Chính sách khuyến sinh
Chiến lược cho tương lai

Hiện nay, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại Việt Nam là 1,91 và xu hướng mức sinh càng giảm thấp. Đáng chú ý, giới trẻ ngày càng có xu hướng kết hôn muộn, sinh ít con, nên trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam hiện chỉ sinh chưa đến 2 con.

Số địa phương có mức sinh con dưới mức sinh thay thế đang tăng nhanh theo từng năm. Cụ thể, năm 2019 có 22 tỉnh, thành phố, năm 2023 là 27 tỉnh, thành phố và đến năm 2024 đã tăng lên 32 tỉnh, thành phố. Phần lớn các địa phương có mức sinh thấp tập trung tại các vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nơi có tốc độ đô thị hóa cao và tăng trưởng kinh tế nhanh.

Đáng lo ngại, mức sinh ở khu vực thành thị chỉ đạt 1,67 con/phụ nữ (năm 2024), thấp hơn nhiều so với khu vực nông thôn (2,08 con/phụ nữ). Trong khi đó, ở nông thôn, mức sinh từng cao hơn mức sinh thay thế (2,1 con) nhưng hai năm qua cũng đã giảm xuống dưới mức sinh thay thế. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, tình trạng này sẽ diễn biến nhanh và giảm sâu hơn, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng trong tương lai.

Mức sinh thấp đe dọa đến sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội. Mặc dù đã có những chính sách khuyến sinh, song thực tế vẫn còn nhiều rào cản về kinh tế, văn hóa và xã hội khiến nhiều gia đình chưa đủ động lực để sinh con. Để giải quyết thấu đáo vấn đề này cần sự chung tay của toàn xã hội.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức, chia sẻ những giải pháp cụ thể và lắng nghe tiếng nói từ người dân, tiêu điểm “Chính sách khuyến sinh - Chiến lược cho tương lai” của Nhân Dân hằng tháng số tháng 5 tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của tình trạng mức sinh thấp, và đề ra các giải pháp thiết thực để phát triển nguồn nhân lực cho tương lai, góp phần xây dựng một xã hội hạnh phúc, thịnh vượng.

Thách thức lớn
cho tương lai
dân số Việt Nam

Liên tiếp trong ba năm gần đây, mức sinh tại Việt Nam giảm xuống dưới mức thay thế, đặc biệt tại các đô thị lớn. Nguy cơ già hóa dân số, thiếu hụt lao động, áp lực an sinh xã hội đang dần hiện hữu nếu không có các giải pháp can thiệp mạnh mẽ, kịp thời.

Sợ cưới, lười sinh, kết hôn muộn

Sau nhiều lần cân nhắc và trì hoãn, vợ chồng chị Minh Trang (35 tuổi), nhân viên một cơ quan tại Hà Nội, quyết định không sinh thêm con mà tập trung toàn bộ nguồn lực đầu tư cho con gái 10 tuổi. Hai vợ chồng đều xuất thân từ tỉnh lẻ, sau khi tốt nghiệp đại học đã quyết định ở lại Hà Nội lập nghiệp. Những năm đầu, cuộc sống khá chật vật khi phải tự xoay xở mọi thứ, từ công việc, trả nợ căn hộ chung cư đến việc đưa đón, chăm sóc con nhỏ. “Giờ đây khi con đã vào nề nếp học hành, vợ chồng tôi muốn dành thời gian nghỉ ngơi và tập trung phát triển sự nghiệp, làm những điều từng gác lại vì bỉm sữa, cơm áo. Tôi muốn vươn lên để khẳng định mình”, chị Trang chia sẻ. Nghĩ đến cảnh vừa nuôi con nhỏ vừa lo giữ việc giữa áp lực cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh sáp nhập tinh giản biên chế, vợ chồng chị quyết định không sinh thêm con.

Chia sẻ lý do chỉ sinh một, cô giáo Bùi Thị Kim Tuyến, Trường tiểu học An Thới (Bình Thủy, Cần Thơ) cho biết, lương thấp, chồng làm thợ sơn, thu nhập không ổn định. Ông bà nội tuổi đã cao, thấy nuôi cháu quá vất vả, xót con nên không giục giã chuyện sinh nở.

Không chỉ đối mặt với áp lực vật chất, nhiều người trẻ ngày nay chủ động lựa chọn không sinh con. Thay vì lập gia đình sớm, họ ưu tiên học tập, khám phá thế giới, chăm sóc sức khỏe tinh thần, đầu tư phát triển bản thân và theo đuổi sự nghiệp riêng. Việc làm cha mẹ, vốn từng được xem là lẽ sống, giờ đây trở thành lựa chọn cần suy nghĩ kỹ lưỡng.“Tôi không ghét trẻ con, nhưng chưa sẵn sàng từ bỏ tự do hay giấc ngủ chỉ để thức dậy chăm con lúc nửa đêm. Cuộc sống độc thân thoải mái và nhẹ nhõm, tôi chưa muốn kết hôn”- anh Phạm Duy, 32 tuổi, làm việc trong ngành công nghệ ở TP Hồ Chí Minh bộc bạch.

Nguồn: Cục Thống kê

Nguồn: Cục Thống kê

Khảo sát của Cục Dân số năm 2023 cho thấy, 76% các cặp vợ chồng trẻ sống tại đô thị không muốn sinh con thứ hai, chủ yếu do chi phí nuôi con quá cao. Từ thực phẩm, học phí, chi phí y tế cho đến nhà ở đều liên tục tăng, trong khi thu nhập không tăng tương ứng, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh “đuối sức” khi tính đến chuyện mở rộng quy mô gia đình. Chi cục trưởng Dân số-Kế hoạch hóa Gia đình Đà Nẵng Phùng Thị Hương Hạnh cho biết, thực trạng mức sinh thấp trên địa bàn thành phố xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó nhà ở được xem là áp lực lớn. Theo Liên đoàn Lao động thành phố Cần Thơ, công nhân thu nhập thấp, không ổn định, thường phải làm tăng ca, thêm giờ, và không còn nhiều thời gian giao lưu tìm hiểu, lựa chọn bạn đời hay chăm sóc con cái và cân bằng cuộc sống gia đình. Làm việc trong môi trường kỷ luật cao, yêu cầu khắt khe về năng suất và chất lượng sản phẩm, công nhân có tay nghề, trình độ, thu nhập cao phải chịu áp lực công việc rất lớn dễ mệt mỏi, căng thẳng trầm cảm, dẫn đến chậm con, hiếm muộn, vô sinh.

Nhiều gia đình trẻ đối diện với nỗi lo khi sinh con, nhưng các chính sách hỗ trợ sau sinh như nhà trẻ công, trợ cấp chăm con hay nghỉ linh hoạt... còn hạn chế, đặc biệt với lao động khu vực ngoài nhà nước. Nhịp sống đô thị nhanh, môi trường làm việc cạnh tranh cao, nhiều cặp vợ chồng nhờ cậy ông bà trông con, nếu không có sự hỗ trợ, sinh thêm con trở thành gánh nặng ngoài tầm với. Sau khi sinh, không ít phụ nữ còn đối mặt với nguy cơ mất việc, giảm cơ hội thăng tiến hoặc bị phân biệt đối xử nơi công sở.

Niềm vui của gia đình đón nhận thêm thành viên mới.

Niềm vui của gia đình đón nhận thêm thành viên mới.

Những con số báo động

Theo Tổng cục Thống kê, tổng tỷ suất sinh (TFR) của Việt Nam năm 2024 chỉ đạt 1,91 con/phụ nữ, thấp hơn đáng kể so với mức thay thế là 2,1. Đáng nói, con số này có xu hướng giảm so với mức 2,11 của năm 2021 và 1,96 của năm 2023.
Tại TP Hồ Chí Minh- trung tâm kinh tế năng động nhất cả nước, liên tục 25 năm qua, tổng tỷ suất sinh dao động trong biên độ từ 1,2 đến 1,6, mức sinh năm 2024 đạt 1,4, vẫn ở mức thấp nhất trong cả nước, độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu đã vượt con số 30. Hà Nội cũng không khả quan hơn, khi tỷ suất sinh dao động quanh mức 1,6 - 1,7 con/phụ nữ trong năm 2024, thấp hơn đáng kể so với ngưỡng cần thiết để duy trì dân số ổn định.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dân số hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong ba năm liên tiếp, mức sinh trên toàn quốc đều giảm dưới mức sinh thay thế, cho thấy rõ sự báo động. Đặc biệt, năm 2024, vốn được xem là năm đẹp theo quan niệm dân gian (năm Rồng), mức sinh tiếp tục giảm.

Nếu xu hướng sinh thấp tiếp diễn, đến năm 2039 Việt Nam sẽ bước ra khỏi thời kỳ dân số vàng, đến năm 2042 quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh, và sau năm 2054, dân số có thể bắt đầu suy giảm về số lượng. Khi đó, hệ lụy là rất lớn: thiếu hụt lao động, quy mô dân số suy giảm, quá trình già hóa tăng tốc, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội. Theo dự báo của Cục Dân số, trong nhóm 19 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp chủ yếu thuộc khu vực Đông và Tây Nam Bộ, tốc độ tăng dân số bình quân trong giai đoạn 2024-2045 có xu hướng chững lại, nếu không có biện pháp can thiệp mạnh mẽ, nguy cơ tăng trưởng dân số âm sẽ ngày càng rõ rệt.

Theo một số chuyên gia, hiện nay một lớp người trẻ có xu hướng sống độc lập, tập trung phát triển bản thân thay vì gò mình vào hôn nhân và trách nhiệm nuôi dạy con cái. Họ không chống lại gia đình, chỉ đơn giản là không xem đó là ưu tiên hàng đầu. Nhiều người lựa chọn sống độc thân, trì hoãn hôn nhân hoặc chỉ sinh một con, bất chấp kỳ vọng từ cha mẹ hay lời ra tiếng vào từ xã hội. Sự phát triển kinh tế-xã hội dẫn đến thay đổi giá trị con cái và do đó làm biến đổi mức sinh. Bài toán chi phí đắt nhưng lợi ích giảm dần khiến nhiều người không sinh con, trì hoãn sinh con hoặc sinh rất ít.

Mức sinh thấp không chỉ là kết quả của một vài yếu tố đơn lẻ, mà bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa, trong đó nổi bật là áp lực tài chính, thay đổi trong lối sống và tư duy của giới trẻ, cùng với sự thiếu đồng bộ trong chính sách hỗ trợ. GS,TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân) nhận định, nhóm đang bước vào độ tuổi sinh sản cao nhất hiện chủ yếu dưới 35 tuổi, đặc biệt đông ở nhóm sinh sau năm 1990 - thời điểm chính sách kế hoạch hóa gia đình tại Việt Nam được triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, do sống trong thời đại 4.0, môi trường toàn cầu hóa, được tiếp cận nhiều thông tin và có tư duy hiện đại, nhu cầu sinh nhiều con trong nhóm này rất thấp.
Mức sinh thấp kéo dài tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa-xã hội, kéo theo gây lãng phí hạ tầng xã hội như nhà ở, trường học, cơ sở y tế; tạo ra áp lực ngày càng tăng đối với hệ thống an sinh xã hội dành cho người cao tuổi như lương hưu, bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp xã hội, chế độ chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí…, trong khi chi phí chăm sóc sức khỏe người già cao gấp 7-8 lần trẻ em.

Một số địa phương có mức sinh thấp dưới mức thay thế đã ban hành một số chính sách khuyến khích phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi như tặng giấy khen và thưởng một lần 1 triệu đồng (Bạc Liêu, Tiền Giang, Long An...), 3 triệu đồng (TP Hồ Chí Minh). Ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Dân số TP Hồ Chí Minh cho biết, khoản này hỗ trợ một phần cho chi phí y tế khi thăm khám thai kỳ, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh và chi phí viện phí đồng chi trả sau khi được bảo hiểm y tế thanh toán. Ngành y tế thành phố cũng đang khẩn trương trình một nghị quyết đặc thù về hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn cho tất cả các cặp đôi ra đăng ký kết hôn và hỗ trợ toàn bộ chi phí sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh cho người dân thành phố.

Bài toán tăng sinh là một hành trình bền bỉ, cần sự tham gia của cả xã hội từ chính sách đến đời sống thực tiễn. Muốn người dân sinh con, phải tạo môi trường sống khiến họ muốn sinh, dám sinh và có thể nuôi dạy con một cách an tâm, bền vững. Chính sách tài chính là cần thiết, nhưng chưa đủ. Điều cốt lõi là phải xây dựng được một hệ sinh thái hỗ trợ sinh đẻ, nuôi dưỡng, giáo dục toàn diện, nơi mỗi đứa trẻ được chào đón và nuôi lớn bằng sự yên tâm của cha mẹ.

Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Ngọc Dung-Công Vinh-Ái Minh- Gia Khánh-TS Phạm Vũ Hoàng-Hoài Thu
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Duy Linh, Duy Thanh, internet.