CHÍNH SÁCH BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ
Thực trạng và giải pháp
Văn hóa của các dân tộc Việt Nam được coi là nguồn cội, là nguồn lực và sức mạnh mềm trong phát triển. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài được Đảng, Nhà nước đặt ra trong mọi thời kỳ.
Nhiều chủ trương, đường lối, chính sách lớn có liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đã được Đảng, Nhà nước đầu tư nguồn lực, tổ chức thực hiện trong thực tiễn. Nhờ vậy mà bản sắc văn hóa các dân tộc không những được gìn giữ, bảo tồn mà còn được phát huy, chuyển hóa thành các nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, đứng trước sự thay đổi của thời đại, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp đồng bộ, toàn diện và tiên tiến đại nhằm tiếp tục thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả hơn nữa.
Có thể khẳng định, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số (dân tộc thiểu số) luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Qua đó đã góp phần chấn hưng, quảng bá, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Tính hiệu quả trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đã tạo nên hiệu quả quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, hình thành tư tưởng, tình cảm, tinh thần trong đời sống tinh thần của các dân tộc thiểu số và góp phần vào sự phát triển chung của địa phương, vùng và đất nước...
Bên cạnh những kết quả tích cực, trong bối cảnh hiện nay, văn hóa các dân tộc thiểu số ở nước ta cũng đang đứng trước những biến đổi rất sâu sắc, bị mai một lai căng mất dần bản sắc đặt ra những thách thức to lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị. Có thể nhận diện một số thách thức, biến đổi như sau:
Trước hết, đó là sự mai một, biến mất của một số thành tố vốn là bản sắc văn hóa tộc người.
Hai là, quá trình tiếp biến văn hóa đã làm xuất hiện quan niệm, lối sống và nhiều yếu tố văn hóa lai căng/không lành mạnh trong các dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở giới trẻ.
Ba là, yêu cầu giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc thiểu số ngày càng trở nên cấp bách trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế.
Bốn là, cùng với việc quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong quá trình hội nhập thì vấn đề kiến tạo sự gắn kết chặt chẽ việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số với các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi cũng cần được đặt ra.
Việc hoạch định chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa còn biểu hiện của tư duy mang tính áp đặt, chung chung chưa phù hợp với đặc thù của từng vùng, từng dân tộc.
Năm là, công tác thực hiện, đánh giá chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế
Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng đã xác định nhiều quan điểm, chủ trương lớn, mang tính đột phá để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Trong đó bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu có tính đột phá. Một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số cụ thể là:
Thứ nhất: Tiếp tục đổi mới nhận thức trong công tác hoạch định chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số.
Trong đó, trước hết chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực, chất lượng lập pháp của Quốc hội về văn hóa; xem văn hóa là mục tiêu, nguồn lực nội sinh, động lực đột phá của quá trình phát triển. Trong quá trình hoạch định chính sách cần xác định đúng các mục tiêu văn hóa cần đạt được và đánh giá đầy đủ tác động văn hóa trước khi ban hành các chính sách, pháp luật, cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng, hoàn thiện các chính sách “phát triển văn hóa trong phát triển kinh tế và kinh tế trong phát triển văn hóa”, để vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn các giá trị văn hóa tộc người. Có thái độ và cách nhìn thực sự văn hóa, tức là không được nhìn nhận và hành động đối với văn hóa dân tộc khác thông qua lăng kính và hệ giá trị của dân tộc mình mà cần có thái độ tôn trọng đối với di sản văn hóa các dân tộc. Đồng thời cần có thái độ tôn trọng đối với giá trị văn hóa của các dân tộc, không vì kinh tế và các giá trị vật chất mà hi sinh các giá trị tinh thần, văn hóa dân tộc. Tôn trọng nguyên tắc tổng thể của văn hóa trong quá trình phát huy và kế thừa những giá trị văn hóa vì mỗi yếu tố văn hóa không thể tách rời với tổng thể chung của nền văn hóa và xa hơn với tổng thể kinh tế-xã hội.
Việc bảo tồn và phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số nhất thiết phải được đặt trong môi trường sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng, thực sự phát huy vai trò của cộng đồng trong tổ chức các hoạt động cộng đồng phát huy hiệu quả thực sự của các thiết chế văn hóa. Có chính sách phát huy vai trò của chủ thể văn hóa tới sự bảo tồn và phát triển bền vững. Đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng chính sách về văn hóa, văn học, nghệ thuật, đặc biệt ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc thiểu số thích ứng với những tác động, yếu tố chủ quan và khách quan trong quá trình hội nhập phát triển.
Dân tộc Xinh Mun. (Ảnh: Thành Đạt)
Dân tộc Xinh Mun. (Ảnh: Thành Đạt)
(Ảnh: Thành Đạt)
(Ảnh: Thành Đạt)
(Ảnh: Thành Đạt)
(Ảnh: Thành Đạt)
Dân tộc Kinh. (Ảnh: Thành Đạt)
Dân tộc Kinh. (Ảnh: Thành Đạt)
Thứ hai, tiếp tục rà soát văn bản, thể chế hóa các chủ trương của Đảng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số.
Trong đó cần ưu tiên xây dựng Chiến lược tổng thể về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số đặc sắc đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Từ đó có định hướng và căn cứ cho hoạch định và thực hiện các: Chính sách đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở vùng dân tộc thiểu số; bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân gian, lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số; Chính sách khuyến khích xã hội, người dân sưu tầm, bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số; Chính sách tổ chức truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc cho thế hệ trẻ; Chính sách tu bổ, bảo tồn các công trình di tích lịch sử, văn hóa; hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc, phát triển các nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng; Chính sách đặc biệt trong bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo như diễn tấu Cồng chiêng Tây Nguyên, múa Xòe dân tộc Thái, hát Then đàn Tính dân tộc Tày, Múa/Sân khấu dân tộc Chăm...
Chú trọng xây dựng và phát triển số hóa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số để phục vụ cho công tác quản lý, khai thác. Tập trung kiểm kê, đánh giá, phục dựng và thực hiện số hóa giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài, hiệu quả. Đánh giá đúng thực trạng công tác bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số để từng bước xây dựng hệ thống cơ chế chính sách, giải pháp khai thác, phát huy giá trị bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Thứ ba, đổi mới công tác quản lý nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số.
Nhà nước cần quan tâm bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về bảo tồn văn hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa vùng dân tộc thiểu số; có chính sách hỗ trợ, phục dựng các Lễ hội truyền thống; các công trình sản phẩm văn hóa; tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, nghệ sĩ có công tạo dựng các công trình, sản phẩm văn hóa; phổ biến, truyền dạy nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị về văn hóa đối với vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ các mô hình văn hóa đặc sắc, mô hình điểm ở các bản làng; hỗ trợ việc bảo tồn tiếng nói và chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số.
Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát một cách chủ động, thường xuyên công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ động rà soát, kiện toàn tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số.
Chú trọng cơ chế phối hợp trong hoạt động của ngành văn hóa các cấp. Nỗ lực tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phát triển du lịch văn hóa và quảng bá giá trị di sản văn hóa dân tộc để bạn bè quốc tế hiểu hơn về vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam nói chung và cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng.
Cần tiếp tục đầu tư phát triển ngành công nghiệp văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số. Đổi mới, đẩy mạnh và thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” vùng dân tộc thiểu số. Tăng cường giao lưu văn hóa các dân tộc với các các nội dung, loại hình văn hóa, hình thức giao lưu đa dạng, nhất là trong thời kỳ số hoá, vừa đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa đa dạng của người dân, vừa quảng bá những nét đặc sắc riêng trong nền văn hóa của dân tộc mình; đồng thời làm quen, có nhận thức và tiếp cận đúng những yếu tố văn hóa ngoại lai để tiếp nhận, cộng sinh các nền văn hóa, bổ sung nhưng tinh hoa nhằm phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc mình, từ đó làm phong phú thêm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà không bị lai căng, biến dạng, mai một đi trong quá trình phát triển.
Thứ tư, đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn kết với các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số.
Nhà nước cần ưu tư đầu tư, tổ chức thực hiện có hiệu quả Dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” và Dự án 9: “Đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhân dân các dân tộc về các giá trị đặc sắc của văn hóa truyền thống của các dân tộc như là nền tảng tinh thần, là động lực, là nguồn lực nội dung cho phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số. Định vị và phát huy đúng vai trò của người dân với tư cách là chủ thể trong công tác tự bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình mà trọng tâm là: Duy trì, phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp, bài trừ các hủ tục lạc hậu; gắn bảo tồn, phát triển văn hóa tuyền thống của dân tộc với giữ vững, ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, giải quyết các vấn đề xã hội và thực hiện tốt chính sách dân tộc.
Cần tiếp tục cụ thể hóa các nội dung chính sách Bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người (có số dân dưới 10.000 người) các dân tộc thiểu số tại các khu vực tái định cư dự án thủy điện liên thông, kết nối toàn diện với các chương trình, dự án có liên quan. Đây là chính sách cấp thiết có yêu cầu nội dung quan trọng và đặc thù cần có giải pháp cụ thể nhìn nhân trên bình diện nội dung chính sách và phương thức quản lý, tổ chức thực hiện, đầu tư. Đầu tư xây dựng nội dung cụ thể về chính sách xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn kết chặt chẽ những hoạt động xây dựng đời sống văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với từng khu vực, từng vùng, từng dân tộc, tôn giáo.
HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI
Trình bày: Phùng Trang
Ảnh: Thành Đạt
Ngày xuất bản: 17/12/2022