
Hồi tưởng lại những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, chợt thấy lòng bồi hồi, sao xuyến khi nhớ về những ngày tháng gian khổ nhưng đầy tự hào khi đơn vị mình cùng với các đơn vị bạn và lực lượng vũ trang trên Mặt trận Tây Nguyên cùng tham gia chiến dịch để giải phóng Tây Nguyên-Chiến dịch mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam.
Ngay khi Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Tây Nguyên, là một người chiến sĩ thuộc Đại đội 7 Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 64 Sư đoàn 320 cũng như bao người chiến sĩ trên chiến trường Tây Nguyên, nhận lệnh bước vào chiến đấu với một niềm tin chiến thắng; để rồi sau toàn thắng mới biết mình vinh dự được tham gia vào một chiến dịch có ý nghĩa chiến lược quan trọng tạo ra bước ngoặt quyết định đưa cuộc tiến công chiến lược phát triển thành tổng tiến công chiến lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đúng 6 giờ 30 phút ngày 10/3/1975, các cụm pháo chiến dịch của ta bắt đầu trút bão lửa xuống các mục tiêu trong thị xã Buôn Ma Thuột, làm tê liệt địch. Trong ảnh: Quân giải phóng tiến vào chi khu Đức Lập, ngày 10/3/1975. (Ảnh: TTXVN)
Đúng 6 giờ 30 phút ngày 10/3/1975, các cụm pháo chiến dịch của ta bắt đầu trút bão lửa xuống các mục tiêu trong thị xã Buôn Ma Thuột, làm tê liệt địch. Trong ảnh: Quân giải phóng tiến vào chi khu Đức Lập, ngày 10/3/1975. (Ảnh: TTXVN)
Suy ngẫm lại, thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên đã tạo hiệu ứng “đô-mi-nô” cho sự tan rã, sụp đổ không thể ngăn lại của quân đội và chính quyền Sài Gòn, tạo cho tôi một niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, thấy được sự tất thắng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trở lại những năm tháng làm nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, tôi cùng các đồng đội hành quân từ Gia Lai về Đắk Lắk, trú quân tại một cánh rừng gần Buôn Hồ, đến ngày 25 tháng 2 năm 1975, đơn vị chúng tôi hành quân di chuyển áp sát Đường 14; trong thời gian đó, toàn đơn vị tuyệt đối giữ bí mật, làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Chúng tôi đều được chỉ huy các cấp quan tâm, giúp đỡ, động viên, khích lệ tinh thần trước khi bước vào chiến đấu.
Phối hợp với các đơn vị bạn, Tiểu đoàn 67 bộ đội địa phương Gia Lai vượt mọi khó khăn vào giải phóng Pleiku (1975). (Ảnh: Xuân Quyết/TTXVN)
Phối hợp với các đơn vị bạn, Tiểu đoàn 67 bộ đội địa phương Gia Lai vượt mọi khó khăn vào giải phóng Pleiku (1975). (Ảnh: Xuân Quyết/TTXVN)
Một kỷ niệm không quên khi tôi được gặp đồng chí Phan Thế Phái, Trưởng ban Tuyên huấn trung đoàn trong lần xuống đơn vị, anh có bảo: Luân có viết thư về cho gia đình không, đưa mình gửi hộ; tôi chợt hiểu ra là mình có thể hy sinh trong trận chiến đấu này; gửi anh ấy lá thư mà trong tôi lẫn lộn bao cảm xúc, suy nghĩ về mẹ cha, các em ở nhà, về sức chịu đựng con người trong chiến tranh, cái giá của độc lập, tự do; để rồi vượt lên trên hết, tôi cùng đồng đội chấp nhận sự hy sinh, mất mát, vượt qua khó khăn gian khổ, sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu với niềm tin chiến thắng.
Ngày 5 tháng 3 năm 1975, tất cả chúng tôi bỏ mọi ưu tư, trăn trở, để lại ba lô, những vật dụng chưa dùng đến tại điểm tạm dừng, sau đó hành quân bí mật áp sát Đường 14. Quá trưa nghe tiếng xe chạy rầm rầm, cả tiểu đoàn im lặng nghe ngóng, quan sát hành động của địch, tôi vừa quan sát vừa chuẩn bị lắp đạn B40 chờ lệnh nổ súng; gần hai chục xe GMC chở quân và xe thiết giáp địch chạy lầm lũi về hướng Bắc.
Đoàn xe đi qua, không gian trở lại tĩnh lặng, tiểu đoàn trưởng thông báo: Thế là hoàn thành một nhiệm vụ. Để cho bọn Trung đoàn 45 ra khỏi Buôn Ma Thuột chạy lên Pleiku là hay rồi; nghe thì biết vậy, chứ đến mãi sau này tôi mới hiểu đơn vị thực hiện một nhiệm vụ chiến đấu trong kế hoạch nghi binh Bộ Tư lệnh Mặt trận B3, chính vì thế mà tướng Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân khu 2 kiêm Tư lệnh Quân đoàn 2 quân đội Sài Gòn đã điều các đơn vị mạnh từ Buôn Ma Thuột về tăng cường phòng thủ Pleiku. Trời tối hẳn, chúng tôi được lệnh rút quân, trên đường hành quân, tôi vẫn thấy ẩn trong bóng đêm những khẩu pháo 85mm vẫn chúc nòng xuống đường, cả mấy khẩu pháo 37mm của Trung đoàn 593 vẫn trong công sự, sẵn sàng chờ lệnh.
Nhân dân Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo để đánh chiếm các điểm cao ở Pleiku trong Chiến dịch Tây Nguyên, mở màn Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. (Ảnh: TTXVN)
Nhân dân Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo để đánh chiếm các điểm cao ở Pleiku trong Chiến dịch Tây Nguyên, mở màn Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. (Ảnh: TTXVN)
Đêm ngày 8 tháng 3 năm 1875, tôi cùng đơn vị hành quân trở lại thực hiện nhiệm vụ đánh cắt Đường 14 đoạn bắc Buôn Hồ để đơn vị bạn đánh Buôn Ma Thuột, chỗ tôi làm hầm gần ngay một khẩu đội pháo 37mm, tình đồng chí đồng đội thêm gắn kết cùng chung nhiệm vụ chiến đấu. Chưa kịp nghỉ, khoảng 4 giờ (9.3.1975), các đơn vị được lệnh rút quân, cả bộ binh và pháo binh lần lượt rời trận địa, cho đến khi trời sáng sự tĩnh lặng trở lại như chưa hề có ai đặt chân đến. Hành quân liên tục hết cơ động đến rồi cơ động ra, lại cơ động vào, trong mỗi chiến sĩ xuất hiện trạng thái tinh thần căng thẳng, cùng với sự mệt mỏi trong chờ đợi; vượt lên tất cả với ý chí quyết tâm sắt đá, chúng tôi hành quân về phía Nam, đến vị trí tạm dừng cách Buôn Hồ khoảng 3-4km.
Trên đường hành quân, từng đơn vị nối tiếp nhau ra trận, tôi may mắn được gặp Nhân (người bạn cùng làng) ở Tiểu đoàn 16, không nói được nhiều chuyện với nhau, chỉ là cái ôm vội vã nhưng chan chứa tình cảm yêu thương của những người con quê hương cùng chung chí hướng, để rồi mỗi người theo từng đoàn quân tiến ra mặt trận.
Quân giải phóng giúp đồng bào Pleiku đào hầm chống giặc (1975). (Ảnh: TTXVN)
Quân giải phóng giúp đồng bào Pleiku đào hầm chống giặc (1975). (Ảnh: TTXVN)
Đêm ngày 9 tháng 3 năm 1975, bầu trời Buôn Hồ chìm trong sương mù, tiểu đoàn chúng tôi đào hầm, làm công sự chiến đấu trong làn sương tĩnh lặng, chừng 8 giờ (10.3.1975) mặt trời ló rạng, nhìn qua thung lũng, quân lỵ Buôn Hồ hiện ra trong làn sương mỏng, cũng là lúc chúng tôi được lệnh rút toàn bộ về phía Tây. Do một số tân binh thiếu kinh nghiệm chiến đấu, làm mất trật tự, gây ra tiếng động, địch phát hiện được đã sử dụng pháo binh ở Buôn Hồ bắn vào đội hình cơ động, đơn vị chúng tôi vẫn hành quân về vị trí tập trung an toàn cách Buôn Hồ chừng 6km sau khi được hai đại đội cối của Tiểu đoàn 7 và 8 bắn kiềm chế hiệu quả pháo binh địch.



Tại vị trí tập trung, đơn vị được lệnh hành quân về chiến đấu ở Đạt Lý, nắng chiều đổ vàng như chiều theo cái cảm xúc lo lắng, bồn chồn đan xen lẫn lộn trong mỗi người chiến sĩ cùng với tiếng nổ của đạn pháo địch bắn dọc Đường 14, tiếng máy bay địch trên trời từ phía Buôn Ma Thuột ngược lên Plâyku rồi quay lại như thôi thúc chúng tôi cứ bám dọc Đường 14 mà đi. Trong 7 ngày 8 đêm hành quân chiến đấu, tiểu đoàn cứ dọc Đường 14 mà vận động đánh Chư Pao. Pháo địch bắn vào đội hình nhưng cũng không ngăn nổi ý chí tiến công của đơn vị tôi. Hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ với Đại đội 5 và 6, đồng loạt nổ súng, nhưng không thấy địch chống trả lại, tôi cùng đồng chí tiểu đoàn phó tiến vào một lô cốt không thấy có địch, thì ra chúng đã bỏ chạy về phía Đông từ trước đó, để lại hai khẩu pháo 155mm vẫn quay nòng về hướng xuất phát tiến công của tiểu đoàn chúng tôi.
Ngày 17 tháng 3 năm 1975, trời Tây Nguyên nắng vàng như mật, chúng tôi tạm dừng hành quân, bên cạnh tiếng người và xe của Đoàn 559, tiếng đạn pháo địch bay ngang bầu trời, trong khoảng thời gian nghỉ ngắn, tôi cùng đồng đội vẫn cất cao tiếng hát trong tiếng đàn ghi ta bập bùng cùng động viên nhau vượt qua khó khan, trở ngại này. Đến 14 giờ, nhận được thông báo: Địch đã bỏ Pleiku rút chạy về Phú Bổn theo Đường số 7. Nhiệm vụ sư đoàn là phải khẩn trương chặn đánh không cho chúng rút về phía biển.
Tất cả lại hành quân, Tiểu đoàn trưởng nói rõ: Tiểu đoàn 9 đã đánh địch ở Cheo Reo rồi, chúng ta phải chạy thật nhanh lên chặn địch ở phía nam thị xã. Nắng trải vàng sau lưng những người chiến sĩ, tiểu đoàn chúng tôi cứ thẳng tiến, không sợ máy bay địch đánh phá vì đã có Trung đoàn 593 và 324 lo rồi.
Vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hóa phục vụ chiến dịch. (Ảnh: Thanh Tụng/TTXVN)
Vận chuyển hàng ngàn tấn hàng hóa phục vụ chiến dịch. (Ảnh: Thanh Tụng/TTXVN)
Khoảng 17 giờ, chúng tôi chuyển sang hành quân bằng xe ô tô để đến Cheo Reo trong nửa đêm, bầu trời dần chuyển sang màu hồng nhờ nhợ trước khi chuyển sang màu tím sẫm tạo cảm giác nghèn nghẹn trong suy nghĩ người chiến sĩ. Chúng tôi xuống xe ngay tại chân một ngọn núi đá, lúc này là 20 giờ, bầu trời sám quánh lại, nghe tiếng nổ của đạn pháo địch dội vào vách núi, biết được phía bên kia là Cheo Reo.
Khi chúng tôi vượt ngọn núi này, cơ động cắt đường, để chặn địch ngay phía nam thị xã thì được biết Tiểu đoàn 9 đang chặn địch ngoài đường, Tiểu đoàn 7 đang xuống núi. Chính cái đêm leo núi này mà 40 năm sau tôi đã hai lần theo chân các Chỉ huy Sư đoàn 320 vào khu vực Suối Đá, đứng nhìn ngọn núi xanh sẫm chắn ngang con đường từ Cheo Reo đi Buôn Ma Thuột, trong tôi lên trào dâng cảm xúc bồi hồi nhớ lại cái đêm leo núi, cắt đường ra cầu Cây Sung để đánh địch, cái cảm xúc này được tôi lưu lại trong nhật ký của mình minh chứng cho ngày tháng chiến đấu ở Tây Nguyên.
Ngày 18 tháng 3 năm 1975, trời sáng, đơn vị chúng tôi hành quân xuống núi, từ đây ra Đường 7 còn 8km, ròng một đêm leo núi, giờ đây lại cơ động trong tiếng đạn pháo bay trên bầu trời để truy kích địch. Tiểu đoàn cơ động cách Đường 7 chỉ một cây số biết được địch rút chạy bị Tiểu đoàn 8 đánh ngoài đường, Tiểu đoàn 9 bắn cháy nhiều xe, địch đang chạy về phía tiểu đoàn, toàn tiểu đoàn ngay lập túc nổ súng, địch hoảng hốt rối loạn đội hình, rút chạy hỗn loạn vào rừng, vào đúng khu vực Sở Chỉ huy Trung đoàn 64.
Xe quân sự của Ngụy dồn ứ trên đường 7 khi chúng tháo chạy khỏi Tây Nguyên. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Xe quân sự của Ngụy dồn ứ trên đường 7 khi chúng tháo chạy khỏi Tây Nguyên. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Tiểu đoàn 8 được lệnh bố trí đánh địch bảo vệ trung đoàn bộ và khối trực thuộc, tổ chức chiến đấu ngay, hòa trộn tiếng súng, tiếng xe tăng, lựu đạn, tiếng máy bay gầm rú, tiếng bom, đạn pháo, trong mịt mùng khói lửa chiến đấu đánh địch tràn vào cánh rừng.
Khoảng 17 giờ, Đại đội 7 được lệnh hành quân gấp ra thay trận địa cho Đại đội 3 ở cầu Cây Sung, tiếp tục đánh những toán địch có ý định vượt cầu; cây cầu đổ gục vì bom đạn cùng hàng chục xe tăng, thiết giáp, xe Dodge, xe GMC của địch; một đoàn đường 4km lên cầu Sông Bờ cũng đầy xe địch bị trúng đạn. Ngay trong đêm, đơn vị tôi bố trí đội hình cách cầu 100m sau hai cây me, chúng tôi thức canh chừng, chỉ vài lần nổ súng vào những toán địch liều lĩnh vượt cầu, trong tâm thức tôi thấy nghẹn ngào khi chứng kiến những hy sinh, mất mát không thể tránh khỏi trong chiến đấu.
Nhìn về phía trung tâm thị xã Cheo Reo, con Đường 7 xuyên qua thị xã để về Phú Yên đã thành cái nút thắt cho Tiểu đoàn 9 chặn đánh phía bắc cầu Sông Bờ, Tiểu đoàn 7 và 8 đánh chặn phía nam cầu Cây Sung. Rừng Cheo Reo nhuộm vàng nhức nhối trong bụi đất bazan, cây rừng cháy, nhà cháy, quện mùi thuốc súng, bom đạn, khiến cho không khí trở nên đặc quánh mùi chiến tranh, tháng ba ấy sao nghe đến nhói lòng.
Quân giải phóng chặn đánh và phá hủy phương tiện của lính ngụy thuộc Quân đoàn 2 rút chạy trên đường số 7 từ Cheo Reo đi Phú Bổn. (Ảnh: TTXVN)
Quân giải phóng chặn đánh và phá hủy phương tiện của lính ngụy thuộc Quân đoàn 2 rút chạy trên đường số 7 từ Cheo Reo đi Phú Bổn. (Ảnh: TTXVN)
Ngày 20 tháng 3 năm 1975, các đơn vị gấp rút giải quyết chiến trường, khẩn trương truy kích địch rút chạy theo Đường 7. Chúng tôi gói buộc lại trang bị, mang theo vũ khí, đạn hòa vào trong đội hình hành quân, đi đầu là Tiểu đoàn 8, đến Tiểu đoàn 7, tiếp theo là Tiểu đoàn 8.
Sau chặng đường hành quân, chúng tôi tạm dừng chân ven một con đường dưới bóng những cây me cọc cằn. Ở lần dừng nghỉ chân này, tôi cùng đồng đội của mình đã phát hiện và cứu được một em nhỏ khoảng chừng hai tuổi từ trong đống đổ nát của phương tiện và con người, đứa bé sau đó được giao cho một tên sĩ quan tâm lý chiến người Huế (bị Trung đội 2 bắt đã giác ngộ) đưa về phía rừng xanh, nơi đó có người của quân giải phóng sẽ nuôi nấng dạy dỗ, ai cũng cảm thấy nghẹn ngào và hy vọng cho những mầm xanh sẽ đâm trồi nảy lộc sinh trưởng trong hòa bình; với chúng tôi lại tiếp tục hành quân qua đèo Tu Na để tiếp tục chiến đấu.
Các đơn vị xe tăng và bộ binh cơ giới tiến vào giải phóng Buôn Ma Thuột (1975). (Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)
Các đơn vị xe tăng và bộ binh cơ giới tiến vào giải phóng Buôn Ma Thuột (1975). (Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)
Lời anh Kế đại đội trưởng nói: Chúng ta sẽ đánh Phú Túc tiếp sau đây, nghe thì biết vậy thôi, chứ lúc bấy giờ đang ngồi trên xe ô tô, mọi người đều im lặng đến lạ thường, đến giấc ngủ cũng chập chờn, khó đến; phá vỡ khoảng im lặng đến trống vắng này, sau khi không thấy quả US ở thắt lưng, tôi nói với mọi người: Đừng thằng nào ngọ ngoạy, tao làm rơi quả US gẫy một ngạnh đây; nghe vậy, cả xe nín nặng chờ đợi, tôi mò mẫm tìm thấy quả lựu đạn ngay dưới chỗ ngồi, lấy dây cao su quấn lại xong cười hề hề, mọi người thở pháo trút đi một gánh nặng lo âu, không ai ngủ được nữa mà chạy theo với những suy nghĩ riêng của mình. Đến nửa đêm, xe dừng lại cho Tiểu đoàn 7 vượt lên cùng đoàn xe thiết giáp (K63), lúc này đại đội trưởng thông báo: Họ đánh Phú Túc, còn ta hành quân vọt lên đánh Củng Sơn.
Lưu lại trong nhật ký ngày 24 tháng 3 năm 1975: “Đêm qua ra chặn một khúc đường lúc nửa đêm. Rừng bằng phẳng toàn là cỏ tranh cao bằng đầu người, bám một đoạn đường mấp mô đại đội ngồi nín thở. Chừng 1 giờ sáng có 7 chiếc xe Jeep chạy qua, đèn pha nó quyét trên ngọn cỏ tranh loa lóa. Mình còn nghe rõ có một thằng tên xe nói, gần đến ngầm Sông Ba rồi. Không có lệnh đánh. Bọn xe này đi qua. Trời sáng, đại đội được lệnh đào hầm chiến đấu tại chỗ. Nóng và nắng, ăn cơm nắm không nuốt được. Khát nước kinh khủng. Cả tiểu đội chỉ còn nửa bi đông nước.
Tôi dựa vách hầm nông choèn thiu thiu ngủ thì nghe tiếng xe tăng địch. “Đánh rồi!” Tôi hô cho tiểu đội biết rồi vác B40 lao xuống đường. Tôi thò ra khỏi rừng cây gặp ngay xe tăng địch lao tới, phải lùi lại tránh. Bốn năm chiếc xe tăng đã vượt qua. B41 của thằng Mật người Tản Hồng bắn cháy một chiếc. Đạn nổ rầm trời. Thằng Coóng Cao Bằng cũng nổ một quả. Vừa lúc chiếc xe tăng chất đầy bao gạo bao cát xung quanh lao tới. Tôi bắn quả đầu, đạn cày ngay xuống đất gần mép xích rồi chạy sang ụ mối bên cạnh. Thì ra vội quá tôi không kịp giương thước ngắm. Cái xe tăng chạy thoát. Tôi vội lắp quả đạn thứ 2 cái xe tăng sau cũng vừa đến đạn 12 li 8 nổ rầm trời, Tôi bắn quả B40 thứ hai. Đạn nổ. Chiếc xe tăng nổ bung tóe trắng những gạo. 5 thằng lính bu trên xe rơi xuống đỏ ngòm. Nó khựng lại rồi chạy tiếp đến quãng rừng gần bờ sông thì bọn chúng bỏ xe đấy, thoát thân.
Tôi dẫn một tổ đuổi theo xe tăng chạy trong rừng khộp chừng vài trăm mét thì quay về. Tiểu đội lạc đâu mất hai thằng. Thằng Mão người Đông Kinh Thái Bình bị đạn 12,8mm vào đầu nằm duỗi hai tay, một tay đang cầm cái bi đông. Chắc nó khát nước”

Giữa trưa, trận đánh căng nhất ở phía Đại đội 6 ; đạn pháo tăng và B40 hòa vào nhau như sấm sét. Lệnh tiểu đoàn: Đại đội 7 của tôi bám theo tiêu diệt xe tăng phía vừa chạy thoát. Bộ phận bám địch chỉ có Đàm trung đội phó, tôi và hai lính Cao Bằng. Vũ khí có một phóng lựu và hai B40 với một khẩu AK. Hàng đàn máy bay trực thăng bay sát ngọn cây bắn rầm rầm. Chúng tôi cứ nấp vào sau những cây cổ thụ, chạy sâu đo từ gốc cây này sang gốc cây kia chừng hai cây số thì ra tới ngầm Củng Sơn, thấy bốn chiếc tăng địch đang lội sông. Xe tăng chúng nhìn thấy chúng tôi liền quay nòng 12,8mm bắn như vãi đạn. Bốn thằng chúng tôi lăn xuống đất. May là chúng tôi trên cao lại khuất bờ sông dựng đứng và rặng tre. Đạn cứ ăn sàn sạt trên đầu. Pháo tăng nổ điên đầu nhưng đều vượt vào rừng cổ thụ phía sau. Chừng 15 phút sau, không thấy xe tăng địch lên, lúc ấy cối 82mm của tiểu đoàn mới vận động tới. Đạn nổ tung tóe dưới sông. Địch bỏ xe chạy hết.
Chiều tối, Tiểu đoàn 8 lên bố trí trận địa ngay khúc sông này, cách ngầm Thành Hội 2km. Ở phía ngầm có chừng hơn ngàn tên địch và vài trăm xe của dân. Tiểu đoàn cho đào công sự chiến đấu chống phản kích, lúc này trung đoàn còn đang ở thị trấn Củng Sơn, sau chúng tôi 6km. Tôi được đại đội giao cho dẫn một tổ lội qua Sông Ba kiểm tra xe tăng địch bỏ lại. Khuya lắm, nước sông lạnh, chúng tôi trèo lên xe, mò mẫm. Trăng lành lạnh, gió từ trận địa thổi mùi tanh tanh...
Ngày 30 tháng 3 năm1975, đơn vị đuổi địch về tới Tuy Hòa, Phú Yên. Đêm chiếm lĩnh trận địa chúng tôi lội trên đồng lúa ven biển, Tôi ngửi thấy mùi hoa sen, hoa súng, mùi bùn và cả mùi đòng đòng, có lúc cả đoàn quân lội qua một quãng đầm sen đang lác đác nở hoa. Mùi thuốc súng quện hương sen khiến những gương mặt sạm sụa của một tháng trời chiến trận bỗng chốc trở lên bần thần khó tả.
Ngày 2 tháng 4 năm 1975, sư đoàn tôi giải phóng toàn bộ tỉnh Phú Yên và nhận lệnh quay về Đường 7, nhập vào đội hình của Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) vừa mới được thành lập để hành quân thực hiện chiến dịch mới, Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Xe tăng quân giải phóng tiến vào thị xã Buôn Ma Thuột. (Ảnh: TTXVN)
Xe tăng quân giải phóng tiến vào thị xã Buôn Ma Thuột. (Ảnh: TTXVN)
Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Tây Nguyên, từ trong ký ức những người chiến sĩ trực tiếp cầm súng chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, vẫn còn đọng lại những dấu ấn khó phai trong lòng khi nói về những ngày tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt nhưng cũng đầy vinh dự và tự hào khi được đem sức mình cùng tuổi thanh xuân cống hiến cho Tổ quốc. Ngày nay, đất nước bước vào kỷ nguyên mới trong hòa bình để phát triển, thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên vẫn nguyên giá trị, có ý nghĩa và là nguồn động lực cổ vũ cho toàn dân tộc vững bước trên con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.
Ảnh: BÁO NHÂN DÂN; TTXVN
Trình bày: XUÂN BÁCH-BẢO MINH