CHỈ THỊ CỦA TỔNG CỤC CHÍNH TRỊ
Số 88-CTH, ngày 10 tháng 4 năm 1954
Về lãnh đạo tư tưởng hoàn thành nhiệm vụ
Chiến dịch Đông Xuân 3
Gửi: Các đại đoàn, các khu tư lệnh và các trung đoàn trực thuộc,
1. TÌNH HÌNH TƯ TƯỞNG VÀ SỰ QUAN TRỌNG CỦA VIỆC LÃNH ĐẠO TƯ TƯỞNG HIỆN NAY
1. Thực hiện nhiệm vụ Đông Xuân, tư tưởng của bộ đội có nhiều tiến bộ. Trên chiến trường Điện Biên Phủ, cán bộ và chiến sĩ đã nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn chiến đấu anh dũng và lập được nhiều thành tích to lớn. Trên các chiến trường phối hợp trong toàn quốc, cán bộ và chiến sĩ cũng đã chịu đựng gian khổ vượt mọi khó khăn chiến đấu anh dũng nên đã hoạt động mạnh và đều, phối hợp được chặt chẽ với chiến trường chính, buộc địch phải phân tán lực lượng, gây cho địch thêm nhiều lúng túng khó khăn thất bại. Riêng trên chiến trường đồng bằng, cán bộ và chiến sĩ cũng đã nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn chiến đấu anh dũng nên đã lập được nhiều thành tích, phối hợp chặt chẽ với Điện Biên Phủ, nhất là các trận đánh ở trường bay Gia Lâm, Cát Bi, đường số 5 và khu Tây Nguyên. Tình hình tư tưởng trên rất tốt, chúng ta cần phát huy lên nữa để tiếp tục hoạt động lâu dài, giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch.
2. Đặc điểm của chiến dịch năm nay là đánh lâu dài, đánh liên tục, không phải chỉ đánh trong một thời gian ngắn rồi lại nghỉ ngơi như mấy năm trước. Nói chung bộ đội ta đã giải đáp được đòi hỏi của nhiệm vụ và còn có thể tiếp tục đánh lâu dài liên tục hơn nữa, nhưng đồng thời cũng đã xuất hiện những tư tưởng như sau:
a) Tư tưởng mỏi mệt đã bắt đầu chớm nở: Vận động nhiều và tác chiến liên miên thì kêu ca; không muốn đánh nhỏ ăn chắc, ham đánh lớn ăn to để chóng được nghỉ ngơi; không muốn vào sâu trong lòng địch chiến đấu liên tục trong một thời gian dài, chỉ muốn thọc vào đánh một vài trận rồi kéo ra vùng tự do nghỉ ngơi chỉnh đốn: thậm chí có đơn vị có hiện tượng cầu an hưởng lạc như xin giải ngũ về thành lập gia đình.
b) Chủ quan khinh địch: Một số đơn vị chiến đấu trong vùng tạm bị chiếm thì coi thường địch, thiếu điều tra nghiên cứu, không chuẩn bị kỹ lưỡng, không tiêu diệt được địch lại bị tiêu hao nên đã sinh ra bi quan tiêu cực, không tin ở phương châm của trên và đã bắt đầu sợ địch. Một số đơn vị ở vùng tự do thì có tư tưởng đại hậu phương, thiếu cảnh giác coi thường âm mưu địch, thiếu tích cực khẩn trương trong việc phục vụ tiền tuyến.
Đó là biểu hiện tư tưởng thiếu tích cực tấn công tiêu diệt địch và sợ địch. Tư tưởng này nếu không khắc phục được thì rất trở ngại đến việc hoàn thành nhiệm vụ Đông Xuân. Không những không thể liên tục chiến đấu dẻo dai bền bỉ để buộc địch phải phân tán hơn nữa cho ta giành lấy thắng lợi ở Điện Biên Phủ và trong toàn quốc mà địch có thể tập trung lực lượng cố giữ Điện Biên Phủ, lợi dụng mỏi mệt và chủ quan của ta càn quét vùng tạm bị chiếm, đánh ra vùng tự do gây cho ta nhiều thiệt hại khó khăn. Cán ra sức khắc phục cho bằng được tư tưởng xấu đó để giành lấy toàn thắng cho chiến dịch và giáng cho dịch những đòn chí tử hơn nữa.
II- TRỌNG ĐIỂM VÀ PHƯƠNG CHÂM LÃNH ĐẠO TƯ TƯỞNG
Kết hợp chặt chẽ với tình hình thế giới và trong nước, đẩy mạnh tuyên truyền chiến thắng của ta, động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội, nâng cao quyết tâm tiêu diệt địch lên một bước nữa, đề phòng và khắc phục tư tưởng chủ quan khinh địch, sợ mỏi mệt muốn nghỉ ngơi, phát huy cao độ tinh thần chịu đựng gian khổ khắc phục khó khăn chiến đấu anh dũng của bộ đội, tích cực phối hợp với Điện Biên Phủ, tiêu diệt thêm nhiều sinh lực địch hơn nữa, giành thắng lợi hoàn toàn cho Chiến dịch Đông Xuân.
III- NỘI DUNG LÃNH ĐẠO TƯ TƯỞNG
1. Kết hợp với tình hình trong và ngoài nước hiện nay, tuyên truyền thắng lợi to lớn của Chiến dịch Đông Xuân một cách có hệ thống, nói rõ thắng lợi to lớn ở Điện Biên Phủ và trên chiến trường toàn quốc như thế nào, nói rõ ảnh hưởng to lớn của những chiến thắng đó đối với tình hình trong và ngoài nước ra làm sao.
2. Nhưng cũng cần phải nói rõ không phải địch chịu thua một cách dễ dàng mà chúng sẽ chống đỡ đến cùng hòng cứu vãn tình thế, vì thắng hay bại ở Điện Biên Phủ có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc chiến đấu giữa địch và ta sau này, có ảnh hưởng đến việc đấu tranh chính trị giữa địch và ta. Bởi vậy càng thất bại địch càng cố gắng vượt mọi khó khăn cố giữ Điện Biên Phủ cho đến mùa mưa và xong Hội nghị Giơnevơ. Đồng thời phải nói rõ tuy ta có khó khăn, nhưng có rất nhiều điều kiện để tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ nếu chúng ta kiên quyết chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn và chiến đấu anh dũng hơn nữa.
3. Cần liên hệ với nhiệm vụ cụ thể của bộ đội, nói rõ nhiệm vụ phải phối hợp chặt chẽ với Điện Biên Phủ và ra sức phục vụ tiền tuyến. Đối với các bộ đội đang hoạt động sau lưng địch cần nhấn mạnh nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ quan trọng như thế nào để động viên tinh thần chiến đấu lâu dài liên tục một cách dẻo dai bền bỉ thực hiện cho được phương châm đánh nhỏ ăn chắc và khẩu hiệu đánh không ngớt tiếng súng và kết hợp tác chiến với địch vận. Đối với những đơn vị ở vùng tự do phải nói rõ nhiệm vụ tích cực phục vụ tiền tuyến, tăng cường xây dựng lực lượng, củng cố hậu phương, đề phòng địch đánh ra quấy rối hoặc cho gián điệp ra phá hoại, bảo vệ lấy cuộc cải cách ruộng đất, bảo đảm cho sự an toàn của hậu phương và bảo đảm cho được sự liên hệ mật thiết giữa hậu phương và tiền tuyến.
Việc tiếp tục tác chiến tiêu diệt thêm nhiều sinh lực địch giành thắng lợi lớn trong Đông Xuân này có một ý nghĩa rất lớn đối với cuộc kháng chiến của ta và tình hình thế giới hiện nay. Công tác động viên chính trị và lãnh đạo tư tưởng đóng một vai trò quyết định trong việc thực hiện nhiệm vụ đó. Các cấp uỷ, các đơn vị cần nhận rõ ý nghĩa quan trọng, nhất là ý nghĩa chính trị của chiến dịch này, biến quyết tâm cao độ của Trung ương và Hồ Chủ tịch thành quyết tâm của toàn thể bộ đội, nhận rõ ta có điều kiện và cần thiết phối hợp lâu dài.
Nhận được chỉ thị này các cấp đảng ủy từ tiểu đoàn trở lên khai hội nghiên cứu kỹ lưỡng, liên hệ mật thiết với tình hình tư tưởng của mình, đặt kế hoạch giải quyết cho cụ thể để khắc phục tư tưởng xấu, phát huy tư tưởng tốt, chiến đấu thắng lợi góp phần vào thành tích chung.
Thực hiện chỉ thị này, các cấp uỷ phải giữ vững chế độ báo cáo: Khai hội xong điện báo cáo tóm tắt, báo cáo cụ thể bằng giấy tờ gửi sau, thường xuyên trong khi hoạt động như khi chuẩn bị, khi tác chiến, khi nghỉ ngơi chỉnh đốn đều phải báo cáo về tình hình tư tưởng bộ đội và chủ trương giải quyết của cấp ủy như thế nào.
CHỦ NHIỆM TỔNG CỤC CHÍNH TRỊ
NGUYỄN CHÍ THANH
Nội dung: Đại úy, ThS Nguyễn Ngọc Toán – Viện Lịch sử quân sự
Trình bày: HÙNG HIẾU
Ảnh: TTXVN