CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ ĐIỆN BIÊN PHỦ

TRONG LỊCH SỬ VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA DÂN TỘC VIỆT NAM


Nhân dịp tiến tới kỷ niệm 50 năm trận Điện Biên Phủ, chiến thắng này đã được nhìn lại dưới nhiều góc độ và trên những lĩnh vực khác nhau, từ góc nhìn đương đại, trong mối quan hệ giữa các nước tham chiến trong thời gian của cuộc kháng chiến, góc nhìn "hậu Điện Biên Phủ", trong những tác động, hệ quả và ký ức của 50 năm sau về các phương diện quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa,... tôi muốn bổ sung thêm một góc nhìn lịch sử cận đại của lịch sử Việt Nam.

Một đặc điểm nổi bật của lịch sử Việt Nam mà các nhà sử học dễ nhận thấy là, trong tiến trình lịch sử, kể từ khi hình thành nhà nước đầu tiên, dân tộc ta đã phải chống ngoại xâm rất nhiều lần.

Không kể những cuộc chiến đấu mang tính huyền thoại thời Hùng Vương, từ cuộc kháng chiến chống Tần vào cuối thế kỷ III Tr.CN cho đến kháng chiến chống Pháp kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ thế kỷ XX, Việt Nam đã phải tiến hành 14 cuộc kháng chiến giữ nước. Trên đây là chưa tính đến những cuộc xung đột với các vương quốc láng giềng phía nam mà tính chất xâm lược và chống xâm lược cần phải xem xét cụ thể trong những trường hợp cụ thể. Trong số 14 cuộc kháng chiến trên, chỉ có ba lần thất bại, dẫn đến ba thời gian bị nước ngoài đô hộ là: thời kỳ đô hộ Trung Quốc (179 Tr.CN-905) kéo dài hơn nghìn năm; thời đô hộ Minh (1407-1427) kéo dài 20 năm; thời đô hộ Pháp (1884-1945) kéo dài hơn 60 năm.

Trong thời gian mất nước, nhân dân Việt Nam đã nhiều lần vùng lên khởi nghĩa giành lại độc lập dân tộc. Số lượng các cuộc khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng dân tộc không thể thống kê chính xác vì tư liệu về thời kỳ đô hộ Trung Quốc quá khiếm khuyết. Riêng trong 20 năm đô hộ Minh đầu thế kỷ XV, theo sử triều Minh, số lượng các cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ đã lên đến trên 60 cuộc.

Tính từ kháng chiến chống Tần cuối thế kỷ III Tr.CN đến kháng chiến chống Pháp thế kỷ XX, trong hơn 22 thế kỷ, thời gian chống ngoại xâm và đô hộ nước ngoài đã lên đến trên 12 thế kỷ, chiếm quá nửa thời gian lịch sử. Thật hiếm thấy một dân tộc nào trong lịch sử tồn tại và phát triển của mình lại phải chống ngoại xâm nhiều đến như thế, tính số lần và thời gian chống ngoại xâm. Nhưng từ đó nghĩ rằng Việt Nam là chiến tranh, là nước hiếu chiến thì quá xa lạ với thực tế lịch sử và ước vọng của nhân dân Việt Nam. Đặc điểm này xuất phát từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam.

Việt Nam ở vào vị trí đầu mối giao thông tự nhiên nối liền với đại lục qua hệ thống sông Hồng, sông cửu Long và có bờ biển dài nhìn ra đại dương, giao tiếp với các nước hải đảo Đông Nam Á. Vì vậy, từ thời xa xưa cho đến thời hiện đại, bất cứ một thế lực chính trị-quân sự nào có ý đồ bành trướng xuống Đông Nam Á đều muốn tìm cách thôn tính Việt Nam để thiết lập một đầu cầu chiến lược cho kế hoạch bành trướng của mình. Chúng ta có thể thấy rõ tính toán đó trong ý đồ bành trướng xuống Đông Nam Á của đế chế Nguyên thế kỷ XIII, đế chế Minh thế kỷ XV, thực dân Pháp thế kỷ XIX, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ thế kỷ XX. Hơn nữa, từ khi đế chế Tần thành lập, Việt Nam lại tồn tại bên cạnh một đế chế phong kiến Trung Quốc lớn mạnh từ Tần (221-206 Tr.CN) đến Thanh (1644-1911) mà Việt Nam là một đối tượng cần chinh phục trên hướng bành trướng xuống Đông Nam Á.

Trong lịch sử chống ngoại xâm, chỉ có một ít trường hợp nước xâm lược là một quốc gia bình thường, đất đai, dân số, tiềm lực các mặt không hơn kém Việt Nam bao nhiêu như trường hợp nước Nam Việt thế kỷ III, II Tr.CN, nước Nam Hán thế kỷ X, nước Xiêm thế kỷ XVIII. Ngoại trừ những trường hợp trên, Việt Nam phải đương đầu với nhiều đế chế lớn mạnh bậc nhất ở phương Đông thời cổ đại - trung đại như các đế chế Tần (221-206 Tr.CN), Hán (206-220), Tùy (581-618), Đường (618-907), Tống (960-1279), Mông Cổ, Nguyên (1271-1368), Minh (1368-1644), Thanh (1644-1911) và những cường quốc đế quốc chủ nghĩa trên thế giới thời cận đại-hiện đại như đế quốc Pháp, phát-xít Nhật, đế quốc Mỹ. Những cường quốc này lại ở đỉnh cao của văn minh công nghiệp, hơn hẳn Việt Nam về trình độ kinh tế, khoa học, kỹ thuật.

Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. (Ảnh: TTXVN)

Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo. (Ảnh: TTXVN)

Cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của Việt Nam, vì thế, diễn ra hết sức ác liệt trong tương quan lực lượng rất chênh lệch, nhất là trong giai đoạn đầu của chiến tranh. Trong điều kiện như vậy, nếu chỉ dựa vào quân đội thường trực của nhà nước, dựa vào thành lũy và phòng tuyến quân sự thì không có khả năng chiến thắng quân xâm lược. Thất bại của An Dương Vương trong kháng chiến chống Nam Việt, của triều Hồ trong kháng chiến chống Minh và của triều Nguyễn trong kháng chiến chống Pháp đã chứng tỏ điều đó. Con đường duy nhất để giành chiến thắng của dân tộc Việt Nam là biết huy động sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân, sức mạnh trí tuệ và vật chất của cả dân tộc, kết hợp sức mạnh của chính quyền, quân đội thường trực với sức mạnh của cả nước đánh giặc, toàn dân đánh giặc. Những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thắng lợi trong lịch sử Việt Nam đều là những cuộc chiến tranh yêu nước mang tính nhân dân sâu rộng.

Kháng chiến chống ngoại xâm là thách thức có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của cả dân tộc. Lịch sử chống ngoại xâm, với những đặc điểm trên, đã tác động sâu sắc đến toàn bộ tiến trình lịch sử và đời sống văn hóa, xã hội của cộng đồng cư dân Việt Nam. Nhiều bản sắc và giá trị của văn hóa Việt Nam được tôi luyện và phát huy cao độ trong cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc, mà biểu thị tập trung nhất là tinh thần yêu nước, ý chí tự lập, tự cường, truyền thống đoàn kết dân tộc và tư tưởng, nghệ thuật quân sự sáng tạo của Việt Nam.

Kháng chiến chống ngoại xâm là thách thức có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của cả dân tộc. Lịch sử chống ngoại xâm, với những đặc điểm trên, đã tác động sâu sắc đến toàn bộ tiến trình lịch sử và đời sống văn hóa, xã hội của cộng đồng cư dân Việt Nam. Nhiều bản sắc và giá trị của văn hóa Việt Nam được tôi luyện và phát huy cao độ trong cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc, mà biểu thị tập trung nhất là tinh thần yêu nước, ý chí tự lập, tự cường, truyền thống đoàn kết dân tộc và tư tưởng, nghệ thuật quân sự sáng tạo của Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia nhiều tộc người, hiện nay có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh là dân tộc đa số chiếm 86,20% dân số, còn lại 53 dân tộc thiểu số chiếm 13,80% dân số (theo tổng điều tra dân số năm 1999). Văn hóa Việt Nam mang tính đa dạng trong cấu trúc tộc người và cả trong sự khác biệt của các vùng địa - văn hóa. Tuy nhiên, do yêu cầu liên kết cộng đồng trong khai hoang, xây dựng các công trình thủy lợi của nền nông nghiệp lúa nước và trong chống ngoại xâm, quá trình thống nhất quốc gia diễn ra khá sớm, tạo lập nên sự thống nhất trong tính đa dạng của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Trước mối đe dọa của nạn ngoại xâm, dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết lại trong cuộc chiến đấu vì lợi ích chung và cao nhất là độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.

Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ
Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tất nhiên, truyền thống và sức mạnh đoàn kết dân tộc đó được phát huy đến đâu còn tùy thuộc vào khả năng tổ chức và lãnh đạo của nhà nước đương thời. Cũng là đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, nhưng cuối thế kỷ XVIII, với sự cổ vũ của phong trào Tây Sơn và dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ, dân tộc ta đã đánh bại quân xâm lược Xiêm ở phía nam, quân xâm lược Thanh ở phía bắc, nhưng đến nửa sau thế kỷ XIX lại thất bại trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược do triều Nguyễn lãnh đạo. Và hơn nửa thế kỷ sau, cũng đất nước, con người và văn hóa đó, lại vùng lên giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, rồi tiếp theo là thắng lợi của hai cuộc kháng chiến kéo dài 30 năm (1945-1975) giành lại độc lập và thống nhất Tổ quốc.

Các đơn vị bộ binh cơ giới đang khẩn trương đưa bộ đội vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Các đơn vị bộ binh cơ giới đang khẩn trương đưa bộ đội vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Đoàn dân công xe thồ phục vụ tiền tuyến. (Ảnh: TTXVN)

Các đơn vị xung kích đang tiến vào khu trung tâm. (Ảnh: TTXVN)

Các đơn vị xung kích đang tiến vào khu trung tâm. (Ảnh: TTXVN)

Tư tưởng và nghệ thuật quân sự Việt Nam là một bộ phận tạo thành của văn hóa Việt Nam, kết tinh nhiều giá trị sáng tạo của trí tuệ và đạo lý Việt Nam. Tuy các nhà quân sự Việt Nam có nghiên cứu và tiếp thu những kinh nghiệm của một số nước ngoài - cả xưa và nay - nhưng chủ yếu tư tưởng và nghệ thuật quân sự Việt Nam là xuất phát từ đặc điểm và thực tiễn của lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và nó trước hết là sản phẩm của trí tuệ Việt Nam, là kết quả tổng kết từ kinh nghiệm đánh giặc phong phú của dân tộc Việt Nam. Bí quyết cơ bản của tư tưởng quân sự Việt Nam là trong điều kiện một nước nhỏ chống lại sự xâm lược của nước lớn mạnh, làm sao để tránh được thế mạnh ban đầu của đối phương, từng bước thay đổi tương quan lực lượng rồi tạo ra sức mạnh và thời cơ để giành thắng lợi quyết định. Đó là tư tưởng "dĩ đoản binh chế trường trận" mà Trần Quốc Tuấn đã khái quát và “lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh" mà Nguyễn Trãi đã đúc kết. Nguồn gốc sâu xa tạo nên sức mạnh chiến thắng đó theo cách nói của Trần Quốc Tuấn, là "vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức", là "chúng chí thành thành" (ý chí của dân chúng là bức thành giữ nước) và do đó, "thượng sách giữ nước" là "khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc", hay theo Nguyễn Trãi, là "việc nhân nghĩa cốt ở yên dân", "lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn". Đó thực chất là tư tưởng huy động sức mạnh của cả nước đánh giặc, là thực hành chiến tranh nhân dân yêu nước chống ngoại xâm.

Vâng lệnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ, các đơn vị bộ đội ta băng rừng, lội suối tiến vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Vâng lệnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ, các đơn vị bộ đội ta băng rừng, lội suối tiến vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Tư tưởng và nghệ thuật quân sự Việt Nam còn bao gồm cả cách khởi đầu và kết thúc chiến tranh. Là nạn nhân của quân xâm lược, Việt Nam không có toàn quyền lựa chọn chiến tranh hay hòa bình mà cố gắng hết sức mình để tránh hay trì hoãn chiến tranh và khi chiến tranh đã bùng nổ thì kiên quyết vượt qua mọi hy sinh, gian khổ để giành thắng lợi. Một cách kết thúc chiến tranh lặp lại nhiều lần như một quy luật trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam là trên cơ sở thắng lợi quân sự có ý nghĩa quyết định trên chiến trường, Việt Nam tìm cách kết thúc chiến tranh bằng những giải pháp chính trị - ngoại giao để mở ra lối thoát cho nước xâm lược, vốn là cường quốc và nhanh chóng nối lại quan hệ hòa hiếu với nước đó. Đấy vừa là sách lược ngoại giao mềm mỏng, vừa biểu thị khát vọng hòa bình và lòng nhân ái Việt Nam.

Cuộc kháng chiến 1945-1954 kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ, bắt đầu trong một bối cảnh và tương quan lực lượng hết sức khó khăn về phía Việt Nam. Tận dụng một thời cơ có lợi sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã vùng lên giành lại chính quyền trên phạm vi cả nước trong vòng hai tuần lễ và hầu như không đổ máu.

Có thể so sánh Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với cuộc nổi dậy giành chính quyền của Khúc Thừa Dụ năm 905 khi đế chế Đường suy sụp và chính quyền đô hộ ở An Nam tan rã. Cuộc nổi dậy hầu như không gặp sức kháng cự nào và giành thắng lợi nhanh, gọn, không đổ máu. Nhưng sau đó, việc bảo vệ chính quyền tự chủ tiến lên độc lập phải trải qua hai cuộc kháng chiến chống lại quân xâm lược Nam Hán vào năm 930-931 và 938.

Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới thiết lập, còn rất non trẻ, đã phải đương đầu với cuộc xâm lược của thực dân Pháp, khởi đầu ở Sài Gòn từ ngày 23-9-1945 và bùng nổ trên quy mô cả nước từ ngày 19-12-1946. Chính phủ Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm kiếm mọi khả năng để tránh, hay ít nhất để trì hoãn chiến tranh. Điều đó thể hiện rõ trong các hoạt động ngoại giao và được ghi nhận trong Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946, Tạm ước ngày 14-9-1946 với nhiều nhượng bộ như tự coi mình là một "quốc gia tự do" trong Liên bang Đông Dương và khối Liên hiệp Pháp1. Nhưng khi mọi giải pháp chính trị-ngoại giao đã không cứu vãn được hòa bình và chiến tranh đã bùng nổ thì nhân dân Việt Nam chấp nhận cuộc chiến đấu vì độc lập và thống nhất Tổ quốc với tất cả thách thức ác liệt của nó.

Các đơn vị bộ binh cơ giới đang chuẩn bị xuất phát đưa quân vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Các đơn vị bộ binh cơ giới đang chuẩn bị xuất phát đưa quân vào Điện Biên Phủ. (Ảnh: TTXVN)

Với quyết tâm "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"2 toàn thể nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ trương kháng chiến lâu dài, kháng chiến toàn dân, toàn diện đã được các tầng lớp nhân dân tự nguyện thực hiện với những hình thức phong phú, đa dạng, từ gia nhập quân đội và các lực lượng vũ trang nhân dân, đến trực tiếp tham gia chiến đấu bằng mọi phương tiện, vũ khí thô sơ có sẵn trong tay, đi dân công tiếp tế lương thực, vận chuyển vũ khí, xây dựng hậu phương, giữ gìn an ninh... Kháng chiến 1945-1954 là một cuộc chiến tranh nhân dân đạt đến trình độ cao, biểu thị bước kế thừa và phát triển lên trình độ mới của tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, truyền thống đoàn kết toàn dân của dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở phát huy tính thống nhất của văn hóa Việt Nam và tinh thần đoàn kết vì lợi ích chung của dân tộc, những âm mưu chia để trị, việc thành lập "Chính phủ Nam Kỳ tự trị" đều bị bóc trần và thất bại. Nhân dân cả nước không phân biệt thành phần xã hội, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, đều đoàn kết chiến đấu vì mục tiêu độc lập, tự do của đất nước.

Lực lượng vũ trang với ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích, phát triển từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh. Nghệ thuật quân sự cũng phát triển từ đánh du kích, đánh nhỏ, đánh tiêu hao tiến lên đánh chính quy với những chiến dịch lớn. Tất cả những kinh nghiệm chống ngoại xâm của tổ tiên, kết hợp với tư tưởng quân sự tiên tiến của thời đại, dẫn đến sự hình thành tư tưởng quân sự hiện đại của Việt Nam. Chiến thắng Việt Bắc Thu Đông năm 1947 đã đập tan cuộc hành quân lớn lên Chiến khu Việt Bắc của quân Pháp, làm phá sản chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của đối phương. Chiến thắng Biên giới năm 1950 đẩy đối phương vào thế phòng thủ và bị động về chiến lược. Cuối cùng, cuộc kháng chiến kết thúc bằng cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 trên khắp chiến trường mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ từ ngày 13-3 đến ngày 7-5-1954.

Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo.

Hò dô ta nào! Kéo pháo ta vượt qua đèo.

Trận Điện Biên Phủ là trận đánh công kiên nhằm tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân Pháp, được đánh giá là "pháo đài khổng lồ bất khả công phá". Đây là một chiến dịch đánh công kiên có quy mô trận địa rất lớn, gồm một loạt trận đánh tiếp diễn trong 55 ngày, quân đội Việt Nam tập trung ưu thế binh lực tiêu diệt từng bộ phận tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm.

Trận Điện Biên Phủ giữ vai trò trận quyết chiến chiến lược của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong lịch sử Việt Nam, mỗi trận quyết chiến đều mang những đặc điểm riêng, do tương quan lực lượng và hình thái chiến tranh quy định. Trận Bạch Đằng năm 938 đánh đoàn chiến thuyền quân Nam Hán từ biển vào. Trận Bạch Đằng năm 1288 lại đánh đoàn chiến thuyền quân Nguyên trên đường rút chạy về nước. Trận Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785 chặn đánh quân Xiêm trên đường vận động. Đó là những trận thủy chiến nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Trận Như Nguyệt năm 1077 đánh vào doanh trại dã chiến của quân Tống ở bờ bắc phòng tuyến sông cầu. Trận Chi Lăng - Xương Giang năm 1427 đánh vào đoàn quân tiếp viện của nhà Minh trên đường tiến sang Đông Quan. Trận Ngọc Hồi - Đống Đa năm 1789 đánh thẳng vào hệ thống phòng thủ của quân Thanh ở phía nam và phía tây - nam thành Thăng Long, là trận đánh công kiên rất nhanh và gọn. Trận quyết chiến chiến lược có thể đánh quân địch trên đường hành quân, đánh vào doanh trại phòng ngự của đối phương, có thể diễn ra trên sông nước hay trên bộ... nhưng đều mang tính chất chung là lúc quân, dân Việt Nam tập trung binh lực giành thắng lợi quyết định trên chiến trường để kết thúc chiến tranh.

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa.

Bộ đội cùng đồng bào các dân tộc Tây Bắc xẻ núi, làm đường vào trận địa.

Trận Điện Biên Phủ là trận đánh công kiên nhằm tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất của quân Pháp, được đánh giá là "pháo đài khổng lồ bất khả công phá". Đây là một chiến dịch đánh công kiên có quy mô trận địa rất lớn, gồm một loạt trận đánh tiếp diễn trong 55 ngày, quân đội Việt Nam tập trung ưu thế binh lực tiêu diệt từng bộ phận tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm.

Quy luật kết thúc kháng chiến chống ngoại xâm trong lịch sử Việt Nam lại được chứng thực qua trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ và giải pháp ngoại giao tại Hội nghị Giơnevơ.

Các chiến sĩ pháo binh của ta đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn gian khổ với hai bàn tay đã kéo những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vào chiếm lĩnh trận địa, góp phần xứng đáng vào chiến thắng của chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Các chiến sĩ pháo binh của ta đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn gian khổ với hai bàn tay đã kéo những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vào chiếm lĩnh trận địa, góp phần xứng đáng vào chiến thắng của chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

Những cuộc kháng chiến chống Tống thế kỷ XI, chống Mông - Nguyên thế kỷ XIII, khởi nghĩa Lam Sơn thế kỷ XV, kháng chiến chống Thanh cuối thế kỷ XVIII đều kết thúc bằng những giải pháp ngoại giao mềm mỏng sau khi đã giành được thắng lợi quyết định trên chiến trường.

Kháng chiến chống thực dân Pháp và trận Điện Biên Phủ là một bước kế thừa và phát triển tất cả những truyền thống chống ngoại xâm cùng với di sản tư tưởng và nghệ thuật quân sự cũng như bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Nhưng nếu trước đây, thời ông cha ta đánh giặc, việc "đánh và đàm" chỉ diễn ra giữa hai nước đối địch, thì lần này nó đã có một sự khác biệt căn bản, đó là, trong bối cảnh thế giới sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, nhất là sau Chiến thắng Biên giới năm 1950, đã không còn chỉ giới hạn trong quan hệ giữa hai nước tham chiến Việt Nam và Pháp, mà còn nằm trong những mối quan hệ cực kỳ phức tạp giữa các nước Lớn trên trường quốc tế. Vì vậy, Hội nghị Giơnevơ là một hội nghị quốc tế diễn ra trong điều kiện thế giới đã chuyển sang "thời kỳ chiến tranh lạnh" và kết quả được ghi nhận trong Hiệp định Giơnevơ. Nó vừa phản ánh thắng lợi của Việt Nam trên chiến trường, vừa là sự thỏa hiệp của các nước tham dự hội nghị, trước hết là giữa các nước lớn, kể cả những nước đồng minh của Việt Nam.

Các chiến sĩ xung kích của ta đang cắt các hàng rào dây thép gai mở đầu cho cuộc tiến công vào các vị trí địch ở khu đồi C. (Ảnh: TTXVN)

Các chiến sĩ xung kích của ta đang cắt các hàng rào dây thép gai mở đầu cho cuộc tiến công vào các vị trí địch ở khu đồi C. (Ảnh: TTXVN)

Kháng chiến chống thực dân Pháp và trận Điện Biên Phủ là một bước kế thừa và phát triển tất cả những truyền thống chống ngoại xâm cùng với di sản tư tưởng và nghệ thuật quân sự cũng như bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tất nhiên, trong bối cảnh mới của đất nước và của thế giới, cuộc kháng chiến chống ngoại xâm này mang những đặc điểm mới và biểu thị nhiều sáng tạo, nhiều biến đổi lớn về phương diện tổ chức và lãnh đạo chiến tranh cũng như về phương diện diễn tiến của chiến tranh. Thành công lớn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là nguyên nhân sâu xa của chiến thắng, là đã biết kế thừa và phát huy những di sản lịch sử - văn hóa của dân tộc kết hợp với những tư tưởng tiên tiến của thời đại, không những phát huy mọi tiềm lực trong nước mà còn tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Pháp.

1. Philippe Devillers: Paris - Saigon - Hanoi (Les archives de la guerre 1944 -1947), Paris, 1998.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 480.
3. Xem Võ Nguyên Giáp: Mấy vấn đề đường lối quân sự của Đảng ta, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1970.
4. Xem Võ Nguyên Giáp: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử, Sđd.

 

GS. PHAN HUY LÊ - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

Trích từ sách "50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Điện Biên Phủ: Hợp tuyển công trình khoa học", NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, 2005. Trước đó, bài đã được đăng trong sách: Chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử, chân lý thời đại, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.

 
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN