Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn – Quân đội nhân dân Việt Nam chi viện cho cách mạng Trung Quốc

Cuối năm 1948 đầu năm 1949, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Giải phóng quân Trung Quốc đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, đẩy quân Quốc dân đảng từ vùng Hoa Trung xuống vùng Hoa Hạ.
Ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây (Trung Quốc), quân “địa phương” của Quốc dân đảng tăng cường hoạt động, củng cố vùng hậu phương này để làm hậu thuẫn cho chủ lực của chúng rút về. Tại Biên khu Điền Quế (khu biên giới Vân Nam-Quảng Tây) và Việt Quế (khu biên giới Quảng Đông-Quảng Tây) - một bộ phận quan trọng của căn cứ địa Hoa Nam, lực lượng vũ trang cách mạng Trung Quốc có hơn 3 tiểu đoàn tập trung và một số đơn vị du kích, nhưng bị quân Quốc dân đảng càn quét, đánh phá liên miên nên gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị địa bàn tác chiến cho đại quân chủ lực của Giải phóng quân Trung Quốc tiến công quân Quốc dân đảng trở nên cấp thiết.
Trong bối cảnh đó, theo chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 3/1949, Bộ Tư lệnh Biên khu Việt Quế cử đại diện sang Việt Nam, đề nghị đưa quân sang phối hợp đánh quân Quốc dân đảng, giúp xây dựng khu giải phóng ở vùng Ung-Long-Khâm (tức ba huyện Ung Ninh, Long Châu và Khâm Châu), tiếp giáp với các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Hải Ninh của ta.
Trong bối cảnh đó, theo chỉ thị của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 3/1949, Bộ Tư lệnh Biên khu Việt Quế cử đại diện sang Việt Nam, đề nghị đưa quân sang phối hợp đánh quân Quốc dân đảng, giúp xây dựng khu giải phóng ở vùng Ung-Long-Khâm (tức ba huyện Ung Ninh, Long Châu và Khâm Châu), tiếp giáp với các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Hải Ninh của ta.
Đáp ứng đề nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị cử lực lượng sang giúp cách mạng Trung Quốc. Theo đó, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Quốc gia và Dân quân Việt Nam chỉ đạo Liên khu 1 mở chiến dịch giải phóng biên khu Việt Quế-Điền Quế nhằm tiêu diệt sinh lực địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy, phát triển phong trào cách mạng, đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của tàn quân Quốc dân Đảng cấu kết với thực dân Pháp; đồng thời, mở rộng và củng cố vùng giải phóng Ung-Long-Khâm của cách mạng Trung Quốc nối liền với vùng biên giới Đông Bắc của Việt Nam.
Ngày 23/4/1949, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam ra bản Mệnh lệnh Phối hợp với quân giải phóng Trung Quốc mở rộng khu Việt-Quế biên khu, giao nhiệm vụ cho Liên khu 1: “phối hợp cùng các lực lượng vũ trang của Giải phóng quân Biên khu Việt - Quế, kịp thời hành động giúp Giải phóng quân xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung-Long-Khâm liền với biên giới Đông Bắc của nước ta, thông ra bể, gây điều kiện khuếch trương lực lượng, đón đại quân Nam hạ. Đồng thời hoạt động ở Đông Bắc để mở rộng khu tự do Đông-Bắc ra tận biên giới và thông ra bể, liền với khu giải phóng Việt-Quế”[1].
Về phương châm hoạt động, Bộ Tổng tư lệnh nhấn mạnh: “Trong lúc hoạt động ở Trung Quốc cần đứng trên lập trường đoàn kết hai dân tộc, căn cứ vào lợi ích cách mạng dân chủ của hai nước mà giải quyết các vấn đề, tuyệt đối tránh ‘bản vị chủ nghĩa’. Lấy danh nghĩa Giải phóng quân mà hoạt động để tiện giữ bí mật. Công tác chính trị cần nêu rõ nhiệm vụ đoàn kết phấn đấu giữa hai nước Trung Quốc mới và Việt Nam mới, giữa Giải phóng quân và quân ta; nêu vinh dự của người quân nhân Việt Nam và tinh thần quốc tế của người quân nhân Việt Nam; tôn trọng phong tục tập quán của nhân dân địa phương, nêu cao kỷ luật chính trị, chú trọng dân vận”[2].
Bộ Tư lệnh Chiến dịch do đồng chí Lê Quảng Ba - Phó Tư lệnh Liên khu 1 (Việt Nam) làm Tư lệnh, đồng chí Trần Minh Giang (Sầm Minh Coóng) - đại diện Bộ chỉ huy Biên khu Việt Quế, làm Chính ủy. Trước khi đoàn cán bộ ta lên đường giúp bạn, tháng 5/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng chí Tư lệnh Chiến dịch Lê Quảng Ba với dòng chữ: “Cẩn thận, bí mật, đoàn kết, hữu nghị, thắng lợi”.
Trước khi đoàn cán bộ ta lên đường giúp bạn, tháng 5/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng chí Tư lệnh Chiến dịch Lê Quảng Ba với dòng chữ: “Cẩn thận, bí mật, đoàn kết, hữu nghị, thắng lợi”.
Lực lượng địch có hơn 5 trung đoàn gồm: trên hướng Long Châu (mặt trận phía tây) có 2 trung đoàn bảo an, các đội bảo vệ và tuần sát, dân đoàn địa phương; trên hướng Khâm Châu, Phòng Thành (mặt trận phía đông) có 3 trung đoàn bộ binh cơ động tập trung ở Nà Lường, Phòng Thành và Đông Hưng. Lực lượng tham gia chiến dịch, phía Quân đội nhân dân Việt Nam có 4 tiểu đoàn bộ binh được tổ chức thành 2 chi đội (6, 28), hình thành 2 mặt trận (2 hướng tiến công).
Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn. (Ảnh: Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Quyển 1 - Lịch sử quân sự, của Bộ Quốc phòng - Trung tâm từ điển Bách khoa quân sự, Nxb QĐND, Hà Nội, 2015)
Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn. (Ảnh: Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, Quyển 1 - Lịch sử quân sự, của Bộ Quốc phòng - Trung tâm từ điển Bách khoa quân sự, Nxb QĐND, Hà Nội, 2015)
Mặt trận phía đông Thập Vạn Đại Sơn (biên khu Việt Quế, giáp các tỉnh Lạng Sơn, Hải Ninh), có Tiểu đoàn 426 (được tăng cường Đại đội 1488) và Tiểu đoàn 1, được tổ chức thành Chi đội 6. Lực lượng cách mạng Trung Quốc có 3 tiểu đoàn được tổ chức thành Chi đội 3, ngoài ra còn một số trung đội du kích địa phương.
Mặt trận phía tây Thập Vạn Đại Sơn (mặt trận Long Châu-Biên khu Điền Quế) có Tiểu đoàn 73 (Trung đoàn 74 Liên khu 1) và Tiểu đoàn 35 (Trung đoàn 308), 1 đại đội sơn pháo 70 mm, 1 đại đội trợ chiến và 1 bộ phận quân y, thông tin, được tổ chức thành Chi đội 28.
Ngoài ra còn có đại đội địa phương của huyện Thoát Lãng (nay thuộc Văn Yên) và 1 đại đội bộ đội địa phương tỉnh Lạng Sơn. Mặt trận này do đồng chí Thanh Phong - Phó Tư lệnh Liên khu 1, làm Tư lệnh. Lực lượng cách mạng Trung Quốc tham gia mặt trận này có 2 đại đội và một số đội vũ trang địa phương. Tư lệnh khu Tả Giang-Long Châu thuộc Giải phóng quân Trung Quốc là Lộc Hoà (tức Ké Lộc) được cử tham gia trong Bộ Tư lệnh Mặt trận.
Chiến dịch diễn ra trên hai vùng rộng lớn phía tây và phía đông dãy Thập Vạn Đại Sơn, núi cao, rừng rậm hiểm trở nằm giữa ranh giới hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây và là vùng bán sơn địa với nhiều làng mạc, thị trấn. Ở đây có các trục đường bộ chạy dài nối các thị trấn và nhiều sông rộng, suối lớn thuận tiện cho cơ động. Dân cư trên địa bàn phần lớn dân nghèo chưa được giác ngộ cách mạng, thường bị thổ phỉ và quân Quốc dân đảng cướp phá.
Đầu tháng 6/1949, bộ đội Việt Nam hành quân qua biên giới Việt-Trung tiến vào đất Trung Quốc theo hai hướng tây và đông Thập Vạn Đại Sơn.
Trên mặt trận phía tây Thập Vạn Đại Sơn, sáng 10/6/1949, trên hương chính, Chi đội 28 chia thành hai mũi, phối hợp với bạn bất ngờ tiến công quân địch ở Thuỷ Khẩu-Hạ Đống, mở đường tiến về thị xã Long Châu. Các đơn vị bộ binh phối hợp với pháo binh tiến công tiêu diệt đồn Thủy Khẩu (đối diện với Phục Hoà, Cao Bằng) do 1 đại đội địch đóng giữ. Đêm 12/6, ta hoàn toàn làm chủ vị trí Thủy Khẩu, truy kích tàn quân địch rút chạy về hướng Long Châu. Cùng thời gian trên, địch ở vị trí Hạ Đống bị ta tiêu diệt.
Ngày 14/6, Chi đội 28 tiếp tục tiêu diệt địch ở La Hồi. Nhân dân các địa phương Trung Quốc ca ngợi bộ đội Việt Nam đánh giỏi, kỷ luật nghiêm, tôn trọng, bảo vệ dân. Họ ra sức giúp bộ đội, làm liên lạc, dẫn đường, nắm địch, ủng hộ lương thực, thuốc men. Ngày 15/6, ta chặn đánh 1 tiểu đoàn địch vừa được điều từ Long Châu đến chi viện cho lực lượng ở Độc Sơn - vị trí ven sông nằm giữa La Hồi và Hạ Đống. Các đơn vị ta dồn địch vào các hang đá ven sông Tả Giang (gần thị trấn Hạ Đống), bao vây, triệt nguồn tiếp tế, buộc phần lớn quân địch phải đầu hàng, ta chốt giữ Hạ Đống.
Nhân dân các địa phương Trung Quốc ca ngợi bộ đội Việt Nam đánh giỏi, kỷ luật nghiêm, tôn trọng, bảo vệ dân. Họ ra sức giúp bộ đội, làm liên lạc, dẫn đường, nắm địch, ủng hộ lương thực, thuốc men.
Trên hướng phối hợp Nam Quan-Ải Khẩu, ngày 12/6, một lực lượng của ta phối hợp cùng với bạn phục kích tiêu diệt quân địch hành quân trên đường Bình Tường-Nam Quan, bao vây đồn Nam Quan. Tiếp đó, ta và bạn tiến công đồn Nam Quan, địch chống trả quyết liệt, ta phải chuyển sang vây hãm và phục kích quân địch từ Bằng Tường lên tiếp ứng cho Nam Quan, rồi truy kích, buộc địch phải rút khỏi Ải Khẩu chạy về Bằng Tường.
Ngày 13/6, quân ta tiếp tục truy kích, buộc địch ở Bằng Tường rút chạy. Ngày 14/6, lực lượng ta bất ngờ phục kích 1 trung đội quân Pháp từ Đồng Đăng lên Nam Quan. Bị đánh dồn dập và bất ngờ từ nhiều hướng, quân Quốc dân đảng phải rút bỏ một loạt vị trí như Lôi Bình, Bình Kiều, Thoong Keo, Thượng Thạch, Hạ Thạch. Địch ép một số lớn dân đi cùng chạy về giữ Long Châu chờ lực lượng ở Nam Ninh đến tiếp viện.
Từ ngày 17 đến 20/6, lực lượng ta và bạn tại đây phối hợp tiến công Bình Tường, Bình Kiều, Thoong Keo. Nhân lúc quân địch đang hoang mang, lực lượng ta tiến sâu vào vùng địch kiểm soát, tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nhân dân nổi dậy, kiểm soát toàn bộ đoạn đường Thủy Khẩu-Hạ Đống trên tuyến Bằng Tường-Long Châu. Bị tiến công từ cả hai đầu tuyến phòng thủ Bằng Tường-Long Châu-Lôi Bình, bị uy hiếp mạnh ở giữa, ngày 24/6, địch điều quân từ Nam Ninh đến tiếp viện, biến Long Châu thành một điểm co cụm lực lượng lớn của địch.
Dù vậy, sau nhiều ngày hành quân và chiến đấu, các đơn vị của ta trên mặt trận phía tây gặp một số khó khăn, lương thực và đạn chưa kịp bổ sung. Vì thế, ta quyết định chuyển sang vây hãm địch và tập trung chuẩn bị đánh chiếm thị trấn Ninh Minh.
Cuối tháng 6, lực lượng ta và bạn sử dụng những bộ phận nhỏ áp sát thị xã Long Châu, vừa đánh quấy rối, vừa tuyên truyền, nghi binh đánh lạc hướng địch.
Ngày 1/7/1949, ta triển khai nhiều mũi đồng loạt tiến công vào Ninh Minh, địch hoảng sợ rút chạy về Ninh Giang. Tiếp đó, các lực lượng ta triển khai chuẩn bị đánh vị trí Thượng Kim.
Ngày 3/7/1949, địch cho quân từ Nam Ninh tăng viện cho lực lượng ở Long Châu tổ chức đánh chiếm lại Hạ Thạch, đồng thời củng cố phòng giữ Ninh Giang, Thượng Kim và tìm cách chiếm lại Ninh Minh. Do lực lượng ít, đạn dược, lương thực hết, ta không thực hiện ý định đánh Thượng Kim.
Ngày 5/7/1949, Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị cho mặt trận phía tây Thập Vạn Đại Sơn rút quân, kết thúc chiến dịch, chỉ để lại đại đội địa phương Thoát Lãng hoạt động ở vùng Lôi Bình và một bộ phận đại đội địa phương Văn Uyên phối hợp hoạt động, củng cố cơ sở với lực lượng cách mạng Trung Quốc ở vùng Nam Quan-Ải Khẩu.
Sau gần một tháng hoạt động, trên mặt trận phía tây, lực lượng hai nước đã phối hợp tiến công tiêu diệt và làm tan rã nhiều đơn vị của quân Quốc dân đảng, đánh chiếm và bức rút các vị trí Thủy Khẩu, La Hồi, Hạ Đống, Lôi Bình, Thượng Thạch, Ninh Minh; giải phóng nhiều huyện cùng hàng chục nghìn dân Trung Quốc.
Trên mặt trận đông Thập Vạn Đại Sơn, phải hành quân vượt qua dãy Thập Vạn Đại Sơn địa hình phức tạp, hiểm trở, thời tiết nắng nóng nên sau gần 1 tháng, Chi đội 6 mới đến Pắc Lầu. Trước đó, khi nghe tin Quân đội nhân dân Việt Nam tiến đến, quân Quốc dân đảng đã rút bỏ nhiều vị trí, co cụm về các thị trấn lớn như Nà Lường, Phòng Thành và Đông Hưng.
Ngày 1/7/1949, sau khi phân tích tình hình, Bộ Tư lênh Mặt trận quyết định tiến công Trúc Sơn (gần Đông Hưng) - thị trấn cửa khẩu lớn do 4 đại đội quân Quốc dân đảng đóng giữ.
Đêm 5/7, Chi đội 6 và lực lượng bạn phối hợp tiến công, địch chống trả quyết liệt, trận đánh phải kéo dài đến sáng ngày 6. Ta chuyển sang bao vây, tiêu diệt lô cốt chính để kìm giữ địch. Lúc này, ta và bạn tổ chức chặn đánh viện binh địch trên cả đường bộ và đường thuỷ từ Đông Hưng và Phòng Thành đến.
Sau 5 ngày bao vây, sáng 10/7/1949, Chi đội 6 được lệnh rút khỏi Trúc Sơn về Vọng Thôn. Bộ Tư lệnh Mặt trận điều 1 trung đội trở lại Phù Lũng làm công tác dân vận. Trên đường hành quân, gặp lúc 500 quân Quốc dân đảng đang càn quét, trung đội triển khai chiến đấu liền trong 5 ngày đánh 3 trận ở Pắc Cáp, Cốc Phào và Nà Sầm, buộc địch lui quân.
Ngày 5/7, một tiểu đoàn thuộc Chi đội 3 Giải phóng quân Trung Quốc tiến công quân địch xung quanh vị trí Trúc Sơn, buộc chúng phải chạy về Đông Hưng, rồi tiếp tục rút về Phòng Thành. Vùng giải phóng Thập Vạn Đại Sơn của cách mạng Trung Quốc được mở rộng.
Sau một thời gian củng cố, lực lượng ta và bạn tiếp tục tiến công địch ở quanh Nà Số, buộc chúng phải rút khỏi Vòng Chúc.
Từ ngày 25/7, ta tổ chức đánh địch đang vận động ở Mào Lẻng (Mao Lĩnh), rồi vượt sông sang Khâm Châu tiến công đoàn thuyền lương của lực lượng phỉ trên bến Trường Thán.
Đầu tháng 8/1949, trên đường từ Nà Số đi Khâm Châu, ta tiêu diệt 1 đại đội địch, thu nhiều vũ khí ở núi Quan Đường (phía nam Nam Ninh).
Từ ngày 16/8, Chi đội 6 phối hợp với lực lượng bạn phục kích tiêu diệt và bắt sống nhiều quân địch ở On Mộc trên đường từ Tai Tri đi Khâm Châu và tiến hành tiễu phỉ ở vùng Khâm Châu.
Cuối tháng 10/1949, lực lượng vũ trang của cách mạng Trung Quốc ở hai biên khu Điền Quế và Việt Quế đã liên lạc được với chủ lực Giải phóng quân Trung Quốc. Chi đội 6 được lệnh rút quân về nước, chỉ để lại một đại đội phối hợp với bạn tiếp tục xây dựng cơ sở và đánh địch ở vùng biên giới hai tỉnh Quảng Đông và Hải Ninh.

Sau 5 tháng hành quân chiến đấu trong những điều kiện vô cùng gian nan, thiếu thốn, lúc tập trung chiến đấu, khi phân tán gây cơ sở, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang. Bằng hành động thực tế, hy sinh quên mình, bộ đội ta đã góp phần cùng Giải phóng quân và du kích khu Thập Vạn Đại Sơn tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng và nối liền căn cứ địa trong khu Thập Vạn Đại Sơn.
Bộ đội ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1 trung đoàn quân Quốc dân đảng, bức rút và giải phóng 10 thị trấn, phố, làng lớn, nhỏ thuộc huyện Phòng Thành v.v…, góp phần mở rộng củng cố Khu căn cứ Thập Vạn Đại Sơn của bạn, tạo thành hậu cứ và địa bàn đứng chân vững chắc cho Đại quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc Nam hạ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng cách mạng Việt Nam phát triển ở vùng biên giới Đông Bắc; ngăn chặn tàn quân Quốc dân đảng tràn xuống vùng Cao Bằng, Lạng Sơn và Hải Ninh của ta.
Bộ Tư lệnh Chiến dịch nhận định: Thắng lợi quân sự đã quan trọng, nhưng thắng lợi về chính trị còn lớn hơn nhiều. Thắng lợi của chiến dịch góp phần khẳng định tinh thần quốc tế vô sản của bộ đội Việt Nam, trực tiếp góp phần vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, qua đó góp phần xây đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt-Trung. Đánh giá cao những đóng góp, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch này, phía Trung Quốc cũng khẳng định: “Những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng máu của mình viết nên bài ca hữu nghị của nhân dân hai nước Việt-Trung”[3].
Đánh giá cao những đóng góp, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong chiến dịch này, phía Trung Quốc cũng khẳng định: “Những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng máu của mình viết nên bài ca hữu nghị của nhân dân hai nước Việt-Trung” .
Ngày xuất bản: 12/2024
Nội dung: Đại tá Phan Sỹ Phúc - Viện Lịch sử Quân sự
Trình bày: BÔNG MAI
Ảnh: Bách khoa toàn thư quân sự Việt Nam, TTXVN