Chiến thắng Xuân Lộc làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch ở xung quanh Sài Gòn, làm cho tinh thần quân ngụy càng thêm suy sụp.

(Đại tướng Võ Nguyên Giáp (hồi ký), Tổng hành dinh trong mùa Xuân đại thắng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 291.)

Xuân Lộc được giải phóng. Cánh cửa phía đông Sài Gòn đã mở sẵn đón lực lượng Quân đoàn 2, Quân đoàn 4, Sư đoàn 3 Quân khu 5 vào trận chiến lược cuối cùng.

(Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr. 206.)

Thất thủ Xuân Lộc không những giáng một đòn quyết định đến chế độ Nguyễn Văn Thiệu - tay sai của Mỹ ở Sài Gòn, mà còn làm tiêu tan tham vọng cuối cùng của Tòa Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đối với miền nam Việt Nam.

(Trần Văn Trà, Kết thúc cuộc chiến tranh ba mươi năm, Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, 1982, tr. 193 - 194.)

Con đường đi đến chiến thắng Xuân Lộc là không phải đơn giản, mà phải qua những gập gềnh, thăng trầm. Lãnh đạo, chỉ huy của ta có sự mưu trí, thông minh, quyết đoán, nhưng cũng có cả thiếu sót khuyết điểm trong sự vận dụng đường lối và nghệ thuật quân sự của Đảng, có chiến thắng và có cả mất mát.

(Thượng tướng Hoàng Cầm, Chặng đường mười nghìn ngày, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr. 462.)

Sư đoàn 18 rõ ràng là tuyệt vọng. Xuân Lộc, biểu tượng “tử thủ” của quân đội Sài Gòn sắp sụp đổ.

(Alan Dawson, 55 ngày chế độ Sài Gòn sụp đổ, (Dịch giả: Cao Minh), Nxb Sự thật, Hà Nội, 1990, tr. 71.)

“Chiến tranh đã kết thúc với người Mỹ, không thể giúp đỡ người Việt được nữa, họ phải đương đầu với bất cứ số phận nào đang đợi họ".

(Dẫn theo: Văn Tiến Dũng, Đại thắng mùa Xuân, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1976, tr. 247.)

Sau khi Đà Nẵng thất thủ (29/3), Mỹ-ngụy Sài Gòn gấp rút tổ chức tuyến phòng thủ mới, kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc đến Tây Ninh, nhằm ngăn chặn cuộc tiến công của Quân Giải phóng theo quốc lộ 1 và đường 20 đánh vào Biên Hòa, Sài Gòn-Gia Định. Trong đó, thị xã Xuân Lộc (tỉnh Long Khánh, nay là thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) cách Sài Gòn 60km về phía đông bắc được địch xây dựng trở thành khu vực phòng thủ then chốt.

Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn.
Đại tướng F.Weyand - Tổng Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ

Đại tướng F.Weyand - Tổng Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ khi đến Sài Gòn (cuối tháng 3/1975) đã nhấn mạnh: Xuân Lộc “là vị trí chiến lược bảo vệ khu vực Biên Hòa - Long Bình - Sài Gòn”; và dặn đi dặn lại Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lĩnh: “Phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”[1].

Địch tập trung ở khu vực này, gồm có: Sư đoàn 18 bộ binh (gồm có 3 chiến đoàn 43, 48 và 52), Tiểu đoàn 82 biệt động quân, Trung đoàn 5 thiết giáp, 9 tiểu đoàn bảo an được chi viện hỏa lực pháo binh, không quân. Tổng quân số khoảng 12.000 quân, đặt dưới quyền chỉ huy của Chuẩn tướng Lê Minh Đảo - Tư lệnh Sư đoàn 18 ngụy (trong quá trình chiến dịch, địch tăng cường thêm Lữ đoàn 1 dù, Trung đoàn 8 bộ binh (Sư đoàn 5), 1 liên đoàn biệt động quân và 1 trung đoàn thiết giáp, nâng tổng quân số địch lên khoảng 25.000 quân).

Thế bố trí lực lượng của địch như sau:

Ở trong thị xã Xuân Lộc có Sở Chỉ huy Sư đoàn 18, Chiến đoàn 43, Sở Chỉ huy Trung đoàn 5 thiết giáp và Chi đoàn 1, Tiểu đoàn 82 biệt động quân, 4 tiểu đoàn bảo an (346, 364, 365 và 331), 3 đại đội biệt lập, cảnh sát dã chiến...

Chiến đoàn 48 cùng 4 tiểu đoàn bảo an đảm trách khu vực Quốc lộ 1 (Tân Phong-Suối Cát) và tuyến lộ 2 (Tân Phong-Suối Râm).

Chiến đoàn 52 cùng 1 tiểu đoàn bảo an ở Chi khu Kiên Tân là lực lượng ngăn chặn từ xa trên đoạn Túc Trưng-Dầu Giây. Địch hình thành tuyến phòng ngự trên một chính diện 30-40km, từ Túc Trưng qua Dầu Giây, thị xã Xuân Lộc đến ngã ba Tân Phong.

Chuẩn tướng Lê Minh Đảo tuyên bố: “Tôi thề giữ vững Xuân Lộc. Bất chấp cộng sản tập trung bao nhiêu sư đoàn, tôi cũng đánh gục họ. Tôi sẽ đánh một trận oai hùng cho thế giới biết sức mạnh và tài ba của quân lực Việt Nam Cộng hòa”[2].

Xuân Lộc được mệnh danh là “cánh cửa thép” trên hướng đông Sài Gòn!

Đến đầu tháng 4/1975, sau hơn một tháng tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy, với các chiến dịch Tây Nguyên, Trị Thiên-Huế, Nam-Ngãi và Đà Nẵng, quân và dân ta đã giành thắng lợi to lớn: Tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn 1 - Quân khu 1, Quân đoàn 2 - Quân khu 2 của địch, giải phóng hơn 1/2 diện tích và dân số toàn miền Nam, thu giữ một khối lượng lớn vật chất, phương tiện chiến tranh, hình thành thế bao vây tiến công địch ở Sài Gòn-Gia Định.

Thực hiện quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam trong tháng 4/1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng Tham mưu gấp rút tổ chức các quân đoàn chủ lực (1, 3 và 2) từ nhiều hướng tiến về Sài Gòn, cùng với Quân đoàn 4 và Đoàn 232 đang tác chiến tại chỗ bao vây Sài Gòn.

Đối với cả ta và địch, thị xã Xuân Lộc đều rất quan trọng, án ngữ cửa ngõ vào Sài Gòn từ hướng đông.

Ta muốn tiến quân vào giải phóng Sài Gòn từ phía đông, bắt buộc quân ta phải phá vỡ được tuyến phòng thủ Xuân Lộc của địch, tiến vào giải phóng Biên Hòa, sau đó là Sài Gòn-Gia Định.

Với địch, nếu mất Xuân Lộc đồng nghĩa với việc để đối phương kề gươm vào cận cổ. Do đó, chúng huy động binh lực và phương tiện chiến tranh, quyết tâm “tử thủ” Xuân Lộc để tìm mọi cách cứu vãn tình thế sụp đổ của ngụy quyền, ngụy quân Sài Gòn.

Thực hiện quyết tâm chiến lược đề ra, nhằm tạo thế và lực chuẩn bị giải phóng Sài Gòn-Gia Định, ngày 2/4/1975, Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở Chiến dịch Xuân Lộc, nhằm tiêu diệt lực lượng địch ở vòng ngoài, phá âm mưu phòng ngự từ xa, chia cắt giao thông, cô lập và phá thế phòng thủ của địch, mở đường giải phóng Sài Gòn-Gia Định.

Thực hiện quyết tâm chiến lược đề ra, nhằm tạo thế và lực chuẩn bị giải phóng Sài Gòn-Gia Định, ngày 2/4/1975, Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở Chiến dịch Xuân Lộc, nhằm tiêu diệt lực lượng địch ở vòng ngoài, phá âm mưu phòng ngự từ xa, chia cắt giao thông, cô lập và phá thế phòng thủ của địch, mở đường giải phóng Sài Gòn-Gia Định.

Lực lượng tham gia chiến dịch, gồm có: Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 Quân đoàn 4, Sư đoàn Bộ binh 6 Quân khu 7, Lữ đoàn Pháo phòng không 71, 2 tiểu đoàn xe tăng (12 chiếc), Lữ đoàn Pháo binh 24 (12 pháo 122mm, 4 pháo 130mm), Lữ đoàn Công binh 25, Lữ đoàn Thông tin 26 và một số tiểu đoàn, đại đội bộ đội địa phương; cuối chiến dịch được tăng cường thêm Trung đoàn 95B Sư đoàn 325 và 1 đại đội xe tăng...

Đồng chí Thiếu tướng Hoàng Cầm-Tư lệnh Quân đoàn 4 được cử làm Tư lệnh chiến dịch.

Theo kế hoạch hiệp đồng, 5 giờ 30 phút ngày 9/4, ta đồng loạt nổ súng. Trên hướng chủ yếu, mũi đột kích của Trung đoàn 165 Sư đoàn 7 được tăng cường 8 xe tăng tiến công căn cứ Sư đoàn 18. Bị địch đánh chặn quyết liệt phá hỏng 3 xe tăng, trung đoàn phải chuyển hướng tiến công, chiếm được một phần hậu cứ Chiến đoàn 52.

Trên hướng thứ yếu, Trung đoàn 266 (thiếu Tiểu đoàn Bộ binh 8) Sư đoàn 341 tiến công đánh chiếm khu thông tin, khu nhà cố vấn Mỹ, cảnh sát, bảo an và khu chợ, nhưng khi tiến công vào dinh tỉnh trưởng bị địch đánh chặn quyết liệt, phải tạm dừng bên ngoài Sở Chỉ huy Tiểu khu.

Trong khi đó ở vòng ngoài, Trung đoàn 270 Sư đoàn 341 phối hợp với Trung đoàn 209 Sư đoàn 7 đánh bại 2 tiểu đoàn, phá hủy 7 xe thiết giáp của 2 chiến đoàn 43 và 48 từ Tân Phong và núi Thị vào ứng cứu, giải phóng ấp Bảo Toàn.

Trên hướng chia cắt, Sư đoàn 6 tập kích, diệt 5 chốt địch trên Quốc lộ 1, buộc Chiến đoàn 52 ngụy phải lui về cố thủ ở ngã ba Dầu Giây.

Trong ngày đầu, ta chiếm được một phần thị xã, toàn bộ khu hành chính tiểu khu, đưa 3 tiểu đoàn luồn sâu vào bên trong và thực hiện chia cắt địch ở ngã ba Dầu Giây - đèo Mẹ Bồng Con.

Bước sang ngày thứ hai, ngày 10/4, trên hướng chủ yếu, hai trung đoàn 141 và 165 cùng 1 tiểu đoàn pháo phòng không đột kích căn cứ Sư đoàn 18, bị lực lượng địch ở hậu cứ Chiến đoàn 52 và Trung đoàn 5 thiết giáp phản kích dữ dội. Đến trưa, Trung đoàn 141 chiếm được chốt Bảo Vinh A; đồng thời Trung đoàn 209 từ phía nam tiến công thị xã, đánh thiệt hại hậu cứ Chiến đoàn 43.

Trên hướng thứ yếu, Trung đoàn 270 (thiếu) Sư đoàn 341 phối hợp với Trung đoàn 266 đánh địch phản kích. Trong khi các đơn vị được phân công đánh chiếm sân bay Cáp Rang 4 lần nhưng vẫn không không thành công, thì các mũi khác của ta đánh vào trại Lê Lợi, hậu cứ Chiến đoàn 43 cũng bị chặn lại. Riêng trên hướng chia cắt, Trung đoàn 33 Sư đoàn 6 tiến công làm chủ Chi khu Dầu Giây, đánh bại hầu hết các cuộc phản kích của địch. Ngày 11/4, trên các hướng tiến công vào Xuân Lộc, ta và địch đánh giằng co quyết liệt.

Quyết “tử thủ” Xuân Lộc, ngày 12/4, địch điều Lữ đoàn 1 dù từ Sài Gòn đến ngã ba Tân Phong; Lữ đoàn 3 thuỷ quân lục chiến và Chiến đoàn 318 biệt động đến Trảng Bom; Chiến đoàn 322 biệt động và Trung đoàn 8 (Sư đoàn 5) từ Lai Khê sang tăng cường cho Bàu Cá, Chiến đoàn 315 ở Bàu Hàn và Điểm cao 122; sử dụng không quân từ các sân bay Biên Hoà, Tân Sơn Nhất chi viện 80-125 lần chiếc/ngày.

Chỉ sau thời gian ngắn, lực lượng địch ở Xuân Lộc-Long Khánh đã gia tăng đột biến: chiếm 50% bộ binh, 60% pháo binh, hầu hết số lượng xe tăng thiết giáp của quân đoàn 3 - quân khu 3 và lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân ngụy Sài Gòn, Việt Nam Cộng hòa.

Trước tình hình địch tăng cường lực lượng và gây cho ta những tổn thất lớn, ngày 12/4, Bộ Tư lệnh Chiến dịch quyết định thay đổi kế hoạch tác chiến theo hướng bao vây cô lập, chia cắt Xuân Lộc và Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt Quốc lộ 1, chặn địch từ Trảng Bom lên và đánh chiếm Tân Phong, cắt đường liên tỉnh 2 đi Bà Rịa. Thực hiện quyết định trên, ngày 13/4, tạm ngừng tiến công Xuân Lộc, mỗi sư đoàn sử dụng 1 tiểu đoàn đánh nghi binh kiềm chế, còn lại lực lượng nhanh chóng rút về tuyến sau để củng cố lực lượng, triển khai thế trận theo phương án tác chiến mới.

Khi ta đang tạo thế trận mới, địch ra sức tuyên truyền về “chiến thắng Xuân Lộc” và hy vọng giữ vững chế độ. Bất ngờ, rạng sáng 15/4, khi hỏa lực pháo binh chiến dịch tiến hành tập kích mãnh liệt vào sân bay Biên Hòa, Sư đoàn 6 có sự tăng cường của Trung đoàn 95B đã tiến công diệt  quân địch, giải phóng Chi khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây, cắt đứt Quốc lộ 1 (Xuân Lộc - Bàu Cá) và đường 20 (Túc Trưng - ngã ba Dầu Giây).

Để phá thế “ngàn cân treo sợi tóc”, liên tiếp hai ngày 16 và 17/4, địch tăng viện mở các cuộc phản kích nhằm chiếm lại khu vực Dầu Giây, nhưng bị ta đánh chặn quyết liệt ở Hưng Nghĩa, Điểm cao 122, diệt gọn 1 tiểu đoàn, bắt hàng trăm tù binh, đẩy lùi địch xuống Bàu Cá.

Tại Xuân Lộc, hai sư đoàn 7 và 341 liên tục tiến công địch, đánh thiệt hại nặng 2 chiến đoàn 43 và 48, diệt một bộ phận quân dù. Phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương cùng du kích Xuân Lộc tiến công tiêu diệt, bức rút nhiều đồn bốt địch trên các trục đường ven thị xã. Để cứu nguy Xuân Lộc, quân ngụy Sài Gòn sử dụng bom CBU-55 có sức hủy diệt lớn, gây nhiều thiệt hại cho quân và dân ta nhưng cũng không thay đổi được tình thế.

Trong khi đó, Cánh quân Duyên hải, nòng cốt là Quân đoàn 2 - Binh đoàn Hương Giang, sau khi đập tan “lá chắn” Phan Rang, tiến vào khu vực Rừng Lá, quân địch ở Xuân Lộc bị cô lập. Trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy lệnh cho Sư đoàn 18 rút chạy để bảo toàn lực lượng. Vào lúc 20 giờ ngày 20/4, lợi dụng lúc trời mưa, toàn bộ quân địch theo tỉnh lộ 2, tháo chạy về hướng Bà Rịa-Vũng Tàu. Tuy nhiên, do việc phát hiện, tổ chức tiến công và truy kích chậm, việc tổ chức chốt chặn không tốt, trong khi trời tối, mưa to, nên các đơn vị chỉ tiêu diệt được một bộ phận quân địch rút chạy phía sau. Ngày 21/4/1975, Chiến dịch Xuân Lộc kết thúc thắng lợi.

Ta đã đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 18, Lữ đoàn 1 dù, loại khỏi vòng chiến đấu Chiến đoàn 52, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 5 và Lữ đoàn 3 thiết giáp, trong đó loại khỏi vòng chiến đấu hơn 4.800 tên địch, thu và phá hủy hơn 60 xe quân sự, 1.499 súng các loại, phá hủy 42 xe tăng, xe thiết giáp, giải phóng thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh, uy hiếp tuyến phòng thủ Biên Hòa-Hố Nai, tạo bàn đạp tiến công Sài Gòn từ hướng đông và đông nam.

Chiến dịch Xuân Lộc góp phần phá vỡ tuyến phòng thủ trọng yếu của địch, tạo địa bàn cho các quân đoàn chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương tiến công từ hướng đông, đông nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Chiếm được thị xã Xuân Lộc, tạo thời cơ cho quân ta triển khai trực tiếp đánh vào các mục tiêu trong thành phố Sài Gòn.

Sau Chiến dịch, thế trận giữa ta và địch đã thay đổi một cách đột biến, lực lượng quân sự, chính trị và thế chiến lược của ta đã hoàn toàn áp đảo địch, ngụy Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.

Thực tiễn chiến dịch cho thấy, ở những thời điểm đầu, khi địch tập trung phòng thủ mạnh, trong khi công tác chuẩn bị lực lượng, chọn hướng tiến công và phương án tác chiến chưa phù hợp nên kết quả tiêu diệt địch hạn chế, bộ đội thương vong nhiều. Nhận thấy điều đó, ta kịp thời chuyển hóa thế trận, thay đổi cách đánh, chuyển đội hình tiến công sang bao vây Xuân Lộc và đánh viện, qua đó, giành thắng lợi vang dội ở Xuân Lộc và tạo thời cơ mới cho đại quân giành thắng lợi trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày xuất bản: 24/4/2025
Tổ chức sản xuất: Bùi Nam Đông
Nội dung: Nguyễn Văn Tùng
Trình bày: Bảo Minh