Chiến dịch tiến công Nghĩa Lộ (18/4-1/5/1948) rèn luyện khả năng tác chiến cho bộ đội

Tiếp sau Chiến dịch phản công Việt Bắc Thu Đông năm 1947, quân đội ta mở chiến dịch tiến công địch ở Nghĩa Lộ. Đây là chiến dịch tiến công đầu tiên của quân đội, cũng là chiến dịch thực hiện “tư tưởng tiến công” - tư tưởng quân sự mang bản chất của quân đội ta. Thông qua chiến dịch góp phần rèn luyện khả năng tác chiến cho bộ đội trong giai đoạn khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Từ sau thất bại ở Việt Bắc Thu Đông năm 1947, chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp bị phá sản, phải thay đổi chiến lược chuyển sang đánh kéo dài. Để tiếp tục chiến tranh xâm lược, thực dân Pháp thực hiện nhiều biện pháp chiến lược mới.
Ở Tây Bắc, từ cuối năm 1947 đầu năm 1948, thực dân Pháp từng bước kiểm soát được hầu hết các tỉnh lỵ, thị xã, thị trấn và đường giao thông quan trọng. Đồng thời, lợi dụng những sơ hở của ta tại một số vùng bị mất đất, mất dân, phong trào quần chúng bị giảm sút, quân Pháp đã tăng cường đánh phá, lấn đất, kiểm soát dân, đẩy các đoàn thể kháng chiến và lực lượng vũ trang ta bật sang địa phương khác.
Trước tình hình đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở rộng từ ngày 15 đến ngày 17/1/1948, đã phân tích tình hình sau thắng lợi Việt Bắc Thu-Đông và đề ra nhiệm vụ kháng chiến thời kỳ mới.
Triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Bộ Tổng chỉ huy chỉ thị cho Khu 10 phá kế hoạch bao vây biên giới của Pháp, đưa các đại đội độc lập, các đội xung phong và các đội vũ trang tuyên truyền vào sâu trong vùng tạm chiếm để xây dựng và đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiến tới xây dựng và mở rộng căn cứ địa Tây Bắc.
Quân ta triển khai lực lượng bám sát trận địa tiến công Nghĩa Lộ đồi nơi đặt sở chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ của địch. (Ảnh: TTXVN)
Quân ta triển khai lực lượng bám sát trận địa tiến công Nghĩa Lộ đồi nơi đặt sở chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ của địch. (Ảnh: TTXVN)
Thực hiện chỉ thị của Bộ Chỉ huy và để đối phó với các hoạt động của thực dân Pháp tại khu vực Nghĩa Lộ (Yên Bái), Bộ Chỉ huy Khu 10 quyết định mở Chiến dịch tiến công Nghĩa Lộ vào đầu tháng 4/1948, “nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực, thu hẹp phạm vi kiểm soát của địch, tạo điều kiện cho các đại đội độc lập, đội vũ trang tuyên truyền tiến sâu vào vùng địch tạm chiếm gây cơ sở, phát động chiến tranh du kích, tiến tới xây dựng và mở rộng căn cứ Tây Bắc”[1].
Khu vực Nghĩa Lộ, Gia Hội là vùng rừng núi hiểm trở, cách thị xã (tỉnh lỵ) Yên Bái 50km về phía tây. Riêng thị trấn Nghĩa Lộ nằm trong dải đồng bằng Mường Lò, một cánh đồng phẳng, trù phú.
Lực lượng quân Pháp tại Nghĩa Lộ có Tiểu đoàn 1 người Thái thuộc tiểu khu Yên Bái, gồm 3 đại đội chiến đấu; 1 trung đội chỉ huy của đại đội Commăngđô Lào và một số đông lính dõng, được trang bị súng cối, trung liên, súng trường, đóng giữ ở các vị trí Nghĩa Lộ, Cốc Báng, Gia Hội, Quang Huy.
Lực lượng quân Pháp tại Nghĩa Lộ có Tiểu đoàn 1 người Thái thuộc tiểu khu Yên Bái, gồm 3 đại đội chiến đấu; 1 trung đội chỉ huy của đại đội Commăngđô Lào và một số đông lính dõng, được trang bị súng cối, trung liên, súng trường, đóng giữ ở các vị trí Nghĩa Lộ, Cốc Báng, Gia Hội, Quang Huy.
Lực lượng Khu 10 tham gia chiến dịch có 2 trung đoàn bộ đội địa phương của tỉnh Sơn La và Yên Bái, hai tiểu đoàn (Tiểu đoàn Sông Lô và Tiểu đoàn 45 của Bộ tăng cường). Tổng quân số 2.000 người. Vũ khí có một khẩu pháo 75mm, còn lại súng trường, lựu đạn và địa lôi tự tạo. Ban Chỉ huy chiến dịch gồm các đồng chí Bế Sơn Cương, Vũ Lập. Sở Chỉ huy đặt ở Ca Vịnh.
Theo kế hoạch, chiến dịch dự kiến mở màn bằng trận đánh chiếm vị trí Nghĩa Lộ; sau đó tập trung đánh xuống Quang Huy. Lực lượng chia làm hai hướng.
Quân ta tiến công tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ, đập tan tuyến phòng thủ vành đai ngoài Tây Bắc của địch. (Ảnh: TTXVN)
Quân ta tiến công tiêu diệt phân khu Nghĩa Lộ, đập tan tuyến phòng thủ vành đai ngoài Tây Bắc của địch. (Ảnh: TTXVN)
Trên hướng Nghĩa Lộ, Ban Chỉ huy chiến dịch sử dụng 2 tiểu đoàn Sông Lô và Yên Bái và 5 đại đội độc lập, được trang bị 1 cối 81mm, 1 cối 60mm, 9 badôca, 11 trung liên và súng trường, có nhiệm vụ tiến công tiêu diệt quân Pháp chiến đóng tại đây. Đồng thời, sử dụng Tiểu đoàn 45 được trang bị pháo 75 mm, quấy rối, nghi binh ở Gốc Bản, Cửa Nhì.
Trên hướng Quang Huy, Trung đoàn 97 đưa 2 tiểu đoàn đánh tiêu diệt vị trí Quang Huy; nếu không diệt được thì tổ chức bao vây ba ngày, chờ lực lượng ở Nghĩa Lộ xuống tiếp viện để tiêu diệt. Tuy nhiên, thực tiễn trong quá trình chuẩn bị chiến dịch, do không giữ được bí mật, nên quân Pháp đã tăng cường lực lượng phòng thủ Nghĩa Lộ, đóng thêm một số vị trí.
Lực lượng Khu 10 tham gia chiến dịch có 2 trung đoàn bộ đội địa phương của tỉnh Sơn La và Yên Bái, hai tiểu đoàn (Tiểu đoàn Sông Lô và Tiểu đoàn 45 của Bộ tăng cường). Tổng quân số 2.000 người. Vũ khí có một khẩu pháo 75mm, còn lại súng trường, lựu đạn và địa lôi tự tạo. Ban Chỉ huy chiến dịch gồm các đồng chí Bế Sơn Cương, Vũ Lập. Sở Chỉ huy đặt ở Ca Vịnh.
Trước tình hình đó, ta chuyển hướng chính đánh vào Gia Hội. Tại đây, lực lượng quân Pháp có khoảng 150 tên; vũ khí có 2 khẩu cối và 4 khẩu trung liên. Ta có 4 đại đội (510, 514, 518 và 520), 2 súng cối, 6 khẩu badôca, 8 AT, 12 trung liên và súng trường.
Ngày 19 và 20/4, bộ đội xuất phát hành quân đánh chiếm Gia Hội, nhưng vì rừng rậm, bị lạc phải quay về. Đến ngày 21/4, một đại đội đến chậm, không bắt được liên lạc, nên chỉ có 2 đại đội đánh. Trận đánh diễn ra trong vòng 1 giờ thì trời sáng, ta phải rút lui. Đêm ngày 22, các đơn vị thực hiện tiến công tiếp, nhưng không chiếm được đồn, phải rút lui.
Kết quả, ta tiêu diệt 6 tên Pháp, 10 lính khố đỏ và làm bị thương nhiều tên khác, phá hủy 2 súng máy. Ta hy sinh 9 đồng chí, bị thương 19 đồng chí[2].
Trên hướng Cốc Báng, lực lượng địch chiếm đóng có 37 tên Pháp, 196 lính khố đỏ, 27 lính dõng; vũ khí có 2 súng máy, 2 cối và súng trường. Ta có 4 trung đội bộ binh, 5 tiểu đội trợ chiến, 2 tiểu đội địa lôi, 1 khẩu pháo 75mm, 1 khẩu cối 60mm. Các trận chiến đấu giữa quân ta và địch diễn ra quyết liệt. Bộ đội ta nhiều lần tiến công nhưng đều không thành công, phải rút quân.
Trên hướng Cửa Nhì, địch có 3 đại đội, lực lượng gồm 15 lính Pháp, 120 lính khố đỏ và 30 lính dõng. Ta sử dụng Đại đội 146 gồm 1 trung đội nghi binh phía tây bắc Cửa Nhì-Nghĩa Lộ, 1 trung đội phối hợp với 2 trung đội của Đại đội 148 theo trục lộ đánh vào đồn. Trung đội còn lại của Đại đội 148 phúc kích địch trên đoạn đường Cửa Nhì-Cốc Báng và quấy rối Gốc Bản. Theo kế hoạch, 3 giờ 10 phút ngày 26/4, quân ta bắt đầu nổ súng, đến 5 giờ 30 phút, do không đột nhập được vị trí nên phải rút quân.
Trên hướng Quang Huy, địch có 6 lính Pháp, 60 lính khố đỏ và một đại đội mới tiếp viện chốt trên đoạn đường Quang Huy-Văn Yên. Lực lượng ta có 2 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 97. Ngày 18/4, bộ đội xuất phát từ Thạch Kiệt. Do đêm tối, bộ đội bị lạc đường, nên mãi đến tối ngày 20/4 mới đến được khu vực tập kết (chậm 1 ngày so với dự kiến).
Đêm ngày 21/4, ta tập kích vào vị trí Quang Huy nhưng không có kết quả. Vì địa thế bất lợi, quân ta ở dưới ruộng phẳng, địch ở vị trí cao, bên sườn Quang Huy là vị trí Văn Yên và dọc trục lộ quân Pháp đã tăng viện, do vậy, ta không thực hiện được kế hoạch bao vây Quang Huy. Hơn nữa, sau ngày 21/4, bộ đội đã hết gạo nên phải lui quân về Thượng Khê chờ lệnh mới. Ngày 1/5/1948, Chiến dịch kết thúc.
Toàn bộ Ban Chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ của địch bị đơn vị của Đại đoàn 312 bắt sống trong trận tấn công ngày 17/10/1952. Ngồi hàng đầu bên phải là quan tư Tirillon, chỉ huy trưởng phân khu Nghĩa Lộ. (Ảnh: TTXVN)
Toàn bộ Ban Chỉ huy phân khu Nghĩa Lộ của địch bị đơn vị của Đại đoàn 312 bắt sống trong trận tấn công ngày 17/10/1952. Ngồi hàng đầu bên phải là quan tư Tirillon, chỉ huy trưởng phân khu Nghĩa Lộ. (Ảnh: TTXVN)
Thực hiện chủ trương đánh sâu vào Tây Bắc để xây dựng căn cứ địa và áp lực cho mặt trận Yên Bái từ sau chiến thắng Việt Bắc-Thu Đông năm 1947, Bộ Chỉ huy Khu 10 đã quyết tâm tập trung lực lượng lớn để thực hiện chủ trương chiến lược được giao, tổ chức chiến dịch tiến công đầu tiên của quân đội ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong kế hoạch, Bộ Chỉ huy Khu 10 đã biết tổ chức tập trung lực lượng đánh trên nhiều hướng, cùng lúc đánh vào nhiều vị trí quan trọng buộc địch phải căng kéo đối phó, ý định chiến dịch khá rõ ràng.
Tuy nhiên, khi dự kiến chưa phân tích kỹ tương quan lực lượng địch-ta nên đề ra mục tiêu đánh chiếm đất chưa phù hợp. Mặt khác, trong xây dựng kế hoạch có phần chủ quan, quá tin tưởng vào thắng lợi nên không dự kiến các tình huống có thể xảy ra để kịp thời đối phó. Hơn nữa, quá trình chuẩn bị và thực hành chiến đấu chưa được chu đáo, bộ đội còn bị lạc nhiều; không kết hợp được lực lượng tập kích đánh đồn và lực lượng phục kích đánh viện; công tác hậu cần chiến dịch thiếu cụ thể, không dự kiến được tình huống khi đánh dài ngày…
Chiến dịch Nghĩa Lộ là chiến dịch tiến công đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tuy kết quả còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, song đây là chiến dịch tiến công đầu tiên đã thực hiện được việc tiêu hao, tiêu diệt lực lượng đáng kể quân địch, qua đó rèn luyện khả năng tác chiến cho bộ đội và bước đầu tạo ra niềm tin mới cho cán bộ, chiến sĩ về sự phát triển của quân đội; giúp cho các cấp chỉ huy và bộ đội rút ra nhiều bài học quý đầu tiên về cách đánh các cứ điểm địch trong một chiến dịch tiến công[3], làm cơ sở để tổ chức giành thắng lợi trong những chiến dịch tiến công tiếp theo.
Ngày xuất bản: 12/2024
Nội dung: Trung tá Lê Văn Thành - Viện Lịch sử Quân sự
Trình bày: BÔNG MAI
Ảnh: TTXVN