Tình hình chính trị gần đây tại Vương quốc Campuchia?

Vương quốc Campuchia theo chế độ quân chủ lập hiến, thực hiện chế độ đa đảng và phát triển theo hướng nền kinh tế thị trường.

Đứng đầu Nhà nước là Quốc vương. Hệ thống quyền lực được phân định rõ giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, gồm: Quốc vương, Hội đồng Ngôi Vua, Thượng viện, Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Hội đồng Hiến pháp và các cơ quan hành chính các cấp.

Tình hình an ninh, chính trị Campuchia thời gian qua cơ bản ổn định. Năm 2018, Campuchia đã tổ chức thành công cuộc bầu cử Thượng viện khóa IV và cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI, trong đó Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) giành thắng lợi tuyệt đối. Đây là lần đầu tiên kể từ khi Campuchia đi vào thể chế chính trị đa đảng, CPP nắm giữ trọn cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Biểu diễn văn nghệ trong lễ kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) (28/6/1951 - 28/6/2022). (Ảnh: Nguyễn Hiệp-Sơn Xinh)

Biểu diễn văn nghệ trong lễ kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) (28/6/1951 - 28/6/2022). (Ảnh: Nguyễn Hiệp-Sơn Xinh)

Tiếp đó, CPP giành thắng lợi cũng gần như tuyệt đối trong cuộc bầu cử Hội đồng thủ đô/tỉnh, thành phố/quận/huyện nhiệm kỳ III được tổ chức vào năm 2019. Trong cuộc bầu cử Hội đồng xã, phường nhiệm kỳ 5 diễn ra tháng 6/2022, CPP cũng giành được sự tín nhiệm cao nhất của cử tri cả nước.

Sau bầu cử Quốc hội, CPP đã chủ động đẩy nhanh tiến trình thành lập Quốc hội và Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ VI. Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố lãnh đạo Chính phủ Campuchia thực hiện Cương lĩnh chính trị đã cam kết trong chiến dịch tranh cử; kiện toàn một số vị trí chỉ huy trong quân đội; Thành lập Hội đồng tư vấn tối cao với thành viên là lãnh đạo 16 đảng tham gia bầu cử Quốc hội khóa VI.

CPP tập trung chỉ đạo đi sâu vào công tác xây dựng Đảng, trong đó có việc cải cách trong nội bộ Đảng, tăng cường củng cố đoàn kết nội bộ, bổ sung lớp kế cận vào hàng ngũ lãnh đạo đảng.

CPP cũng thúc đẩy cải cách tinh giản bộ máy quản lý trong nước, siết chặt công tác phòng chống tham nhũng, tăng cường tiếp xúc cử tri để lắng nghe và giải quyết các nguyện vọng của người dân, tiến hành cải cách kinh tế nhằm tăng cường tính cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước, triển khai các chính sách an sinh xã hội, tiến hành cải cách hành chính và đề ra một số giải pháp mới về phát triển đất nước.