Sri Lanka theo đuổi chính sách đối ngoại nào?

Chính phủ Sri Lanka thi hành chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, không liên kết, coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, nhất là với Ấn Độ, Pakistan; chủ trương phát triển quan hệ cân bằng giữa các nước lớn, các tổ chức khu vực và liên khu vực.

Từ đầu những năm 90, Sri Lanka đã điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ đối ngoại. Từ năm 2002, Sri Lanka tranh thủ môi trường hòa bình và ổn định, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại với các nước, nhất là các nước và các tổ chức tài trợ nhằm hỗ trợ cho quá trình hòa đàm, cô lập lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (LTTE) và đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội.

Sri Lanka cũng chú trọng triển khai chính sách hướng Đông, tăng cường quan hệ với các nước Đông Bắc Á và các nước ASEAN, tận dụng sự năng động của khu vực này để phát triển kinh tế. Sri Lanka tích cực hoạt động trong các tổ chức quốc tế, khu vực và liên khu vực như Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), Sáng kiến vùng vịnh Bengal về hợp tác kinh tế và kỹ thuật (BIMSTEC)...

Chính phủ Sri Lanka chủ trương kết hợp hài hòa giữa kinh tế thị trường với sự kiểm soát của Nhà nước, với tham vọng biến lợi thế về mặt địa lý để đưa Sri Lanka trở thành trung tâm khu vực về hàng hải, hàng không, thương mại và tri thức, là cầu nối quan trọng giữa phương Đông và phương Tây.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam nhân chuyến thăm chính thức của ông Wickremesinghe tại Việt Nam từ ngày 16-18/4/2017. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe duyệt đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam nhân chuyến thăm chính thức của ông Wickremesinghe tại Việt Nam từ ngày 16-18/4/2017. (Ảnh: TTXVN)

Ngoại giao kinh tế được ưu tiên trong chính sách đối ngoại. Sri Lanka tích cực vận động các định chế tài chính quốc tế cho vay vốn. Ngoài ra, Sri Lanka nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao kinh tế trong nội dung của các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao tới các nước.