Nội dung: Thiếu tướng, TS. NGUYỄN HOÀNG NHIÊN

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ta thực hiện ba đòn tiến công tiêu diệt chiến lược lực lượng chủ lực địch ở Tây Nguyên, Trị Thiên-Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn. Chiến dịch Tây Nguyên là đòn đột phá mở đầu cuộc tiến công chiến lược quan trọng mang ý nghĩa quyết định, mở ra cục diện có lợi cho sự nghiệp giải phóng miền nam, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Thành công của Chiến dịch có nhiều nguyên nhân, trong đó công tác tham mưu chiến lược đã đóng góp quan trọng vào thắng lợi chiến dịch.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá và nhận định chính xác tình hình từ cuối 1974 đến đầu năm 1975, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương vạch kế hoạch và quyết tâm chiến lược giải phóng miền nam trong 2 năm 1975-1976. Đồng thời, ta nỗ lực chuẩn bị phương án theo phương hướng: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975, thì lập tức giải phóng miền nam trong năm 1975”. Công tác tham mưu chiến lược đã tập trung tối đa cho quyết tâm giải phóng miền nam và kế hoạch đòn tiến công mở đầu ở nam Tây Nguyên.

Quân giải phóng bắn cháy nhiều xe thiết giáp của địch tại chi khu Đức Lập (Đắk Lắk). (Ảnh: TTXVN)

Quân giải phóng bắn cháy nhiều xe thiết giáp của địch tại chi khu Đức Lập (Đắk Lắk). (Ảnh: TTXVN)

Căn cứ vào quyết tâm và phương hướng của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, công tác tham mưu chiến lược tập trung nghiên cứu nắm chắc tình hình, nhất là tình hình địch, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và hướng phát triển tiến công ở Tây Nguyên, xác định cho được phương pháp tác chiến bảo đảm phương châm bí mật, bất ngờ, thực hiện nghi binh giữ bí mật hướng tiến công chủ yếu của ta.

Phương án tiến công Buôn Ma Thuột được dự liệu cả 2 phương án: Đánh địch có hoặc không có phòng ngự dự phòng. Trong trường hợp khi Sư đoàn 23 ngụy quân và các lực lượng tăng cường rút về phòng thủ Buôn Ma Thuột, cuộc chiến đấu sẽ diễn ra gay go và khốc liệt hơn rất nhiều.

Mặc dù ta yêu cầu các cơ quan, đơn vị chuẩn bị theo phương án 2 đánh chắc, tiến chắc; song, vẫn phải tích cực tạo thế và chớp thời cơ để chuyển nhanh sang phương án 1 đánh địch không có phòng ngự dự phòng.

Công tác tham mưu tập trung nghiên cứu, đánh giá chính xác tình hình địch, kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết tâm tiến công nam Tây Nguyên

Công tác điều nghiên chiến trường được quan tâm và triển khai sớm từ tháng 7/1974, ta tung lực lượng nắm địch từ Đức Lập, Cẩm Ga và thị xã Buôn Ma Thuột.

Trong khi ta đang tích cực chuẩn bị cho kế hoạch tiến công nam Tây Nguyên, ở Mỹ đã xảy ra vụ Watergate (tháng 8/1974) buộc Tổng thống Mỹ phải từ chức, điều này đã tạo ra sự chia rẽ trong chính phủ Mỹ, buộc chính phủ Mỹ phải hạn chế dần chi phí quân sự của Mỹ cho Sài Gòn, làm suy yếu khả năng mọi mặt của quân ngụy Sài Gòn.

Xét về mặt ngoại giao, sau cuộc viếng thăm không đạt được kết quả như mong đợi của ngoại trưởng Trần Văn Lắm của chính quyền Sài Gòn trở về từ Mỹ, ta nắm được Quốc hội Mỹ sẽ không có động thái gì về việc tiếp tục ủng hộ cũng như tăng viện cho quân ngụy Sài Gòn.

Giữa lúc đó, tin thắng trận Thượng Đức[1] đưa về Bộ Tổng Tư lệnh, ta đánh tan Sư đoàn dù và Chiến dịch Đường 14-Phước Long[2] đã cho thấy khả năng chiến đấu của quân ngụy Sài Gòn đã xuống mức rất thấp, không đủ sức phản kích để chiếm lại những vùng đã mất[3].

Đối với các sự kiện này, phía Mỹ không có phản ứng gì, điều đó chứng tỏ Mỹ khó có khả năng can thiệp quân sự trở lại vào miền nam.

Và cũng thông qua tin tức từ Bộ Tổng Tham mưu quân ngụy Sài Gòn, họ vẫn cho rằng Quân giải phóng khó có khả năng “đánh lớn” trong xu thế hòa hoãn và cân bằng lực lượng với các nước lớn, nhất là khi biện pháp “Tràn ngập lãnh thổ” của chúng đã giành được những kết quả nhất định[4].

Ngày 7/1/1975, trong Hội nghị Bộ Chính trị đã nêu: “Tình hình hiện nay so với trước đã khác rất nhiều. Mỹ đã thua liên tiếp, buộc phải rút quân về, và ngụy quân, ngụy quyền không còn chỗ dựa nữa”[5].

Đây là cơ sở để Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18/12/1974 - 8/1/1975) bổ sung và hoàn chỉnh quyết tâm chiến lược giải phóng hoàn toàn miền nam.

Hội nghị nhận định: “Chúng ta đang đứng trước thòi cơ chiến lược rất lớn… có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”[6].

Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột. (Ảnh: TTXVN)

Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột. (Ảnh: TTXVN)

Trên cơ sở những diễn biến tiếp theo trên thực tiễn chiến trường, Tổ Trung tâm nghiên cứu Bộ Tổng Tham mưu trong quá trình xây dựng kế hoạch giải phóng miền nam đã đề xuất Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu chọn hướng tiến công chiến lược là nam Tây Nguyên.

Đến tháng 2/1975, công tác tham mưu nắm địch nhận được tin tức rất quan trọng: Thiếu tướng Phạm Văn Phú đã quyết định giữ phần lớn lực lượng Sư đoàn 23 và các liên đoàn 6, 21, 22, 24 để lo phòng thủ bắc Tây Nguyên.

Điều này càng củng cố quyết tâm cho ta đẩy nhanh công tác chuẩn bị để tiến công nam Tây Nguyên. Tiếp tục nghiên cứu nắm địch, cơ quan đã tham mưu nắm được địch đã tập trung lực lượng 8/10 trung đoàn cho bắc Tây Nguyên, tại thời điểm này ở Buôn Ma Thuột (nam Tây Nguyên) chỉ còn Trung đoàn 53 Sư đoàn 23, Bộ Chỉ huy Tiểu khu Đắk Lắk, 2 chi đoàn thiết giáp, 2 tiểu đoàn pháo binh với lực lượng khoảng 8.000 tên.

Như vậy, Buôn Ma Thuột đã trở thành mục tiêu sơ hở và mỏng yếu nhất trong khu vực Tây Nguyên. Theo đó, điều kiện để tiến công nam Tây Nguyên đã chín muồi và đủ yếu tố chắc thắng.

Với các nhận định tình hình trên, cơ quan đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh lựa chọn Buôn Ma Thuột là mục tiêu tiến công chủ yếu ở nam Tây Nguyên.

Các đề xuất tham mưu của cơ quan chiến lược đã được Quân ủy trung ương và Bộ Chính trị nhất trí và chính thức quyết định Chiến dịch Tây nguyên với trận then chốt mở đầu ở Buôn Ma Thuột.

Bên cạnh công tác tham mưu cho Bộ Quốc phòng về vận chuyển và tập kết khối lượng vật chất hậu cần, trang bị kỹ thuật cho chiến dịch, công tác tham mưu còn tập trung chỉ đạo hoạt động nghi binh tạo thế, làm cho địch tập trung lực lượng phòng giữ bắc Tây Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho ta hoàn thành công tác chuẩn bị ở nam Tây nguyên theo quyết tâm Chiến dịch.

Sở chỉ huy mặt trận Tây Nguyên tháng 3/1975 (từ trái qua): đồng chí Hoàng Dũng, Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Văn Tiến Dũng; đồng chí Bùi San, Khu ủy viên Khu V; đồng chí Huỳnh Văn Mẫn (tức Chín Cần), Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. (Ảnh: TTXVN)

Sở chỉ huy mặt trận Tây Nguyên tháng 3/1975 (từ trái qua): đồng chí Hoàng Dũng, Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Văn Tiến Dũng; đồng chí Bùi San, Khu ủy viên Khu V; đồng chí Huỳnh Văn Mẫn (tức Chín Cần), Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk. (Ảnh: TTXVN)

Công tác tham mưu tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ nghi binh lừa địch và tác chiến tạo thế mở đầu chiến dịch

Sau khi Bộ Chính trị cử Đại tướng Văn Tiến Dũng vào chiến trường chỉ đạo chiến dịch và tổ chức Sở Chỉ huy Tiền phương ở Tây Nguyên; chỉ định thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch. Theo đó, cơ quan tham mưu chiến dịch được tổ chức và kiện toàn trên cơ sở lấy 3 cơ quan của Mặt trận Tây Nguyên (B3) làm nòng cốt[7].

Việc cơ động lực lượng vừa phải bảo đảm theo kế hoạch tác chiến, vừa phục vụ cho hoạt động nghi binh và tác chiến tạo thế, nhưng đồng thời phải bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ, giữ kín ý định và quyết tâm chiến dịch.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương: “Phải nghi binh rất nhiều để làm cho địch tập trung sự chú ý vào việc bảo vệ phía bắc Tây Nguyên[8].

Chấp hành sự chỉ đạo trên, Phòng Tác chiến Mặt trận B3 xây dựng kế hoạch nghi binh; trong đó xác định rõ: Nhiệm vụ của nghi binh là giam chân, căng kéo chủ lực Quân đoàn 2 quân ngụy Sài Gòn ở Pleiku và Kon Tum, không cho chúng cơ động về Đức Lập, Gia Nghĩa, Thuận Mẫn.

Công tác tham mưu tập trung chỉ đạo các đơn vị tiến hành các hoạt động nghi binh. Đưa Sư đoàn 968 từ nam Lào về thay thế cho Sư đoàn 320A và Sư đoàn 10; Sư đoàn 10 để lại đồng chí Tham mưu phó Sư đoàn 10 ở lại hậu cứ cùng toàn bộ cụm điện đài, tổ báo vụ 15W (loại dùng cho sở chỉ huy sư đoàn lúc đó), các trang bị thông tin quan trọng khác và đường đây hữu tuyến, tiếp tục phát các báo cáo và mệnh lệnh giả như đang hoạt động bình thường, lực lượng 2 sư đoàn bí mật cơ động về nam Tây Nguyên.

Chỉ đạo Sư đoàn 320A tổ chức lực lượng tác chiến tạo thế và nghi binh địch trên Đường 14, sử dụng Trung đoàn 98 đặc công tập kích phá hủy kho xăng Pleiku; Trung đoàn 95A và Sư đoàn 3 Quân khu 5 đánh cắt giao thông trên Đường 19 (4.3) ở Plei Pôn, ấp Phú Yên, Thương Giang, Bình Khê; Trung đoàn 25 đánh cắt Đường 21 (5.3) đoạn giao thông Chư Cúc; Trung đoàn 9 Sư đoàn 320 đánh chiếm đoạn Ea H Leo (5.3), nhằm chia cắt chiến lược, cô lập hoàn toàn Buôn Ma Thuột.

Trước tình hình đó, địch lập tức điều Chiến đoàn 3 thiết giáp và Liên đoàn 4 biệt động quân ra đông Pleiku phản kích và điều Sư đoàn 22 từ bắc Bình Định ra đối phó với Sư đoàn 3, lệnh cho Trung đoàn 53 và một tiểu đoàn bảo an tiếp tục lùng sục ở bắc thị xã Buôn Ma Thuột.

Khi Trung đoàn 45 địch lùng sục dấu vết của Sư đoàn 10 và 320 ở Ia H’Leo, ta cho đội hình lui ra khỏi hành lang hành quân để giữ bí mật. Đồng thời, cho phát một bức điện gửi các đơn vị: “Địch đã bị mắc lừa, cho rằng ta sẽ đánh Buôn Ma Thuột nên đã điều quân xuống phía nam[9].

Nhận được tin đó địch càng thêm hoang mang. Như vậy, bằng tổng thể các hoạt động nghi binh, tác chiến tạo thế và trên làn sóng vô tuyến điện, ta đã thành công trong việc thu hút lực lượng chủ yếu của địch và duy trì khối chủ lực mạnh ở bắc Tây Nguyên. Đây là thành công lớn của công tác tham mưu tác chiến. Ta đã thực hiện thành công kế sách “náo đằng bắc, đánh đằng nam” tạo yếu tố bất ngờ về chiến lược.

Các chiến sĩ đoàn Pleime (Gia Lai) thảo luận phương án đánh địch. (Ảnh: TTXVN)

Các chiến sĩ đoàn Pleime (Gia Lai) thảo luận phương án đánh địch. (Ảnh: TTXVN)

Công tác tham mưu tập trung chỉ đạo các đơn vị tiến công kiên quyết, liên tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chiến dịch

Thực hiện kế hoạch đề ra, sau thời gian tích cực, chủ động và nỗ lực triển khai, tiến hành làm công tác chuẩn bị, quân và dân ta thực hiện đòn mở đầu tiến công đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột.

Để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho trận tiến công Buôn Ma Thuột, Bộ Tổng Tư lệnh cho Sư đoàn 320 tiến công Chư Xê, Cẩm Ga, cắt Đường 14.

Khi đó, Liên đoàn 21 địch bắt đầu cơ động hòng bảo vệ phía bắc Buôn Ma Thuột. Nhận thấy dấu hiệu địch tăng cường lực lượng bằng đường không cho Buôn Ma Thuột, ta cho lực lượng pháo binh, cao xạ tập kích hỏa lực vào 2 sân bay Cù Hanh và Hòa Bình, sử dụng Sư đoàn 968 cắt Đường 14 đoạn giữa Kon Tum và Pleiku và liên tục bắn phá 2 thị xã này trong nhiều giờ. Sử dụng Sư đoàn 10 đánh chiếm Đức Lập, Căn cứ 23 và Núi Lửa...

Và như vậy, thế trận tiến công Buôn Ma Thuột đã tạo ra một cách hoàn chỉnh. Chớp thời cơ có lợi, Sư đoàn 316 gồm 3 trung đoàn (148, 174, 149) được tăng cường mạnh về binh khí kỹ thuật, phối hợp Trung đoàn Đặc công 198, Trung đoàn 95B Sư đoàn 325, Trung đoàn 24 Sư đoàn 10 lập tức tiến công tiêu diệt địch ở Buôn Ma Thuột trong khi địch chưa kịp tăng cường lực lượng dự phòng.

Đây là phương án tối ưu nhất có được do nỗ lực thúc đẩy hoàn thành công tác chuẩn bị sớm và kết quả nghi binh, tạo thế của các lực lượng mà có.

Bộ đội ta giải phóng Đắc Tô-Tân Cảnh (Kon Tum). (Ảnh: TTXVN)

Bộ đội ta giải phóng Đắc Tô-Tân Cảnh (Kon Tum). (Ảnh: TTXVN)

Đại tướng Văn Tiến Dũng (tháng 7-1954).

Đại tướng Văn Tiến Dũng (tháng 7-1954).

Để hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho trận tiến công Buôn Ma Thuột, Bộ Tổng Tư lệnh cho Sư đoàn 320 tiến công Chư Xê, Cẩm Ga, cắt Đường 14. Khi đó Liên đoàn 21 địch bắt đầu cơ động hòng bảo vệ phía bắc Buôn Ma Thuột. Nhận thấy dấu hiệu địch tăng cường lực lượng bằng đường không cho Buôn Ma Thuột, ta cho lực lượng pháo binh, cao xạ tập kích hỏa lực vào 2 sân bay Cù Hanh và Hòa Bình, sử dụng Sư đoàn 968 cắt Đường 14 đoạn giữa Kon Tum và Pleiku và liên tục bắn phá 2 thị xã này trong nhiều giờ. Sử dụng Sư đoàn 10 đánh chiếm Đức Lập, Căn cứ 23 và Núi Lửa... Và như vậy, thế trận tiến công Buôn Ma Thuột đã tạo ra một cách hoàn chỉnh. Chớp thời cơ có lợi, Sư đoàn 316 gồm 3 trung đoàn (148, 174, 149) được tăng cường mạnh về binh khí kỹ thuật, phối hợp Trung đoàn Đặc công 198, Trung đoàn 95B Sư đoàn 325, Trung đoàn 24 Sư đoàn 10 lập tức tiến công tiêu diệt địch ở Buôn Ma Thuột trong khi địch chưa kịp tăng cường lực lượng dự phòng.

Theo quyết tâm đã xác định, ta tổ chức đội hình tiến công trên 3 hướng với 5 mũi tiến công: Hướng bắc 2 mũi, hướng nam 2 mũi, hướng tây 1 mũi. Dưới sự đẫn dắt của xe tăng (4/5 mũi tiến công đều sử dụng xe tăng), các đơn vị đồng loạt tiến công các mục tiêu được phân công theo kế hoạch.

Với tinh thần thần tốc và quyết thắng, chỉ sau 33 giờ tiến công, ta đã giải phóng thị xã. Với sự tham mưu kịp thời, sáng suốt, sự chỉ huy điều hành tài tình của Quân ỷ Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh mà trực tiếp là Bộ Tư lệnh chiến dịch, nên chỉ trong thời gian ngắn, ta đã thực hiện trận mở đầu Buôn Ma Thuột giành thắng lợi giòn giã(10), tạo ra những thuận lợi mới cho các trận đánh kế tiếp.

Sau tiến công giải phóng thị xã giành thắng lợi, phát hiện địch sử dụng máy bay lên thẳng đổ quân xuống Điểm cao 581, Nông Trại, Phước An, Chư Cúc… ta tập trung lực lượng thực hiện thắng lợi 5 trận giòn giã tiêu diệt địch đổ bộ đường không khi địch phản kích hòng tái chiếm Buôn Ma Thuột.

Biết không thể cứu vãn được Tây Nguyên sau cuộc triệu tập khẩn cấp Quân khu 2-Quân đoàn 2 ở Cam Ranh (ngày 14/3/1975), Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu xuống lệnh: Rút khỏi Pleiku theo Đường số 7 để về giữ đồng bằng ven biển miền trung.

Phát hiện địch rút chạy (ngày 15/3/1975), ta tổ chức lực lượng lập thế chốt chặn ở Củng Sơn và thực hiện truy kích địch rút chạy trên Đường số 7. Hầu hết quân địch bị tiêu diệt và bị bắt, chỉ còn số rất ít chạy thoát. Nhờ công tác tham mưu đúng, trúng, chỉ đạo tác chiến sâu sát, kịp thời, chỉ huy quyết đoán, linh hoạt đã tạo nên sự kiện cơn địa chấn Buôn Ma Thuột tác động sâu sắc đến cục chiến trường, đặt quân ngụy Sài Gòn trong cảnh khốn quẫn, suy sụp cùng cực và nhanh chóng đi đến tan rã.

Nhìn tổng thể Chiến dịch Tây Nguyên, sau khi kìm giữ lực lượng trù bị chiến lược của địch ở hai đầu bắc-nam chiến tuyến bằng các quân đoàn chủ lực của ta, thành công của trận Buôn Ma Thuột là do ta khéo nghi binh để kéo và kìm giữ địch lên bắc Tây Nguyên cùng với tác chiến tạo thế, chốt chặn, chốt cắt, giữ chắc các trục giao thông có thể chi viện cho Buôn Ma Thuột; khống chế các sân bay, không cho máy bay phản lực và máy bay cánh quạt cất và hạ cánh nhằm cô lập, trói chặt địch ở Buôn Ma Thuột để tiến hành trận then chốt quyết định mở màn chiến dịch giành thắng lợi.

Lựa chọn Tây Nguyên trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã khéo, chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu đột phá mở đầu chiến dịch còn khéo hơn nhiều. Chỉ riêng việc đó thôi đã là thiên tài rồi. Đập tan Buôn Ma Thuột làm rung chuyển toàn bộ Tây Nguyên và tạo phản ứng dây chuyền mà ta quen gọi là “đômino” trong tiến công chiến lược và tiếp đà tạo ra các cơn địa chấn, buộc địch rút chạy về đồng bằng Khu 5 và lan đến Nam Bộ, biến cuộc tiến công chiến lược thành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền nam ngay trong năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch quyết chiến chiến lược mang tên lãnh tụ kính yêu Hồ Chí Minh.

Đây là bài học lớn và là kết quả của công tác tham mưu chiến lược được đúc rút từ Chiến thắng Tây Nguyên.

Nhân dân Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo để đánh chiếm các đỉnh cao ở Pleiku. (Ảnh: TTXVN)

Nhân dân Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo để đánh chiếm các đỉnh cao ở Pleiku. (Ảnh: TTXVN)

Hiện nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biễn phức tạp, nhanh chóng và khó đoán định, xung đột quân sự diễn ra nhiều nơi, chưa có dấu hiệu chắc chắc về kết thúc xung đột. Bên cạnh đó sự cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, các nước nhỏ, nếu không khéo léo sẽ bị lôi kéo vào vòng xoáy kiểm tỏa của các nước lớn.

Phát huy tinh thần chiến thắng Tây Nguyên trong Xuân 1975 và kết quả thành tích đã đạt được của công tác tham mưu chiến lược của 30 năm chiến tranh giải phóng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, công tác tham mưu chiến lược cần nghiên cứu, nắm và dự báo chính xác tình hình, kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược quân sự-quốc phòng. Nâng cao chất lượng tổng hợp toàn quân, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, bảo đảm đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trước hết cần tập trung một số vấn đề cơ bản sau đây:

1. Công tác tham mưu chiến lược cần tập trung vào việc quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối quân sự-quốc phòng, xây dựng lực lượng, thế trận và tiềm lực quốc phòng vững mạnh gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững chắc, củng cố và giữ vững thế trận “lòng dân” trong tình hình mới. Có kế hoạch huy động sức mạnh toàn dân tộc tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc giành thắng lợi dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự điều hành, quản lý của Nhà nước. Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tiến hành đấu tranh toàn diện trên tất cả các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa và ngoại giao; đồng thời, chú trọng sức mạnh ngoại giao, phát huy thế mạnh, vị thế và uy tín, văn hóa và phẩm giá con người Việt Nam trên trường quốc tế, coi đây là nhân tố hợp thành sức mạnh tổng hợp trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

2.Công tác tham mưu chiến lược chú trọng xây dựng lực lượng, xác định phương thức, phương án tiến hành chiến tranh; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đường lối, sách lược, chiến lược quân sự-quốc phòng, quyết tâm chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tiếp tục nghiên cứu đề xuất và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, giải pháp tổng thể bảo đảm vừa cơ bản, vừa lâu dài, ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

3. Nghiên cứu, rà soát điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện về dự báo trạng thái khẩn cấp về quốc phòng, xử lý thắng lợi các tình huống chiến lược, không để bị động bất ngờ. Điều chỉnh, bổ sung thành phần, lực lượng tác chiến, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng theo các trạng thái quốc phòng, tình huống chiến lược, bảo đảm phù hợp theo dự báo về phương thức, loại hình chiến tranh có thể xảy ra. Nhất là chiến tranh cường độ thấp và trung bình; nhưng không loại trừ chiến tranh và khả năng xảy ra xung đột quân sự cường độ cao.

4..Thực hiện sắp xếp bộ máy Bộ Quốc phòng theo tinh thần của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, triển khai và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 18-NQ/TW[11] và những nội dung triển khai mới của Văn phòng Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ tâm, đủ tầm, đủ tài và trí tuệ theo tinh thần “7 dám”, xây dựng cơ quan, đơn vị trong Bộ Quốc phòng ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cơ quan tham mưu chiến lược Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương trong tình hình mới.

5.Công tác tham mưu chiến lược tập trung đẩy mạnh đối ngoại quân sự-quốc phòng, bảo đảm cân bằng và hài hòa lợi ích giữa các nước lớn trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt. Triển khai đối ngoại quân sự-quốc phòng một cách toàn diện dựa trên ba trụ cột ngoại giao, nhằm phục vụ thắng lợi mục tiêu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; giữ vững ổn định chính trị, an ninh quốc gia và môi trường hòa bình, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Chiến thắng Tây Nguyên đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng những bài học to lớn về công tác tham mưu chiến lược vẫn vẹn nguyên giá trị. Các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cơ quan tham mưu chiến lược của Bộ Quốc phòng cần tiếp tục phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, tiếp tục nghiên cứu học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ, năng lực triển khai, tổ chức và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chiến lược, có nhãn quan chính trị nhạy bén, tham mưu đúng, trúng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ công tác tham mưu chiến lược trong tình hình mới.

Ngày xuất bản:
Biên tập, trình bày: XUÂN BÁCH - PHI NGUYÊN - HOÀNG LINH