CHÍNH SÁCH QUỐC PHÒNG
“BỐN KHÔNG” GÓP PHẦN BẢO VỆ TỔ QUỐC TỪ SỚM, TỪ XA, GIỮ NƯỚC TỪ KHI NƯỚC CHƯA NGUY
Chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại nhằm củng cố tăng cường quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa được thể hiện trong văn kiện các kỳ Đại hội Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã nêu rõ chính sách quốc phòng “bốn không” gồm: “Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”[1].
Đây là thông điệp thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam; đồng thời, thể hiện quan điểm, chủ trương và chính sách quốc phòng của Việt Nam là: hòa bình, tự vệ; kiên quyết, kiên trì giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; chủ động ngăn ngừa nguy cơ xung đột, chiến tranh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy.
1. Thực tiễn thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy
Trong chính sách quốc phòng “bốn không”, Việt Nam chủ trương “Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết nước này để chống nước kia”.
Đây là chính sách đúng đắn, phù hợp với thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi nếu Việt Nam liên minh quân sự hoặc liên kết với một nước nào đó để chống nước thứ ba sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ xung đột lớn, đe dọa trực tiếp đến độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chỉ có chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, không tham gia bất cứ một liên minh quân sự nào, không đi theo hoặc liên kết với bất cứ nước nào để chống nước khác, Việt Nam mới có môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, trong chính sách quốc phòng “bốn không”, Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh quan điểm không sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Vì đó không phải là lựa chọn tối ưu để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam luôn dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế để giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng và triệt tiêu nguy cơ xung đột, chiến tranh, đe dọa đến độc lập, chủ quyền của đất nước.
Cùng với đó, Việt Nam nêu rõ chủ trương không chấp nhận để nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình hoặc sử dụng một phần lãnh thổ của Việt Nam để chống lại nước khác. Hơn nữa, thực tiễn thế giới chỉ rõ, nếu có căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ quốc gia mình dễ biến đất nước thành đối tượng, mục tiêu tấn công, chống phá của các thế lực thù địch.
Chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam là sự đúc kết sâu sắc và kế thừa, vận dụng sáng tạo truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; là sự vận dụng sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, về xây dựng Quân đội và củng cố quốc phòng; là sự đúc kết từ thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đặc biệt là quán triệt sâu sắc đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng được xác định trong lý luận về đường lối đổi mới của Đảng và trong nhiều chỉ thị, nghị quyết về quân sự, quốc phòng.
Đó là kết tinh bản lĩnh, trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, được nâng lên thành chính sách giữ nước, đóng vai trò trọng yếu trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh là, Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” luôn gắn kết chặt chẽ giữa chủ trương phát triển kinh tế - xã hội với chủ trương củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tạo thành một thể thống nhất để phát huy sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài học từ thực tiễn nắm chắc tình hình thế giới, khu vực thời gian qua cho thấy, lựa chọn chính sách quốc phòng “bốn không” là quan điểm, chủ trương, chính sách đúng đắn, nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đó cũng là cam kết chắc chắn của Việt Nam với cộng đồng quốc tế và là cơ sở vũng chắc để Việt Nam giải quyết thỏa đáng mối quan hệ đối tác và đối tượng, hợp tác và đấu tranh.
Trước sau như một, Việt Nam luôn thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ, mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng với các nước, các tổ chức quốc tế, trong đó chú trọng quan hệ hợp tác về quốc phòng, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Hơn nữa, xét ở tầm chiến lược, chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam còn là kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy. Về vấn đề này, ngay từ thời phong kiến, Vua Lý Nhân Tông đã căn dặn các quần thần rằng: “Nên sửa sang giáo mác, để phòng việc không ngờ”[2].
Còn vua Lê Thái Tổ luôn nhắc nhở hậu thế: “Biên phòng hảo vị trù phương lược, Xã tắc ưng tu kế cửu an” (Giữ gìn bờ cõi tốt phải có phương sách trù liệu, Xã tắc nên chuẩn bị kế hoạch yên ổn lâu dài)[3].
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước”[4]. Đó là những bài học lịch sử có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với việc thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Đề cập đến vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (2011) xác định: “Chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”[5].
Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021), bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy trở thành một nhiệm vụ đặc biệt trọng yếu. Đại hội nhấn mạnh cần: “Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”[6].
Nhờ thực hiện tốt chính sách quốc phòng “bốn không”, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác quốc phòng với hơn 100 nước trên thế giới, trong đó có tất cả các nước thuộc Ủy viên Thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp).
Quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với các nước ngày càng thực chất hơn, trở thành một trong những trụ cột trong quan hệ của Việt Nam với các nước. Đặc biệt, Quân đội nhân dân Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia hiệu quả hoạt động giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc, được Liên hợp quốc và bè bạn quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Hình ảnh các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam có mặt ở nhiều nơi trên thế giới tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc đã minh chứng cho việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam và là bằng chứng sinh động chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam là đúng đắn trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có những diến biến nhanh, phức tạp, khó dự báo, góp phần gìn giữ, phát huy và lan tỏa phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng bè bạn quốc tế.
Hơn nữa, thành công của hội nhập quốc tế về quốc phòng và hiệu quả trong thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” đã trực tiếp góp phần đưa Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, với số phiếu tán thành rất cao (192/193), góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, thiết thực bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Như vậy, thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không” đã trực tiếp góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy, ngăn ngừa nguy cơ xung đột và chiến tranh. Thông qua việc thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”, Việt Nam đã bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo điều kiện và tiền đề để giữ vững an ninh trên bộ, đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo và tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước, góp phần vào hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
2. Một số giải pháp tiếp tục thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy
Trong những năm tới, trên thế giới, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại tiếp tục diễn ra gay gắt; sự tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn biến phức tạp; các cuộc xung đột quân sự ở một số khu vực trên thế giới tác động đến địa chính trị, địa kinh tế, an ninh năng lượng và chuỗi cung ứng toàn cầu; khoa học - công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo ra cả thời cơ và thách thức mới đối với mọi quốc gia, dân tộc; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và đất nước...
Trong khi đó, ở trong nước, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, thúc đẩy “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong bội bộ, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch. Trước tình hình đó, để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nhằm thực hiện hiệu quả chính sách quốc phòng “bốn không” cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, hiệu lực quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước trong thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy
Thực tiễn cho thấy, trước tình hình quốc tế, khu vực có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo, việc giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, hiệu lực quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước là nhân tố quyết định trong thực hiện thắng lợi chính sách quốc phòng “bốn không”. Cùng với đó, cần quán triệt sâu sắc mọi chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII ngày 24-11-2023 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, với mục tiêu: “Kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài, để tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc…”[7].
Chỉ có như vậy, chính sác quốc phòng “bốn không” của Việt Nam mới phát huy hết hiệu quả, chúng ta mới bảo vệ vững chắc được độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Hai là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chính sách quốc phòng “bốn không” và chủ trương, đường lối bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy
Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng, cần được tiếp tục đẩy mạnh bằng nhiều nội dung, hình thức và biện pháp khác nhau. Trong đó, chú trọng tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chính sách quốc phòng “bốn không”, về chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 8, khóa XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam, Luật Quốc phòng, v.v…, qua đó, khẳng định chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ của Việt Nam; kiên quyết, kiên trì giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình dựa trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế; ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột, nguy cơ chiến tranh để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao trong công tác thông tin tuyên truyền về chính sách quốc phòng “bốn không” và chủ trương, đường lối bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa cần nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, dự báo, đánh giá tình hình; qua đó, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đối với nhân dân, bè bạn quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài. Chỉ có như vậy, hiệu quả thông tin tuyên truyền mới được nâng cao, giúp nhân dân, bè bạn quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài hiểu rõ chính sách quốc phòng “bốn không” của Việt Nam.
Ba là, cần phát huy sức mạnh tổng hợp để triển khai chính sách quốc phòng “bốn không”, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy
Trong quá trình thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”, cần thực hiện đồng bộ với nhiều phương pháp hữu hiệu khác: Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; quốc phòng với an ninh, an ninh với quốc phòng; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, v.v..
Đặc biệt, cần thường xuyên tăng cường sức mạnh quốc phòng trên cơ sở sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp của đất nước, sức mạnh của độc lập, tự chủ, tự cường, tự lực, bảo vệ vững chắc Tổ quốc bằng bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy... Đó vừa là quan điểm bao trùm của Đảng và Nhà nước trong thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”, vừa là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa.
Bốn là, đẩy mạnh hội nhập quốc tế về quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy
Đây vừa là yêu cầu, nhiệm vụ trong thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”, vừa là kế sách giữ nước từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình. Do đó, cần phát huy vai trò của đối ngoại quốc phòng trong tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, huy động các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình đẩy mạnh hội nhập quốc tế về quốc phòng cần thực hiện theo nguyên tắc linh hoạt, mềm dẻo, có nguyên tắc nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng là giảm đối tượng, tăng cường đối tác, tạo ra thế đan xen về lợi ích chiến lược giữa Việt Nam với các nước, nhất là với các nước lớn, các đối tác chiến lược và các nước láng giềng. Đồng thời, không ngừng củng cố quan hệ hữu nghị, đoàn kết quốc tế, thúc đẩy hợp tác quốc phòng để tăng cường tiềm lực quốc phòng, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; nâng cao uy tín, vị thế của Quân đội, của đất nước trên trường quốc tế.
Năm là, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc về chính sách quốc phòng “bốn không” và chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy của Việt Nam
Hiện nay và dự báo trong thời gian tới, lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động luôn tìm mọi cách xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về mọi vấn đề của đời sống xã hội, trong đó có chính sách quốc phòng “bốn không” cũng như chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Việt Nam. Do đó, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch là yêu cầu đặt ra cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc sâu rộng của các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó cần quán triệt sâu sắc mọi chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Đồng thời, cần làm cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, bè bạn quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài hiểu rõ đó là chính sách quốc phòng mang tính hòa bình, tự vệ; làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn; nội dung của chính sách cũng như kết quả đạt được trong thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa để phản bác lại những luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch. Vì những kết quả Việt Nam đạt được trong sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó có việc thực hiện tốt chính sách quốc phòng “bốn không” và chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chính sách quốc phòng “bốn không” góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước Việt Nam; là sự kế thừa truyền thống lịch sử của dân tộc và quán triệt, vận dụng sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhờ thực hiện tốt chính sách quốc phòng “bốn không”, đã góp phần củng cố tiềm lực đất nước và tạo ra sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa.
Trong thời gian tới, trước tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, việc vận dụng những giải pháp nêu trên có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ sớm, từ xa, tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, “hướng tới năm 2030, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng, nước ta trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: phấn đấu đưa nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng đất nước Việt Nam ta ngày càng cường thịnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”[8]./.
Rạng rỡ những gương mặt chiến sĩ trẻ lên đường bảo vệ biển đảo quê hương. Ảnh: Duy Tiến
Rạng rỡ những gương mặt chiến sĩ trẻ lên đường bảo vệ biển đảo quê hương. Ảnh: Duy Tiến
Niềm vui của chiến sĩ trong ngày huấn luyện tại thao trường.
Niềm vui của chiến sĩ trong ngày huấn luyện tại thao trường.
Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Quân đội nhân dân Việt Nam - Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang, lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh”
Ngày xuất bản: 21/12/2024
Trình bày: DUY LONG
Ảnh: Báo QĐND, Báo Nhân Dân