Căn cứ vào những chuyển biến hết sức mau lẹ trên chiến trường, ngày 31 tháng 3 năm 1975, Bộ Chính trị chỉ đạo quân và dân ta đẩy mạnh nhịp độ tiến công, giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4 năm 1975. Ngày 14 tháng 4 năm 1975, Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Chấp hành chủ trương, chỉ đạo chiến lược đề ra, quân và dân ta trên chiến trường miền Nam liên tục tiến công mạnh mẽ, lần lượt đập tan tuyến phòng ngự của địch ở Phan Rang (16/4/1975), Xuân Lộc (21/4/1975), góp phần tạo thế, tạo lực vững chắc cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng và từng bước hình thành thế bao vây Sài Gòn từ 5 hướng.

Đối với hướng Đông của chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 15/4/1975, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo Bộ Tư lệnh Chiến dịch: “Nếu tiêu diệt được một bộ phận quan trọng sinh lực địch ở đây (Sư đoàn 18, Lữ đoàn Dù, một số chiến đoàn bộ binh, thiết giáp) thì trận then chốt sẽ có ý nghĩa và tác dụng rất lớn đối với sự phát triển của toàn bộ chiến trường, cần theo dõi sát tình hình địch, từ bây giờ có kế hoạch chia cắt, ngăn chặn và tiêu diệt chúng trong trường hợp chúng rút về Biên Hòa. Đồng thời có kế hoạch chuẩn bị cho trận đánh lớn ở Biên Hòa”

Về phía địch, do thất bại nặng nề, nhất là sau khi “cánh cửa thép” Xuân Lộc bảo vệ phía đông của Sài Gòn thất thủ, chính quyền, quân đội Sài Gòn càng lún sâu vào tình thế khủng hoảng nghiêm trọng. Để cứu vãn, địch dồn đủ loại quân tổ chức phòng ngự trên hướng đông-đông bắc, từ Trảng Bom đến Hố Nai-Biên Hòa-Long Bình. Trên trục đường số 1 ở phía Đông Xuân Lộc, cách Biên Hòa 20km, ngày 25/4/1975, quân đội Sài Gòn xây dựng Trảng Bom thành một cứ điểm mạnh trên tuyến phòng thủ Trảng Bom-Biên Hòa-Hố Nai. Tuyến phòng ngự của quân đội Sài Gòn ở Trảng Bom với chiều dài 14km, có thế liên hoàn từ ấp Hưng Nghĩa qua Trảng Bom-Suối Đỉa-Hố Nai. Tại đây, quân đội Sài Gòn bố trí lực lượng gồm 3 chiến đoàn bộ binh (48, 43, 52), 2 chi đoàn thiết giáp (1, 3) và Chiến đoàn 315 bố trí trong đội hình bộ binh địch. Địch chủ yếu tập trung ở hướng đông và đông bắc, có 7 trận địa pháo binh. Ngoài ra còn một số đơn vị bảo an, dân vệ được bố trí bên trong các vị trí phòng ngự.

Về phía ta, trước nhịp độ phát triển “thần tốc” của cánh quân Duyên Hải, ngày 15 tháng 4 năm 1975, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh: “Nếu tiêu diệt được một bộ phận quan trọng sinh lực địch ở đây (Sư đoàn 18, Lữ đoàn Dù, một số chiến đoàn bộ binh, thiết giáp) thì trận then chốt sẽ có ý nghĩa và tác dụng rất lớn đối với sự phát triển của toàn bộ chiến trường, cần theo dõi sát tình hình địch, từ bây giờ có kế hoạch chia cắt, ngăn chặn và tiêu diệt chúng trong trường hợp chúng rút về Biên Hòa. Đồng thời có kế hoạch chuẩn bị cho trận đánh lớn ở Biên Hòa”.

Chấp hành chủ trương trên, ngay sau khi giải phóng Xuân Lộc (21/4/1975), Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kịp thời điều chỉnh kế hoạch tác chiến. Theo đó, Quân đoàn 4 không tiến vào Sài Gòn theo hai trục đường là Xa lộ Biên Hòa-Sài Gòn và Cát Lái-Nhà Bè như kế hoạch cũ nữa, mà sẽ chuyển sang đánh chiếm Trảng Bom, Biên Hòa, tiến vào Sài Gòn theo trục Đường số 1. Thực hiện mệnh lệnh cấp trên, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 giao nhiệm vụ cho Sư đoàn 341 tiến công tiêu diệt địch từ ngã ba Sông Thao đến Suối Đỉa, trọng tâm là Yếu khu Trảng Bom, mở đường cho Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng Biên Hòa.

Nhận nhiệm vụ được giao, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn Bộ binh 341 do Tư lệnh, Đại tá Trần Văn Trân và Chính ủy, Đại tá Trần Nguyên Độ xác định trận tiến công Yếu khu Trảng Bom là trận then chốt có ý nghĩa quan trọng, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh trên hướng Đông. Tư tưởng chỉ đạo của trận đánh là: Tập trung lực lượng có trọng điểm trên hướng chủ yếu; thọc sâu bao vây, chia cắt nhanh, tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch; tiến công liên tục, thần tốc, đánh cả ngày lẫn đêm, đánh đến khi dứt điểm hoàn toàn.

Nắm chắc quy luật hoạt động và thủ đoạn đối phó của địch, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 341 tổ chức bố trí lực lượng cho trận tiến công vào Trảng Bom: Trung đoàn Bộ binh 270 được tăng cường 2 đại đội xe tăng, 1 trung đội pháo 85mm, 1 trung đội cối 120mm đảm nhiệm tiến công trên hướng chủ yếu từ phía Bắc. Trung đoàn Bộ binh 273 được tăng cường 1 trung đội pháo 85mm, 1 trung đội cối l20mm, đảm nhiệm tiến công trên hướng thứ yếu từ phía Đông Bắc. Tiểu đoàn 8, Trung đoàn Bộ binh 266 được tăng cường 1 đại đội xe tăng tiến công trên hướng phối hợp từ phía Đông Nam. Trung đoàn Bộ binh 266 (thiếu) làm lực lượng dự bị của Sư đoàn. Trung đoàn Pháo binh 55 và các phân đội được tăng cường tổ chức một cụm pháo và một cụm cao xạ chi viện chung.

Vào lúc 17 giờ ngày 26 tháng 4 năm 1975, Sư đoàn 341 chỉ đạo các mũi tiến công hành quân chiếm lĩnh xây dựng trận địa tiến công. Đúng 4 giờ 5 phút ngày 27 tháng 4 năm 1975, hỏa lực pháo binh của Sư đoàn 341 bắn vào các mục tiêu như: Sở Chỉ huy Yếu khu Trảng Bom, Sở Chỉ huy Chiến đoàn 48, ấp Dương Ngơ, bắc Bàu Cá...; kiềm chế các trận địa pháo, gây thiệt hại nặng cho địch. Tiếp đó, pháo binh chuyển làn bắn vào Bàu Cá, nam Trảng Bom, ga Sông Mây, Suối Đỉa để chi viện cho Tiểu đoàn 4 Trung đoàn Bộ binh 270 tiến công.

Trên hướng chủ yếu, các lực lượng của Trung đoàn Bộ binh 270 đồng loạt tiến công, tiêu diệt Sở Chỉ huy Tiểu đoàn 3 Chiến đoàn 43 quân đội Sài Gòn, pháo kích vào trận địa pháo của địch ở ga Sông Mây, Suối Đỉa và lực lượng co cụm ở phía nam Đường số 1. Tiểu đoàn 5 phát triển đánh vào trung tâm Yếu khu quân sự Trảng Bom, buộc địch rút chạy về phía Nam; Tiểu đoàn 4 tổ chức tiến công địch ở Suối Đỉa và thực hành chia cắt để ngăn chặn, tiêu diệt lực lượng Chiến đoàn 315 ở phía Tây.

Trên hướng thứ yếu, Trung đoàn Bộ binh 273 tổ chức các mũi tiến công tiêu diệt địch tại các mục tiêu được phân công. Sau khi đánh chiếm đầu cầu, Đại đội 11 cùng với xe tăng đánh vào trận địa pháo và các cụm địch, tiêu diệt địch ở Yếu khu và Tiểu đoàn 3 Chiến đoàn 43; Tiểu đoàn Bộ binh 1 tiến công tiêu diệt Tiểu đoàn 1 Chiến đoàn 48 quân đội Sài Gòn. Từ hướng bắc Đường số 1, các đại đội 1, 2 tiến công trận địa pháo của địch, phối hợp với Tiểu đoàn 8 Trung đoàn Bộ binh 266 đánh địch co cụm ở ấp Dương Ngơ.

Trên hướng phối hợp, Tiểu đoàn 8 Trung đoàn Bộ binh 266 lợi dụng kết quả pháo bắn, cơ động đội hình áp sát các mục tiêu và phối hợp cùng xe tăng đập tan các ổ đề kháng của địch, phát triển tiêu diệt Tiểu đoàn 2 Chiến đoàn 48 quân đội Sài Gòn, làm chủ Bàu Cá. Tiếp tục truy kích địch rút chạy, các đại đội 6 và 7 cùng với xe tăng hiệp đồng tiến công tiêu diệt địch co cụm ở ấp Dương Ngơ.

Vào lúc 8 giờ 30 phút, các mũi tiến công của Sư đoàn 341 tiêu diệt phần lớn quân địch và làm chủ từ ngã ba Sông Thao đến tây Trảng Bom 2km. Trung đoàn Bộ binh 266 được lệnh cùng xe tăng phát triển theo trục Đường số 1 về phía Suối Đỉa, Long Lạc, phối hợp cùng Tiểu đoàn 4 đánh địch từ Hố Nai ra phản kích. Đến 10 giờ 30 phút, toàn bộ quân địch ở Suối Đỉa đã bị tiêu diệt. Đến đây, cứ điểm phòng thủ Trảng Bom của quân đội Sài Gòn bị tan vỡ, chốt chặn và cũng là nỗ lực cuối cùng của địch trên hướng Đông Sài Gòn bị hóa giải.

Trải qua nhiều giờ liên tục đẩy mạnh tiến công, Sư đoàn 341 đã phát huy sức mạnh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, tiêu diệt và làm tan rã các chiến đoàn 43, 48, 52 thuộc Sư đoàn 18 Bộ binh, Chi đoàn 1 và Chi đoàn 3 xe tăng thiết giáp, Tiểu đoàn Bảo an và đại đội biệt lập, bắt 1.715 địch; bắn cháy 7 xe, thu 10 xe tăng, bắn cháy 10 xe và thu 20 xe vận tải, bắn cháy 5 khẩu và thu 15 khẩu pháo cùng một số phương tiện, vật chất kỹ thuật khác, giải phóng hơn 10.000 dân.

Như vậy, dưới sự lãnh đạo kịp thời của Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 341 đã tổ chức chuẩn bị chiến đấu khẩn trương, nắm chắc địch, từ đó hạ quyết tâm chính xác, chỉ huy các lực lượng, chiến đấu đạt hiệu suất cao và giành thắng lợi.

Với ý nghĩa là trận đánh then chốt mở đầu, chiến thắng Trảng Bom đã phá tan một “mắt xích cứng” trên tuyến phòng ngự phía trước của quân đội Sài Gòn, tạo đột phá khẩu trên hướng Đông của Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thắng lợi của trận đánh để lại nhiều bài học về nghệ thuật quân sự, nhất là nghệ thuật chiến đấu hiệp đồng binh chủng, nghệ thuật lãnh đạo chỉ huy sáng tạo, linh hoạt, nghệ thuật tạo và chớp thời cơ tiêu diệt mục tiêu chủ yếu, truy kích địch, nghệ thuật sử dụng lực lượng. Trận đánh diễn ra với không gian rộng, thời gian ngắn, là một trận đánh khép chặt vòng vây táo bạo tiến công tiêu diệt lớn quân địch, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng, phương tiện và binh khí kỹ thuật của Quân đoàn 4 cùng lực lượng cơ động của Bộ triển khai thế trận, phát triển tiến công theo chiều sâu của Chiến dịch Hồ Chí Minh, kịp thời tham gia giải phóng Biên Hòa, Sài Gòn.

Không có cách nào khác, muốn tới mục tiêu cuối cùng, mọi cuộc chiến đấu phải diễn ra trên trục đường số 1. Không tiêu diệt được địch, không đập vỡ các cụm, các tuyến phòng ngự của địch, không thể tiến vào nội đô.
Sư đoàn Bộ binh 18 phòng thủ trên tuyến Trảng Bom đã bị tấn công và bị chọc thủng ở một số điểm… Đến ngày 29/4/1975, tuyến phòng thủ ở Trảng Bom đã hoàn toàn thất thủ, Sư đoàn 18 chạy về Long Bình và tiếp tục giao tranh với Quân giải phóng ở Long Bình.
Vào lúc 4 giờ sáng, Sư đoàn 341 đã tấn công Sư đoàn 18 của quân lực Việt Nam cộng hoà đang trấn giữ Trảng Bom... Trảng Bom thất thủ sau khi Sư đoàn 18 tiến hành rút lui, nhưng bị phục kích và chịu thương vong rất nặng nề. Lê Minh Đảo, Thiếu tướng vừa được thăng chức buộc phải rút lực lượng chắp vá còn lại về căn cứ Long Bình để bảo toàn lực lượng

Ngày xuất bản: 4/2025
Tổ chức sản xuất: Bùi Nam Đông
Nội dung: Phan Sỹ Phúc - Viện lịch sử quân sự
Trình bày: Hạnh Vũ