mang tên Cloclo, tập trung càn quét khu tam giác Bắc Kạn - Chợ Chu - Chợ Mới và tây Đường 3, lấy vùng Chợ Chu làm mục tiêu trọng điểm, đồng thời cho quân nhảy dù chặn tuyến giao thông Chợ Chu - Thái Nguyên, sau đó tùy tình hình sẽ tiến hành càn quét trong khu vực. 

Lực lượng tham gia tiến công trên 10.000 quân, gồm 5 trung đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 3 đại đội cơ giới, 2 phi đội với 40 máy bay, 3 thủy đội xung kích với 40 tàu xuồng.

Mục tiêu của cuộc tiến công lên Việt Bắc nhằm “diệt và bắt cơ quan đầu não của Việt Minh; tìm diệt chủ lực; phá tan căn cứ địa Việt Bắc; bịt kín, khóa chặt biên giới Việt Trung, ngăn chặn không cho Việt Minh tiếp xúc với Trung Quốc và loại trừ mọi sự chi viện từ bên ngoài vào. Truy lùng Việt Minh đến tận sào huyệt, đánh cho tan tác mọi tiềm lực kháng chiến của họ”. Đây là cuộc tiến công mà theo Salan: “Chỉ cần ba tuần lễ để đập tan đầu não của Việt Minh”.

Bộ đội pháo binh làm nên chiến thắng sông Lô trong chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947.

Bộ đội pháo binh làm nên chiến thắng sông Lô trong chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947.

Item 1 of 3

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ tư, từ trái sang) cùng đại biểu tại Hội nghị chính trị viên toàn quốc lần thứ hai ở An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên trước Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947. 

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thứ tư, từ trái sang) cùng đại biểu tại Hội nghị chính trị viên toàn quốc lần thứ hai ở An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên trước Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947. 

Bảo vệ Bác Hồ trên đường đi kháng chiến tại Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên mùa hè năm 1947.

Bảo vệ Bác Hồ trên đường đi kháng chiến tại Điềm Mặc, Định Hóa, Thái Nguyên mùa hè năm 1947.

Bộ chỉ huy Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947 báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh kế hoạch tác chiến, bố trí lực lượng trong chiến dịch. 

Bộ chỉ huy Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947 báo cáo với Chủ tịch Hồ Chí Minh kế hoạch tác chiến, bố trí lực lượng trong chiến dịch. 

Chủ trương của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh đối phó với các hành động của quân Pháp

Trước những diễn biến mới của tình hình, từ ngày 12-15/6/1947, Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 3 được triệu tập, đi đến nhận định: Trong Thu Đông năm 1947, quân Pháp sẽ tập trung củng cố các đô thị quan trọng và các đường giao thông thủy bộ trọng yếu bằng cách mở rộng phạm vi chiếm đóng, đóng chốt các vị trí chiến lược có ảnh hưởng đến việc bảo vệ các đô thị và các đường giao thông; phát động các “cuộc tiến công lớn để chiếm đóng những vị trí chiến lược còn lại ở trong tay ta… chúng cũng có thể mưu đồ cuộc đại tiến công lên Việt Bắc”. Đặc biệt, sau bài phát biểu của Cao ủy Bollaert, ngày 15 tháng 9 năm 1947, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị Bollaert nói gì? Ta phải làm gì? vạch trần âm mưu đen tối ẩn chứa trong những lời lẽ mơ hồ, bóng bẩy của Bollaert đối với nền độc lập của nhân dân ta và khẳng định lập trường kiến quyết kháng chiến của Đảng và nhân dân đối với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Tàu chiến của thực dân Pháp bị quân ta đánh đắm trên sông Lô trong chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947.

Tàu chiến của thực dân Pháp bị quân ta đánh đắm trên sông Lô trong chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947.

Trung tuần tháng 9 năm 1947, Trung ương Quân ủy triệu tập Hội nghị mở rộng đi đến xác định những nhiệm vụ cần kíp, chuẩn bị đối phó với những cuộc tiến công sắp tới của địch trong Thu Đông năm 1947. Tiếp đó, từ ngày 27-29/9/1947, Bộ Tổng chỉ huy triệu tập Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ tư xác định rõ phương châm chiến lược và chiến thuật đối phó của địch. Trong đó, nhận định, nếu thực dân Pháp mạo hiểm đánh lên Việt Bắc, nhiệm vụ quan trọng của ta là “Phá tan kế hoạch tiêu diệt ta của địch. Kiên quyết nắm vững bộ đội, giữ gìn chủ lực, gắng tiêu diệt từng bộ phận của địch”. Ngày 4 tháng 10, Bộ Chỉ huy ra “Mệnh lệnh tác chiến” đề ra nhiệm vụ chung cho toàn quân, toàn quốc và “Kế hoạch tác chiến”, với dự kiến hai trường hợp: Nếu địch càn quét vùng đồng bằng và nếu địch đánh lên Việt Bắc. Bản kế hoạch đã phân công cụ thể nhiệm vụ, địa bàn tác chiến cho các đơn vị trên chiến trường Việt Bắc và các chiến trường phối hợp.

Để đập tan cuộc tiến công của thực dân Pháp lên Việt Bắc, Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ huy, đồng chí Võ Nguyên Giáp được chỉ định là Chỉ huy trưởng Chiến dịch. Lực lượng tham gia gồm 7 trung đoàn bộ binh của Bộ và các khu 1, 10, 12 cùng với 30 đại đội độc lập và dân quân du kích 5 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang.

Cán bộ Mặt trận sông Lô nghiên cứu kế hoạch đánh địch tiến công lên Việt Bắc-Thu Đông 1947.

Cán bộ Mặt trận sông Lô nghiên cứu kế hoạch đánh địch tiến công lên Việt Bắc-Thu Đông 1947.

Bộ đội pháo binh Sông Lô trong chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947.

Bộ đội pháo binh Sông Lô trong chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947.

Bộ đội luyện tập bắn súng ở chiến khu Việt Bắc năm 1947.

Bộ đội luyện tập bắn súng ở chiến khu Việt Bắc năm 1947.

Trung đoàn 147 hành quân chuẩn bị đánh địch trong Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947.

Trung đoàn 147 hành quân chuẩn bị đánh địch trong Chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947.

Đập tan tham vọng của thực dân Pháp

Ngày 7/10/1947, thực dân Pháp huy động lực lượng hơn 10.000 quân, hình thành hai gọng kìm kẹp chặt căn cứ địa Việt Bắc, trọng điểm càn quét là khu tam giác Bắc Kạn - Chợ Đồn - Chợ Mới. Lúc đầu, do phán đoán chưa đúng hướng tiến công của quân Pháp, nên quân ta bị bất ngờ và chịu một số tổn thất.

Ngày 13/10/1947, Bộ Tổng chỉ huy nhận được bản kế hoạch tiến công Việt Bắc của địch từ chiếc máy bay bị ta bắn rơi ở Cao Bằng (9/10). Bộ Tổng chỉ huy quyết định điều chỉnh phương án tác chiến, tổ chức lại lực lượng: đưa các đại đội độc lập về các địa phương phát động chiến tranh du kích rộng khắp, sử dụng hình thức tác chiến chủ yếu là đánh phục kích để tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận quân cơ động của địch, phối hợp và tạo điều kiện cho các tiểu đoàn tập trung đánh những trận vừa và lớn; lập 3 mặt trận: sông Lô - đường 2, Bắc Kạn - đường 3, đường 4; đánh mạnh ở sông Lô và đường 4, tiến tới ngăn chặn từng gọng kìm của địch. 

Thực hiện chủ trương đó, quân đội ta đã tổ chức và giành nhiều thắng lợi trong các trận đánh nổi tiếng như: Bông Lau (30/10); Chợ Đồn (21/10); Sông Lô (23, 24/10 và 10/11/1947), v.v... Do chịu nhiều tổn thất, từ ngày 21/11/1947, quân Pháp bắt đầu bí mật rút quân khỏi Việt Bắc. Ta kịp thời tổ chức lực lượng đánh địch trên nhiều hướng như tập kích đồn Phủ Thông (30/11), phục kích nhiều trận ở Sơn Dương, Bình Ca, Đèo Khế, Phan Lương, Đèo Giàng (15/12)...

Nhân dân Phú Thọ cắm chông chống quân Pháp nhảy dù trong chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947.

Nhân dân Phú Thọ cắm chông chống quân Pháp nhảy dù trong chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947.

Ngày 20/12/1947, chiến dịch kết thúc thắng lợi. Quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 7.200 quân địch, bắn rơi 18 máy bay, đánh chìm 54 tàu, xuồng, phá huỷ 255 xe quân sự, thu 25 pháo (20-105mm), hơn 2 nghìn súng bộ binh; ta hi sinh 260, bị thương 168 người.

Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947 giành thắng lợi đã hoàn thành mục tiêu chiến lược đề ra “Phá tan cuộc tiến công mùa Đông của giặc Pháp, bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến, bảo toàn và nâng cao chất lượng chiến đấu của bộ đội chủ lực, bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc”. Đây là chiến dịch đầu tiên của Quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Bằng thắng lợi này, quân đội ta đã đánh dấu bước trưởng thành “Bộ đội ta đã dần dần quen tác chiến, Bộ Chỉ huy của ta học được những kinh nghiệm lãnh đạo chiến tranh, lại chế được vài thứ vũ khí mới, nên ta đã trả lời địch một cách xứng đáng làm cho chúng thua thiệt nặng nề”. Đồng thời, đó còn là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử nghệ thuật chiến dịch của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nét đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947 được thể hiện rõ nét ở mục đích chiến dịch đúng đắn, kiên quyết, toàn diện và cụ thể (nhiệm vụ chiến dịch là “Phải phá cuộc tiến công mùa đông của giặc Pháp”.

Nhiệm vụ đó quyết định tính chất kiên quyết, triệt để vì mục đích cụ thể của chiến dịch là bảo vệ cơ quan đầu não kháng chiến, bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc, bảo toàn lực lượng; về chọn loại hình chiến dịch đúng (ta không thể chọn loại hình phòng ngự để đánh bại địch mà chọn loại hình phản công, đánh vận động, đánh du kích để đánh bại cuộc tiến công của địch. Do vậy, chiến dịch phản công là loại hình chiến dịch xuất hiện đầu tiên của quân đội ta); về chọn đúng hướng (khu vực) phản công, tạo thế trận có lợi cho ta, bẻ gãy từng gọng kìm của địch, phá thế hợp vây trong chiến dịch tiến công của địch; đồng thời, thể hiện việc tổ chức binh lực thích hợp, chỉ đạo cách đánh sáng tạo, hạn chế chỗ mạnh của địch, khoét sâu chỗ yếu của chúng, vừa tiêu hao lực lượng địch, vừa bảo toàn rèn luyện lực lượng ta.

Từ nét đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch được phát huy tác dụng, ta đã chuyển nhanh từ thế bị động lúc đầu sang thế chủ động đánh địch theo cách đánh của ta, trên những hướng, những nơi đã chọn. Như vậy, Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947 là chiến dịch phản công đầu tiên của quân đội ta vận dụng thành công nghệ thuật chiến dịch “Tiến công trong phản công địch trên địa hình rừng núi”.

Item 1 of 2

Xác chiếc tàu L.C.T của quân đội Pháp bị pháo binh ta bắn đắm trên sông Lô Việt trong chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông năm 1947. 

Xác chiếc tàu L.C.T của quân đội Pháp bị pháo binh ta bắn đắm trên sông Lô Việt trong chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông năm 1947. 

Cán bộ Bộ chỉ huy chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông thị sát tình hình.

Cán bộ Bộ chỉ huy chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông thị sát tình hình.

Chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947 giành thắng lợi có ý nghĩa chính trị, quân sự to lớn, góp phần quan trọng củng cố thêm ý chí chiến đấu và xây dựng lòng tin của nhân dân cả nước vào sự nghiệp kháng chiến, vào sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như sự trưởng thành không ngừng của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Ngày xuất bản: 12/2024
Nội dung: Trung tá Lê Văn Thành - Viện Lịch sử Quân sự
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN