CHIẾN KHU Đ - Căn cứ địa cách mạng kiên cường của chiến trường miền Nam

Việt Nam từ nhiều thế kỷ đã được liệt vào hàng ngũ các nước đã nhiều lần tiến hành chiến tranh nhân dân để lấy lại chủ quyền và giữ nền độc lập quốc gia.

Theo tôi, Việt Nam ta từ những thế kỷ phải chống lại các bọn phong kiến xâm lược nước ngoài thì thường thường lúc ban đầu chẳng những không có quân đội, thậm chí không có vũ khí. Nhưng nhân dân, tuyệt đại đa số nhân dân yêu nước đã lần lượt nghe theo lãnh đạo để đứng lên giữ nước và để đi đến toàn thắng, các nhà lãnh đạo luôn luôn đứng về dân, đều vì nhân dân mà chiến đấu. Cán bộ, chiến sĩ chẳng những không tơ hào tới cây kim, sợi chỉ của dân mà còn ra sức giúp dân tăng gia sản xuất, ngày đêm chăm lo đời sống của dân.

Ngày 19/8/1945, hàng vạn người dân Thủ đô dự míttinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố chào mừng thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Ngày 19/8/1945, hàng vạn người dân Thủ đô dự míttinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố chào mừng thắng lợi của Cách mạng tháng Tám. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chính vì thế mà các gia đình đều cho con em xung phong vào nghĩa quân, nuôi quân sống và tìm mọi cách để tạo nên vũ khí cho quân cách mạng, từ những vũ khí thô sơ, gậy gộc, dao búa. Lần lần một số con em còn chui vào hàng ngũ của địch và trốn ra mang theo vũ khí của chúng.

Chiến tranh nhân dân Việt Nam chủ yếu là chiến tranh của dân, do dân và vì dân.

Chiến tranh đi từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ lúc đầu không có đơn vị chiến đấu nào, sau thành lập lần được các đơn vị chiến đấu từ nhỏ, vừa đến lớn. Các vị tướng tá cũng lần lần xuất hiện, học tập, rèn luyện trong chiến đấu. Nay nếu giở lịch sử ra tra cứu sẽ thấy rất nhiều vị tướng tài, có tên tuổi đều xuất hiện như vậy.

Ở nước ta, qua nhiều thời kỳ, không phải chỉ có các vị võ tướng mới đánh giặc mà ngay nhiều cán bộ lãnh đạo chung cũng đánh giặc, có nhiều lần, nhiều vị thực tế đã làm việc ấy mà sử sách cũng đã ghi lại.

Chiến tranh nhân dân Việt Nam có những nội dung đặc biệt của nó.

Ta xét thời kỳ Lê Lợi, Nguyễn Trãi hay sau này thời kỳ Hồ Chí Minh thì phải thấy rằng những đặc điểm đó chưa có một tài liệu, văn kiện lịch sử nào viết rõ (hay hoặc đã có mà tôi chưa được đọc).

Thực tiễn hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cho thấy chiến tranh nhân dân ở Việt Nam không giống chiến tranh vệ quốc của Liên Xô và cũng không giống chiến tranh nhân dân của Trung Quốc.

Bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1971-1975. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Bộ đội Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1971-1975. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chiến tranh nhân dân Việt Nam là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện đánh địch ở cả ba vùng chiến lược, bằng ba mũi giáp công, bằng lực lượng ba thứ quân. ở Việt Nam, cách mạng luôn thể hiện tinh thần tiến công bằng mọi hình thức hợp pháp, bán hợp pháp và bất hợp pháp; tiến công từ nhỏ đến lớn, giành thắng lợi từng bước tiến lên, giành thắng lợi hoàn toàn. Ngay ở vùng địch tạm chiếm đóng, ta vẫn tiến công địch sử dụng các hình thức công khai hợp pháp để giành từng thắng lợi dù nhỏ cho cách mạng, kết hợp từng lúc một có những hoạt động vũ trang phá hoại kho tàng địch hay diệt ác, trừ gian trong lòng địch, làm địch rúng động, lo sợ, gây niềm tin trong đồng bào.

Để tạo thế tiến công cho cách mạng, vai trò của căn cứ địa được Đảng ta đặc biệt quan tâm.

Ngay từ đầu cuộc kháng chiến Nam Bộ trong Chỉ thị của Trung ương Đảng ngày 25 tháng 12 năm 1945, việc xây dựng căn cứ địa đã được đặt ra: "Phải chọn đóng ở những địa điểm chiến lược lợi hại: tiến có thể đánh, lùi có thể giữ... Kế hoạch tiến công cũng như kế hoạch rút lui phải hết sức chu đáo (phòng đủ mọi mặt: địa điểm, cán bộ, lương thực, thuốc men, quần áo, vũ khí, vật liệu, cơ kiện, v.v.)".

Sau đó, trong nhiều văn kiện và chỉ thị khác, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2 năm 1951) đã nêu rõ: Công tác xây dựng căn cứ địa là "một vấn đề chiến lược quan trọng ngang hàng với vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang, không thể tách rời vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang. Vì không xây dựng căn cứ địa tức là không tích cực bồi dưỡng nguồn nhân lực, vật lực cần thiết cho việc xây dựng và phát triển quân đội".

Hàng nghìn người dân tỉnh Kiến Phong míttinh và làm lễ thượng cờ chào mừng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Hàng nghìn người dân tỉnh Kiến Phong míttinh và làm lễ thượng cờ chào mừng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Chấp hành nghiêm chỉnh tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, ở chiến trường Nam Bộ, chiến khu Đ đã được hình thành, củng cố và phát triển qua các giai đoạn của cách mạng miền Nam.

Từ là căn cứ đầu tiên của tỉnh Biên Hòa được xây dựng vào tháng 2 năm 1946 sau hội nghị cán bộ quân sự ở Lạc An (thuộc huyện Tân Uyên) chiến khu Đ lần lần được mở rộng bao trùm toàn bộ vùng rừng ngang đường 16 trải dọc lưu vực hữu ngạn sông Đồng Nai đổ về thượng nguồn giáp giới sông Bé thành căn cứ địa không chỉ của tỉnh Biên Hòa mà cả của chiến khu 7 trong kháng chiến chống Pháp từ đầu năm 1947 đến cuối năm 1950.

Vừa sản xuất, vừa gây dựng cơ sở cách mạng trong các buôn sóc, trong đồng bào dân tộc, vừa bảo đảm nuôi dưỡng bảo vệ cán bộ và cơ quan lãnh đạo, vừa chiến đấu, chiến khu Đ đã làm tròn nhiệm vụ giữ vững và mở rộng địa bàn của mình trở thành nơi dưỡng quân, huấn luyện nâng cao chất lượng bộ đội và du kích, đáp ứng nhu cầu kháng chiến của miền Đông Nam Bộ lúc bấy giờ. Chính hai đơn vị mạnh: Liên trung đoàn 301-310 và tiểu đoàn chủ lực 303 đã hình thành và phát triển ở đây.

Nhà được lợp bằng lá trung quân trong khu di tích Chiến khu Đ. (Ảnh: Baobinhduong.vn)

Nhà được lợp bằng lá trung quân trong khu di tích Chiến khu Đ. (Ảnh: Baobinhduong.vn)

Đến tháng 5 năm 1951, chiến khu Đ đã trở thành một trong những căn cứ địa của hệ thống căn cứ địa của cả Nam Bộ gồm: chiến khu Đ, chiến khu Dương Minh Châu, chiến khu Đồng Tháp Mười và chiến khu U Minh.

Là một căn cứ chính của Nam Bộ, chiến khu Đ, ngoài các nhiệm vụ chính của mình như trước đây, từ tháng 1 năm 1952 còn được Trung ương Cục miền Nam giao cho nhiệm vụ tiếp nhận hàng hóa của Trung ương do liên khu V chuyển giao từ Bình Thuận vào chiến khu Đ để từ đó phân cho các đơn vị trên chiến trường. Tiểu đoàn 320 được thành lập làm nhiệm vụ nói trên đã giữ vững đường liên lạc giữa Nam Bộ với Trung ương, đưa đón các đoàn cán bộ qua lại trên tuyến đường này.

Suốt thời gian từ 1951 đến khi ký kết Hiệp định Giơnevơ, các đơn vị cơ quan ta tại chiến khu Đ, vượt qua muôn vàn khó khăn, nào thiên tai (đặc biệt là cơn bão lụt khốc liệt năm Nhâm Thìn 1952), nào địch họa do càn quét, đánh phá bằng bom đạn, phá hoại kinh tế, gài do thám chỉ điểm, biệt kích, v.v. đã giữ vững căn cứ địa cách mạng, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân cả nước đưa đến ký kết hiệp định Giơnevơ 1954.

Đến kháng chiến chống Mỹ, Trung ương Cục miền Nam được Trung ương giao nhiệm vụ lãnh đạo từ khu 5 trở vào, Trung ương Cục đã chọn chiến khu Đ làm căn cứ đặt cơ quan lãnh đạo của Trung ương Cục.

Chiến khu Đ, trước tình hình nhiệm vụ mới của cách mạng, đã mở rộng địa bàn, vượt ra khỏi phạm vi cũ trong kháng chiến chống Pháp, phát triển rộng về phía đông và đông bắc giáp với biên giới Campuchia và biên giới Đắc Lắc nam Tây Nguyên.

Chính nơi đây là một trong những nơi ra đời đầu tiên của các đơn vị vũ trang miền Đông và chủ lực miền. Đường hành lang từ Trung ương theo đường Trường Sơn xuống nam Tây Nguyên được nối thẳng với chiến khu Đ.

Bia khắc bức phù điêu 3 chiến sĩ du kích đánh trận Tháp canh cầu Bà Kiên nhắc nhở thế hệ sau về chiến công vang dội của du kích Chiến khu Đ. (Ảnh: Baobinhduong.vn)

Bia khắc bức phù điêu 3 chiến sĩ du kích đánh trận Tháp canh cầu Bà Kiên nhắc nhở thế hệ sau về chiến công vang dội của du kích Chiến khu Đ. (Ảnh: Baobinhduong.vn)

Sau này, do tình hình phát triển của cách mạng, Trung ương Cục và Quân ủy Miền không đóng ở chiến khu Đ nữa nhưng chiến khu vẫn là một căn cứ địa lớn của cách mạng miền Nam, đóng vai trò hậu phương tại chỗ của miền Đông, là bàn đạp để lực lượng ta tiến công vào các cơ quan đầu não, căn cứ quân sự, kho tàng, đường giao thông chiến lược của địch.

Chính chiến khu Đ là nơi tập kết triển khai các binh đoàn chủ lực trong trận quyết chiến chiến lược, giành thắng lợi hoàn toàn cho cách mạng nước ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tôi bị bắt, bị đế quốc Pháp đày ra Côn Đảo lần thứ hai, mãi khi Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, các đồng chí mới đem tàu thuyền ra chở về và lãnh đạo giao cho tôi làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, sau thêm cả Gia Định.

Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là một trong những trung tâm chính trị, quân sự lớn của đế quốc Pháp. Chúng đứng vững ở đó, cố dẹp tắt phong trào cách mạng rồi lần lần đánh nống ra các tỉnh chung quanh. Do đó, với tư cách là Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, tôi phải cùng với một số cán bộ (lúc đó chưa thành lập được Thành ủy) một mặt củng cố phát triển lực lượng cách mạng ở nội ngoại thành, lần lần thành lập các đơn vị vũ trang để kết hợp chặt chẽ với các chi đội (đang có khuynh hướng kéo về các tỉnh xa).

Tôi và một số đồng chí lãnh đạo phải đóng căn cứ ở chiến khu Đ, trong tay chúng tôi chỉ có một cây súng 6. Nhưng vì liên lạc chặt chẽ với các đồng chí Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tân An nên đứng vững được ở chung quanh thành, thành lập nhiều căn cứ cách mạng hòng đánh địch ở nông thôn ngoại thành mà còn đánh địch ở nội thành bằng những đội đặc công, biệt động. Có nhiều dịp phối hợp với các tỉnh chung quanh tấn công địch tới tấp thành một chiến dịch vừa rộng, vừa lớn, đã làm địch tổn thương rất nhiều sĩ quan ngay trong nội thành.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam, mùng 5 Tết Ất Mão (1975). (Nguồn: Baotanglichsu.vn)

Đồng chí Nguyễn Văn Linh tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam, mùng 5 Tết Ất Mão (1975). (Nguồn: Baotanglichsu.vn)

Một vấn đề quan trọng nữa là thành phố phải bàn với các tỉnh chung quanh lập căn cứ địa vừa để có đất dưỡng quân, vừa điều động các công nhân kỹ thuật lấy máy móc của địch trở ra lập các binh công xưởng để sửa vũ khí đã có bị hư, vừa nạp lại đạn đã dùng và có nơi công nhân còn có sáng kiến lập ra những cây súng tự tạo bắn ra cùng một lúc 3-4 quả lựu đạn xa đến hơn 100 thước.

Sau này với cương vị mới được giao là Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và Bí thư Trung ương Cục miền Nam, trong công tác lãnh đạo của mình, tôi rất quan tâm chăm sóc, chỉ đạo củng cố và xây dựng vững chắc căn cứ địa cách mạng ở miền Nam trong đó chiến khu Đ là một căn cứ rất quan trọng.

Trong các bài học của chiến tranh nhân dân Việt Nam, việc xây dựng và củng cố hậu phương, căn cứ địa cách mạng chiếm một vị trí rất lớn.

Chiến khu Đ, với quá trình xây dựng, phát triển và chiến đấu suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã lập được những chiến công vẻ vang, mãi mãi là niềm tự hào của đảng bộ, quân dân Việt Nam ta nói chung, đảng bộ, quân dân miền Nam nói riêng. 

Trong các bài học của chiến tranh nhân dân Việt Nam, việc xây dựng và củng cố hậu phương, căn cứ địa cách mạng chiếm một vị trí rất lớn.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh

Đồng chí Nguyễn Văn Linh

-----------------

Bài đăng trên Báo Nhân Dân, số 15272, ngày 18/4/1997.

Trình bày: Nhã Nam