
Ảnh bìa: Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Hoàng thân Xuphanuvông bàn kế hoạch phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào, năm 1953. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Từ ngày 13/4 đến ngày 3/5/1953, Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với lực lượng Pa-thet Lào mở chiến dịch tiến công tiêu diệt một bộ phận sinh lực quân đội Pháp, giải phóng đất đai, mở rộng căn cứ kháng chiến của nhân dân Lào trên địa bàn hai tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng (Thượng Lào). Lần đầu tiên sự phối hợp chiến đấu giữa quân đội hai nước trong một chiến dịch lớn đã giành thắng lợi vẻ vang, góp phần tạo nên biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Thượng Lào là một địa bàn chiến lược quan trọng, được xem là hậu phương an toàn của thực dân Pháp. Tại Sầm Nưa, quân Pháp xây dựng tập đoàn cứ điểm nhỏ, gồm 11 vị trí, có sân bay dã chiến Nà Thông, bãi nhảy dù Nà Viêng và lực lượng lên tới 3 tiểu đoàn. Tại Xiêng Khoảng, Pháp cũng tăng thêm 1 tiểu đoàn ngụy Lào để tăng cường phòng ngự.
Bản đồ Chiến dịch Thượng Lào. (Nguồn: Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, quyển 1 - Lịch sử quân sự, của Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015 (bản điện tử))
Bản đồ Chiến dịch Thượng Lào. (Nguồn: Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, quyển 1 - Lịch sử quân sự, của Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015 (bản điện tử))
Sau thắng lợi trên chiến trường Tây Bắc năm 1952, vùng giải phóng của cách mạng Việt Nam được mở rộng tới sát Thượng Lào, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng hai nước đẩy mạnh phối hợp tiến công địch. Từ đây, hai nước dễ dàng chi viện sức người, sức của cho nhau; những căn cứ du kích vùng Thượng Lào có được thế dựa vững chắc vào cả một vùng giải phóng rộng lớn Việt Nam. Tây Bắc được giải phóng, tạo thế uy hiếp mới đối với quân Pháp ở vùng Thượng Lào, trở thành một bàn đạp vững chắc và trực tiếp để Quân đội nhân dân Việt Nam tiến sang phối hợp chiến đấu với quân giải phóng Lào.
Đầu năm 1953, trên cơ sở phân tích hai chiến trường Lai Châu và Thượng Lào, Tổng Quân ủy nhận định: “Thượng Lào có ý nghĩa lớn về chiến lược, vừa phù hợp với trình độ tác chiến của ta, vừa làm mất chỗ dựa phía sau Nà Sản và vừa mở được căn cứ cho Bạn đứng chân, tạo nên một thế trận mới liên minh chiến đấu giữa hai nước Lào - Việt”.[1] Tranh thủ thời gian còn lại của mùa khô, Tổng Quân ủy đề nghị phối hợp cùng quân giải phóng Lào mở Chiến dịch Thượng Lào để tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng đất đai, xây dựng căn cứ đứng chân cho Bạn, buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng đối phó.
Quân tình nguyện Việt Nam trên đường đi Chiến dịch Thượng Lào. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Quân tình nguyện Việt Nam trên đường đi Chiến dịch Thượng Lào. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Do tính chất và ý nghĩa quan trọng của chiến dịch, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quân đội hai nước thống nhất quyết tâm huy động một lực lượng lớn, gồm Đại đoàn 308 (3 trung đoàn), Đại đoàn 312 (2 trung đoàn), Đại đoàn 316 (1 trung đoàn), Đại đoàn 304 (3 trung đoàn), Trung đoàn 148 cùng các đơn vị binh chủng, các đoàn Quân tình nguyện Việt Nam đang hoạt động tại Thượng Lào. Lực lượng vũ trang cách mạng Lào có 5 đại đội và hàng nghìn quân du kích các tỉnh trong địa bàn chiến dịch. Bộ Chỉ huy chiến dịch gồm: Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng, đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Chủ nhiệm Chính trị, Hoàng Văn Thái - Tham mưu trưởng. Về phía Lào có Hoàng thân Xuphanuvông - Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào và đồng chí Cayxỏn Phômvihản - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tham gia chỉ đạo chiến dịch.
Theo kế hoạch đã định, ngày 9/4/1953, các đơn vị chủ lực Việt Nam tiến sang Lào theo ba hướng: hướng chủ yếu bao gồm các đại đoàn 308, 312, 316 theo Đường số 6 sang Sầm Nưa, đồng chí Võ Nguyên Giáp - Tổng Tư lệnh và Hoàng thân Xuphanuvông - Thủ tướng Chính phủ kháng chiến Lào cùng hành quân với các đơn vị trên hướng này. Hướng thứ hai gồm Đại đoàn 304 từ Nghệ An theo Đường 7 lên Xiêng Khoảng chặn đường rút lui của địch từ Sầm Nưa xuống. Hướng thứ ba: Trung đoàn 148 từ Điện Biên Phủ tiến xuống phía bắc Sầm Nưa, uy hiếp Luông Pha Băng.
Bộ đội chuẩn bị bộc phá cho trận đánh trong Chiến dịch Thượng Lào.(Nguồn: Baotanglichsu.vn)
Bộ đội chuẩn bị bộc phá cho trận đánh trong Chiến dịch Thượng Lào. (Nguồn: Baotanglichsu.vn)
Phát hiện các đơn vị chủ lực của ta từ nhiều ngả tiến về Thượng Lào, Chỉ huy phân khu Sầm Nưa - Trung tá Man-pơ-lát hốt hoảng: “chủ lực đối phương đang tiến về ào ạt…”[2]. Còn tướng Xa-lăng - Tư lệnh quân Pháp ở Đông Dương nhận thấy, nếu để 3 tiểu đoàn cố thủ Sầm Nưa bằng mọi giá trước ưu thế áp đảo bộ đội Việt Minh chẳng khác nào “lấy trứng chọi đá”. Để tránh bị tiêu diệt, ngay trong đêm 12/4, Xa-lăng ra lệnh cho quân ở Sầm Nưa rút về phía Nam. Tình huống chiến dịch đã thay đổi. Ta dự kiến đánh địch trong công sự vững chắc, nhưng địch lại rút chạy trước khi ta đến.
Trưa ngày 13/4, nhận được tin địch rút khỏi Sầm Nưa, Bộ chỉ huy chiến dịch hạ quyết tâm “truy kích địch đến cùng, tiêu diệt toàn bộ quân địch rút lui”; chỉ thị cho các đơn vị, các bộ phận tập trung mọi lực lượng động viên, tạo điều kiện cho bộ đội, giải quyết khó khăn nhằm tiêu diệt cho kỳ được sinh lực địch để đánh dấu cuộc tấn công đầu tiên của chủ lực Việt Nam sang Thượng Lào[3], không cho địch chạy thoát về Cánh Đồng Chum.
Khoảng 10 giờ ngày 13/4, khi bộ phận cuối cùng của địch rút khỏi Sầm Nưa, các đơn vị đi đầu của ta còn cách Sầm Nưa từ 5 đến 10km, nhưng với tinh thần “vượt lên thực nhanh, bám sát và chia cắt địch, chặn đường rút lui của chúng, tiêu diệt cho giòn, cho gọn”[4], một số đơn vị nhanh chóng tổ chức thành các bộ phận gọn nhẹ tiến hành đuổi bám, truy kích địch.
Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trong Chiến dịch Thượng Lào. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu trong Chiến dịch Thượng Lào. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Tiểu đoàn 888 Trung đoàn 176 Đại đoàn 316; Tiểu đoàn 23 Trung đoàn 88 Đại đoàn 308; Tiểu đoàn 79 Trung đoàn 209 Đại đoàn 312 và 2 đại đội trực thuộc Trung đoàn 165 Đại đoàn 312 là những đơn vị dẫn đầu trong đội hình truy kích địch. Đêm 13/4, Tiểu đoàn 888 đuổi kịp và tổ chức trận đánh tiêu diệt bộ phận cuối của địch ở Mường Hàm, bắt toàn bộ lực lượng cầm đầu ngụy quyền tỉnh Sầm Nưa và hơn 40 lính dõng[5]. Cùng thời điểm, Trung đoàn 98 cũng vận động tới nơi, lập tức lần theo dấu vết rút chạy của địch để truy đuổi. Đến 9 giờ ngày 14/4, bộ phận đi đầu của Trung đoàn phát hiện địch đang ở chân dốc trước bản Nà Noọng. Ngay lập tức, đơn vị hình thành ba bộ phận vừa chặn đầu, vừa đánh thẳng vào đội hình địch, loại khỏi vòng chiến đấu gần 300 tên. Trên hướng Trung đoàn 102 và 209, 4 giờ sáng ngày 17/4, các đơn vị cũng đuổi kịp địch ở Hứa Mường và nhanh chóng tổ chức tiến công tiêu diệt khoảng một đại đội địch, trong đó có 40 lính Âu-Phi; số tàn binh còn lại khoảng 200 tên do Trung tá Man-pơ-lát chỉ huy chạy theo ba hướng Xốp Ó, Xốp Khoa, Bản Ban về Cánh Đồng Chum.
Trong khi đó, trên hướng thứ yếu, được tin Đại đoàn 304 tiến sát biên giới, ngày 15/4, địch tổ chức rút khỏi Noọng Hét và Bản Ban. Các Trung đoàn 66, Trung đoàn 9 Đại đoàn 304 nhanh chóng ổn định địa bàn. Sau đó, một bộ phận của Trung đoàn 9 tiến về Sầm Nưa phối hợp với hướng chủ yếu, bộ phận còn lại tiến vào Khăng Khay. Ngày 18/4, Trung đoàn 57 Đại đoàn 304 áp sát thị xã Xiêng Khoảng. Địch ở đây hoảng sợ, vội rút về Cánh Đồng Chum cố thủ.
Liên hoan mừng chiến thắng giữa quân dân Việt-Lào sau Chiến thắng Thượng Lào. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam)
Liên hoan mừng chiến thắng giữa quân dân Việt-Lào sau Chiến thắng Thượng Lào. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam)
Phối hợp với Quân đội nhân dân Việt Nam, nhân dân các bộ tộc Lào thuộc các tỉnh Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Luông Pha Băng… đã huy động hàng nghìn dân công, hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm. Ngoài ra, nhân dân còn làm công tác dẫn đường, giữ bí mật, tiếp tế và cùng bộ đội lùng bắt tàn binh địch. Tại Sầm Nưa, nơi bị địch bóc lột, kìm kẹp, cuộc sống rất nghèo khổ, nhưng đồng bào đã đóng góp 220 tấn gạo và 3.000 dân công cho bộ đội Việt Nam[6]… thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia giữa hai dân tộc Việt Nam và Lào.
Tiếp tục tiến công tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng cho Bạn, Bộ Chỉ huy Chiến dịch quyết định tiến công vào khu vực sông Nậm Hu. Sau khi các vị trí Mường Ngòi (21/4), Pắc Sàng (26/4), Nậm Bạc (27/4) bị tiêu diệt, Luông Pha Băng bị uy hiếp trực tiếp, Bộ Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương lệnh cho Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Bắc Bộ đưa lực lượng từ Bắc Việt Nam sang Lào, gấp rút xây dựng phòng tuyển bảo vệ Luông Pha Băng và Cánh Đồng Chum. Ngày 3/5/1953, Chiến dịch kết thúc. Bộ Chỉ huy quyết định phân tán một bộ phận lực lượng, kết hợp cùng với bộ đội Lào truy quét tàn binh, xây dựng cơ sở, còn đại bộ phận rút quân về nước.
Kết quả, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 2.800 tên, chiếm 1/5 tổng số lực lượng địch ở Lào. Trong đó, diệt 500, bắt 1.800, làm tan rã 500 tên (bao gồm hầu hết bộ máy ngụy quyền tỉnh Sầm Nưa). Đánh tan 3 tiểu đoàn và 3 đại đội ở Sầm Nưa, 8 đại đội hướng sông Nậm Hu và hàng trăm địch ở Mặt trận Đường số 7, Xiêng Khoảng. Tiêu diệt 5 vị trí: Mường Ngòi, Nậm Bạc, Mường Kho, Pắc Sàng, Noọng Hét. Bức rút 25 vị trí: Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Mường Sôi, Khang Khay, Mường Ngát, Mường Mô, Bản Sẻ, Mường Sung… Giải phóng trên khoảng 4.000km2, gồm toàn bộ tỉnh Sầm Nưa, một phần tỉnh xiêng Khoảng và Phông Xa Lỳ với một phần năm diện tích Bắc Lào và hàng chục vạn dân[7], giành thắng lợi vượt mức dự kiến.
Liên quân Việt-Lào tiến vào giải phóng Sầm Nưa. (Nguồn: Baotanglichsu.vn)
Liên quân Việt-Lào tiến vào giải phóng Sầm Nưa. (Nguồn: Baotanglichsu.vn)
Tại Hội nghị tổng kết chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định, có được thắng lợi đó là nhờ “sự chỉ đạo chính xác của Trung ương Đảng, Chính phủ và của Chủ tịch Hồ Chí Minh… tinh thần đấu tranh bền bỉ và anh dũng của nhân dân và quân đội giải phóng nhân dân Lào dưới sự lãnh đạo của Chính phủ kháng chiến Lào… sự chỉ đạo cương quyết của Tổng Quân ủy… tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn và anh dũng chiến đấu của bộ đội chủ lực và bộ đội tình nguyện Việt Nam tại Lào… tinh thần hy sinh tận tụy và tích cực phục vụ tiền tuyến của anh chị em dân công và nhân dân hậu phương...”[8].
Thắng lợi của chiến dịch đã tạo điều kiện cho quân giải phóng và nhân dân các bộ tộc Lào xây dựng, phát triển Sầm Nưa trở thành trung tâm căn cứ địa Trung ương, hậu phương kháng chiến của cả nước Lào, nối thông với nhiều vùng tự do của Việt Nam. Với chiến thắng này đã minh chứng cho tinh thần đoàn kết chiến đấu keo sơn, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau của hai dân tộc, hai quân đội Lào - Việt. Trong cuộc mít tinh ăn mừng giải phóng, Hoàng thân Xuphanuvông nhận định: “Sầm Nưa (Thượng Lào) giải phóng là một thắng lợi lớn của cuộc kháng chiến Lào… là kết quả của tinh thần đoàn kết chiến đấu anh em giữa hai nước Việt - Lào, của sự giúp đỡ không điều kiện của nhân dân, của quân đội Việt Nam tiêu diệt kẻ thù chung”[9].

Chiến dịch Thượng Lào giành thắng lợi “là dấu son trong lịch sử đoàn kết chiến đấu keo sơn Việt - Lào”[10], là biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc, hai quân đội; là tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, cùng sát cánh bên nhau; là hình mẫu của tinh thần đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, của tinh thần quốc tế vô sản cao cả. Đúng như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát trong Hội nghị cán bộ liên minh Việt - Lào - Campuchia lần thứ nhất (tháng 9/1952): “Kháng chiến của Việt Nam, của Miên, của Lào là của chung của chúng ta. Việt Nam có kháng chiến thành công thì Miên, Lào mới thắng lợi và Miên, Lào có thắng lợi thì Việt Nam mới hoàn toàn thắng lợi. Việt Nam, Miên, Lào như anh em ruột thịt trong nhà”[11]. Chiến thắng Thượng Lào mở ra triển vọng giành thắng lợi tới gần cho cách mạng ba nước Đông Dương chống thực dân Pháp xâm lược; đồng thời, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt giữa hai dân tộc, hai quân đội Việt Nam - Lào lên tầm cao mới.
Ngày xuất bản: 12/2024
Nội dung: Trung tá Lê Văn Thành - Viện Lịch sử Quân sự
Trình bày: Hoàng Hà