Tôi may mắn được họa sĩ Thành Chương cho xem bộ sưu tập vài trăm bức ký họa chiến trường ông vẽ cách đây tròm trèm 58 năm trong thời gian gần một thập niên là lính công binh chuyên rà phá bom mìn, thông đường, thông cầu phà, làm hoa tiêu dẫn đường ở các chiến trường trọng yếu Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cho xe, tàu chở lương thực, súng đạn chi viện chiến trường miền nam.

Bộ ký họa khiến người xem phải kinh ngạc vì những giá trị lịch sử to lớn. Bằng hội họa, phương tiện chỉ là chiếc bút chì đen trắng vẽ trên giấy ông mang theo vào chiến trường, Thành Chương đã tái hiện một cuộc chiến tranh khốc liệt với nhiều gương mặt và mảnh ghép khác nhau. Mỗi một ký họa là một câu chuyện vô cùng chi tiết từ địa điểm, nhân vật, bối cảnh, vị trí địa lý, nội dung sự kiện... với tất cả những cảm xúc va đập, giằng xé, dồn nén trong bản ngã của ông, một nghệ sĩ trẻ được mệnh danh là “thần đồng hội họa”.

Ngày đó vì những ngã rẽ số phận, và vì lòng căm thù giặc Mỹ, ông rời Thủ đô Hà Nội, từ chối đi lao động ở Đức theo chế độ ưu tiên để xung phong vào chiến trường đánh giặc. Chuyến đi không ngờ kéo dài tới gần một thập niên, chìm đắm trong chiến tranh, bom đạn. Hiểu tường tận sự ác liệt, phi nhân tính của cuộc chiến, người nghệ sĩ trẻ dần trưởng thành, đã ghi chép lại nhật ký chiến tranh bằng hội họa. Một cuộc ghi chép nghiêm cẩn và nặng lòng.

Ông đã có mặt ở khúc ruột miền trung, nơi chiến tranh diễn ra vô cùng ác liệt, giặc Mỹ dội xuống hàng tấn bom để chặn huyết mạch giao thông bắc-nam. Nhiệm vụ của ông là rà phá bom mìn, thông đường cho xe đi qua, làm hoa tiêu dẫn đường cho tàu phà qua bến Linh Cảm, Đức Thọ, tập kết hàng, vận chuyển hàng hóa, lương thực, súng đạn vào chi viện cho chiến trường miền nam ruột thịt.

Họa sĩ Thành Chương. Ảnh: Báo CAND

Họa sĩ Thành Chương. Ảnh: Báo CAND

Tượng đài Chiến Thắng cao 14m50 tại sân bay Bạch Mai được hoàn thành sau đúng 30 ngày đêm.

Tượng đài Chiến Thắng cao 14m50 tại sân bay Bạch Mai được hoàn thành sau đúng 30 ngày đêm.

Tượng đài Chiến Thắng cao 14m50 tại sân bay Bạch Mai được hoàn thành sau đúng 30 ngày đêm.

Tượng đài Chiến Thắng cao 14m50 tại sân bay Bạch Mai được hoàn thành sau đúng 30 ngày đêm.

Tác phẩm "Kéo phà".

Tác phẩm "Kéo phà".

Ít người biết rằng, từ năm 1967 đến năm 1970, những bức ký họa nóng hổi từ chiến trường của Thành Chương thường xuyên được gửi về cho Báo Văn nghệ với bút danh Trường Thanh. Thời gian quá xa để thế hệ lớn lên sau hòa bình biết có một họa sĩ thần đồng Thành Chương trong chiến tranh, người đã từng dựng tượng đài chiến thắng cao 14m50 ở sân bay Bạch Mai phục vụ cho triển lãm của toàn quân nhân sự kiện kết thúc chiến tranh phá hoại miền bắc của đế quốc Mỹ vào ngày 22/12/1969 - một tượng đài chiến thắng được dựng thần tốc chỉ trong vòng hơn một tháng. Lúc ấy Thành Chương đang đi lính ở Hà Tĩnh, được điều ra Hà Nội làm trợ giảng cho lớp điêu khắc của Binh chủng Công binh và được lệnh triệu tập của Ban Tuyên huấn. Bộ Tổng Tư lệnh quyết định giao cho Binh chủng Công binh xây dựng nhưng do thời gian quá gấp phải hoàn thành đúng ngày 22/12 để phục vụ nhiệm vụ chính trị quan trọng nên không ai dám nhận làm. Nghe lời bố Kim Lân, “Con phải biết việc này không ai nhận làm thì mới đến lượt con. Đây là cơ hội trong muôn một, con phải nắm lấy nó. Nhận đi vì thầy tin con làm được”, ông quyết định nhận nhiệm vụ nặng nề này. Và thế là sau 1 tuần ông dựng xong phác thảo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người duyệt cuối cùng. Đúng sáng 22/12, khi lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quân đội đến cắt băng khánh thành tượng đài, thì cũng là lúc Thành Chương quét nốt những nhát sơn cuối cùng rồi gục xuống bất tỉnh sau hơn 1 tháng dốc hết tâm huyết và sức lực. Ông chia sẻ: “Tỉnh dậy trong phòng cấp cứu Bệnh viện 103, cho tới tận bây giờ tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại làm được như thế”.

Việt phủ Thành Chương.

Việt phủ Thành Chương.

Thế nhưng, khi họa sĩ Thành Chương rời cuộc chiến trở về, những bức ký họa chiến tranh được ông lặng lẽ cất sâu vào gia tài ký ức. Ông trở về với bầu trời nghệ thuật an lành, tinh khiết của mình, không bị ảnh hưởng bởi những ám ảnh chiến tranh. Ông từng tuyên bố: “Tôi ghét chiến tranh, nên dù đã từng tham gia cuộc chiến và có rất nhiều ký họa về chiến trường, tôi vẫn quyết không bao giờ dùng nghệ thuật của mình để ca ngợi chiến tranh. Suốt đời làm nghệ thuật của mình tôi chỉ vẽ một bức duy nhất về mảng đề tài này. Đó là bức Cô gái mở đường. Tôi nghĩ những cô gái thanh niên xung phong trong chiến tranh và cả khi đất nước hòa bình, họ luôn là những người phải chịu nhiều gian khổ, hy sinh, buồn đau và thiệt thòi nhất. Họ xứng đáng được tôn vinh”. Thành Chương cũng đã lý giải thấu đáo vì sao ông lựa chọn ngợi ca những vẻ đẹp của đời sống hòa bình: “Người ta thường nói hội họa là một cách nhận thức thế giới. Có lẽ cần nhấn mạnh thêm rằng đó còn là một cách yêu thế giới”. Ông đã lăn lộn trong cuộc chiến đủ sâu, lâu, đủ từng trải và chiêm nghiệm những nỗi đau, mất mát khủng khiếp mà chiến tranh mang lại. Vẽ về cuộc sống hòa bình tươi đẹp cũng là một cách Thành Chương bày tỏ tình yêu với thế giới này, bởi chiến tranh là thứ Thành Chương không muốn nhớ.

Thật may, tôi đã thấy Thành Chương bước ra khỏi cuộc chiến như một cách vượt thoát số phận. Chiến tranh đã không chạm đến Thành Chương, cũng có thể số phận đã ưu ái Thành Chương để ông được sống, lành lặn, trở về và tiếp tục giấc mơ hội họa, tiếp tục thực hiện khát vọng lớn lao nhất của ông với nghệ thuật.

Họa sĩ Thành Chương lần dở cho tôi xem nhiều bức ký họa chiến trường, những bức ký họa cả đoàn xe chở hàng vượt tuyến. Bức ký họa về cánh rừng bom phạt ngang trơ trụi. Hay những bức ký họa về khung cảnh rà phá bom, công việc hằng ngày của Thành Chương lúc đấy. Ông kể: “Phá bom thì không quá sợ, nhưng nguy hiểm nhất là rà bom, tháo kíp nổ. Có những quả bom chưa kịp phá, chưa kịp tháo kíp thì nó đã tự động phát nổ. Lính công binh chúng tôi quen bom, thạo bom đến nỗi từ xa đã đoán được quả bom này nó có tự động nổ hay không. Kỳ lạ, mỗi lần có linh cảm phán đoán bao giờ cũng chính xác. Hình như bom nó cũng có linh hồn, nó cũng yêu nghệ thuật và hội họa hay sao nó chịu chừa tôi ra, cho tôi một ân huệ để tôi được trở về với hội họa”.

Hay như việc làm hoa tiêu: “Tôi là người lính hoa tiêu dẫn đường cho phà vượt sông qua chiến tuyến. Tôi mặc quần áo phao, đầu đội mũ, cầm cờ đứng đầu mũi thuyền, mũi phà. Bầu trời đêm đen đặc, ngày yên gió lặng không mưa thì nhìn đường đã khó. Những hôm mưa gió bão bùng quất rát mặt, tôi chỉ biết dẫn đường bằng phán đoán, linh cảm, bằng niềm tin mãnh liệt. Người lái tàu, thuyền đi theo hiệu lệnh có niềm tin vào tôi. May sao tất cả những lần dẫn đường bằng niềm tin, bằng khát khao vượt qua hiểm nguy, dường như chúng tôi đều có một ngôi sao số phận dẫn đường. Chúng tôi may mắn không sai đường, vượt thoát qua bao trận và bảo toàn được lực lượng”.

Họa sĩ Thành Chương tại phòng tranh đương đại của ông Bao CAND

Họa sĩ Thành Chương tại phòng tranh đương đại của ông Bao CAND

Tôi ghét chiến tranh, nên dù đã từng tham gia cuộc chiến và có rất nhiều ký họa về chiến trường, tôi vẫn quyết không bao giờ dùng nghệ thuật của mình để ca ngợi chiến tranh. Suốt đời làm nghệ thuật của mình tôi chỉ vẽ một bức duy nhất về mảng đề tài này. Đó là bức Cô gái mở đường. Tôi nghĩ những cô gái thanh niên xung phong trong chiến tranh và cả khi đất nước hòa bình, họ luôn là những người phải chịu nhiều gian khổ, hy sinh, buồn đau và thiệt thòi nhất. Họ xứng đáng được tôn vinh.
Họa sĩ Thành Chương đã tuyên bố

Đến lúc này thì tôi hiểu vì sao họa sĩ Thành Chương ít kể về chiến tranh trong nghệ thuật cũng như ít nói về chiến tranh ở những cuộc trà dư tửu hậu, hay với truyền thông báo chí. Ông muốn quên đi tất cả những ký ức khốc liệt nhất mà ông đã trải. Ông càng không bao giờ muốn tái hiện lại chiến tranh trong nghệ thuật. Được sống, ra khỏi cuộc chiến và trở về là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của ông. Ông mang trọn vẹn niềm hạnh phúc lớn lao đó vào bầu trời nghệ thuật của mình. Ca ngợi những vẻ đẹp thanh bình của đời sống là khao khát lớn nhất của Thành Chương. Ông chia sẻ: “Năm 1971, trước khi rời Hà Tĩnh vào chiến trường Quảng Trị, tôi được đơn vị cho về phép thăm gia đình ba ngày. Đêm đầu tiên ở nhà, tôi không sao ngủ được. Suốt đêm trằn trọc nghĩ ngợi lung lắm. Chiến tranh đang ác liệt, bao người ra đi không trở về. Tôi không sợ hãi, chỉ thấy thương bố mẹ mình quá. Kỷ niệm tôi mang theo và muốn để lại cho gia đình nếu tôi không trở về là hình ảnh quê hương Bắc Bộ thân thương của tôi. Thế là trong ba ngày phép tôi tranh thủ vẽ bức Chiều đông. Bức tranh ấy sau này vì chiến tranh loạn lạc đã thất lạc nhưng thật duyên may, sau 50 năm tôi đã tìm thấy nó và chuộc về để giữ lại một ký ức quý giá”.

Tôi đã được ngắm bức Chiều đông với hình ảnh con bò mầu vàng nâu thân thuộc như một bếp lửa thắp ấm trên cánh đồng mầu xám của một ngày đông giá. Người chăn trâu thong dong quay lưng lại cánh đồng và thanh thản nhìn vào mênh mông chân trời. Hai thôn nữ ngồi trên triền đê lộng gió có thể đang mở cuốn sách đọc, hoặc đang ngồi trầm tư cạnh nhau mà mỗi người một ý nghĩ. Một khung cảnh quá đẹp bởi sự dung dị của đời sống người nông dân Bắc Bộ khi không còn chiến tranh. Nó như là nỗi khát khao mãnh liệt mà Thành Chương lúc ấy muốn gửi lại cho gia đình, cho cuộc đời những thông điệp mà ông hướng tới. 

Họa sĩ Thành Chương và tác phẩm "Chiều đông" vẽ năm 1971.

Họa sĩ Thành Chương và tác phẩm "Chiều đông" vẽ năm 1971.

E-Magazine | Nhandan.vn
Nội dung:
NHƯ BÌNH
Trình bày: Vân Thanh