
THIẾU TƯỚNG PGS, TS TRỊNH VƯƠNG HỒNG
Vào đầu tháng 4/1975, Xuân Lộc trở thành một trong những mục tiêu tiến công chiến lược đặt ra trong tính toán của ta; trở thành một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định tới khả năng tận dụng thời cơ, đánh địch bất ngờ để nhanh chóng giải phóng hoàn toàn Sài Gòn-Gia Ðịnh trước mùa mưa 1975.
Vào khoảng thời gian đó, sau khi mất quân khu 1, quân khu 2, địch rất hoang mang, lo lắng nhưng vẫn rất ngoan cố. Chúng cho rằng, ta còn phải củng cố những vùng mới giải phóng; phải chuẩn bị thêm 1 hoặc 2 tháng nữa mới có thể đánh vào Sài Gòn. Bộ Tổng tham mưu quân lực Việt Nam cộng hòa tính toán: đối phương chỉ có khả năng tăng cường cho miền Ðông Nam Bộ nhiều nhất là một quân đoàn và phải ít nhất là 2 tháng quân đoàn đó mới vào tới chiến trường. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Schlessinger coi việc Ðà Nẵng rơi vào tay đối phương có tầm quan trọng, nhưng đấy cũng chỉ là "một trận chiến tương đối nhỏ".
Sau này, hồi tưởng lại những ngày tháng ấy, Tổng thống Mỹ Gerold Ford cho hay: "Mọi người đều biết rằng những vấn đề ở Việt Nam rất nghiêm trọng, nhưng dường như không ai biết được nguy kịch đến mức nào".
Chính vì vậy, cuối tháng 3, đầu tháng 4, dồn lực lượng lập tuyến phòng thủ mạnh ở Phan Rang, Xuân Lộc và Tây Ninh nhằm ngăn chặn và đẩy lùi cuộc tiến công của ta, giữ thế cầm cự cho tới mùa mưa, sau đó sẽ tính toán bước đi tiếp. Cho đến đầu tháng 4/1975, địch có trong tay 7 sư đoàn bộ binh, 5 tiểu đoàn biệt động quân, 33 tiểu đoàn pháo binh, 12 thiết đoàn xe tăng và xe thiết giáp, 1.360 máy bay, 1.496 tàu, xuồng chiến đấu trên sông, trên biển.
Đổ quân tiếp viện cho Xuân Lộc, nhưng chính quyền Mỹ-ngụy không thể ngăn cản sức tấn công mãnh liệt của quân giải phóng.
Đổ quân tiếp viện cho Xuân Lộc, nhưng chính quyền Mỹ-ngụy không thể ngăn cản sức tấn công mãnh liệt của quân giải phóng.
Ðồng thời, vào lúc đó, Mỹ cấp tốc lập cầu hàng không chuyên chở vũ khí hạng nặng gồm xe tăng và đại bác tiếp viện cho quân đội Sài Gòn; lệnh cho tàu sân bay Hencock cùng 300 lính thủy đánh bộ Mỹ tiến vào khu vực biển Ðông...
Ngày 2/4/1975, Cao Văn Viên, Tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam cộng hòa, lớn tiếng tuyên bố: "Cố thủ từ Phan Rang trở lại". Viên tư lệnh quân đoàn 3 Nguyễn Văn Toàn được lệnh trấn giữ Phan Rang. Ðồng thời, tuyến phòng ngự mạnh chung quanh Sài Gòn cũng gấp rút được củng cố.
Weyand, viên tướng bốn sao, kẻ đã phải cuốn cờ rút khỏi miền nam Việt Nam tháng 3/1973, được lệnh trở lại Sài Gòn (28/3/1975), bàn mưu tính kế đã nói với Nguyễn Văn Thiệu rằng, phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Và ngay hôm đó, Weyand cùng Cao Văn Viên tới Xuân Lộc để quan sát và chỉ huy việc xây dựng phòng tuyến nơi đây.
Tại Xuân Lộc, địch bố trí một lực lượng mạnh gồm sư đoàn 18 còn nguyên vẹn và một số tiểu đoàn bảo an, cảnh sát phòng ngự trong công sự kiên cố. Và khi Chiến dịch Xuân Lộc nổ ra, địch còn tăng viện thêm lữ dù số 1, lữ đoàn 3 thiết giáp, chiến đoàn 3 (sư đoàn 5), liên đoàn 7 biệt động quân và các trung đoàn thiết giáp số 315, 318, 320 vào mặt trận Xuân Lộc. Trong khi đó, bên trong thị xã, bộ máy kìm kẹp của địch hầu như còn nguyên vẹn với tổng cộng khoảng 1.522 tên...
Báo chí phương Tây hồi bấy giờ xem Xuân Lộc là "chiếc ốc xoáy cuối cùng" quyết định số phận Sài Gòn và cũng là số phận cuộc chiến. Còn ngụy quyền, ngụy quân Sài Gòn mệnh danh Xuân Lộc là một "phòng tuyến thép". Sư đoàn trưởng Sư đoàn 18 Lê Minh Ðảo lớn tiếng tuyên bố "tử thủ" Xuân Lộc bằng mọi giá!
Về phía ta, do tầm quan trọng của Xuân Lộc, cho nên lực lượng tham gia chiến dịch này gồm có Quân đoàn 4 (Sư đoàn 6, 1, 7), Trung đoàn độc lập 95b và lực lượng vũ trang tại chỗ thuộc miền Ðông Nam Bộ.
Ngày 9/4/1975, quân ta tiến công thị trấn Xuân Lộc, căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía đông bắc. Ngày 21/4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng đông bắc đã được mở. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 9/4/1975, quân ta tiến công thị trấn Xuân Lộc, căn cứ phòng thủ trọng yếu của địch bảo vệ Sài Gòn từ phía đông bắc. Ngày 21/4, quân địch ở Xuân Lộc tháo chạy, cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng đông bắc đã được mở. (Ảnh: TTXVN)
Như thế, những ngày đầu tháng 4/1975, Xuân Lộc trở thành nơi đọ ý chí, sức lực và phẩm chất trí tuệ giữa các bên tham chiến. Những ngày đầu, tuy bị thiệt hại nặng, một số mục tiêu ven và trong thị xã bị Quân giải phóng đánh chiếm nhưng địch vẫn ngoan cố chống đỡ, tăng viện và điên cuồng phản kích. Ðồng thời chúng dùng các loại bom có sức sát thương và mức hủy diệt lớn đánh vào trận địa ta. Ta cũng bị tổn thất nặng. Cuộc chiến diễn ra trong thế giằng co.
Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Miền quyết định chuyển từ tiến công thẳng vào thị xã sang kết hợp bao vây và tiến công lực lượng tiếp ứng của địch ở vòng ngoài, chia cắt Xuân Lộc với Biên Hòa, cắt đường số 2 từ Xuân Lộc đi Bà Rịa, chặn địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích... Hai chiến đoàn 43, 48 của Sư đoàn 18 ngụy và Lữ đoàn 3 thiết giáp bị đánh thiệt hại nặng; một số đơn vị khác của địch bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Trên đường tiến về Sài Gòn, quân ta tiêu diệt nhiều xe tăng, xe bọc thép của địch. (Ảnh: TTXVN)
Trên đường tiến về Sài Gòn, quân ta tiêu diệt nhiều xe tăng, xe bọc thép của địch. (Ảnh: TTXVN)
Ðể tránh bị bao vây, tiêu diệt, đêm 20 rạng 21/4/1975 quân ta tiến vào thị xã. Toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng. "Cánh cửa thép" bảo vệ Sài Gòn từ phía đông bị đập tan.
Chiến thắng Xuân Lộc làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch chung quanh Sài Gòn; mưu toan co cụm để duy trì trạng thái giằng co chờ cho mùa mưa tới của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn trở thành "mây khói". Sau chiến thắng vang dội này của ta, tinh thần địch vốn đã hoảng loạn càng thêm hoảng loạn, suy sụp.
Xét về tổng thể, chiến thắng Xuân Lộc là một trong số những nhân tố rất quan trọng bảo đảm cho quân và dân ta thực hiện thành công quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền nam trước mùa mưa năm 1975, điều mà trước khi Chiến dịch Xuân Lộc mở màn vẫn đang còn là một băn khoăn của các cấp chỉ đạo chiến lược, của Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh và cũng là điều mà kẻ thù trước đó không ngờ tới...
Chiến thắng Xuân Lộc là một chấm son chói sáng trong trang sử hào hùng một thời đánh Mỹ của dân tộc Việt Nam ta.
Sau khi ta giải phóng Xuân Lộc, một loạt sự kiện liên quan trực tiếp tới số phận cuộc chiến đã liên tiếp diễn ra. Sau khi Xuân Lộc thất thủ, tối hôm đó (21/4/1975), Nguyễn Văn Thiệu đành phải từ chức; Trần Văn Hương lên thay trong bối cảnh tình hình nội bộ giới cầm quyền Sài Gòn đã rất rối bời và chiến dịch di tản của người Mỹ đang xúc tiến ráo riết với nhịp độ ngày càng tăng. Ngay hôm sau, 22/4, Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh thông qua và chính thức phê duyệt kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Ðịnh.
Tiếp đó, ngày 23/4, phía bên kia đại dương, tại Trường đại học Tulane ở New Orleans, Tổng thống Mỹ Gerold Ford tuyên bố: Cuộc chiến đã chấm dứt đối với người Mỹ.
30 năm sau kể từ ngày diễn ra trận chiến quyết liệt Xuân Lộc, nhìn lại, càng thấy rõ hơn tầm vóc của sự kiện lịch sử này; càng thêm xúc động và tự hào về nghị lực phi thường, gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào đã ngã xuống tại đây, tại cửa ngõ Sài Gòn trước giờ phút khắp hai miền nam bắc bừng lên sắc đỏ của rừng cờ và rừng hoa trong ngày vui Ðại thắng. Cùng với bao sự kiện khác, Chiến thắng Xuân Lộc là một chấm son chói sáng trong trang sử hào hùng một thời đánh Mỹ của dân tộc Việt Nam ta.